Ý kiến

Trụ cột dẫn dắt tăng trưởng: Từ xuất khẩu sang tiêu dùng

Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia có tăng trưởng GDP thuộc loại cao trong 5 năm tới. Năm 2025 có thể chứng kiến vai trò trụ cột dẫn dắt tăng trưởng chuyển từ xuất khẩu sang tiêu dùng trong nước.

Tác giả: Frederic Neumann

22 tháng 11, 2024 lúc 10:09 AM

Trong năm Ất Tỵ sắp tới, tôi thấy có sự dịch chuyển của cỗ máy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ xuất khẩu sang tiêu dùng trong nước. Điều này không có nghĩa là tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam sụt giảm, còn tiêu dùng nội địa tăng vọt. Những dấu hiệu tích cực từ sức mua nội địa và kinh tế trong nước nói chung, cộng với sự sụt giảm một chút của hoạt động xuất khẩu sẽ đưa tăng trưởng GDP Việt Nam đạt khoảng 6,5%, dù có sự thay đổi về cơ cấu đóng góp của từng trụ cột.

Các chỉ báo cho thấy thương mại toàn cầu đang hạ nhiệt, kéo theo các đơn hàng xuất khẩu trong mảng sản xuất từ nhiều nền kinh tế giảm bớt. Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) của Việt Nam trong tháng Mười tuy trên mức 50 song giảm so với tháng trước, một phần do cơn bão Yagi. Không riêng gì Việt Nam, nhiều quốc gia khác cũng ghi nhận chỉ số PMI giảm. Tôi nghĩ rằng đó là những chỉ báo sớm cho thấy hoạt động xuất khẩu có thể không còn đủ mạnh để trở thành trụ cột dẫn dắt tăng trưởng trong năm sau.

1(4).jpg

Tiêu dùng nội địa tại Việt Nam có vẻ lạc quan hơn do lạm phát tiếp tục hạ nhiệt. Có độ trễ nhất định để giảm nhiệt của lạm phát phản ánh vào niềm tin và sức mua của người tiêu dùng.

Lĩnh vực bất động sản, theo tôi, đã chạm đáy, và có một dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang hướng vào lĩnh vực này. Dữ liệu chỉ ra rằng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy cơ hội ở một số dự án chiến lược. Thị trường bất động sản sẽ không thể ấm lên nhanh chóng, có lẻ mọi chuyện sẽ rõ ràng hơn trong hai năm tới. Những gì ở hiện tại chúng tôi thấy là sự gia tăng trong tiêu dùng. Tôi cũng nghĩ rằng trong năm tới, chính phủ sẽ tăng tốc trong giải ngân vốn đầu tư công, do các gián đoạn liên quan tới luật và chính sách đang giảm bớt, và có thể tập trung hơn vào việc thực thi. Chúng ta sẽ sớm thấy các dự án cơ sở hạ tầng được đẩy nhanh tiến độ trong năm sau, và đó sẽ là lực kéo cho hoạt động tiêu dùng trong nước lẫn đầu tư tư nhân.

Tôi cũng muốn nói rằng tiêu dùng nội địa hiện tại ở Việt Nam vẫn thấp hơn mức trước dịch, và do vậy, còn nhiều không gian để tăng trưởng. Nếu không chi tiêu dùng nhiều như bạn đã từng trong hai hoặc ba năm trước, khi kinh tế phục hồi, bạn có thể sẽ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn.

Với tôi, du lịch cũng là một lĩnh vực đang tăng trưởng tốt. Tôi nghĩ rằng lĩnh vực này sẽ tiếp tục khởi sắc trong đầu năm tới, và điều đó chắc chắn sẽ tốt cho hoạt động bán lẻ - tiêu dùng trong nước. Khi tôi hạ cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất hôm qua, đã có một hàng dài người xếp hàng chờ đợi nhập cảnh vào Việt Nam.

Rõ ràng là nhu cầu bị dồn nén sẽ sớm bung ra, và tôi rất lạc quan kỳ vọng rằng vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm sau sẽ được chuyển sang cho tiêu dùng nội địa. Trong khoảng 18 tháng sắp tới, sự lạc quan và niềm tin của người tiêu dùng sẽ ngày càng được thể hiện rõ nét.

Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ đạt 7% và năm sau là 6,5% - cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Nhìn về tương lai xa hơn trong năm năm tiếp theo, dựa vào dữ liệu về GDP tăng thêm, chúng ta sẽ biết được miếng bánh cơ hội đang mở rộng ở khu vực nào. Việt Nam hiện đang nằm ở nhóm giữa, cùng với khu vực Arab Emirates, Thuỵ Điển, châu Á và Hà Lan với mức GDP tăng thêm khoảng 40 tỉ đô la Mỹ, thấp hơn một chút so với Philippines, Bangladesh.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/tru-cot-dan-dat-tang-truong-tu-xuat-khau-sang-tieu-dung-52578.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media