Phong lưu

Triển lãm GPHG 2024 "Oscar của ngành đồng hồ"

Lần đầu tiên, Việt Nam đã đăng cai triển lãm Grand Prix d’Horlogerie de Genève (GPHG) 2024., một trong những sự kiện danh giá nhất trong ngành đồng hồ thế giới.

Sự kiện diễn ra tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 8.10, trưng bày 90 mẫu đồng hồ được đề cử. Hình ảnh: The Hour Glass.

Sự kiện diễn ra tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 8.10, trưng bày 90 mẫu đồng hồ được đề cử. Hình ảnh: The Hour Glass.

Tác giả: Lạc Hoàng

29 tháng 11, 2024 lúc 10:06 AM

Phỏng vấn của Bloomberg Businessweek Việt Nam với ông Raymond Loretan, chủ tịch GPHG và bà Carine Maillard, giám đốc GPHG.

3(1).jpg
Bà Carine Maillard và ông Raymond Loretan. Hình ảnh: Tín Phùng

Tại sao GPHG lại chọn Việt Nam là quốc gia tại Đông Nam Á duy nhất cho triển lãm năm nay, đặc biệt khi đây là một thị trường tương đối mới so với các thị trường phát triển như Trung Quốc và Singapore?

Raymond: GPHG chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức triển lãm nhờ sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, dân số trẻ, thị trường hàng xa xỉ đang phát triển, và tiềm năng trở thành trung tâm đồng hồ cao cấp của khu vực. Mối quan hệ hợp tác với The Hour Glass, một đối tác đáng tin cậy và giàu kinh nghiệm trong vùng - cũng đóng vai trò quan trọng trong quyết định này, giúp đảm bảo sự thành công của sự kiện và thúc đẩy văn hóa đồng hồ tại Việt Nam. GPHG nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với đồng hồ cao cấp tại Việt Nam và coi đây là cơ hội để nuôi dưỡng sự hiểu biết sâu sắc hơn về nghệ thuật chế tác đồng hồ.

15.jpg
Khai mạc triển lãm GPHG tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 8 tháng 10.2024. Nguồn: The Hour Glass.

Thị trường đồng hồ ở Việt Nam, vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, chủ yếu tập trung vào mua - bán. Bằng cách trưng bày một loạt các mẫu đồng hồ đa dạng, qua đó thúc đẩy sự hiểu biết sâu hơn về chế tác đồng hồ, GPHG dự định truyền cảm hứng cho thế hệ những người yêu đồng hồ mới thông qua triển lãm này như thế nào?

Raymond: Trong khi sự kiện tôn vinh những chiếc đồng hồ đẹp nhất trong năm, triển lãm này cũng hướng tới việc xây dựng cho công chúng sự quen thuộc với những tay nghề tinh xảo, đổi mới trong công nghệ và các thực tiễn bền vững đằng sau ngành chế tác đồng hồ. Bằng cách trưng bày các khu vực đồng hồ đa dạng từ nhiều thương hiệu khác nhau, GPHG hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho một thế hệ những người yêu thích đồng hồ mới, và khuyến khích sự phát triển của tài năng tương lai trong ngành.

Ngoài việc quảng bá văn hóa, còn có lý do nào khác khiến GPHG quyết định tổ chức triển lãm tại Nhà hát Thành phố?

Carine: Chúng tôi muốn mọi người nhìn nhận đồng hồ không chỉ đơn thuần là một món đồ thời trang, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật tinh xảo. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu dài hạn của GPHG là nâng tầm ngành chế tác đồng hồ lên ngang hàng với các nghệ thuật cao quý khác, như hội họa, điêu khắc và âm nhạc. Vì vậy, Nhà hát Thành phố - một di sản văn hoá danh giá - là môi trường lý tưởng để truyền cảm hứng và giáo dục công chúng, củng cố vị thế của GPHG là một nhà tiên phong toàn cầu trong ngành chế tác đồng hồ. Tại đây, đồng hồ được tôn vinh như một tác phẩm nghệ thuật đích thực, và mọi người, bất kể có phải là người yêu đồng hồ hay không, đều có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chúng.

Raymond: Bạn hay thấy tranh vẽ và tác phẩm điêu khắc trong bảo tàng, nhưng điều này ít khi xảy ra với các chế tác đồng hồ đương đại. Trên thế giới cũng có các bảo tàng cho chế tác đồng hồ, nhưng phần lớn là đồng hồ cổ. Chúng tôi muốn tạo ra một bức tranh toàn cảnh về ngành chế tác đồng hồ đương đại ngày nay.

12.jpg
Ông Raymond Loretan và bà Carine Maillard tại showroom The Hour Glass. Hình ảnh: Tín Phùng

Carine: Tôi nghĩ điều đó sẽ phá vỡ nhận thức đã được thiết lập trước đây cho ngành hàng xa xỉ, sản phẩm văn hóa và chức năng của nghệ thuật.

Raymond: Triển lãm GPHG tại Nhà hát Thành phố là cơ hội đầu tiên để cộng đồng yêu đồng hồ Việt Nam trải nghiệm những tác phẩm nghệ thuật thời gian đỉnh cao.

Quý vị có thể giải thích chi tiết hơn về các tiêu chí cụ thể mà học viện sử dụng để đánh giá và chọn tác phẩm hoặc chọn đồng hồ cho bộ sưu tập?

Raymond: Học viện GPHG đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn những chiếc đồng hồ được đề cử. Trước giai đoạn đăng ký chính thức, các thành viên của Học viện có thể đề xuất những chiếc đồng hồ mà họ cho rằng xứng đáng được xem xét. Từ những mẫu đồng hồ nổi bật ban đầu được đề xuất bởi Học viện, cuối cùng 273 chiếc đồng hồ đã được các thương hiệu đăng ký chính thức để tham gia cuộc thi. Sau vòng bỏ phiếu đầu tiên của Học viện, danh sách này được rút gọn xuống còn 90 chiếc đồng hồ, được đề cử để tranh giải trong số 20 giải thưởng tại lễ trao giải vào ngày 13 tháng 11.

Carine: Trước lễ trao giải vài ngày, ban giám khảo sẽ họp kín để trực tiếp đánh giá và thảo luận về các mẫu đồng hồ. Đây là cơ hội để họ tận mắt xem xét và trải nghiệm trực tiếp các sản phẩm. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra dựa trên sự kết hợp giữa phiếu bầu của ban giám khảo (chiếm 2/3) và phiếu bầu của Học viện (chiếm 1/3). Quy trình bỏ phiếu được thực hiện một cách kín đáo và công bằng để đảm bảo tính khách quan.

Raymond: GPHG đảm bảo tính minh bạch trong quá trình lựa chọn bằng cách mời một Học viện đa dạng với các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực, bao gồm nhà báo, nhà bán lẻ, nhà sưu tập và thợ làm đồng hồ. Cách tiếp cận dân chủ này cho phép có nhiều góc nhìn khác nhau và đảm bảo đánh giá công bằng đối với những chiếc đồng hồ được đề cử.

8.jpg
Các mẫu đồng hồ trong hạng mục Iconic. Nguồn: The Hour Glass

Theo quý vị, vai trò của GPHG trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp đồng hồ là gì? Làm thế nào GPHG cân bằng giữa việc hỗ trợ các thương hiệu đã có chỗ đứng và tạo cơ hội cho các thương hiệu trẻ?

Carine: GPHG là cầu nối giá trị cho cả những thương hiệu đồng hồ danh tiếng và những tài năng trẻ đầy triển vọng. Chúng tôi không chỉ củng cố vị thế của các thương hiệu lớn mà còn tạo điều kiện để các nhà chế tác mới nổi tỏa sáng và đóng góp vào sự phát triển của ngành. Ngoài ra, GPHG tìm cách mở rộng mạng lưới toàn cầu của mình bằng cách xác định những thành viên tương lai tiềm năng của Học viện và hợp tác với các chuyên gia ngành đồng hồ trên toàn thế giới. Mạng lưới toàn cầu này độc đáo vì không gắn liền với một thương hiệu nào. Nó toàn diện, trung lập và mở cửa cho tất cả.

Raymond: GPHG không chỉ nói về những người chiến thắng, mà là dịp tôn vinh toàn bộ ngành chế tác đồng hồ và nâng cao vị thế của nó. Giống như giải Oscar, trọng tâm là chính sự kiện, tập hợp các chuyên gia và người đam mê ngành công nghiệp. Thế hệ trẻ đang khám phá lại những giá trị truyền thống, kỹ năng thủ công và sự đổi mới thông qua đồng hồ. Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, đồng hồ mang lại cảm giác bình tĩnh và kết nối với quá khứ. GPHG nhằm mục đích truyền cảm hứng và giáo dục giới trẻ về sự tinh tế của chế tác đồng hồ, nuôi dưỡng một thế hệ những người yêu thích đồng hồ mới và có thể cả những nhà chế tác đồng hồ tương lai. Bằng cách hỗ trợ các sáng kiến như trường học chế tạo đồng hồ ở nhiều khu vực khác nhau, GPHG đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng chế tác đồng hồ toàn cầu.

Tại sao trong thời đại công nghệ, đồng hồ thủ công vẫn giữ được sức hấp dẫn?

Raymond: Francis Bacon từng nói: “Nghệ thuật là niềm đam mê cuộc sống.” Trong thời đại kỹ thuật số, đồng hồ mang đến một cách độc đáo để kết nối với nhịp sống chậm hơn. Chúng không chỉ là thiết bị đo thời gian mà còn là biểu tượng của nghệ thuật, sự đổi mới và lịch sử. Ngành chế tác đồng hồ có một tương lai đầy hứa hẹn, ngay cả trong thời đại kỹ thuật số. Đồng hồ không chỉ là thiết bị đo thời gian, mà còn đại diện cho sự tinh xảo truyền thống và ý nghĩa văn hóa.

Quý vị có lời khuyên cho những người muốn gia nhập cộng đồng sưu tầm đồng hồ tại Việt Nam?

Carine: Có nhiều lý do để yêu thích một chiếc đồng hồ. Đó có thể là thiết kế, hoặc vì bạn là người thiên về thị giác. Hoặc bạn đam mê và ngưỡng mộ cách bộ máy cơ khí phức tạp vận hành, đằng sau mỗi chiếc đồng hồ. Và đó là một cái gì đó giống như tinh thần hơn. Có những điều khác nhau khiến bạn có thể “rơi vào tình yêu” với một chiếc đồng hồ, bạn biết đấy.

Raymond: Đừng mua đồng hồ như một công cụ đầu cơ. Thay vào đó, hãy mua một chiếc đồng hồ vì bạn thực sự đánh giá cao thiết kế, chế tác thủ công hoặc ý nghĩa lịch sử của nó. Mặc dù một số chiếc đồng hồ có thể tăng giá trị theo thời gian, nhưng động lực chính nên là sự thưởng thức cá nhân.

Việc hợp tác với các đối tác địa phương như The Hour Glass đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc hiện thực hóa mục tiêu của GPHG tại Việt Nam?

Raymond: Chuyến thăm Việt Nam của GPHG là một bước khởi đầu quan trọng. Chúng tôi hướng tới việc nuôi dưỡng sự đánh giá cao hơn về chế tác đồng hồ trong nước và xác định các thành viên tương lai tiềm năng cho Học viện của chúng tôi. Bằng cách truyền cảm hứng cho tài năng trẻ và hợp tác với các đối tác địa phương như The Hour Glass, chúng tôi hy vọng sẽ nâng cao vị thế của ngành chế tác đồng hồ tại Việt Nam. Mặc dù kế hoạch tương lai cụ thể vẫn đang được phát triển, chúng tôi hình dung một tương lai nơi Việt Nam đóng một vai trò tích cực trong cộng đồng chế tác đồng hồ toàn cầu.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/trien-lam-gphg-2024-oscar-cua-nganh-dong-ho-52618.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media