Kinh doanh

Thanh toán số chiếm ưu thế, thúc đẩy ngành giải trí số phát triển

Thay vì sử dụng tiền mặt, người tiêu dùng đang chọn thanh toán số, với tỉ lệ lên tới 90% cho ba loại hình.

Hình ảnh: Shutterstock

Hình ảnh: Shutterstock

Tác giả: Giang Lê

10 tháng 6, 2025 lúc 8:30 PM

Ví điện tử, theo kết quả khảo sát người dùng, là phương tiện thanh toán phổ biến nhất, chiếm tới 40% người dùng, theo báo cáo “Nhu cầu giải trí số Việt Nam 2024–2025” do Appota và SOI.Pro thực hiện. Xếp thứ hai và ba là thẻ ngân hàng và thanh toán qua ứng dụng, với số liệu tương ứng lần lượt là 30% và 20%. Tiền mặt hiện nay giảm còn 10% — một con số cho thấy sự thoái trào rõ rệt.

Điều giúp cho các ví điện tử như MoMo, ZaloPay được ưa chuộng nhờ sự tiện lợi, mà còn là công cụ chính để thực hiện các giao dịch nhỏ như “donate” (quyên tặng) trên livestream, mua vật phẩm trong game, hay thanh toán dịch vụ streaming (xem video trực tuyến).

Trước đây, người dùng chủ yếu trả tiền một lần cho các sản phẩm vật lý hoặc nội dung số riêng lẻ. Hiện nay, mô hình đăng ký định kỳ (subscription) trở thành xu hướng chủ đạo. Người dùng chấp nhận trả phí hằng tháng hoặc hằng năm để sử dụng không giới hạn các dịch vụ như Netflix, Spotify, YouTube Premium. Điều này cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận giá trị nội dung và kỳ vọng về trải nghiệm người dùng.

Không chỉ thay đổi về hình thức, quy mô chi tiêu cũng đang thay đổi. Microtransaction – thanh toán vi mô – ngày càng phổ biến, đặc biệt trong game, livestream và mạng xã hội. Người dùng sẵn sàng chi từng khoản nhỏ nhưng thường xuyên, thay vì các khoản lớn, ít diễn ra như trước đây. Đồng thời, họ kỳ vọng vào trải nghiệm thanh toán liền mạch: quét QR, chuyển khoản trực tiếp ngay trong livestream, hoặc thanh toán “một chạm” trong ứng dụng.

Điểm sáng từ báo cáo là 50% người được khảo sát sẵn sàng trả tiền cho nội dung chất lượng cao. Trung bình mỗi người chi từ 100.000 đến 500.000 đồng/tháng cho giải trí số. Tuy vậy, tỉ lệ chia sẻ tài khoản vẫn còn cao, cho thấy người dùng vẫn cân nhắc về giá trị so với chi phí. Đây cũng là lời cảnh báo cho các nhà cung cấp nội dung: chỉ khi sản phẩm thật sự khác biệt và có trải nghiệm vượt trội, người dùng mới chấp nhận chi trả đều đặn.

Ngành giải trí số Việt Nam đạt doanh thu 87,11 triệu USD năm 2025, với tỉ lệ tăng trưởng doanh thu 17,6%, theo Statista. Dự kiến thị trường sẽ chạm mốc khoảng 138 triệu USD năm 2029. Tuy vậy thị trường ngày càng cạnh tranh gay gắt với sự xuất hiện của các nền tảng nước ngoài như TikTok, Netflix hay YouTube, đồng thời thói quen sử dụng miễn phí vẫn đang ăn sâu vào nhiều người, trong khi bản quyền vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. 

“Muốn người dùng Việt sẵn sàng chi tiền cho nội dung số, điều tiên quyết là doanh nghiệp phải tạo ra giá trị đủ hấp dẫn để họ thấy xứng đáng với khoản chi trả. Cụ thể, họ cần nâng cao trải nghiệm người dùng, gia tăng giá trị dịch vụ và linh hoạt về mô hình kinh doanh,” bà Lê Thị Thương, thạc sĩ khoa học của đại học Michigan State, chuyên ngành trải nghiệm khách hàng (CX) nhận định. 

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/thanh-toan-so-chiem-uu-the-thuc-day-nganh-giai-tri-so-phat-trien-53421.html

#giải trí số
#thanh toán số

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media