Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh doanh
Nhiều vụ mua bán khống cổ phiếu đã và đang đe dọa nhiều gia đình mất quyền kiểm soát với các công ty.
Minh họa: Ard Su
Tác giả: Clara Hernanz Lizarraga và Rodrigo Orihuela
22 tháng 11, 2024 lúc 5:55 PM
Doanh nghiệp gia đình Grifols niêm yết để huy động thêm vốn, nhưng kết cục có thể là họ sẽ mất quyền kiểm soát với công ty dược đã 80 năm tuổi của cha ông.
Suốt hơn 80 năm, hậu duệ của Josep Antoni Grifols Roig đã điều hành công ty dược do ông thành lập ngay sau cuộc nội chiến Tây Ban Nha. Tuy nhiên, sau một báo cáo chỉ trích gay gắt từ Gotham City Research, một công ty bán khống có trụ sở tại New York, được công bố vào tháng Một, cổ phiếu của Grifols – trụ sở tại Barcelona – đã giảm 1/3 giá trị. Hiện tại, gia đình Grifols đang đối mặt với nguy cơ mất quyền kiểm soát công ty.
Grifols từ lâu đã gặp khó khăn do những quan ngại về quản trị yếu kém và thiếu minh bạch, nhưng một số nhà đầu tư bỏ qua các vấn đề đó vì công ty là một trong ba hãng thống trị ngành thu thập huyết tương và biến thành thuốc chữa trị các bệnh như viêm gan và bệnh máu khó đông trên toàn cầu. Tuy nhiên, hiện Brookfield Asset Management, một hãng đầu tư lớn, đang đàm phán với những người thừa kế Grifols, những người đang sở hữu hơn 1/3 cổ phần công ty, để đưa doanh nghiệp trở lại hình thức tư nhân. “Gia đình này đang rơi vào tình thế tuyệt vọng,” theo lời Xavier Brun từ Trea Asset Management, “họ đang đối mặt với một bước ngoặt về quyền sở hữu.”
Vụ bán khống lớn nhất châu Âu trong một thập kỷ qua, xét về mức độ suy giảm giá trị thị trường, đã làm nổi bật những rủi ro mà các công ty gia đình gặp phải khi niêm yết trên sàn giao dịch quốc tế. Nhiều doanh nghiệp gia đình háo hức huy động nguồn vốn và khuếch trương tên tuổi khi cổ phiếu của họ được giao dịch ở New York hay London, nhưng không phải lúc nào họ cũng từ bỏ được lề lối cũ và hòa nhập hoàn toàn với luật chơi của Phố Wall. “Gia đình này muốn duy trì quyền kiểm soát, gìn giữ di sản của họ, và điều đó không phải lúc nào cũng tương ứng với mong muốn tối đa hóa giá trị cho cổ đông,” theo Cristina Cruz, lãnh đạo trung tâm IE về gia đình và doanh nghiệp ở Madrid. “Lãnh đạo doanh nghiệp gia đình không quen với kiểu ra quyết định đồng thuận với giới đầu tư bên ngoài.”
Víctor Grifols Roura, cháu trai của nhà sáng lập, đã giám sát quá trình niêm yết Grifols vào năm 2006 ở Madrid và New York. Ông cũng là chủ sở hữu Scranton Enterprises, hãng đầu tư là cổ đông lớn thứ hai của Grifols và là tâm điểm của vụ tấn công bán khống dẫn tới nhiều nghi ngờ về giấy tờ sổ sách và các thỏa thuận của công ty này với gia đình sáng lập.
Ngày 25.9, nhà chức trách Tây Ban Nha đã nói họ sẽ phạt Grifols vì chia sẻ thông tin “sai lạc” trong nhiều báo cáo tài chính và công bố sẽ điều tra Gotham với cáo buộc thao túng thị trường. Grifols thì đã kiện Gotham ở New York và khẳng định họ không có sai phạm, cũng như nói khoản phạt của cơ quan quản lý chỉ là dưới một triệu euro (1,1 triệu đô la Mỹ). Gotham, gia đình Grifols và Scranton đều từ chối bình luận.
Từ năm 2000 tới 2018, Grifols đã chi ra hơn tám tỉ đô la cho vụ thâu tóm sáp nhập, củng cố vị trí nhà sản xuất sản phẩm liên quan đến huyết tương lớn nhất châu Âu của họ, đồng thời đẩy mạnh hoạt động ở Mỹ. Do nguồn cung huyết tương thiếu thốn, quyết định mua lại các trung tâm thu thập huyết tương ở Mỹ là hợp lý, vì đây là một trong chỉ vài nước mà hoạt động mua máu người là hợp pháp. Trong khi các vụ mua lại đã giúp những công ty thu thập huyết tương của Grifols tăng trưởng gấp năm lần, nợ của họ đã tăng ít nhất 12 lần trong cùng giai đoạn.
Ngày 31.12.2018, công ty lặng lẽ thông báo Scranton đã mua lại hai công ty thu thập máu mà Grifols vừa mua trong năm đó. Giá mua chính xác bằng giá Grifols đã trả mới vài tháng trước, và Gotham chỉ trích dữ dội giao dịch này trong báo cáo tháng Một của họ. Lúc đầu, giới đầu tư tỏ ra không bận tâm. Cổ phiếu của Grifols tăng gần 50% trong hai năm tiếp đó, khiến hãng có giá trị thị trường vượt mốc 20 tỉ euro, và giúp tài sản gia đình sở hữu tăng lên thành gần sáu tỉ euro.
Năm 2021, Grifols mượn hai tỉ euro để mua công ty Đức Biotest. Lần này, cổ đông đã phản ứng mạnh. Dù Biotest sở hữu một số loại thuốc khá hứa hẹn, hãng này đang thua lỗ. Và do đại dịch đã giảm bớt, trong khi lãi suất tăng lên, giới đầu tư đột ngột chuyển sang tập trung vào khoản nợ ngày càng lớn của Grifols.
Theo các nhà phân tích, cũng thời gian này, giao tiếp giữa công ty và các nhà đầu tư, vốn đã luôn không suôn sẻ, trở nên tồi tệ hơn, khi công ty nói sẽ không báo cáo lợi nhuận hằng quý nữa, và bộ phận phụ trách quan hệ với nhà đầu tư về cơ bản bị đóng cửa. José María Cánovas, cựu chuyên gia phân tích về vốn ở JB Capital hiện đang quản lý tiền bạc cho các cá nhân giàu có, nói cộng đồng tài chính ngày càng lo ngại về năng lực quản trị của gia đình này và mối liên hệ quá gần gũi của Grifols với Scranton. “Những năm sau IPO, ai cũng biết công ty có vấn đề nghiêm trọng về quản trị,” Cánovas nói. “Họ không quan tâm tới nhà đầu tư.”
Để xử lý những lo ngại này, năm 2022, Grifols đã thuê chủ tịch điều hành đầu tiên không phải là người của gia đình, Steven Mayer, một nhân vật kỳ cựu ở Cerberus Capital Management. Trong báo cáo kết quả kinh doanh đầu tiên ở cương vị mới, Mayer thừa nhận những thiếu sót của gia đình Grifols. “Tôi không đổ lỗi cho quá khứ,” ông nói, rồi úp mở rằng ban quản trị cũ đã thiếu sâu sát và tập trung. “Tôi nghĩ chúng tôi cần gầy dựng lại những điều đó phần nào cho tổ chức này,” ông nói.
Chỉ bốn tháng sau, Mayer từ nhiệm với lý do sức khỏe, và thay ông là Thomas Glanzmann, thành viên hội đồng quản trị lâu năm của công ty. Vài tháng sau, Glanzmann cũng được bổ nhiệm làm CEO, thay thế hai thành viên gia đình đã nắm ghế đồng giám đốc điều hành trước đó. Nhưng tất cả những thay đổi này là chưa đủ với Gotham. Họ công bố bản báo cáo mới ngay sau năm mới, khiến giá cổ phiếu Grifols lao dốc. Vào tháng Tư, cựu giám đốc Olympus ở Mỹ Nacho Abia tiếp quản ghế CEO, và Glanzmann giờ chỉ còn là chủ tịch không điều hành.
Mùa Hè này, Brookfield và Grifols xác nhận tin tức về thỏa thuận ban đầu sẽ nhường quyền kiểm soát Grifols cho hãng tài chính khổng lồ có trụ sở tại Toronto, vốn đang quản lý số tài sản trị giá một ngàn tỉ đô la trên toàn thế giới. (Mark Carney, chủ tịch Brookfield Asset Management, cũng là chủ tịch Bloomberg.) Các công ty vốn tư nhân khác cũng đã và đang cân nhắc mua lại công ty, theo những nguồn thạo tin. Trong khi gia đình Grifols nhiều khả năng sẽ vẫn có vai trò nhất định sau vụ sáp nhập, “cổ phần của họ chắc chắn sẽ giảm,” theo Patricia Cifuentes, nhà phân tích ở Bestinver Securities, Madrid. “Họ sẽ thấy tốt hơn nhiều nếu mất quyền kiểm soát với một công ty có triển vọng có giá trị cao hơn, so với có quyền kiểm soát một công ty chắc chắn gặp trục trặc.”
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/nguy-co-mat-quyen-kiem-soat-cong-ty-sau-cuoc-tan-cong-ban-khong-52581.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media