Phong lưu

Người đưa bộ ba môn phối hợp Iron Man vào Việt Nam

Đưa bộ môn ba môn phối hợp vào Việt Nam, vận động viên Ironman Trịnh Bằng miệt mài biến Ironman trở thành giải đấu thu hút hàng ngàn vận động viên trong nước và quốc tế tham gia.

Hình ảnh: Tín Phùng

Hình ảnh: Tín Phùng

Tác giả: Hải Đăng

14 tháng 10, 2024 lúc 4:44 PM

Dưới nắng sớm, trên bãi biển tuyệt đẹp ở Đà Nẵng, tôi thấy phó tổng giám đốc VNG Nguyễn Hoành Tiến đứng cạnh bể bơi dã chiến, nơi con trai ông đang nghỉ ngơi trong làn nước. Đồng sáng lập MoMo Nguyễn Bá Diệp cũng đang loay hoay với con của ông. Chủ tịch công ty Seedcom Đinh Anh Huân cũng tay bồng tay bế. Đó là một buổi sáng tháng 5.2018 khi các bé vừa hoàn thành xong phần thi IronKids gồm các nội dung bơi và chạy bộ trên bãi biển. Không khí chung quanh rộn ràng, tràn ngập năng lượng tích cực. Một trong những tấm bảng đặt sát biển ghi bằng tiếng Anh và tiếng Việt: “Thành phố Đà Nẵng chào đón tất cả vận động viên từ 56 quốc gia đến với Techcombank IronMan 70.3 Việt Nam 2018”.

Sáng hôm sau, những ông bố này cùng 1.000 người khác tham dự cuộc đua khắc nghiệt ba nội dung gồm bơi 1,9km, đạp xe 90km, chạy 21km (tổng khoảng cách 70,3 dặm). Trên bãi biển vào 6h sáng, những gương mặt quen thuộc trong giới triathlon như ông Lê Hồng Minh (nhà sáng lập VNG), Huỳnh Lâm Hồ (CEO Haravan), rapper Đinh Tiến Đạt, Nguyễn Hoàng Anh (sáng lập EcoTruck),... đang khởi động chuẩn bị cho phần thi bơi. Nguyễn Trần Thi, đồng sáng lập Giao Hàng Nhanh, đội chiếc mũ bơi màu trắng dành cho người lần đầu chơi ba môn phối hợp. Nguyễn Anh Văn, đồng sáng lập CellphoneS, đi cổ vũ cho người em sinh đôi Học Nguyễn và sau đó làm pacer (người dẫn tốc) cho phần thi chạy của em trai. Cuộc đua trở thành “người sắt” vào giai đoạn thử thách nhất khi người tham gia phải chạy bộ, đạp xe dưới cái nắng, cái gió giữa trưa ở Đà Nẵng.

Trong suốt hai ngày diễn ra giải đấu, một người đàn ông dáng vẻ rắn rỏi luôn có mặt ở những vị trí dễ quan sát tổng quát, thi thoảng trò chuyện với vận động viên và người của ban tổ chức. Ông là Trịnh Bằng, nhà đồng sáng lập Sunrise Events Vietnam, công ty mua bản quyền giải đấu IronMan đưa về Việt Nam. Là một “người sắt” kỳ cựu từng tham gia giải IronMan 70.3 ở nhiều quốc gia, Trịnh Bằng trở thành nhà tổ chức sự kiện thể thao IronMan lần đầu năm 2015 và Marathon năm 2017. Theo năm tháng phát triển, các sự kiện thể thao này trở thành giải đấu uy tín, thu hút đông đảo người tham dự trong nước lẫn quốc tế.

“IronMan là môn chơi tốn kém,” ông Bằng nói. Đúng như tên Ironman, để hoàn thành ba môn với tổng cự ly 70,3 dặm, người chơi phải tập luyện đều đặn mỗi tuần, trang bị tốn kém, kỷ luật sắt và tinh thần “không gì là không thể”. Tinh thần ấy khiến ông Bằng nhận lời đề nghị của một người bạn phụ trách IronMan ở Philippines để đưa bộ môn ba môn phối hợp mới mẻ này về Việt Nam. Lời đề nghị từ thành viên YPO (Young Presidents’ Organization) người Philippines cũng được hai thành viên khác là ông Lê Hồng Minh của VNG và bà Lê Thị Thu Thủy, lãnh đạo cấp cao tại Vingroup hiện nay, sẵn lòng giúp đỡ. Với đặc thù của IronMan có phần thi bơi ở biển, ông Bằng muốn thông qua giải này để giới thiệu vẻ đẹp Việt Nam đến với thế giới. Cách tốt nhất để quảng bá đất nước là mang những người giỏi nhất trên thế giới đến những vùng đất đẹp nhất của Việt Nam.

1.jpg
Hình ảnh: Bam Studios

Trong buổi trò chuyện với người viết, ông Bằng liên tục nhấn mạnh câu nói “You don’t know what you don’t know.” Không biết nên cứ phải mò mẫm tìm đường, cũng như có được sự trợ giúp từ những gương mặt tiêu biểu trong YPO. “Tôi tin rằng nếu những người như Lê Hồng Minh, Lê Thị Thu Thuỷ tập IronMan sẽ truyền cảm hứng được cho nhân viên và cộng đồng chung quanh họ,” ông Bằng nói. Không chỉ dựa vào các nhân vật có khả năng truyền cảm hứng, ông cũng mời khách từ các ngành khác nhau để xây dựng cộng đồng. Trong giải Ironman năm 2018, người viết bắt gặp cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius trong khuôn viên dành cho vận động viên. Nhà ngoại giao Ted Osius nằm trong số những người được ông Bằng mời tham gia, để giúp lan toả IronMan đến nhóm khách hàng tiềm năng.

Thành công ở lần đầu tổ chức IronMan năm 2015 khiến hai năm sau ông Bằng nhận được lời đề nghị tổ chức một giải tương tự ở TP.HCM. Do thành phố cách biển 80km, ông Bằng đề xuất tổ chức giải marathon, với suy nghĩ mỗi thành phố lớn trên thế giới như New York, Chicago, Boston, London, Tokyo... đều có giải marathon mà mọi vận động viên đều ao ước được một lần đặt chân đến. Kể từ lần đầu tổ chức năm 2017 cho đến nay, Techcombank Ho Chi Minh City Marathon là một trong hai giải lớn tại TP.HCM được ghi nhận trong hệ thống thi đấu quốc gia và là thành viên của hiệp hội Marathon Quốc tế (AIMS). Giải năm 2023 có hơn 15 ngàn vận động viên tham dự, là một trong ít giải có quy mô lớn nhất tại Việt Nam.

Thời gian chứng thực cho tầm nhìn của ông Bằng. Năm 2018, IronMan 70.3 tại Việt Nam có tổng cộng 1.500 người tham dự, với 636 vận động viên Việt Nam - gấp 10 lần so với lần tổ chức đầu tiên cách đó ba năm. Năm 2024, sự kiện VinFast IronMan 70.3 tại Việt Nam trở thành giải lớn nhất Đông Nam Á trong hệ thống IronMan. Tổng cộng có gần 3.000 người tham dự, trong đó có gần 2.000 người tham gia cự ly 70.3, phần còn lại thi Sprint (bơi 750m, đạp xe 20km, chạy 5km) và Kids. Hiện tại, giải đấu ba môn phối hợp được tổ chức ở các thành phố khác như Nha Trang, Phú Quốc, Hạ Long. Ngoài Sunrise, một số đơn vị khác cũng nhảy vào khai thác.

Về các giải chạy, khởi đầu từ một vài giải chủ yếu tại TP.HCM và Hà Nội, sau 6-7 năm, số lượng giải chạy tại Việt Nam hiện nay trên dưới 80 giải lớn nhỏ. Nếu chỉ tính các giải có quy mô lớn, thống kê của The Outbox cho thấy, năm 2023 có hơn 35 giải chạy rải đều từ Bắc vào Nam, thu hút khoảng 190 ngàn người tham dự, tính từ tháng 8.2022 đến 8.2023.

Những người theo đuổi các môn sức bền như triathlon và chạy bộ những ngày đầu tại Việt Nam hầu hết đều từng trải nghiệm qua các giải đấu lớn nhỏ từ đó đến nay. Ông Huỳnh Lâm Hồ tham gia IronMan một năm sau khi giải này về Việt Nam, sau đó tham gia chạy trail và đã góp mặt trong nhiều giải lớn trong nước lẫn nước ngoài. Lợi ích sức khoẻ là điều dễ thấy nhất khi tham gia các môn này, nhưng ông Hồ cho rằng lợi ích tinh thần còn lớn hơn. Khi tham gia các cự ly từ 21km hoặc trên hai giờ đồng hồ trở lên, người ta bắt đầu quen dần với khái niệm “chạy bằng ý chí” và tinh thần không bỏ cuộc. Ngoài ra, phong trào rèn luyện sức khoẻ sau đại dịch Covid-19 cũng góp phần giúp bộ môn chạy bộ lan toả rộng rãi.

Trong vòng chưa tới vài năm, số lượng người chơi IronMan tăng gần 20 lần, số lượng vận động viên tham gia chạy bộ của một giải tăng gần gấp đôi - gấp ba, đặc biệt có một số giải chạy đã đạt tổng vận động viên tham gia trên 15 ngàn người, có thể nói phong trào chạy bộ tại Việt Nam đã tăng mạnh. Hình ảnh chạy bộ xuất hiện nhiều trên Facebook khiến nhiều người cho rằng, tổ chức giải chạy mang lại lợi nhuận cao khi có đông người mua vé tham dự, lắm nhà tài trợ.

Trên thực tế, theo các nhà tổ chức giải, doanh thu bán vé không đủ bù chi phí, nếu không có các nhà tài trợ. Tuỳ theo chiến lược và quy mô của nhà tổ chức mà tỉ lệ doanh thu đến từ bán vé hay từ nhà tài trợ sẽ khác nhau. Chẳng hạn để tổ chức một giải chạy đường núi có quy mô lớn khoảng 7.000 người tham dự như Dalat Ultra Trail, nhà tổ chức Vietnam MTB Series phải đảm bảo một nửa doanh thu đến từ bán vé. Bà Vũ Thị Hoài Thương (Samie), đồng sáng lập công ty cổ phần Vietnam MTB Series, cho hay phần tài trợ, bao gồm hiện kim hoặc sản phẩm hỗ trợ vận động viên. Với Sunrise có đội ngũ nhân sự làm việc quanh năm để chuẩn bị cho các giải quy mô lớn, khoản đóng góp từ nhà tài trợ sẽ chiếm tỉ lệ lớn hơn. Ông Bằng thường tìm các đối tác lớn, đặt quan hệ chiến lược lâu dài, với tinh thần “work with the best”, để duy trì một nguồn tài chính ổn định.

Bà Nguyễn Phi Nhu, giám đốc Tiếp thị & Truyền thông Schneider Electric Việt Nam, nhận định, các giải chạy bộ thúc đẩy những tác động tích cực đối với xã hội, khuyến khích mọi người ở mọi tầng lớp hoạt động thể chất, hướng tới phát triển bền vững và xây dựng xã hội khoẻ mạnh. Schneider Electric Việt Nam vừa tham gia tài trợ chính cho giải GreenUp Half Marathon Long An 2024.

Dù có gần trăm giải chạy hàng năm nhưng không nhiều giải được tổ chức thường niên và đủ lớn như Techcombank Ho Chi Minh City Marathon hay Dalat Ultra Trail. Có những giải với quy mô nhỏ 1.000-2.000 người, ít phải ngăn đường sá, đường chạy gói gọn trong một địa phương, chi phí tổ chức sẽ thấp. Có giải chạy được doanh nghiệp sử dụng nguồn chi phí marketing để thuê bên thứ ba thực hiện. Một số giải khác được tổ chức theo kiểu “vì đam mê”, như một thú vui. Các nhà tổ chức chuyên nghiệp như MTB Series hay Sunrise cho rằng, trải nghiệm với giải chạy vẫn là điểm mấu chốt cao nhất để người chạy quay trở lại với một giải.

Tiềm năng phát triển sự kiện thể thao như chạy bộ tại Việt Nam, theo ông Bằng, còn rất lớn. Nếu tính riêng TP.HCM dân số hơn 10 triệu người cũng đủ cho một giải đấu trên 10 ngàn người. Theo tính toán của ông Bằng, tầng lớp trung lưu Việt Nam ngày càng tăng chắc chắn sẽ dẫn đến số lượng người tham gia các hoạt động thể thao tăng lên. Một thách thức với nhà tổ chức là sức chứa của đường chạy, nhất là khi tổ chức ở đô thị.

Việc tổ chức đường sá là một thách thức rất lớn do đơn vị tổ chức phải làm việc với nhiều bên liên quan. Như Vietnam

MTB Series khi làm giải Dalat Ultra Trail trên vùng núi chỉ cần thiết kế một cung đường đủ mang lại trải nghiệm tốt nhất cho vận động viên, nhưng khi chuyển sang làm Vũng Tàu City Trail liền đối mặt với khó khăn lớn trong khâu chuẩn bị đường chạy trong thành phố, dù nhận được ủng hộ từ địa phương nhưng khi triển khai nhiều bên phản đối vì cản trở công việc kinh doanh của họ.

Khó khăn và thách thức lớn dần lên theo quy mô. Việc tìm kiếm nhà tài trợ hay đạt mốc người tham gia theo kế hoạch đôi khi có thể kiểm soát được, nhưng những khó khăn không lường trước mới là thứ khiến nhà tổ chức đau đầu. Các sự cố bất ngờ có thể đến từ vận động viên, nhà tài trợ, chính quyền địa phương, thậm chí cả thời tiết. Ông Bằng nói vui rằng nghề này không chỉ quản lý sự kiện, mà còn quản lý rủi ro. Chẳng hạn trong mùa Covid, giải chạy phải huỷ vào phút chót, nhà tài trợ đã chạy quảng cáo nên gây áp lực để giải phải diễn ra, trong khi vận động viên cũng đã trả tiền và đặt phòng/đặt vé máy bay đòi ban tổ chức phải hoàn tiền. Việc tổ chức giải ba môn phối hợp còn phức tạp hơn, nhất là phần bơi biển, bởi các yếu tố về môi trường có thể phát sinh. Ở một giải nhỏ tại Long Hải mà người viết từng tham dự, ban tổ chức phải đổi phần bơi biển thành chạy dọc bãi cát do dưới biển có sứa có thể gây ngứa.

Mặc dù đối mặt nhiều khó khăn nhưng tiềm năng kinh tế của chạy bộ không hề nhỏ. Bên cạnh mang lại nguồn thu cho nhà tổ chức thì phong trào du lịch thể thao còn mang đến nguồn thu cho địa phương. Ở giải IronMan 70.3 năm 2018, một khách sạn năm sao kín phòng do một bộ phận vận động viên mua trọn gói gồm vé tham dự và phòng ở cho cả gia đình, bạn bè. Những nhóm khác cũng góp phần tăng tỉ lệ kín phòng ở các khách sạn chung quanh và tạo nguồn thu cho các nhà hàng, quán ăn bên cạnh. Những lần chạy bộ ở Sa pa, Đà Lạt, Vũng Tàu, thậm chí Củ Chi, Bình Dương,... người viết đều tranh thủ ở lại, thăm thú. Khi bài này lên trang, ông Huỳnh Lâm Hồ đang khoe ảnh tham gia giải chạy danh giá UTMB Mont Blanc ở Pháp, tiện thể dành thời gian du lịch châu Âu cùng gia đình.

Khi thị trường Việt Nam đủ lớn và chín muồi, những công ty tổ chức giải sẽ có nhiều cách tăng doanh thu, chẳng hạn như nhượng quyền thương hiệu, bản quyền phát sóng giải... Ông Bằng còn xây dựng một nhóm nhiều giải để kêu gọi tài trợ cả gói, hoặc tạo ra một hệ sinh thái các công ty để tận dụng nguồn khách hàng của nhau.

Theo dự báo của PwC đến năm 2050, GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) của Việt Nam sẽ đạt ba tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 20 thế giới. IMF mới đây khẳng định Việt Nam sẽ lọt top 20 các quốc gia hàng đầu thế giới xét theo GDP tính theo sức mua tương đương, trong vòng năm năm nữa. Điều này là cơ sở để các nhà tổ chức chuyên nghiệp như ông Bằng xây dựng chiến lược phát triển. Ông Bằng tin rằng, Việt Nam đủ khả năng tổ chức giải IronMan World Championship sau khi đã tổ chức thành công giải IronMan 70.3 châu Á - Thái Bình Dương tại Đà Nẵng năm 2019. Bên cạnh IronMan, ông Bằng còn mơ ước Việt Nam có một giải chạy bộ nằm trong hệ thống World Marathon Majors. “Một đất nước 100 triệu dân hoàn toàn đủ khả năng để tổ chức một giải chạy có quy mô tương đương New York Marathon hay Chicago Marathon.”

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/nguoi-dua-bo-ba-mon-phoi-hop-iron-man-vao-viet-nam-52575.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media