Kinh tế

Nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, nhưng với Fed cũng không sao

Dữ liệu gần đây cho thấy hai quý tăng trưởng liên tiếp thấp nhất ở Mỹ kể từ năm 2022. Đã tăng trưởng bùng nổ trong năm 2023, nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu trở lại mặt đất.

Minh họa: Pierre Buttin

Minh họa: Pierre Buttin

Tác giả: Enda Curran và Charles Ayitey

19 tháng 9, 2024 lúc 4:15 PM

Các công ty đang tuyển dụng ít lao động hơn. Người tiêu dùng chi tiêu ít hơn. Thị trường nhà ở đã tê liệt do mức lãi suất cao nhất trong nhiều thập kỷ. Lĩnh vực sản xuất chế tạo đang gặp khó khăn, trừ những mảng được hưởng ưu đãi từ nhà nước, như linh kiện bán dẫn và xe điện. Và ngay cả khi lạm phát đã tăng chậm lại, các doanh nghiệp và hộ gia đình tiếp tục than phiền về mức giá cả quá cao.

Nhưng không giống hầu hết thời kỳ kinh tế giảm tốc khác, giai đoạn này là một pha hạ cánh mềm đúng như trong sách giáo khoa—một kỳ tích hiếm có: Kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhưng không rơi vào suy thoái. Lạm phát đã được hạ nhiệt mà không phải trả giá bằng mức thất nghiệp tăng lên, chi tiêu bán lẻ chậm lại, nhưng không sụp đổ, và nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng. Trong thăm dò mới nhất của Bloomberg, các kinh tế gia đánh giá nền kinh tế có 30% khả năng rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới, so với 60% trong cuộc thăm dò tương tự một năm trước.

Những số liệu sắp công bố dự kiến cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2% trong quý II.2024. Sau khi đã tăng 1,4% trong quý trước, đây sẽ là hai quý tăng trưởng liên tiếp thấp nhất kể từ năm 2022.

Câu hỏi giờ là nền kinh tế sẽ chậm lại tới mức nào, và trong bao lâu. “Ngay lúc này chúng ta vẫn đang trên hành trình từ từ về lại mức tăng trưởng vừa phải,” theo Sarah House, kinh tế gia cấp cao ở Wells Fargo & Co. “Nhưng vẫn còn rất nhiều câu hỏi cần giải đáp, liệu tình hình có thay đổi nhanh hơn kỳ vọng hay không?”

Tình hình thay đổi thể hiện rõ ở các doanh nghiệp đại chúng và nhà máy. Suresh Krishna, hiện điều hành Northern Tool + Equipment, công ty gia đình ở Burnsville, Minnesota, chuyên sản xuất và bán các sản phẩm như máy nén khí, máy rửa áp lực, bơm nước và các thiết bị liên quan, nói hoạt động kinh doanh vẫn ổn. Nhưng ông cũng lưu ý khách hàng đang lo lắng hơn.

“Dù là thợ mua thiết bị hay là khách hàng gia đình, họ đều đang phải coi chừng túi tiền,” Krishna nói. Điều đó đặc biệt rõ ràng với những món hàng lớn có giá bán lẻ trên 500 đô la Mỹ. “Họ đang tính toán kỹ hơn nhiều so với trước kia.”

Tại New York, Avremy Scheinfeld, người điều hành Abe’s Corner, nhà hàng và quán bar chuyên món Do Thái ở Brooklyn, đã phải giảm nhân sự vì lãi suất cao và nợ thẻ tín dụng đang ảnh hưởng đến tiền lãi. “Ngay lúc này kinh tế đang khó khăn, cái gì cũng đắt đỏ,” Scheinfeld nói. “Nếu tôi tăng giá, khách sẽ bỏ đi. Không dễ chút nào.”

c4.jpg

Những nhận xét như vậy phù hợp với dữ liệu gần đây cho thấy xu hướng tăng trưởng chậm lại rõ ràng.

Mức tăng trưởng việc làm và tiền lương đều giảm trong tháng 6.2024, trong khi tỉ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2021 (dù vẫn ở mức thấp bậc nhất lịch sử). “Khi nhìn vào tỉ lệ thất nghiệp, các con số cho thấy tăng trưởng đã nguội đi đáng kể,” chuyên gia Anna Wong của Bloomberg Economics dự kiến tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 4,1% lên 4,5% vào cuối năm nay.

Cũng trong tháng 6.2024, hoạt động kinh tế trong lĩnh vực dịch vụ đã suy giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng bốn năm qua, theo một cách đo lường cụ thể. Dữ liệu công bố ngày 12.7 cho thấy tâm trạng người tiêu dùng đã xuống mức thấp nhất trong tám tháng khi giá cả cao tiếp tục ám ảnh suy nghĩ của người Mỹ về tài chính cá nhân và nền kinh tế nói chung.

Trên thị trường nhà ở, lãi suất vay mua nhà là vào khoảng 7%—hơn gấp đôi so với ba năm trước—khiến hoạt động thi công nhà ở cho hộ gia đình ngưng lại và duy trì giá nhà ở mức cao.

c5.jpg

Trong báo cáo khảo sát Beige Book mới nhất của cục Dự trữ liên bang (Fed), tập hợp nhiều câu chuyện và bình luận về điều kiện kinh doanh, gần một nửa trong 12 khu vực Fed nói tình hình đang đi ngang hoặc suy giảm.

“Tăng trưởng chậm lại một cách khác thường,” theo Gregory Daco, kinh tế gia trưởng ở EY, công ty kế toán và tư vấn. Ông nói chủ lao động hiện chưa có xu hướng giảm người vì vẫn còn nhớ thời kỳ thiếu hụt lao động cách đây không lâu. Nhưng ông cho rằng tình hình có thể thay đổi nhanh chóng, nhất là nếu lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao. “Liệu tình hình có thể chuyển biến tệ hơn không ư? Chắc chắn là có rủi ro đó. Chúng ta đang ở trong vùng bất trắc khi nói tới thị trường lao động hậu đại dịch.”

Như một dấu hiệu báo trước những gì sắp tới, chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 15.7 đã nói dữ liệu kinh tế quý II năm nay khiến ông tự tin hơn là lạm phát sẽ trở lại mức mục tiêu 2% của Fed, có thể mở đường cho quyết định cắt giảm lãi suất.

c6.jpg

“Nền kinh tế Mỹ đã vận hành tốt một cách ấn tượng,” Powell nói trong một hội nghị ngày 15.7 tại Câu lạc bộ kinh tế Washington DC. Giới giao dịch Phố Wall đã phản ứng với dữ liệu tăng trưởng chậm lại khi đặt cược nhiều hơn vào khả năng năm nay sẽ có ba đợt giảm lãi suất, thay vì chỉ hai đợt như dự kiến.

Dấu hiệu cảnh báo cũng đã xuất hiện. Nợ của các hộ gia đình đã tăng thêm 3,4 ngàn tỉ đô la Mỹ kể từ đại dịch, và một số gia đình Mỹ đang chật vật sống qua ngày. “Tỉ lệ nợ xấu thẻ tín dụng đang tăng lên, và tỉ lệ chuyển đổi các khoản vay mua xe thành nợ xấu đang ở mức cao nhất trong 13 năm,” thống đốc Fed Lisa Cook nói ngày 25.6 khi phát biểu ở New York. “Những tỉ lệ này chưa gây lo ngại cho nền kinh tế nói chung, nhưng đáng được theo dõi kỹ.”

Ở công ty Blue Compass RV (trụ sở tại Florida), kỳ vọng về nhiều đợt giảm lãi suất trong năm nay đã làm dấy lên hy vọng hồi sinh nhu cầu cho mảng xe cộ phục vụ giải trí trước mùa đi chơi Xuân— Hè sắp tới, theo Jon Ferrando, nhà sáng lập và CEO Blue Compass. Thay vào đó, đợt bùng nổ lạm phát bất ngờ trong những tháng đầu năm đã khiến Fed phải giữ lãi suất ổn định.

“Ngay bây giờ chúng tôi đang ở trong giai đoạn chậm lại. Tình hình này đã được hai năm, và tôi thấy hết năm 2024 chắc cũng chưa có gì thay đổi,” Ferrando nói. “Chưa chắc là Fed đã giảm lãi suất đáng kể, và nếu cuộc bầu cử chính trị sắp tới chia rẽ lớn, thì tâm lý người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng.”

Một số người so sánh tình hình hiện tại với giữa những năm 1990. Giai đoạn mà Fed cũng gắng xoay xở để hạ cánh mềm, bất chấp những nguy cơ suy thoái truyền thống—như suy giảm cung tiền và chỉ số đơn hàng lĩnh vực sản xuất yếu kém kéo dài. Khi đó nền kinh tế đã tiếp tục tăng trưởng thêm năm năm nữa, cho tới cuộc khủng hoảng bong bóng dot- com. Trong ghi chú cho nghiên cứu tựa đề “Biệt lệ,” kinh tế gia trưởng toàn cầu của Morgan Stanley, Seth Carpenter, đã đặt câu hỏi liệu dấu hiệu kinh tế tăng trưởng chậm lại hiện giờ có gì khác với khi đó không.

“Tôi không biết là liệu chúng ta có còn thêm nửa thập kỷ tăng trưởng nữa hay không,” ông viết. “Nhưng hiện giờ, chúng tôi cần xem xét các chỉ số khác để thay đổi suy nghĩ.”

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/nen-kinh-te-my-dang-cham-lai-nhung-voi-fed-cung-khong-sao-52539.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media