Công nghệ

"Mã nguồn" của Bill Gates là một bức thư cảm ơn dành cho kiểu nuôi dạy con thoải mái

Trong hồi ký về thời thơ ấu, nhà sáng lập Microsoft cho rằng thành công của mình đến từ sự kết hợp giữa tự do và may mắn.

Minh họa: David Plunkert

Minh họa: David Plunkert

Tác giả: Gary Sernovitz

28 tháng 3, 2025 lúc 8:15 AM

2000x1333-2-.jpg

Hồi ký về thời thơ ấu của Bill Gates, Source Code: My Beginnings (Mã nguồn: Khởi đầu của tôi, nhà xuất bản Knopf), vừa hữu ích, vừa mang lại cả niềm vui được trầm trồ theo dõi cận cảnh một thiên tài—tự tin, quan sát tinh tường, kỷ luật, nhiệt huyết, ngây thơ nhưng vẫn gai góc—niềm vui khi chứng kiến cánh cửa từng khép hờ nay bị đạp tung. (Giống như niềm vui khi xem Timothée Chalamet vào vai Bob Dylan trong phim A Complete Unknown).

Nhưng cuốn sách không chỉ có vậy. Tinh tế, đầy nỗ lực tìm tòi, luôn tin tưởng ở độc giả, Gates khám phá những bí ẩn giải thích tại sao, trong muôn vạn con người, ông đã trở thành Bill Gates: Không chỉ là người khổng lồ công nghệ chinh phục cả thế giới đầu tiên trong thời đại chúng ta, mà ở chặng thứ hai cuộc đời đấy, thậm chí có thể là người tiên phong xuất sắc nhất.

Những nhân vật như Gates thường viết (hay thuê người khác viết) tiểu sử dạng kể lại cả cuộc đời, với những câu chuyện hay ho nhất về họ, để dàn xếp phải quấy với quá khứ. Thật vậy, Source Code chỉ là tập đầu trong bộ sách dự kiến gồm ba tập. Trong đó, Gates kể lại câu chuyện của ông từ thời thơ ấu tới năm 1978, khi chàng doanh nhân khởi nghiệp 23 tuổi đưa hơn một chục nhân viên của công ty non trẻ Microsoft từ Albuquerque, New Mexico, về lại quê nhà mình, Seattle.

Những hồi ký về thời thơ ấu có tính biểu tượng ở nước Mỹ hiện đại—cả những tác phẩm đậm chất văn chương lẫn những cuốn bán chạy nhất, từ Frank Conroy sang Mary Karr tới Tara Westover—đều khác thường, đôi khi hoang dã, kể về những cuộc đời thơ dại bị cuốn vào thế giới của những người lớn phóng túng, sống ở bên lề xã hội chỉn chu. Kết cục của những cuốn sách đó là đứa trẻ sống sót qua thời thơ ấu và lớn lên để có thể kể về nó.

Ngược lại, tuổi thơ của Gates cực kỳ chỉn chu và đáng sống. Chính ông thường là nhân tố gây ra hỗn loạn. Source Code không có chuyện gì quá bạo lực (sự cố lớn nhất là một người bạn trung học qua đời do ngã khi trèo cây; Gates đã chọc tức cha ông đến mức bị hắt nước lên người), không quá hoang dã (Gates từng dùng thuốc LSD và hút cần sa, và thấy thích các loại nước ngọt Shirley Temples và Tang hơn), tình dục còn ít nữa (Gates từng mời một bạn gái ông thích dự vũ hội trung học, nhưng bị từ chối). Nhưng cuốn sách 300 trang đấy vẫn lạ lùng kỳ thú. Chắc không nhiều độc giả quá háo hức muốn biết năm lớp ba thì Bill Gates như thế nào.

Tất nhiên là không thể quên vị thế sau này của Bill Gates khi đọc sách, nhưng điều đó chưa nói lên hết được thành tựu của cuốn hồi ký này. “Mã nguồn,” thuật ngữ của dân lập trình, là ẩn dụ cho nguồn gốc thành công của Gates. Nó còn là phong cách viết phản chiếu lý tưởng của ông trong nghề lập trình, những bản thảo và phần mềm “hiệu quả và đơn giản một cách hài hòa,” điều vô cùng cần thiết vào thời mà máy tính còn yếu ớt.

Phong cách này khiến Gates chủ yếu kể lại sự kiện theo trình tự thời gian. Ông cũng cố gắng là người phán xét minh bạch về những điểm mạnh, điểm yếu, và giới hạn của chính mình—chấp nhận lối tư duy tổng quát của bản thân và chấp nhận rằng trong chuyện học hành ở đại học Harvard, ngay cả với một sinh viên có kỹ năng toán đáng nể như ông, ông vẫn thiếu “trực giác bẩm sinh” để có thể đạt tới những phát hiện có tính nền tảng. Ông để độc giả tự đánh giá nguyên do dẫn tới tài năng nơi ông (năng lực ngủ ít đến đáng kinh ngạc, “tư duy logic và khả năng tập trung cao độ trong thời gian dài”) là bởi cha mẹ và ông bà của ông (nhất là người bà chơi bài rất giỏi) lẫn vận may khi ông được tiếp cận máy tính trước gần như mọi thiếu niên khác trên toàn thế giới.

Nhờ công sức nghiên cứu và hỗ trợ viết lách của Rob Guth, Gates đưa chúng ta qua bốn giai đoạn thời trẻ. Thời tuổi thơ, ông là một cậu bé “thần kinh đa dạng,” suy nghĩ mãnh liệt, và thờ ơ cũng mãnh liệt với “những nghi thức thường nhật của cuộc đời và trường lớp, từ chuyện luyện chữ đẹp cho tới nghệ thuật hay thể thao.” Thời kỳ từ khi chín tuổi trở đi thậm chí còn khó khăn hơn, lúc bấy giờ, Gates, tóm tắt lại lời cha ông, “trở thành người lớn chỉ sau một đêm—một người lớn thích tranh luận, mạnh mẽ về trí tuệ, và đôi khi không được tử tế cho lắm.” Giai đoạn thứ ba bắt đầu vào năm lớp tám, với phẩm chất mới là tham vọng (được truyền cảm hứng từ Kent Evans, người bạn thân đã qua đời), và nơi để giải tỏa mới: Máy tính. Giai đoạn cuối cùng là phiên bản chạy thử nghiệm của nhà lãnh đạo kinh doanh sau này, ông điều hành một doanh nghiệp khi học trung học, rồi sau đó là Harvard, trở thành một người thích ăn thua, một đồng nghiệp quyết liệt, một vị sếp “ưa giao việc” ngặt nghèo bị ám ảnh bởi chuyện không để Microsoft đánh mất lợi thế sớm sủa mà họ may mắn có được.

Vậy ông đã trở thành một trong những người thành công nhất thế giới như thế nào? Một phần là nhờ những bậc cha mẹ yêu thương, là tấm gương cho ông, những người mà trong phần lớn cuốn sách, không hề đóng vai trò làm cha làm mẹ gì hết. (Gates viết rằng ông may mắn lớn lên trong một thế hệ mà tuổi thơ của mọi người đều là hoang dã so với chuẩn mực chăm bẵm con cái ngày nay.)

Tới lớp bốn ở một trường công lập đông đúc, Gates “có khi nhiều ngày không nói một tiếng nào, chỉ ra khỏi phòng để ăn cơm và đi học.” Cha mẹ ông, đã chán cảnh bị ông phớt lờ hay nhiếc móc, cuối cùng cũng dẫn ông đi khám bác sĩ tâm lý, “tôi ở trong tình trạng chiến tranh với cha mẹ.” Và lời khuyên của bác sĩ là gì? “Kệ nó đi.” Họ đã nghe theo. Khi vào tuổi thiếu niên, Gates có khi đi leo núi đường dài với bạn bè cả tuần lễ mà không có người lớn đi kèm. Ông lẻn khỏi nhà vào buổi tối, rồi nhảy lên xe buýt đi tới phòng thí nghiệm máy tính.

Tất cả những điều đó nhiều khả năng đã chuẩn bị cho Gates để thành công gần như với bất kỳ điều gì. Nhưng thành công vang dội và tiên phong trong lĩnh vực phần mềm chỉ khả dĩ nhờ những tình cờ và đột phá khó tin bắt đầu vào năm 1968. Đây chính là phần hấp dẫn của Source Code. Gates hiện vẫn kinh ngạc trước xác suất Lakeside, trường trung học tư thục của ông ở Seattle, được tiếp cận máy tính ở tận California nhờ máy điện báo ghi chữ—một thiết bị cồng kềnh “trông giống máy đánh chữ kèm theo bộ quay số điện thoại ở bên hông”—khi mà gần như không ngôi nhà hay trường trung học nào có món đó.

May mắn đầu tiên đấy đã mở ra bao nhiêu cánh cửa khác. Đầu tiên, một doanh nghiệp chia sẻ thời gian dùng máy tính rồi sẽ sớm dẹp tiệm để Gates và bạn bè ở Lakeside (gồm Paul Allen) dùng máy tính lớn của họ để tìm lỗi phần mềm. Rồi sau đó, cơ quan liên bang điều phối điện cho phần lớn vùng Tây Bắc Thái Bình Dương bị trễ tiến độ và vượt ngân sách với một dự án máy tính nhằm cân bằng cung và cầu điện. Họ đang cần lập trình viên đến tuyệt vọng. Gates, bấy giờ đang học lớp 12, được cha mẹ và trường Lakeside cho nghỉ hai tháng để tới sống và làm việc ở Vancouver, Washington, cách nhà 280km.

Năm 1975, khi Gates vẫn đang ở Harvard, Allen đọc được bài báo về công ty MITS ở Albuquerque, hãng chế tạo máy tính tại gia đầu tiên, lúc bấy giờ vẫn còn là một cỗ máy thô sơ, mà mô hình kinh doanh chỉ có một lợi thế duy nhất: Bộ vi xử lý mua được giá rẻ từ Intel. Allen và Gates nhận ra cỗ máy đó vô dụng về mặt công năng, không một ai phát triển phần mềm bằng nó.

0325_inview_gates_01.jpg

Gates và nhóm của ông là những người đầu tiên hiệu chỉnh phần mềm để khiến phần cứng máy tính, vốn ngày càng phổ thông và mạnh mẽ, trở nên thực sự hữu ích. Quá trình đó đầy niềm vui và là lời nhắc nhở về những trớ trêu cũng như thế lưỡng nan của người sáng tạo, điều vốn đã không ngừng định hình lại thế giới này suốt nửa thế kỷ qua.

Phần này trong sách—người đàn ông thành thạo máy tính nhớ lại cậu bé say mê máy tính—rõ ràng là mã nguồn cho CEO Bill Gates, với tất cả viễn kiến về phần mềm và tinh thần tiên phong giúp thúc đẩy Microsoft lên vị trí dẫn đầu trong 25 năm tiếp theo, trước khi ông trao lại chìa khóa cho Steve Ballmer vào tháng 1.2000. Nhưng cuốn hồi ký cũng là mã nguồn hấp dẫn không kém cho 1/4 thế kỷ qua trong cuộc đời Gates, người đã có phần đời thứ hai vào loại ấn tượng nhất trong lịch sử đương đại (cùng tổng thống Jimmy Carter, dù Gates không hoàn toàn sạch sẽ). Ông đã từ chủ doanh nghiệp độc tài đáng ghét trở thành nhà thiện nguyện, kình địch không mệt mỏi của bệnh sốt rét, người yêu sách và các ý tưởng, tác giả sách (cuốn How to Avoid a Climate Disaster của ông là một trong những tác phẩm sâu sắc nhất về đề tài này) và một công dân đầy cảm thông, ăn nói nhẹ nhàng. Con đường của ông không giống Jeff Bezos hay Elon Musk.

Source Code ngầm đưa ra lời giải thích cho tất cả những điều này. Với Bill Gates thời trẻ, công nghệ là lối thoát hơn là nguồn cảm hứng thuần túy. Tại hội chợ Thế giới Seattle năm 1962, Allen bị cuốn hút bởi gian trưng bày của IBM; Gates thì chỉ nhớ bánh kẹp kiểu Bỉ và trò tàu lượn Wild Mouse. Allen sống nhờ khoa học viễn tưởng; Gates cũng đọc, nhưng cũng hứng thú với lịch sử và môn leo núi không kém. Steve Jobs và nhóm Whole Earth Catalog kết hợp tinh thần phản văn hóa của thập niên 1960 với sức mạnh công nghệ. Còn Gates lại bỏ buổi phỏng vấn vào MIT để chơi pinball, và chọn Harvard vì chương trình học đa dạng hơn. Trong đơn ứng tuyển Harvard, ông viết rằng làm việc với máy tính là “cơ hội tuyệt vời để vui chơi, kiếm tiền và học hỏi thêm nhiều điều. Tuy nhiên, tôi không định tiếp tục chuyên sâu lĩnh vực này. Hiện tại, tôi quan tâm nhất đến kinh doanh hoặc luật.”

Kinh doanh và luật là thế giới của cha mẹ ông và bạn bè của họ. Nhưng chỉ là một phần của thế giới đấy. Như Gates viết: “Nếu cha mẹ tôi nói năng đầy đạo đức và quyết tâm về hoạt động tình nguyện và cho đi trở lại... thì là bởi họ thực sự đạo đức và quyết tâm.” Source Code theo nhiều nghĩa là lời cảm ơn dành cho họ, những tấm gương mà dần Gates sẽ thấy coi trọng, và dành cho cả chính những giá trị đấy: Dân chủ cho trẻ nhỏ, xây dựng cộng đồng, niềm tự hào văn minh về lịch sử và xuất thân.

Tôi cho rằng hai tập tiếp theo của bộ sách này sẽ khó viết hơn: Có nhiều chuyện cần biện bạch hơn, nhiều cảm xúc cần che đậy hơn. Nhưng Source Code đã là lời dạo đầu đầy niềm vui, có lẽ vì nó không quá khác biệt so với những hồi ký có tính biểu tượng về thời thơ ấu khác, như thoạt tưởng. Những gì hay ho nhất là khi đứa trẻ được quậy phá và để yên một mình. Nguồn năng lượng đấy là khát khao bất diệt của cả nước Mỹ về chủ nghĩa cá nhân hoang dã. Vấn đề không phải là những gì chúng ta làm, mà những gì chúng ta có thể trở thành.

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/ma-nguon-cua-bill-gates-la-mot-buc-thu-cam-on-danh-cho-kieu-nuoi-day-con-thoai-mai-52911.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media