Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Giải pháp
Khi vòng đàm phán cuối cùng về hiệp ước nhựa toàn cầu bắt đầu tại Hàn Quốc, các quốc gia vẫn chia rẽ về việc liệu có nên giới hạn sản xuất loại vật liệu phổ biến này hay không.
Ô nhiễm nhựa tại Cộng hòa Dominica. Hình ảnh: Mario De Moya F/Getty Images
Tác giả: Leslie Kaufman và Aaron Clark
18 tháng 12, 2024 lúc 3:11 PM
Vòng đàm phán cuối cùng của cuộc thương lượng do Liên hiệp quốc bảo trợ nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa mở màn ở Hàn Quốc giữa chia rẽ sâu sắc về đòi hỏi phải ngăn chặn dòng thác ngày càng dữ dội loại vật liệu này, đe dọa sẽ làm đổ vỡ cuộc mặc cả đã kéo dài hai năm.
Vấn đề căng thẳng nhất trong các cuộc đàm phán bắt đầu ngày 25.11 ở Busan và bộc lộ rõ tại phiên khai mạc, là có thể nhất trí để hạn chế sản xuất những loại hóa chất và nhựa nhất định hay không, hay dàn xếp gói thỏa thuận tài chính nhằm cải thiện năng lực thu gom và tái chế.
“Như quý vị đã thấy, tôi không hề trông đợi đàm phán sẽ dễ dàng,” bà Inger Andersen, giám đốc điều hành chương trình Môi trường Liên hiệp quốc, trong cuộc họp báo giữa hai phiên buổi sáng và buổi chiều.
Sản xuất nhựa sẽ tăng khoảng 60% lên thành 736 triệu tấn vào năm 2040, theo tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong khi rất nhiều nghiên cứu đã cho thấy loại vật liệu này độc hại ra sao khi tích tụ trong môi trường tự nhiên và cơ thể người.
Liên minh gồm gần 70 nước, có cả Rwanda, Na Uy và Anh, đang vận động cho một hiệp ước “nhiều tham vọng hơn” nhằm quản lý các hóa chất độc hại và loại bỏ dần các sản phẩm nhựa sử dụng một lần gây ô nhiễm nhất, như muỗng dĩa.
Nhưng Saudi Arabia, Iran, Nga và một số nước sản xuất dầu (nhựa làm từ các hóa chất phái sinh của nhiên liệu hóa thạch) phản đối quyết liệt. Họ lập luận rằng nhựa là vật liệu quan trọng cho tăng trưởng bền vững, nói ví dụ, do nhựa nhẹ hơn và nhờ vậy giúp giảm nhiên liệu vận tải, và tình trạng ô nhiễm không phải do bản thân vật liệu này, mà là do cách tiêu dùng và xử lý sau đó. Trong các vòng đàm phán trước, các nước này đã phản đối những điều khoản có tính ràng buộc và dùng thủ thuật ngoại giao để ngăn biểu quyết ở ủy ban đàm phán.
“Một số yếu tố không thuộc về hiệp ước này, như các hóa chất liên quan và nguồn cung ứng,” đại diện Nga nói trong phiên khai mạc.
Những đại biểu nhiều tham vọng do đó đã rất thất vọng. Và một số người cảnh báo nếu không đạt được tiến bộ thật sự về hạn chế có tính ràng buộc, cuộc thương lượng có thể lâm vào bế tắc.
“Vấn đề sản lượng là lằn ranh đỏ với nhiều nước. Cần phải giải quyết vấn đề đó,” Anne Beathe Tvinnereim, trưởng đoàn Na Uy ở Busan và là bộ trưởng Phát triển Quốc tế của nước này, nói trước khi đàm phán bắt đầu.
“Nếu không giải quyết được các loại hóa chất độc hại và gây ô nhiễm nhất, thì vấn đề quản lý rác thải cũng là vô ích,” bà nói và so sánh làm vậy chẳng khác nào “lau sàn mà vẫn mở vòi nước.”
Lượng nhựa ngày càng tăng ngoài môi trường là điều khó thể không để ý. Ở các nước đang phát triển, rác thải nhựa gây nghẹt bãi biển và sông ngòi, giết chết thiên nhiên hoang dã. Trong tháng này, dòng rác thải nhựa ở Cộng hòa Dân chủ Congo thậm chí đã khiến nguyên một đập thủy điện phải ngưng hoạt động, dẫn tới mất điện diện rộng. Nhựa cũng chiếm khoảng 4% lượng khí nhà kính toàn cầu, theo Liên hiệp quốc.
Khi phân rã, nhựa trở thành vi nhựa, và đã xuất hiện trong sữa, mô não, và máu người. Nghiên cứu cho thấy có liên hệ giữa một hóa chất dùng trong nhựa, bisphenol F, với tình trạng IQ thấp ở trẻ em.
Vi nhựa hiện đâu đâu cũng có, từ vực sâu của rãnh Mariana ở Thái Bình Dường tới núi tuyết Everest. Một nghiên cứu mới đây thấy rằng hạt nhựa phân tán trong không khí thậm chí có thể tác động lên quá trình hình thành mây và dẫn tới mưa lớn hơn.
Các cuộc thăm dò cho thấy dư luận rộng rãi ủng hộ hạn chế ô nhiễm nhựa. Ở 32 nước, trung bình 90% những người được hỏi ủng hộ quy định toàn cầu cấm các hóa chất trong nhựa nguy hại cho sức khỏe con người và môi trường, theo Ipsos; 87% nói giảm lượng nhựa sản xuất ra trên toàn cầu là quan trọng.
Nhưng lợi ích của hoạt động sản xuất nhựa rất lớn. Các tổ chức ngành nhựa đã vận động quyết liệt chống lại việc áp trần sản lượng. Họ nói vấn đề là 2,7 tỉ người đang sống mà không có giải pháp xử lý rác thải phù hợp, và nguồn tài chính cho các giải pháp đó mới nên là ưu tiên ở Busan.
Thỏa thuận toàn cầu do đó nên “tập trung vào xoay vòng, coi nhựa đã sử dụng là nguồn tài nguyên giá trị, chứ không phải rác thải,” Benny Mermans, chủ tịch hội đồng nhựa thế giới và phó chủ tịch phụ trách bền vững ở Chevron Phillips Chemical, nói trong một tuyên bố trước các cuộc đàm phán.
Khoảng một nửa đồ nhựa là đồ sử dụng một lần. Trên toàn cầu, chỉ 9,5% nhựa được tái chế. Các công ty hóa dầu như Exxon Mobil ủng hộ tái chế nhiều hơn, bao gồm “tái chế hiện đại” với sản phẩm khó phân rã, như giấy gói kẹo. Nhựa tái chế có thể đắt đỏ và gây ô nhiễm, và các nỗ lực mở rộng quy mô tái chế tới nay đều thất bại.
Khi năng lượng tái tạo và điện khí hóa làm giảm nhu cầu dầu mỏ, tăng trưởng của ngành hóa dầu được kỳ vọng sẽ giúp các hãng dầu bù đắp vào, nên sản xuất nhựa trở thành phương án dự phòng quan trọng cho các nước sản xuất dầu và ngành nhiên liệu hóa thạch. Nhu cầu dầu mỏ cho công nghiệp hóa dầu có thể tăng gần gấp đôi tính tới năm 2050, theo BloombergNEF.
“Ngành dầu mỏ và khí đốt coi đây là kế hoạch B, hay phương án lối thoát của họ, trong cuộc chuyển đổi năng lượng,” Dharmesh Shah, nhà vận động cấp cao ở trung tâm Luật pháp Môi trường Quốc tế, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Washington, DC, và Geneva, phân tích.
Lập trường của Mỹ và Trung Quốc
Với tư cách nền kinh tế và nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, Mỹ có ảnh hưởng rất lớn lên các cuộc thương lượng, nhưng họ sẽ làm gì và với mục đích thế nào ở Busan là điều còn chưa rõ ràng. Vào tháng Tám, có tin nói chính quyền Biden sẽ ủng hộ mục tiêu toàn cầu hạn chế sản xuất nhựa. Giới môi trường đã rất phấn khích, trong khi giới lãnh đạo kinh doanh ngành này lên án lập trường đó.
Nhưng nay ông Donald Trump, vốn vận động với lời hứa sẽ khoan dầu nhiều hơn và rút nước Mỹ khỏi hiệp định khí hậu Paris, đã đắc cử tổng thống. Hơn nữa, mọi hiệp ước quốc tế sẽ không thể thông qua nếu chưa được thượng viện Mỹ phê chuẩn, nơi phe Cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát.
Một tuần sau, đoàn đại biểu Mỹ tổ chức họp báo với các tổ chức phi lợi nhuận muốn có hành động kiểm soát nhựa quyết liệt hơn và nói với họ rằng “khó lòng” thiết lập được mức trần cứng với sản lượng, theo các thành viên của liên minh Break Free From Plastic (Thoát khỏi nhựa) có mặt ở cuộc gặp.
Hội đồng Chất lượng Môi trường Nhà Trắng thì nói trong một tuyên bố rằng Mỹ vẫn cam kết “đảm bảo công cụ tham vọng, có tính ràng buộc pháp lý trên toàn cầu nhằm xử lý ô nhiễm nhựa dựa trên cách tiếp cận toàn diện với toàn bộ vòng đời của nhựa.”
“Thái độ đó đơn giản là chưa đủ,” Sarah Martik, giám đốc điều hành trung tâm Công lý mỏ than, một tổ chức vận động ở Pennsylvania, nói. Bà bày tỏ lo ngại rằng lập trường đấy có thể “làm chệch hướng” cuộc thương lượng.
Lập trường không rõ ràng của Mỹ và chiến thắng của phe Cộng hòa trong cuộc bầu cử đã khiến các đại biểu chuyển sang những vấn đề khác.
Họ nói rằng để hướng tới hiệp ước tham vọng, ràng buộc về pháp lý, thì vấn đề là ảnh hưởng của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi, vốn cũng là những khách hàng lớn của dầu mỏ và khí đốt.
“Nếu quý vị là người tiêu dùng lớn, thì quý vị có sức ảnh hưởng để quyết định mình sẽ tiêu dùng gì,” theo bà Juliet Kabera, tổng giám đốc cơ quan Quản lý Môi trường Rwanda và là một nhà thương lượng chủ chốt ở Busan. “Quý vị sẽ có thể buộc nhà sản xuất làm ra đúng thứ quý vị muốn, vì họ cần thị trường của quý vị.”
Trung Quốc là nước sản xuất nhựa lớn nhất thế giới và có quan hệ thương mại chặt chẽ với Saudi Arabia, nguồn nhập khẩu phần lớn dầu mỏ của họ. Công ty dầu khí nhà nước Saudi Aramco đang đầu tư vào nhiều nhà máy ở Trung Quốc chuyên xử lý dầu thô thành hóa chất từ dầu.
Nhưng ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC) năm nay đã ban hành hướng dẫn ưu tiên các hóa chất chuyên dụng, trong khi hạn chế phát triển những nhà máy nhỏ làm các loại nhựa phổ thông, theo những nhà vận động môi trường. Họ cho rằng với Trung Quốc, thỏa thuận cắt giảm năng suất nhựa trên toàn cầu có thể là điều hợp lý.
Thỏa thuận không mất lòng ai
Trong phiên khai mạc ngày 25.11, các đại biểu đã thông qua việc dùng một thỏa thuận “bất thành văn” được công bố vào cuối tháng Mười bởi chủ tịch ủy ban đàm phán, Luis Vayas Valdivieso (Ecuador), làm cơ sở cho những cuộc trao đổi ở Busan. Một tài liệu 70 trang trước đó là kết quả của nhiều cuộc thương lượng cũng có thể sẽ tiếp tục được dùng làm cơ sở đàm phán.
Thỏa thuận chưa thành văn bản bị một số tổ chức phi chính phủ chê là không có hạn chế nào mang tính ràng buộc, nhưng những người khác nói đó là con đường tốt nhất khả dĩ hiện nay. “Nó là khởi đầu rất tốt vì chẳng ai vừa lòng cả,” Erin Simon, phó chủ tịch và giám đốc mảng rác thải nhựa và doanh nghiệp ở tổ chức bảo tồn thiên nhiên World Wildlife Fund, nói, và cho rằng thỏa thuận “có thể đạt được” trong vòng một tuần sau đàm phán.
Các nước châu Phi đã đi đầu trong nỗ lực giảm nhựa dùng một lần, và một số nước ở châu lục này đã ban hành hay cam kết các chính sách giảm lượng tiêu thụ. Hiệp ước mới có thể ấn định các lệnh cấm ở quy mô quốc tế và tạo ra động lực để nhựa dùng một lần tuân thủ quy định về cấu phần hóa học có tính phổ quát, để dễ tái chế hơn.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là quy định về hợp chất hóa học và chất phụ gia dùng trong nhựa mà nghiên cứu đã cho thấy là có hại. Những chất này gồm BPA và các bisphenol khác, phthalate và các chất phụ gia chống cháy PBDE. Những người vận động cho môi trường nhiều tham vọng muốn lập danh sách mục tiêu các hóa chất có tiền sử gây hại cho môi trường hay có khả năng gây hại cho con người, rồi cấm từng chất một.
Tất nhiên, toàn bộ những chuyện này khó lòng giải quyết được trong một tuần lễ ở Busan. Một số đại biểu nói kịch bản tốt nhất sẽ là các nước đồng ý với một khuôn khổ có tính ràng buộc về thương lượng tiếp tục liên quan tới nhựa, giống như thế giới từng làm với các hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP.
“Chúng tôi biết sẽ không thể đạt được mọi thứ mình muốn và mọi thứ thế giới cần,” Simon nói. Nhưng bà cho rằng điều tối quan trọng là “dù thỏa thuận có ra sao” ở Busan, “nó sẽ có thể được củng
cố qua thời gian, để phát triển lên từ đó.”
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/lieu-the-gioi-co-the-doan-ket-de-cham-dut-khung-hoang-o-nhiem-nhua-52672.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media