Báo cáo đặc biệt

Lấp giếng hoang để giúp trái đất "xanh" hơn

Thị trường tín chỉ carbon ngày một lớn, giúp tạo động lực ngăn tình trạng rò rỉ khí mêthan (một loại khí nhà kính) từ các giếng dầu bỏ hoang.

Một giếng dầu bỏ hoang đang được kiểm tra tại Oklahoma. Ảnh: September Dawn Bottoms/Bloomberg

Một giếng dầu bỏ hoang đang được kiểm tra tại Oklahoma. Ảnh: September Dawn Bottoms/Bloomberg

Tác giả: Mitchell Ferman

23 tháng 3, 2024 lúc 10:30 PM

Staci Taruscio đã có hơn mười năm đi tìm và khoan giếng dầu, đầu tiên là kỹ sư làm thuê, rồi sau đó là chủ công ty của riêng cô. Giống như hầu hết mọi người trong nghề này, Taruscio không để ý nhiều tới số phận của những giếng dầu cô từng sở hữu - ở hàng trăm địa điểm khắp vùng Đại Bình nguyên Bắc Mỹ.

Cô nói trong có lẽ 15 trường hợp, công ty cô đã bịt miệng giếng lại bằng xi-măng, nhưng các miệng kia thì vẫn tiếp tục tỏa ra những loại khí độc hại. “Khi nhìn lại cách xử lý một số giếng dầu mà chúng tôi có lẽ cần bịt, phải thẳng thắn nói là chúng tôi có thấy hơi hổ thẹn,” cô nói.

Hiện giờ Taruscio đang cố gắng sửa chữa phần nào những tác hại với môi trường đấy - đồng thời kiếm được tiền nhờ làm thế. Hai năm trước, cô đã bổ sung từ “Solutions” (giải pháp) vào tên công ty - giờ là Rebellion Energy Solutions LLC - và chuyển trọng tâm từ khoan và quản lý giếng mới sang bịt giếng đã bỏ đi. 

02.jpg
Một giếng dầu bỏ hoang gần Tulsa. Ảnh: September Dawn Bottoms/Bloomberg 

Ở Mỹ hiện có khoảng 3,7 triệu giếng dầu và khí đốt không còn khai thác, theo ước tính của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) liên bang. Những giếng bỏ hoang này nằm khắp mọi nơi, từ các khu ngoại ô sang chảnh của Los Angeles cho tới những công viên đậu xe nhà kéo ở Pennsylvania, và mỗi ngày lại có thêm những giếng bỏ hoang mới.

Nhiều giếng vẫn thải ra lượng khí mêthan rất lớn, khí này gây tác động làm trái đất ấm lên mạnh hơn nhiều so với carbon dioxide, theo một số ước tính tương đương với lượng khí thải từ hơn 1,8 triệu chiếc xe hơi. 

Rebellion là một trong vài công ty đã mọc lên trong hai năm qua để định vị các giếng bị bỏ hoang, tính toán xem bao nhiêu khí thải thoát ra từ đó và bịt lại nhằm giữ khí dưới lòng đất. Nếu mọi chuyện đúng như kế hoạch, họ sẽ có thể bán tín chỉ carbon cho bên mua là các doanh nghiệp muốn tự nguyện giảm khí thải. 

03.jpg
Xi măng đang được trộn để tiến hành lấp một miệng giếng. Ảnh: September Dawn Bottoms/Bloomberg 

Quy định của tiểu bang và liên bang thường đòi hỏi các công ty dầu và khí đốt bịt giếng lại sau khi ngừng sản xuất, nhưng quy định đó thường không được thực thi. Các giếng này có sản lượng và lợi nhuận tốt nhất trong những năm đầu, rồi khi sản lượng bắt đầu suy giảm, chúng thường được bán và bán lại cho những công ty khai thác ngày một nhỏ hơn.

Tới lúc chúng ngừng hoạt động, thì thường những công ty tiếp quản sẽ quá nhỏ và không có đủ nguồn lực để bịt giếng, hay các công ty đấy thậm chí không còn tồn tại, và hoạt động chấp pháp với các quy định này còn rất thờ ơ. Không tới một nửa các giếng đã ngừng khai thác ở Mỹ được bịt lại, theo ước tính của EPA. 

opera-snapshot_2023-07-23_192329_www.bloomberg.com.png
Nguồn: Báo cáo tồn lưu khí nhà kính EPA năm 2023, bộ công cụ quy đổi tương đương khí nhà kính của EPA. Số liệu phản ánh tác động của khí mêthan đối với sự nóng lên của trái đất trong vòng 100 năm. 

Rebellion, có quy mô bảy nhân sự, tức bằng một phần tư so với còn làm khoan dầu, xem xét hồ sơ các công ty và tiểu bang để định vị những giếng cũ, rồi cử một nhóm trang bị camera và thiết bị laser đặc biệt tới đo khí thải. Do công việc giá trị hơn ở những giếng xả thải nhiều hơn, công ty tập trung vào những khu vực ô nhiễm nhất - những nơi xả thải tương đương 2.000 tấn khí CO2 mỗi ngày. 

04.jpg
Khi đã xác định được giếng nào có độ rò rỉ cao, Rebellion thuê nhà thầu bịt miệng giếng bằng xi măng. Ảnh: September Dawn Bottoms/Bloomberg 

Với những giếng được cho là xứng đáng bịt lại, Rebellion sẽ thuê một nhà thầu đổ hàng tấn xi-măng vào miệng giếng, rồi thuê các nhà thầu khác đến làm sạch đất, thay thế thực vật và thông khí cho đất. Cuối cùng, họ kiểm tra lại vài lần trong các tháng sau đó để bảo đảm khí mêthan đã thực sự ngừng thoát ra. Tổng chi phí là từ khoảng 20.000 tới 150.000 đô la Mỹ mỗi giếng.

Khi một dự án đã được các công ty kiểm toán môi trường và tổ chức phi lợi nhuận Đăng ký Carbon Mỹ (ACR) xác nhận, thì họ có thể bán được tín chỉ carbon. Sau khi xem thử gần 2.000 giếng kể từ tháng 1.2023, Rebellion đã bịt được mới sáu giếng, dù Taruscio nói nhóm của cô có thể sẽ quay lại một số giếng khác, tùy vào việc cô nhận được bao nhiêu tín chỉ cho những giếng đã bịt khi họ bắt đầu bán ra thị trường vào mùa thu này. 

05.jpg
Cảm biến dùng đo lường mức độ rò rỉ khí mêthan. Ảnh: September Dawn Bottoms/Bloomberg

Đạo luật Hạ tầng lưỡng đảng được Quốc hội Mỹ thông qua năm 2021 dành ra 4,7 tỉ đô la Mỹ cho việc bịt các giếng dầu, nhưng số tiền đó chẳng thấm vào đâu. Cho tới khi tiền được phân bổ, các tiểu bang nói chung sẽ chỉ đạo quá trình dọn dẹp, đôi khi hợp tác với Quỹ Well Done, một tổ chức phi lợi nhuận thành lập ở Bozeman, Montana vào năm 2019.

Khi Crescent Midstream, hãng vận hành đường ống ở Louisiana và Vịnh Mexico, quyết định mua tín chỉ để bù đắp cho việc phát thải của họ, họ đã nghĩ tới chuyện trồng cây. Nhưng công ty nhanh chóng quyết định lấp giếng dầu là hoạt động phù hợp hơn, và vào mùa xuân này họ đã mua lượng tín chỉ trong một năm của Well Done với mức giá không được tiết lộ. 

“Ngoài kia có cả đống giếng bị bỏ hoang,” theo lời Richard Stewart, phó chủ tịch phụ trách trung hòa carbon của Crescent. “Các giếng ấy nằm ở Louisiana, nơi công ty chúng tôi hoạt động, và có tác động rất lớn. Chuyện này hoàn toàn hợp lý.”

06.jpg
Kiểm tra lượng khí mêthan rò rỉ từ một miệng giếng. Ảnh: September Dawn Bottoms/Bloomberg 

Không phải ai cũng tin rằng tín chỉ phát thải là giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề. Rất khó lập mô hình về lượng khí thải từ một giếng bị bỏ hoang, và có thể có những cách khác để lấp các giếng đấy, theo Michael Gillenwater, đồng sáng lập Viện Quản trị Khí Nhà kính, tổ chức phi lợi nhuận chuyên kiểm toán carbon. 

“Mọi giải pháp tránh phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đều đáng được xem xét,” ông nói. “Nhưng điều đó không có nghĩa là một kiểu cơ chế bù đắp tín chỉ là điều thích hợp.” 

Mùa thu năm ngoái, Bloomberg Green đã phân tích hơn 200.000 giao dịch bù đắp trong thập kỷ qua và phát hiện được vài chục tập đoàn cỡ bự trả cho những chương trình bù đắp khí thải chất lượng thấp bị giới chuyên gia coi là vô dụng. Ngày 29.6.2023, nhà chức trách Mỹ đã công bố kế hoạch tăng cường chống lừa đảo và gian lận trong thị trường bù đắp carbon nói chung.

07.jpg
Sau khi đã bịt xong một miệng giếng, Rebellion tiến hành tẩy sạch khu vực xung quanh, và thay thế cây trồng mới. Ảnh: September Dawn Bottoms/Bloomberg

Adam Peltz, luật sư của Quỹ Phòng vệ Môi trường, nói ông “buồn vui lẫn lộn” với những tín chỉ carbon từ công tác lấp giếng dầu bỏ hoang, mà lẽ ra chủ cũ phải chi trả. “Người ta đổ xô vào mà không nhìn nhận kỹ, vì họ ngửi thấy mùi tiền,” ông nói.

Nhưng những giếng dầu bỏ hoang đã là vấn nạn một thời gian dài, nên ông cho rằng đề xuất cấp tín chỉ carbon để lấp là điều đáng cân nhắc nghiêm túc. “Tôi đã nỗ lực suốt nhiều năm trời để đòi lấp các giếng mò côi, và nguồn tài chính carbon là rất triển vọng để giải quyết vấn đề đó,” Peltz nói.

Taruscio hiểu những chỉ trích, nhưng cô hy vọng mô hình làm từ từ và được bên thứ ba xác nhận của cô sẽ thuyết phục được những ai còn nghi ngờ. Trong khi cô thừa nhận lĩnh vực này cũng có những nhân vật “cao bồi Viễn Tây,” các tín chỉ của Rebellion sẽ làm đúng như lời họ hứa: ngăn chặn một lượng khí mêthan đã được đo đạc bay vào bầu khí quyển. “Không phải mất nhiều năm để trồng rừng,” cô nói. “Chúng tôi bịt những chỗ thoát khí. Lúc trước thì có khí thải, còn giờ không có nữa.”

Dòng cuối: Không tới một nửa trong 3,7 triệu giếng dầu và khí đốt bỏ hoang ở Mỹ được bịt lại, nhưng mối quan tâm đang tăng lên với chương trình bù đắp carbon giúp tạo ra thêm nỗ lực bịt các giếng thải khí mêthan này.

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/lap-gieng-hoang-de-giup-trai-dat-xanh-hon-52442.html

#tín chỉ carbon
#phát triển xanh

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media