Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Ở khắp khu vực các nước đang phát triển, nhiều doanh nhân đang tìm cách khai thác giá trị từ rác thải điện tử. Nhưng chi phí thực sự là gì?
Chất thải điện tử tại một bãi phế liệu ở Lagos. Hình ảnh: Irene Galan/UNEP
Tác giả: Vince Beiser
28 tháng 11, 2024 lúc 3:03 PM
Tại Lagos, Nigeria, Tijjani Abubakar điều hành một công việc không ai ngờ tới và mang lại lợi nhuận đáng ngạc nhiên: Anh bán rác thải từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới cho một số quốc gia giàu có nhất.
Xưởng làm việc của Abubakar tọa lạc trong một tòa nhà bê tông cũ kỹ gần khu chợ điện tử rộng lớn, vốn là một “nghĩa địa” của những chiếc điện thoại di động hỏng. Các công nhân, được trang bị tua vít và búa, lấy điện thoại từ những bao tải nhựa và đập chúng như đập vỏ quả óc chó. Những ngón tay lành nghề của họ tháo rời các bảng mạch xanh nằm bên trong, sau đó vứt chúng thành đống dưới chân.
Các bảng mạch này chứa một lượng nhỏ đồng, niken, vàng và các kim loại có giá trị khác. Tuy nhiên, việc thu hồi những kim loại đó khó hơn nhiều so với việc chỉ đập vỡ một chiếc điện thoại. Việc nghiền nát các bảng mạch và tách riêng các thành phần của chúng đòi hỏi thiết bị phức tạp và đắt tiền. Không có cơ sở nào ở châu Phi có thể thực hiện được điều này. Vì vậy, Abubakar xuất khẩu các bảng mạch của mình đến các nhà tái chế nước ngoài có trang thiết bị tốt hơn. Hầu hết đều ở châu Âu hoặc Trung Quốc - đôi khi ngay tại quốc gia mà các thiết bị này được sản xuất.
Vấn đề các nước giàu đổ rác thải điện tử sang các nước nghèo đã được ghi nhận rộng khắp. Điều ít ai biết đến hơn là có một dòng chảy ngày càng tăng của rác thải kỹ thuật số đang di chuyển theo hướng ngược lại, được thúc đẩy bởi các doanh nhân đến từ khắp các nước đang phát triển.
Rác thải điện tử, như thuật ngữ thường được biết đến của nó (E-waste), là một danh mục rộng bao gồm hầu hết mọi thứ có phích cắm hoặc pin đã bị vứt bỏ. Điều đó bao gồm máy tính, điện thoại, tay cầm chơi game và các thiết bị kỹ thuật số khác mà tất cả chúng ta đang sử dụng và vứt bỏ với số lượng ngày càng tăng. Thế giới sinh ra hơn 68 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm, theo Liên hiệp quốc, đủ để lấp đầy một đoàn xe tải kéo dài vòng quanh xích đạo.
Câu hỏi về cách xử lý tất cả những thứ này ngày càng trở nên cấp bách; đó là một hình thức rác thải đặc biệt rắc rối. Nếu bạn chỉ đổ những thiết bị này vào bãi rác, chúng có thể rò rỉ hóa chất độc hại vào đất và nước. Và pin lithium-ion của chúng có thể bắt lửa, khiến các bãi rác bốc cháy. Tuy nhiên, Liên hiệp quốc ước tính rằng chỉ có 22% tổng lượng rác thải điện tử trên toàn thế giới được thu gom và tái chế. Phần còn lại bị vứt bỏ, đốt hoặc chỉ đơn giản là bị lãng quên ở nhà hoặc nơi làm việc.
Bên cạnh gây hại về môi trường, đây là sự lãng phí tài nguyên khổng lồ. Các thiết bị kỹ thuật số chứa nhiều kim loại quý, như đồng trong bảng mạch, cáp và lithium, coban và niken trong pin. Theo Liên hiệp quốc, thế giới hiện đang vứt bỏ hơn 60 tỉ đô la Mỹ giá trị kim loại trong rác thải điện tử mỗi năm.
Ở các nước giàu, hầu hết mọi người không có cách dễ dàng để tái chế những chiếc iPhone hay tay cầm Xbox cũ, nên chúng thường bị vứt đi hoặc bị bỏ quên trong các ngăn kéo lộn xộn. Tại Mỹ và châu Âu, chưa đến một trong sáu chiếc điện thoại di động hỏng được tái chế.
Tình hình khác biệt ở các nước đang phát triển. Nếu bạn sống với hai đô la một ngày, kiếm được 10 xu từ một chiếc bàn chải điện bỏ đi cũng có ích. Theo Liên hiệp quốc, chưa đến 1% trong số ba triệu tấn rác thải điện tử mà châu Phi tạo ra mỗi năm được tái chế bởi các doanh nghiệp có giấy phép. Tuy nhiên, tỷ lệ tái chế thực tế cao hơn nhiều. Tại Nigeria, giống như nhiều quốc gia đang phát triển khác, có một mạng lưới hiệu quả đáng ngạc nhiên gồm hàng chục ngàn người nhặt rác và thu gom phế liệu không có giấy phép, không đóng thuế. Họ thu gom điện thoại hỏng, máy tính xách tay, bộ định tuyến Wifi và các thiết bị điện tử hỏng khác rồi bán cho các nhà môi giới địa phương như Abubakar. Ước tính khoảng 75% rác thải điện tử của Nigeria được thu gom để tái chế dưới một hình thức nào đó. Ở Ấn Độ, con số này được ước tính lên tới 95%.
Abubakar mua bán đủ loại rác thải điện tử, nhưng anh chuyên về điện thoại di động. Nguồn cung rất dồi dào. Ở các nước đang phát triển, điện thoại di động đã trở nên phổ biến như áo phông. Gần như mỗi người trong số 210 triệu người dân Nigeria đều có một tài khoản điện thoại di động đã đăng ký. Những chiếc điện thoại đó, giống như tất cả các thiết bị điện tử, cuối cùng cũng hỏng hoặc bị vứt bỏ khi chủ nhân của chúng muốn có mẫu mới hơn. Trên toàn thế giới, hơn năm tỷ điện thoại di động bị vứt bỏ mỗi năm.
Không ai biết chính xác lượng rác thải điện tử từ các nước nghèo chảy sang các nước giàu là bao nhiêu, nhưng rõ ràng đây là một mặt hàng thương mại ngày càng phát triển. Các công ty Trung Quốc cũng như các công ty châu Âu như Umicore, tập đoàn tái chế khổng lồ của Bỉ, đang tích cực tìm kiếm vật liệu tái chế tại các thị trường phế liệu ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latin để vận chuyển về nước mình.
Abubakar cho biết doanh nghiệp của anh hợp tác với hàng trăm người và đã giúp anh trở nên giàu có, đủ để quyên tặng sách giáo khoa và gia súc cho các gia đình ở tỉnh quê nhà nghèo khó của mình.
Ngành công nghiệp rác thải điện tử còn mang lại những lợi ích khác. Các công ty như của Abubakar đang giúp giảm lượng rác thải dồn vào các bãi chôn lấp, giảm nhu cầu khai thác kim loại mới và tạo ra hàng ngàn công việc cần thiết. Tuy nhiên, đó không phải là toàn bộ câu chuyện. Trong khi các bảng mạch được tái chế, các bộ phận khác của thiết bị điện tử thường bị xử lý bằng các phương pháp thô sơ, gây ô nhiễm. Dây nguồn và cáp bị đốt trong những đám cháy ngoài trời, thải ra các chất độc hại. Pin lithium bị vứt bỏ ở các bãi rác, không chỉ gây ra các vụ cháy mà còn rò rỉ các hóa chất nguy hiểm. Những người lao động tham gia việc đốt và vứt rác thường chỉ kiếm được vài đô la mỗi ngày và làm việc mà không có thiết bị bảo hộ, giữa các hóa chất và khói bụi độc hại.
Tác hại từ những hoạt động này đã được ghi nhận rõ ràng. Ở Nigeria, mức độ nguy hiểm của kim loại nặng và các chất độc khác đã được tìm thấy trong đất tại các địa điểm tháo dỡ rác thải điện tử. Các nghiên cứu về thị trấn Guiyu, tỉnh Quảng Đông, nơi có khu phức hợp tái chế rác thải điện tử lớn nhất Trung Quốc, cho thấy nồng độ chì cực kỳ cao trong máu của trẻ em sống gần đó. Nghiên cứu năm 2019 của một tổ chức môi trường tại Ấn Độ đã phát hiện hơn chục điểm tái chế rác thải điện tử không phép quanh Delhi, sử dụng khoảng 50 ngàn lao động. Ở những khu vực này, công nhân không được bảo hộ phải tiếp xúc với hơi hóa chất, bụi kim loại và chất thải axit.
Có những cách để tăng lợi ích từ việc tái chế rác thải điện tử kiểu như vậy mà vẫn hạn chế được tác hại. Hiện nay, hầu hết những người thu gom phế liệu hoạt động trong nền kinh tế “phi chính thức”, không bị đánh thuế và không được quản lý, nhưng họ sẽ được hưởng lợi nếu được đưa vào hệ thống chính thức. Nâng cao kỹ năng và thu nhập cho họ, cùng lúc với việc quản lý tác động môi trường sẽ mang đến lợi ích cho tất cả mọi người. Tại một số quốc gia đang phát triển, những người thu gom phế liệu đã thành lập các hiệp hội và nhận được sự hỗ trợ của chính phủ cho công việc của họ.
Về cơ bản, những người lao động này cũng được coi giống như các doanh nhân cung cấp một dịch vụ hiếm hoi và quý giá. Chẳng hạn, ở hàng chục thành phố của Colombia, chính phủ trả cho những người thu gom phế liệu một phần phí thu gom rác của thành phố để bổ sung cho thu nhập từ việc bán vật liệu tái chế. Tại Pune, Ấn Độ, hàng ngàn người thu gom rác tận nhà, thuộc một hợp tác xã do người lao động làm chủ, nhận được một khoản phí nhỏ từ các hộ gia đình mà họ phục vụ - bao gồm từ cả những khu ổ chuột mà dịch vụ thành phố thường bỏ qua. Họ xử lý hơn 1.000 tấn rác mỗi ngày.
Tương lai của rác thải điện tử có thể nằm ở việc nhận ra giá trị ẩn chứa trong tất cả đống rác đó.
Trích từ cuốn Power Metal: The Race for the Resources That Will Shape the Future (Power Metal: Cuộc đua giành các nguồn tài nguyên sẽ định hình tương lai), phát hành vào ngày 19.11. Bản quyền © của Vince Beiser. Trích đăng có sự cho phép của Riverhead, một bộ phận của Penguin Random House.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/kinh-doanh-rac-thai-dien-tu-tren-toan-cau-52607.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Gói đăng ký
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media