Vì sao trang sức Art Deco vẫn có giá hàng triệu đô sau 100 năm?

Một thế kỷ kể trôi qua từ khi cuộc triển lãm ở Paris khai sinh ra trào lưu Art Deco, sức hấp dẫn của nó chưa bao giờ phai nhạt.

Từ trái sang: Hoa tai kim cương hình hoa sen Ai Cập cổ điển ($68.500 tại Briony Raymond); vòng cổ Chopard Haute Joaillerie (giá theo yêu cầu) đính sapphire, ngọc lục bảo và kim cương; trâm cài bằng kim cương và hồng ngọc của Bulgari thập niên 1930 (giá th

Từ trái sang: Hoa tai kim cương hình hoa sen Ai Cập cổ điển ($68.500 tại Briony Raymond); vòng cổ Chopard Haute Joaillerie (giá theo yêu cầu) đính sapphire, ngọc lục bảo và kim cương; trâm cài bằng kim cương và hồng ngọc của Bulgari thập niên 1930 (giá th

Tác giả: Kristen Shirley

20 tháng 07, 2025 lúc 2:20 PM

Tóm tắt bài viết

Bộ sưu tập trang sức Cartier đặt làm ở London những năm 1920-1930 của gia tộc Sassoon đã sống sót qua Thế chiến II và được bán với giá 4,4 triệu franc Thụy Sĩ.

Triển lãm Quốc tế về Nghệ thuật Trang trí và Công nghiệp Hiện đại năm 1925 tại Paris đã thu hút hơn 16 triệu người tham quan, giới thiệu 15 ngàn tác phẩm từ các tên tuổi lớn.

Trang sức Art Deco nổi bật với sự kết hợp onyx, kim cương, đá quý màu như ngọc lục bảo, hồng ngọc, sapphire và các họa tiết hình học táo bạo.

Vương công (Maharaja) của Patiala năm 1928 đã đặt hàng lớn tại Boucheron, trong khi các ngôi sao Hollywood như Claudette Colbert lăng xê trang sức Art Deco trên màn ảnh.

Các công trình kiến trúc Art Deco như tòa nhà Chrysler, trung tâm Rockefeller, đài thiên văn Griffith và trạm điện Battersea vẫn tồn tại đến ngày nay.

Tóm tắt bởi AI HAY

Tháng 11.2024, khi một bộ sưu tập trang sức tráng lệ được đưa ra đấu giá tại nhà Christie’s, mọi người đều biết rằng đó sẽ là sự kiện lớn. Bộ sưu tập rực rỡ gồm các món trang sức kim cương, hồng ngọc và ngọc lục bảo được Cartier đặt làm tại phố Bond ở London vào những năm 1920 và 1930 đã nằm trong tay gia tộc Sassoon, một triều đại Do Thái nổi tiếng ở Baghdad, suốt thế kỷ sau đó. Nó thậm chí còn sống sót qua vụ đánh bom ngân hàng nơi nó được cất giữ trong Thế chiến II. Món đồ nổi bật nhất trong bộ sưu tập — chiếc vòng cổ kim cương Art Deco kiểu Ấn-Ba Tư đặc biệt nặng từ 130 đến 140 carat — là ví dụ hiếm có về khả năng bảo tồn lịch sử từ một kỷ nguyên mà hầu hết các món trang sức quan trọng đều bị bán đi hoặc làm lại. Và giá của nó cũng tương xứng, với ước tính cao nhất là 1,3 triệu franc Thụy Sĩ (1,63 triệu đô la Mỹ).

Nó đã được bán giá 4,4 triệu franc — một trong nhiều sự kiện gần đây minh chứng cho sức hấp dẫn bền bỉ của Art Deco, phong cách đang kỷ niệm 100 năm thành lập trong năm nay.

art-deco-08.jpg
Từ trên xuống: Hoa tai Lugano bằng gốm đen và kim cương cắt emerald; vòng cổ tua rua Chanel High Jewelry Charleston đính kim cương và đá onyx. Hình ảnh: Joanna McClure cho Bloomberg Businessweek; Stylist đạo cụ: Sonia Rentsch

Phong cách thẩm mỹ này, vốn đã định hình thời trang, kiến trúc, nghệ thuật và trang sức, khởi đầu vào những năm 1910, phát triển mạnh mẽ trong những năm 1920 Gào thét, và sau đó suy yếu trong cuộc Đại suy thoái. Dù chỉ tồn tại vỏn vẹn 20 năm, phong trào đã tác động to lớn lên thiết kế trong nhiều thập kỷ sau đó, và các nhà thiết kế độc lập đương đại vẫn tìm thấy cảm hứng từ những đường nét rõ ràng và hình dáng táo bạo của nó. “Art Deco vẫn là thời kỳ phổ biến nhất với các nhà sưu tập,” Benoît Repellin, trưởng bộ phận trang sức toàn cầu tại nhà đấu giá Phillips, cho biết.

Xu hướng này chính thức bùng nổ trên trường quốc tế vào năm 1925 với triển lãm Quốc tế về Nghệ thuật Trang trí và Công nghiệp Hiện đại. (Do đó có tên “Art Deco.”) Được chính phủ Pháp tổ chức như một nền tảng để giới thiệu thiết kế hiện đại, triển lãm Paris ban đầu dự kiến diễn ra vào năm 1915, nhưng bị trì hoãn do Thế chiến I nổ ra. Khi nó mở cửa một thập kỷ sau với các nhà triển lãm từ 21 quốc gia, hơn 16 triệu người đã đến tham quan, chiêm ngưỡng khoảng 15 ngàn tác phẩm từ những tên tuổi lớn nhất thời bấy giờ, như René Lalique, Le Corbusier và Jeanne Lanvin. Khu trưng bày Le Pavillon de l’Élégance của Émile-Jacques Ruhlmann sau đó đã định hình thiết kế nội thất Art Deco.

art-deco-02.jpg
Gian trưng bày của Galeries Lafayette tại triển lãm Paris năm 1925. Hình ảnh: Roger Viollet/Getty Images

Các tác phẩm trưng bày là cả một cuộc mặc khải. Sau cuộc thế chiến tàn khốc, những tiến bộ trong hàng không và xe hơi, cũng như sự phổ biến của điện, đang nhanh chóng tái tạo thế giới. Nghệ thuật và văn học thuộc trào lưu tiên phong (avant-garde) đang phát triển mạnh mẽ — thật hợp lý khi các hình thức mới trong nghệ thuật trang trí cũng lan rộng. “Art Deco là phản ứng với thời điểm đang có rất nhiều hy vọng về thế giới đang ở vào một vị trí thực sự thú vị, hiện đại,” Briony Raymond, nhà thiết kế và giám tuyển trang sức cổ điển, nói. “Có rất nhiều sự xa hoa trong những năm 1920 Gào thét.”

Các họa tiết hình học mới thật khác biệt so với các hình dáng xum xuê, lấy cảm hứng từ thiên nhiên đã định hình thẩm mỹ trước chiến tranh — tức “thế giới hữu cơ, xoáy tít của thời kỳ Art Nouveau,” theo Raymond. Alexandrine Maviel-Sonet, giám đốc di sản và triển lãm tại Van Cleef & Arpels, đồng ý. “Art Nouveau thực ra là những hình dạng màu nhẹ, tròn trịa, và phức tạp,” bà nói. “Art Deco hoàn toàn khác: Đơn giản, rất hình học, và họ muốn sự tương phản của màu sắc.”

Vào giữa những năm 1910, các nhà thiết kế, bao gồm cả Van Cleef, đã bắt đầu tạo ra những món đồ khám phá ý tưởng này. Những món trang sức hai màu kết hợp onyx (một loại đá tự nhiên thuộc nhóm thạch anh) với kim cương hoặc đá quý màu — thường là ngọc lục bảo, hồng ngọc hoặc sapphire — và sử dụng hoa văn táo bạo để làm nổi bật sự tương phản rõ nét. Sau đó, vào năm 1919, việc thêm màu thứ ba trở nên thịnh hành, và sự kết hợp kim cương-onyx với một viên đá quý màu trở thành dấu ấn của trang sức Art Deco.

Tuy nhiên, cuối cùng, không phải một phong cách hay họa tiết đơn lẻ nào định nghĩa Art Deco. Nó “bao gồm rất nhiều phong trào thiết kế khác nhau diễn ra trong thời gian đó,” Raymond nói. “Nếu tôi muốn chắt lọc nó thành một mô tả thực sự đơn giản, tôi sẽ nói rằng nó ít hữu cơ hơn, nhiều hình học hơn, ít tự do hơn, táo bạo và có tính kiến trúc hơn nhiều.”

Trang sức Art Deco có thể phẳng hoặc có khối lượng đáng kể với đá quý chạm khắc và cabochon. Bạch kim trở thành dấu ấn, nhưng vàng cũng được sử dụng. Sự đa dạng này là một lý do khiến Art Deco vẫn rất ăn khách. “Chúng ta gọi nó là một phong trào, nhưng cái tên này xuất hiện muộn hơn nhiều vào những năm 1960, khi họ nhìn lại thời kỳ những năm 1920 và 1930,” Repellin của Phillips nói. “Thời kỳ đó thực sự rất rộng.”

Các họa tiết từ Đông Á và Ấn Độ đã ảnh hưởng đến các nhà thiết kế trang sức, theo lời ông, dẫn đến sự ra đời của trang sức Tutti Frutti của Cartier, một thiết kế Art Deco tinh túy nhưng lại có các viên đá quý màu được khắc theo hình lá, nụ và quả mọng được điểm xuyết bằng kim cương và onyx hoặc men đen. Những món theo chủ nghĩa tối đa này vẫn có mức giá rất cao — một chiếc vòng cổ Tutti Frutti đã được bán với giá 8,7 triệu đô la tại cuộc đấu giá năm ngoái.

Trang sức là một điểm nhấn không thể phủ nhận của triển lãm năm 1925. Ngoài Cartier, Boucheron đã trưng bày 232 món, và Van Cleef trưng bày hàng chục món, với chiếc vòng tay Entwined Flowers, Red and White Roses của họ đã giành giải thưởng lớn. Các nhà sưu tập đón nhận phong trào này ngay lập tức. Năm 1928, Vương công (Maharaja) của Patiala, ở miền bắc Ấn Độ, đã mang nhiều rương đầy đá quý đến cửa hàng Boucheron trên quảng trường Vendôme ở Paris và đặt đơn hàng lớn nhất mà nhà tạo mốt này từng nhận được.

“Phần lớn những món đồ này là điển hình của phong cách Art Deco,” Hélène Poulit-Duquesne, CEO của Boucheron, nói. “Mọi người đều bị ám ảnh bởi phong cách mới.” Trong đó có cả Công tước Windsor và Wallis Simpson, gia đình Rothschild và người thừa kế nữ Woolworth Barbara Hutton.

Trang sức Art Deco cũng chiếm lĩnh Hollywood. Các ngôi sao như Mae West và Jean Harlow đã diện những phong cách hình học trong các bộ phim của họ, bất kể thời kỳ của phim. Cleopatra, từ năm 1934, là “bộ phim Art Deco nhất từ trước đến nay,” dù có bối cảnh cổ đại, theo Jaci Rohr, từng là chuyên gia thư khố về trang sức và trang phục tại Paramount Pictures.

Năm 1935, ngôi sao phim Cleopatra, Claudette Colbert, đã đeo một chiếc vòng cổ Art Deco bắt mắt của thợ kim hoàn người Mỹ Trabert & Hoeffer trong phim The Gilded Lily, một trong những ví dụ đầu tiên về việc đưa sản phẩm trang sức cao cấp vào phim. Nhưng có lẽ món đồ tráng lệ nhất từng xuất hiện trên màn bạc là chiếc vòng tay Jarretière hồng ngọc và kim cương của Marlene Dietrich từ Van Cleef, mà bà đeo trong phim Stage Fright vào năm 1950. (Nó được bán với giá 4,53 triệu đô la tại Christie’s vào năm 2023.)

art-deco-05.jpg
Colbert trong phim Cleopatra năm 1934. Nguồn: Paramount Pictures/ScreenProd/Alamy

Nghệ thuật Art Deco lan sang kiến trúc một cách tự nhiên trong khuôn khổ thời gian dài hơn: Tòa nhà Chrysler và trung tâm Rockefeller biểu tượng của New York những năm 1930, các khách sạn dọc đại lộ Collins ở Miami Beach từ những năm 1920 đến 1940, đài thiên văn Griffith ở Los Angeles, trạm điện Battersea năm 1933 ở London, Palais de Tokyo và Folies Bergère của Paris, và toàn bộ các khu dân cư ở Mumbai và Napier, New Zealand, đều là minh chứng cho sức mạnh của phong trào. Ngay cả ngày nay, thang máy trong nhiều tòa nhà văn phòng cũng mang những đường nét gọn gàng và hình dáng trang trọng của ảnh hưởng Art Deco.

Khi cuộc Đại suy thoái xảy ra, thời đại của phù hoa, những vũ công nổi loạn và kim cương khổng lồ đã chấm dứt. Thiết kế Art Deco ngày càng sử dụng vật liệu bán quý, chẳng hạn như thạch anh, đá lapis, mã não và hổ phách, cho đến khi tậm trạng nhạy cảm u ám hơn bắt đầu bén rễ vào trước Thế chiến II. Nhà báo người Anh Bevis Hillier được ghi nhận là người đã hồi sinh Art Deco trong thời hiện đại — và truy tặng tên cho phong trào nghệ thuật này — sau khi xuất bản một cuốn sách vào năm 1968 làm nổi bật vẻ đẹp của nó.

Trang sức Art Deco, thật đặc biệt, tỏa ra vẻ nhạy cảm thị giác riêng có mà không hiểu sao tạo ra cảm giác hiện đại hơn các thiết kế từ những thập kỷ gần đây. “Khi khách hàng bắt đầu sưu tập hoặc xem trang sức, thật tuyệt khi có thứ gì đó bạn nhận ra và biết nó là điển hình của thời kỳ đó.”

art-deco-06.jpg
Chiếc vòng cổ Sassoon Cartier, khoảng năm 1935, được bán với giá 4,4 triệu franc Thụy Sĩ vào năm 2024. Nguồn: CHRISTIE’S IMAGES LTD. 2025
art-deco-07.jpg
Các nhà thiết kế trang sức và trang phục cùng Colbert trên phim trường The Gilded Lily năm 1935. Nguồn: Masheter Movie Archive/Alamy

Tâm trạng thèm muốn không ngừng này cũng tiếp tục ảnh hưởng đến thiết kế trang sức đương đại. Các giám đốc sáng tạo tại các nhà mốt lịch sử tìm đến kho lưu trữ của họ để tìm cảm hứng, và việc kết hợp các yếu tố Art Deco có thể giúp khách hàng quyết định đầu tư tiền triệu. Họ không phải lo lắng rằng nó sẽ lỗi thời trong vài năm nữa, và họ sẽ có thể đeo nó trong nhiều dịp. “Các thương hiệu biết rằng nếu họ có một chút nét Art Deco, họ sẽ có người mua cho những món trang sức cao cấp của họ,” Repellin nói.

Ví dụ, vài năm trước, Poulit-Duquesne muốn làm nổi bật lịch sử Art Deco phong phú của Boucheron, và nhà mốt này đã ra mắt bộ sưu tập trang sức cao cấp Histoire de Style, Art Deco, lấy cảm hứng từ những món đồ tinh xảo nhất của họ. Giám đốc sáng tạo Claire Choisne đã sử dụng một bảng màu nghiêm ngặt với ngọc lục bảo, kim cương, thạch anh và onyx, khai thác nhiều chủ đề của thời kỳ này. Năm sau, Boucheron đã phát hành một bộ sưu tập lấy cảm hứng từ các đơn đặt hàng của Vương công xứ Patiala và các nhà sưu tập hoàng gia Ấn Độ khác.

art-deco-09.jpg
Đối với các nhà thiết kế trang sức độc lập hàng đầu, việc quay trở lại phong cách art deco đã tồn tại hàng thế kỷ là một phương án kiếm tiền hiệu quả. Hình ảnh: Joanna McClure cho Bloomberg Businessweek; Chuyên gia tạo mẫu đạo cụ: Sonia Rentsch

Các bảo tàng cũng không bỏ lỡ cơ hội để tôn vinh sức hấp dẫn lâu dài của Art Deco. Cartier có một cuộc triển lãm lớn tại bảo tàng Victoria và Albert ở London, mở cửa đến ngày 16.11, bao gồm nhiều kiệt tác Art Deco. Và vào tháng Mười, Musée des Arts Décoratifs ở Paris sẽ khai mạc “1925-2025. Một trăm năm Art Deco,” triển lãm hồi cố đầy tham vọng sẽ bao gồm từ những ngày đầu của phong cách vào những năm 1910 cho đến sự hồi sinh của nó những năm 1970, bao gồm các phòng cố định mới dành riêng cho nó. Khách tham quan sẽ có cơ hội đứng trước một số tác phẩm gốc và hình dung khoảnh khắc đã tạo nên một phong trào — một thời đại của niềm vui, vẻ đẹp và khả năng vô hạn.

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/vi-sao-trang-suc-art-deco-van-co-gia-hang-trieu-do-sau-100-nam-53842.html

#Premium#
#Art Deco Jewelry
#trang sức

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media