Godzilla đã chinh phục Nhật Bản. Giờ đây, chủ sở hữu của nó lên kế hoạch thống trị toàn cầu

Hãng phim lớn nhất Tokyo, Toho, đang tìm cách mở rộng sinh vật “thở ra hơi thở nguyên tử” thời tiền sử này sang các lĩnh vực trò chơi và điểm tham quan giải trí trên toàn thế giới. Hỏi ChatGPT

Minh hoạ: Nichole Shinn cho Bloomberg Businessweek

Minh hoạ: Nichole Shinn cho Bloomberg Businessweek

Tác giả: Sohee Kim

19 tháng 07, 2025 lúc 3:30 PM

Tóm tắt bài viết

Hãng phim Toho của Nhật Bản, nổi tiếng với Godzilla, đang mở rộng sang lĩnh vực trò chơi và giải trí toàn cầu sau hơn 70 năm tập trung vào thị trường nội địa.

Tổng giám đốc điều hành Hiroyasu Matsuoka của Toho, nhậm chức năm 2022, muốn Toho theo chân các "quái vật" giải trí Nhật Bản khác như Sony và Nintendo.

Toho đã thực hiện 8 thương vụ mua lại, bao gồm nhà phân phối anime Mỹ GKIDS, và chi 225 triệu USD để sở hữu 25% cổ phần của Fifth Season thuộc Apple TV+.

Toho đầu tư khoảng 40 tỉ yen (270,6 triệu USD) để biến khu Hibiya ở Tokyo thành trung tâm sân khấu lớn, dự kiến tăng gấp đôi lợi nhuận vào năm 2032.

Toho đặt mục tiêu tăng doanh thu từ thị trường nước ngoài từ 10% lên 30% vào năm 2032 và tìm kiếm một thương hiệu lớn mới như Godzilla.

Tóm tắt bởi AI HAY

Godzilla, biểu tượng nổi tiếng nhất của ngành điện ảnh Nhật Bản, đã góp mặt trong hơn ba chục bộ phim kể từ lần đầu ra mắt năm 1954. Những bộ phim này thu về hàng tỉ USD toàn cầu, kéo theo loạt sản phẩm ăn theo từ bình giữ nhiệt đến thú nhồi bông, biến sinh vật hư cấu này thành cái tên quen thuộc trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, ngoài Nhật Bản, ít người biết đến Toho — công ty truyền thông đã đưa quái vật Godzilla lên màn ảnh hơn 70 năm trước. Hiroyasu Matsuoka, tổng giám đốc điều hành kiêm chắt nội của nhà sáng lập Toho, đang nỗ lực thay đổi điều đó.

godzilla-02.jpg
Một cảnh trong bộ phim Godzilla năm 1954. Nguồn: Toho

Trong nhiều thập niên, hãng phim nội địa lớn nhất Nhật Bản này chủ yếu tập trung vào thị trường trong nước — nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Nhưng kể từ khi lên nắm quyền năm 2022, ông Matsuoka muốn Toho noi theo những “con quái vật” giải trí khác của Nhật như Sony và Nintendo. Việc mở rộng ra thị trường quốc tế sẽ giúp Toho ứng phó với tình trạng dân số suy giảm tại Nhật và tận dụng cơn sốt anime toàn cầu, một trong những mảng kinh doanh chủ lực của hãng. Netflix và Crunchyroll (thuộc sở hữu của Sony) đã đạt doanh thu ấn tượng khi phân phối anime trên toàn thế giới — và giờ đây Toho cũng muốn giành phần trong thị trường đầy tiềm năng đó.

“Để Toho, hay bất kỳ công ty Nhật nào, phát triển, chúng tôi buộc phải nhìn ra ngoài Nhật Bản,” ông Matsuoka, 59 tuổi, chia sẻ từ văn phòng nhìn ra Quảng trường Godzilla tại Hibiya, nơi đặt bức tượng đồng cao 3 mét của con quái vật huyền thoại.

matsuoka.jpg
Giám đốc điều hành Toho, ông Matsuoka. Hình ảnh: Akio Kon/Bloomberg

Nhằm tiếp cận nhóm khán giả toàn cầu, Toho đang triển khai kế hoạch mở rộng táo bạo nhất từ trước đến nay. Kể từ khi ông Matsuoka nhậm chức, công ty đã thực hiện tám thương vụ mua lại, trong đó có nhà phân phối anime Mỹ GKIDS, và chi 225 triệu USD để sở hữu 25% cổ phần hãng sản xuất loạt phim Severance của Apple TV+ là Fifth Season. Ông Matsuoka và giám đốc phụ trách quốc tế Koji Ueda đang phát triển loạt phim điện ảnh, trò chơi và chương trình truyền hình dựa trên các thương hiệu hiện có, bao gồm Godzilla và những anime nổi tiếng như Jujutsu Kaisen.

jujutsu-kaisen.jpg
Jujutsu Kaisen kể về câu chuyện của một nam sinh trung học tham gia vào một hội kín các pháp sư. Nguồn: Gege Akutami/Shueisha, Dự án Jujutsu Kaisen.

Song song đó, Toho cũng đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực giải trí khác. Một trò chơi cảm giác mạnh 4D chủ đề Godzilla với màn hình khổng lồ và ghế chuyển động sẽ khai trương vào tháng 8 tại công viên Seibuen ở Tokorozawa, Nhật Bản, và dự kiến mở rộng đến khoảng 40 địa điểm tại Mỹ, Canada, Hà Lan, Đức và Trung Quốc. Toho vẫn giữ toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, công ty đầu tư khoảng 40 tỉ yen (270,6 triệu USD) để biến khu Hibiya tại Tokyo thành trung tâm sân khấu lớn, với điểm nhấn là Nhà hát Hoàng gia lâu đời.

Vở kịch chuyển thể từ bộ phim hoạt hình Spirited Away — từng đoạt giải Oscar năm 2001 và được thực hiện cùng đối tác lâu năm Studio Ghibli — sẽ bắt đầu chuyến lưu diễn quốc tế tại Thượng Hải trong tháng này, tiếp đến là Seoul vào năm sau, và có thể mở rộng sang Đông Nam Á và Mỹ.

Tính đến nay, Toho đã dành khoảng 1 tỉ USD cho các sáng kiến này trong ba năm tới, với mục tiêu tăng gấp đôi lợi nhuận hoạt động vào năm 2032. Công ty đặt mục tiêu nâng tỉ trọng doanh thu từ thị trường nước ngoài từ mức hiện tại 10% lên 30% trong cùng giai đoạn. Ban lãnh đạo cũng đang tìm kiếm một thương hiệu bom tấn mới có sức hút như Godzilla — một hành trình đã kéo dài nhiều thập kỷ. “Một khi chúng tôi tìm thấy nó,” ông Matsuoka nói, “cơ hội sẽ cực kỳ lớn.”

Dù thời thơ ấu chỉ tiếp xúc với công việc kinh doanh của gia đình qua những lần đi theo cha kiểm tra doanh thu phòng vé, Matsuoka không hề xa lạ với ngành giải trí toàn cầu. Sau khi tốt nghiệp đại học tại Nhật, ông sang Mỹ vào thập niên 1980 để học ngành kinh doanh tại Đại học Albright (Pennsylvania), thực tập tại Hollywood, lấy bằng MBA tại Đại học Pittsburgh và làm việc tại công ty quản lý tài năng International Creative Management. Sau này, ông trở về Nhật và gia nhập Toho-Towa — công ty phân phối phim thuộc tập đoàn gia đình do ông tổ Ichizō Kobayashi sáng lập vào năm 1932. Kobayashi là nhà công nghiệp Nhật Bản đồng thời điều hành hệ thống đường sắt Hankyu và đoàn kịch toàn nữ Takarazuka Revue. Qua nhiều thập kỷ, mạng lưới phân phối phim của Toho được mở rộng, mang cả phim Nhật và bom tấn Mỹ đến khán giả trong nước.

Godzilla từ lâu đã là trụ cột trong di sản điện ảnh của Toho. Là biểu tượng cho nỗi sợ hãi về thảm họa hạt nhân sau Thế chiến II, sinh vật tiền sử với “hơi thở nguyên tử” này đã xuất hiện trong 38 bộ phim và mang về hơn 3 tỉ USD doanh thu phòng vé toàn cầu. Seven Samurai, tác phẩm hành động sử thi của đạo diễn Akira Kurosawa ra mắt cùng năm với bộ phim Godzilla đầu tiên, cũng là sản phẩm của Toho và thường được xếp vào danh sách những bộ phim hay nhất mọi thời đại. Hiện công ty sở hữu chuỗi rạp chiếu phim trên toàn quốc cùng nhiều đơn vị truyền thông, sản xuất và phân phối nội dung khác.

godzilla-03.jpg
Godzilla trong bom tấn năm 2023 Godzilla Minus One. Hãng Toho đang lên kế hoạch cho phần tiếp theo, sớm nhất là vào năm sau. Nguồn: Toho

Tuy nhiên, Toho vẫn gặp khó khăn trong việc khai thác tối đa thị trường quốc tế. Một phần nguyên nhân là vì công ty đã nhượng quyền sản xuất phim Godzilla bằng tiếng Anh cho Legendary Entertainment — hiện thuộc Apollo Global Management — hơn một thập kỷ trước. Tính từ năm 2014, các bộ phim Godzilla bằng tiếng Anh đã thu về gần 2 tỉ USD tại các rạp trên toàn cầu, theo Box Office Mojo, nhưng Toho chỉ nhận được một phần nhỏ từ thỏa thuận này.

Bước ngoặt đến vào năm 2023 với bộ phim Godzilla Minus One. Toho tự sản xuất và phát hành bộ phim bằng tiếng Nhật này mà không thông qua các hãng phim Hollywood vốn kiểm soát hệ thống rạp tại Mỹ. Phim có kinh phí tương đối thấp, chỉ 15 triệu USD, nhưng đã thu về 114 triệu USD trên toàn cầu và giành giải Oscar cho hiệu ứng hình ảnh. Thành công này trở thành kim chỉ nam mới của Toho: nắm quyền sở hữu nhiều nội dung hơn, như cách Netflix, Nintendo và Sony đang làm.

Dựa trên đà thành công của Godzilla Minus One, Toho đang lên kế hoạch ra mắt phần tiếp theo vào năm sau. Đồng thời, công ty xem xét thực hiện phần hai cho Shin Godzilla và phát triển một dự án mới hướng đến thị trường Đông Nam Á, theo ông Ueda. Toho cũng đang hợp tác với Legendary để sản xuất mùa hai của loạt phim Monarch: Legacy of Monsters trên Apple TV+, dự kiến ra mắt trong năm tới.

Một điểm sáng khác của Toho là mảng anime, lĩnh vực mà công ty nắm toàn quyền kiểm soát — bất kể ngôn ngữ. Ban lãnh đạo đang lên kế hoạch phát triển các tựa phim mới và tiếp tục sản xuất những mùa tiếp theo cho các loạt phim ăn khách hiện tại như Jujutsu Kaisen, kể về một nam sinh bị cuốn vào hội pháp sư bí mật, và My Hero Academia, xoay quanh một cậu bé tập làm siêu anh hùng.

my-hero-academia-project.jpg
Một hình ảnh từ loạt anime My Hero Academia của hãng Toho. Nguồn: K. Horikoshi/Shueisha, My Hero Academia Project

“Mảng anime của họ rõ ràng đang đưa ra nhiều quyết định đúng đắn,” Jeffrey Hall, giảng viên tại đại học Nghiên cứu Quốc tế Kanda ở Chiba, nhận định. “Họ liên tục tạo ra các bộ anime bom tấn.”

Hall cho rằng anime có thể đóng vai trò còn quan trọng hơn cả Godzilla đối với tương lai của Toho. Góp phần thúc đẩy đà tăng trưởng là chiến lược “cool Japan” của chính phủ, nhằm thúc đẩy kinh tế, du lịch và sức mạnh mềm bằng cách xuất khẩu các sản phẩm văn hóa Nhật Bản. Tokyo đặt mục tiêu tăng lượng nội dung bán ra thị trường quốc tế gấp bốn lần vào năm 2033.

Năm 2033 cũng sẽ là dịp kỷ niệm 101 năm thành lập Toho — điều mà Matsuoka nhanh chóng nhấn mạnh — và ông hy vọng công ty sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch tăng trưởng đầy tham vọng của Nhật Bản. “Thông qua các hoạt động của chúng tôi, từ anime, nhạc kịch, Godzilla, phim truyền hình người thật đóng đến điện ảnh,” ông nói, “chúng tôi muốn thu hút thêm nhiều người hâm mộ Toho trên toàn thế giới. Chúng tôi muốn cả thế giới biết đến cái tên Toho.”

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/godzilla-da-chinh-phuc-nhat-ban-gio-day-chu-so-huu-cua-no-len-ke-hoach-thong-tri-toan-cau-53838.html

#Godzilla
#Nhật Bản
#Toho
#Sony
#Nintendo
#anime
#Netflix
#Jujutsu Kaisen
#Spirited Away
#Oscar
#Hollywood
#Godzilla Minus One
#My Hero Academia
#thị trường quốc tế
#thị trường nội địa

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media