Singapore áp thuế với hộ kinh doanh như thế nào?

Singapore nổi tiếng dễ khởi sự kinh doanh. Nhưng khi làm hộ kinh doanh cá nhân, bạn có biết mức thuế thực phải trả là bao nhiêu? Và bạn có thể bị phạt nếu quên điều gì?

Hình ảnh: Kathy Anne Lim

Hình ảnh: Kathy Anne Lim

Tác giả: Lê Hữu Huy

20 tháng 07, 2025 lúc 5:49 PM

Tại Singapore, cho dù mở cửa hàng mua bán tại nhà (home-based) hay trên mạng (online) bạn đều phải đăng ký với Cơ quan quản lý kế toán và doanh nghiệp (ACRA), cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm đăng ký kinh doanh, quản lý các công ty, kế toán viên công chứng và các nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp.

Tùy vào nhu cầu của cá nhân hay đối tác, bạn có thể chọn một trong bốn hình thức kinh doanh (xem bảng sơ đồ bên dưới) dưới đây. Nhìn chung, đối với hình thức kinh doanh tại nhà hay nói ngắn gọn là “hộ kinh doanh”, người Singapore sẽ chọn “Sole prorietorship”, dịch sát nghĩa tiếng Việt là “chủ sở hữu duy nhất” (tương tự doanh nghiệp tư nhân - DNTN ở ta) hay “Partnership” (Hợp danh) nếu có hai đối tác trở lên tham gia. Thủ tục thành lập hộ kinh doanh dễ dàng tiện lợi với phí đăng ký cho thời hạn hoạt động ba năm chỉ có 175 SGD, tương đương 3,5 triệu VND.

Tuy nhiên, hộ kinh doanh tại Singapore vẫn có nhiều hạn chế nếu muốn phát triển hoạt động với doanh số kinh doanh cao hơn.

chart1_singapore-tinh-thue-ho-kinh-doanh-tu-nhan-nhu-the-nao-01.jpg

Thực tiễn cho thấy những cá nhân đăng ký với ACRA để thành lập DNTN hay hợp danh đều là người tự doanh (self-employed). Theo cơ quan thuế của Singapore (IRAS), người tự doanh được đối xử khác với người lao động được trả lương (employed) để tính thuế thu nhập cá nhân.

Ví dụ, người tự doanh có thể yêu cầu bồi thường tổn thất kinh doanh đối với thu nhập của mình trong khi người lao động thì không được. Bạn là nhân viên được tuyển dụng nếu thực hiện công việc theo hợp đồng lao động và làm việc dưới sự kiểm soát của chủ lao động. Bạn tự doanh khi thực hiện yêu cầu công việc cho người khác theo hợp đồng dịch vụ. Là người tự doanh có doanh nghiệp riêng, bạn làm việc cho chính mình và có tư cách để nhận được lợi nhuận hoặc chịu thua lỗ từ doanh nghiệp.

Thu nhập của bạn có được từ việc mua bán hàng hóa hay cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp hoặc cá nhân. Người tự doanh bao gồm chủ sở hữu duy nhất hoặc đối tác trong quan hệ đối tác, nhưng không bao gồm giám đốc hoặc cổ đông của công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân.

Cũng theo IRAS, thu nhập của người tự doanh phải được báo cáo trong mục “Thương mại, Kinh doanh, Dịch vụ Chuyên nghiệp hay Cá nhân” trong Tờ khai thuế thu nhập cá nhân hàng năm.

Theo quy định của IRAS, người tự doanh sẽ đóng thuế thu nhập cá nhân như trong Bảng 1 dưới đây và điều này cũng áp dụng cho chủ hộ kinh doanh – tại nhà hay online.

Khi khai thuế thu nhập hàng năm với IRAS, chủ hộ kinh doanh chỉ cần nêu chi tiết doanh thu và lợi nhuận đã thực hiện và không cần phải kiểm toán hay báo cáo tài chính cho ACRA.

Tuy nhiên, trong trường hợp doanh số vượt quá 500.000 SGD, chủ hộ kinh doanh phải thiết lập và nộp Bảng cân đối tài sản (Balance sheeet) và Báo cáo lỗ lãi (Profit & Loss Statement).

Một chủ hộ kinh doanh có thể có nhiều DNTN với tên gọi hay sản phẩm/dịch vụ khác nhau nhưng nếu tổng doanh thu của các doanh nghiệp này vượt quá một triệu SGD thì phải đăng ký thi hành Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) - tương tự VAT ở ta.

bang-2-01(1).jpg

Một yêu cầu đặc thù khác đối với chủ hộ kinh doanh nói riêng và người tự doanh nói chung là phải đóng góp vào tài khoản MediSave của mình theo một tỷ lệ nhất định sau khi nhận được Thông báo nộp thuế (Notice of assessment - NOA) từ IRAS.

Medisave thật ra là một phần của cơ chế tiết kiệm bắt buộc gọi là CPF dành cho công dân và thường trú nhân (PR) giúp người dân tích lũy để chi trả các chi phí y tế, đặc biệt là khi nhập viện. Với người lao động lĩnh lương, một phần thu nhập hàng tháng của họ sẽ được tự động trích vào tài khoản này.

Chủ hộ kinh doanh/người tự doanh là công dân Singapore hay PR có thu nhập kinh doanh ròng trong một năm tính thuế (Year of Assessment – YA) hơn 6.000 SGD sẽ phải đóng góp Medisave theo như hướng dẫn trong Bảng 2 dưới đây:

bang-1-01.jpg

Hạn chót để chủ hộ kinh doanh kê khai thuế thu nhập cá nhân là ngày 15.4 hằng năm. Sau khi nhận yêu cầu đóng thuế (NOA) từ IRAS, chủ hộ kinh doanh sẽ nhận được thông báo của Quỹ dự trữ trung ương (CPF) trong đó nêu số tiền MediSave cần đóng góp. Các khoản đóng góp MediSave bắt buộc phải được thanh toán đầy đủ cho CPF trong vòng 30 ngày kể từ ngày ra thông báo.

Chế tài đối với việc không hay chưa đóng góp Medisave không quá nặng nề và trên thực tế có nhiều chủ hộ kinh doanh hay người tự doanh nợ CPF trong khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, nếu mắc nợ Medisave thì chủ hộ gia đình hay người tự doanh sẽ không thể gia hạn giấy phép kinh doanh doanh nghiệp với ACRA.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/singapore-ap-thue-voi-ho-kinh-doanh-nhu-the-nao-53840.html

#Singapore
#thuế hộ kinh doanh
#kinh doanh cá thể
#thuế thu nhập doanh nghiệp
#thuế thu nhập cá nhân
#mở công ty tại Singapore
#thủ tục doanh nghiệp Singapore

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media