Kinh doanh

Hàng hóa "Made in China" đang nâng cấp khi thế hệ thương hiệu mới đối mặt với suy thoái

Các thương hiệu nội địa như Boox, Narwal và Laifen đang tìm cách bảo vệ mình trước lo ngại về tình trạng suy yếu của nền kinh tế trong nước ngày càng gia tăng.

Minh họa: Krzysztof Nowak

Minh họa: Krzysztof Nowak

Tác giả: Lulu Chen, Daniela Wei, Lily Meier và James Mayger

16 tháng 9, 2024 lúc 2:52 PM

Các hãng Trung Quốc đang tìm cách bán cho phân khúc cao hơn khi một thế hệ những thương hiệu mới phải vật lộn với bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Những thương hiệu nội địa Trung Quốc như Boox, Narwal và Laifen đang tìm cách giảm bớt rủi ro khi quan ngại về tăng trưởng kinh tế yếu ớt ngày một tăng.

Bạn có lẽ đã từng thấy khuôn mặt mới của lĩnh vực sản xuất Trung Quốc trên Facebook, TikTok hay Instagram dù thậm chí không hề nhận ra.

Với những trang web bắt mắt, quảng cáo địa phương hóa và chiến dịch mạng xã hội với người dùng có vẻ là dân Âu Mỹ, một người lướt mạng xã hội không tinh ý có thể không nhận ra đó là những sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. “Các thương hiệu toàn cầu sẽ phải cạnh tranh quyết liệt hơn với thương hiệu Trung Quốc,” Martin Chorzempa, nhà nghiên cứu cấp cao ở viện Peterson về kinh tế học quốc tế ở Washington, nhận định. “Không chỉ ở các hạng mục giá rẻ như trong quá khứ nữa, mà cả ở mảng hàng cao cấp.”

Vài thập kỷ qua, chỉ một số ít công ty sản phẩm tiêu dùng Trung Quốc nhắm tới khách hàng Âu Mỹ bằng thương hiệu của riêng họ. Nhà sản xuất đồ gia dụng Haier và hãng máy tính Lenovo đã phải mua lại các thương hiệu nổi tiếng của phương Tây, dù thành bại cũng lẫn lộn, một phần vì những thách thức trong hội nhập. Hãng thời trang nhanh khổng lồ Shein Group đã gây tiếng vang nhờ giá cả đủ thấp để người tiêu dùng bỏ qua những vấn đề chất lượng thỉnh thoảng phát sinh.

2000x1334-2-.jpg
Gian hàng của Lenovo Group Ltd. tại Triển lãm Di động Thế giới (Mobile World Congress) ở Barcelona năm 2015. Hình ảnh: Simon Dawson/Bloomberg

Nhưng thế hệ thương hiệu mới trẻ trung của Trung Quốc, như Narwal (robot hút bụi), Boox (sổ tay điện tử) và Laifen (bàn chải điện và máy sấy tóc) đang mở một con đường mới.

Những nhà sản xuất này đều chưa đủ lớn để lên sàn chứng khoán, nhưng họ đang tăng nhanh doanh số, cũng như được người tiêu dùng đánh giá tích cực trên các trang tư vấn tiêu dùng ở Mỹ và những nơi khác. Họ cũng đã thu hút sự chú ý của các công ty đầu tư vốn tư nhân và mạo hiểm.

Không như Shein, vốn không bán lẻ ở Trung Quốc, nhiều thương hiệu này đã nổi tiếng trong nước, nơi họ hưởng lợi nhờ hiệu triệu mua hàng bằng tinh thần yêu nước của dân Trung Quốc. Nhưng nền kinh tế lớn số 2 thế giới đang tăng trưởng chậm lại thấy rõ. Người tiêu dùng đang chi tiêu ít hơn, và các công ty phản ứng bằng cách giảm giá mạnh. Bloomberg Economics dự kiến dữ liệu chính thức sắp tới sẽ cho thấy tình trạng suy giảm hơn nữa với giá xuất xưởng của hàng hóa Trung Quốc.

Với nhiều hãng sản xuất Trung Quốc hiện giờ, hy vọng thật sự để tăng doanh thu—hay thậm chí chỉ là bảo đảm mức lợi nhuận hiện tại—là mở rộng ra nước ngoài. Năm 2023, chủ các thương hiệu ở Trung Quốc đại lục đã nộp đơn đăng ký thương hiệu ở Mỹ nhiều hơn tất cả các nước khác cộng lại, theo dữ liệu từ Clarivate, công ty nghiên cứu về bản quyền thương hiệu có trụ sở tại London. (Phải nói cho rõ là con số của Trung Quốc thường lớn hơn thực tế do chính quyền địa phương có các khuyến khích về kinh tế để doanh nghiệp thực hiện những thủ tục đăng ký này.)

1500x1500.jpg
Robot lau nhà Narwal. Nguồn: Narwal

Hãy xem xét trường hợp Narwal. Narwal chỉ bắt đầu tập trung nghiêm túc vào thị trường nước ngoài từ năm ngoái, nhưng ước tính doanh số bán hàng quốc tế sẽ sớm chiếm 30% tổng doanh thu của hãng, dù mức giá hơn 1.000 đô la với một số dòng sản phẩm đồng nghĩa họ sẽ cạnh tranh trực tiếp với hãng đang dẫn đầu thị trường hiện nay iRobot. Mẫu Narwal T10 đã được chấm điểm cao nhất trong một đánh giá robot dọn nhà trên trang của Mỹ Consumer Reports.

1500x1500.jpg
Robot lau nhà Narwal. Nguồn: Narwal

Khoảng 70% trong 1.400 nhân viên của Narwal làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, và công ty liên tục cải tiến sản phẩm, theo lời Shili Shao, giám đốc chiến lược sản phẩm toàn cầu của hãng. “Năng lực nghiên cứu là điều khiến chúng tôi tự tin nhất khi ra nước ngoài,” ông nói.

Boox là một công ty khởi nghiệp Trung Quốc khác đã được khen ngợi nhiều. Jason Snell, cây bút người Mỹ phụ trách trang blog công nghệ Six Colors, nói ban đầu anh không tin tưởng lắm máy đọc sách của Boox, vì khả năng dịch của nó còn hạn chế và khó tích hợp với các ứng dụng bên thứ ba. Nhưng mỗi thế hệ máy mới lại một tốt hơn. “Rốt cuộc tôi thấy rất tự tin với những gì họ đã đạt được, họ đã xây dựng được phần cứng mở, không bị khóa chặt vào một nền tảng như kiểu Kindle hay Kobo, mà vẫn có thể là một máy đọc sách cực kỳ hiệu quả,” Snell nói. “Họ sẽ thử những điều mà một công ty Mỹ có lẽ không buồn thử, và điều đó sẽ rất thú vị.”

Chắc chắn là những thương hiệu Trung Quốc đầy tham vọng này cũng bị đánh giá tiêu cực. Và tập trung vào thị trường nước ngoài đồng nghĩa họ dễ tổn thương hơn trước cuộc thương chiến khốc liệt. Đó là điều đã xảy ra với SAIC Motor, Geely và BYD. Vào tháng 6.2024, liên minh Châu Âu công bố các khoản thuế nhập khẩu tạm thời đánh lên xe điện sản xuất tại Trung Quốc khiến thuế với một số mẫu xe có thể lên tới 48%. Vào tháng 5.2024, tổng thống Mỹ Joe Biden đã tăng gấp bốn lần thuế nhập khẩu với xe điện Trung Quốc, lên mức hơn 100%; chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump thậm chí còn nói họ sẽ nâng thuế nhập khẩu với một diện rộng hàng hóa Trung Quốc lên 60%.

“Năng lực bán được hàng cao cấp ở phương Tây không chỉ là vấn đề thị trường, mà ngày nay còn là chuyện chính trị,” theo Christopher Marquis, giáo sư chương trình Sinyi về quản trị ở trường Kinh doanh Judge, đại học Cambridge. “Vì vậy trong khi các công ty Trung Quốc rất muốn mở rộng ra toàn cầu, còn nhiều câu hỏi quan trọng về việc thị trường toàn cầu có chấp nhận sản phẩm của họ không.”

Các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư ra nước ngoài với tốc độ nhanh nhất trong vòng tám năm, khi đã bỏ ra

60 tỉ đô la đầu tư trực tiếp chỉ trong năm tháng đầu năm nay, mức tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2023.

Tất nhiên, các sản phẩm như máy đọc sách và robot hút bụi không phải là mối đedọavớicôngănviệclàmởMỹvàchâu Âu như xe điện. Và công nghệ không có gì cao cấp của các sản phẩm này khiến chúng nhiều khả năng ít bị hạn chế về thị trường hay vì lý do an ninh quốc gia—như thế cũng hấp dẫn nhà đầu tư hơn.

Richard Peng, đối tác sáng lập ở Genesis Capital trước kia từng lãnh đạo nhóm đầu tư ở Tencent, đã bỏ tiền vào nhiều thương hiệu, bao gồm Laifen, hãng sản xuất bàn chải đánh răng chạy điện và máy sấy tóc đang gây khó khăn cho Philips và Dyson về giá bán, nhưng vẫn khẳng định trải nghiệm sang trọng.

“Chúng tôi muốn tập trung vào các công ty có lợi thế trong sáng tạo vi mô với sản xuất,” Peng nói. “Nhưng không cần phải quá tân tiến về mặt công nghệ.”

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/hang-hoa-made-in-china-dang-nang-cap-khi-the-he-thuong-hieu-moi-doi-mat-voi-suy-thoai-52534.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media