Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Công nghệ
Công ty Ý Bending Spoons đang mua lại các công cụ đăng ký như Evernote và WeTransfer, đồng thời sẵn sàng chi thêm hàng tỉ đô la.
Giám đốc điều hành Bending Spoons Luca Ferrari (bên phải) cùng Federico Simionato, trưởng nhóm sản phẩm của Evernote. Hình ảnh: Alessandro Grassani chụp cho Bloomberg Businessweek
Tác giả: Mark Bergen với Daniele Lepido và Katie Roof
18 tháng 12, 2024 lúc 10:21 AM
Phil Libin, nhà đồng sáng lập Evernote, đã không còn quản lý doanh nghiệp này từ năm 2022, nhưng ông vẫn là một nhà đầu tư hết sức tập trung và vẫn sử dụng ứng dụng ghi chú mỗi ngày. Ông nhận thấy Evernote đang chững lại và biết rằng ban lãnh đạo công ty đang tìm kiếm đối tác mua lại. Ông tìm hiểu và biết rằng người mua là một công ty có trụ sở tại Milan mà ông chưa từng nghe tên trước đây, Bending Spoons. “Thành thật mà nói,” ông Libin chia sẻ, “tôi không kỳ vọng nhiều.”
Một số doanh nhân khởi nghiệp khác cũng có hoàn cảnh tương tự Libin. Bending Spoons là dạng công ty đầu tư vốn tư nhân mới của thời đại cửa hàng ứng dụng. Kể từ khi mua lại Evernote năm ngoái, Bending Spoons đã mua thêm năm công ty khác, bao gồm dịch vụ chia sẻ dữ liệu của Hà Lan WeTransfer. Hãng này đã gác lại kế hoạch chào bán lần đầu ra công chúng dự kiến sẽ định giá công ty ở mức 716 triệu euro (800 triệu đô la Mỹ) chỉ vài tháng trước vụ thâu tóm. Bending Spoons cũng mua lại tài sản của Meetup, doanh nghiệp chuyên lên danh sách sự kiện nay đã phá sản có lúc từng thuộc WeWork.
Bending Spoons hoạt động mới được hơn 10 năm, với nguồn tiền chủ yếu từ các nhà đầu tư Ý và những khoản vay ngân hàng địa phương. Nhưng những năm gần đây, họ huy động được hàng trăm triệu đô la từ giới tài phiệt và người nổi tiếng quốc tế, bao gồm Ryan Reynolds, Andre Agassi và Abel Tesfaye (nghệ danh Weeknd). Năm nay, các nhà đầu tư định giá công ty ở mức 2,6 tỉ đô la, biến công ty thành doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ giá trị nhất ở châu Âu.
Đầu năm nay, Bending Spoons đã tìm cách mua lại Vimeo, trang mua bán video trực tuyến lúc bấy giờ được định giá 690 triệu đô la, nhưng thỏa thuận đấy không bao giờ thành hiện thực. CEO của Bending Spoons Luca Ferrari nói với những người bỏ tiền rằng công ty có thể chi ra tới hai tỉ đô la nhằm mua lại các doanh nghiệp mục tiêu ngay bây giờ và còn hơn thế nữa trong tương lai gần.
Là hãng chuyên đi thâu tóm, Bending Spoons có mục tiêu rõ rệt: Các doanh nghiệp gặp khó khăn có dòng tiền mặt ổn định chuyên bán phần mềm cho người đăng ký dài hạn. Sau đó họ đưa vào doanh nghiệp những lập trình viên và nhà khoa học dữ liệu mới ngoài đôi mươi ở Ý để bổ sung các tính năng và đôi khi tìm cách nâng giá đăng ký đến mức cao nhất có thể. Để mở ra đường mới cho các ứng dụng này, họ thường sa thải đội ngũ mà họ kế thừa.
Mọi chuyện cơ bản đã diễn ra đúng như vậy với Evernote. Bending Spoons sa thải hơn một nửa đội ngũ và tăng giá lên, khi mức phí bán dịch vụ cá nhân Evernote tăng 63%, lên 130 đô la mỗi năm. Ferrari mô tả hoạt động kinh doanh của ông là “ngành quỹ tư nhân kết hợp với Google.”
Hiệu quả quản trị doanh nghiệp không hẳn là mối bận tâm lớn của giới công nghệ khi Bending Spoons thành lập, vào năm 2013. Nhưng sau đại dịch Covid-19 và cuộc tiếp quản không thương xót của Elon Musk với Twitter, tinh gọn bộ máy trở thành mốt ở thung lũng Silicon. Trong trường hợp Evernote, chiến lược này có vẻ hiệu quả. Ferrari nói công ty đã có lợi nhuận từ đầu năm nay.
“Tôi đã khá là ngạc nhiên, một cách dễ chịu,” Libin nói. Ông quan sát thấy nhiều người quen sử dụng dịch vụ này thường xuyên hơn. “Ít ra là xét những người tôi biết,” ông nói, “cảm giác là họ đang hồi sinh ứng dụng này.”
Evernote đã giúp tăng doanh số cho Bending Spoons vượt mốc 700 triệu đô la, từ 162 triệu đô la vào năm 2022. Bending Spoons khoe họ có 200 triệu người dùng có hoạt động mỗi tháng trên các ứng dụng của mình. Ông Ferrari tỏ ra thận trọng với kế hoạch IPO, nhưng giới đầu tư nói chắc chỉ vài năm nữa là công ty sẽ lên sàn.
Ít ra thì giờ đã có người biết tới ông. Bob Mylod, thành viên ban tổng giám đốc, nói khi lần đầu tiên làm việc với công ty khởi nghiệp Ý, ông gọi cho giới ngân hàng ở Mỹ với lời giới thiệu thân mật: “Tôi phải nói trước là công ty này chắc anh chưa từng nghe tên.” Còn giờ đây, theo lời ông, mọi ngân hàng đều đã biết họ.
Trụ sở của Bending Spoons là một khu phức hợp sang trọng, cao ba tầng nhìn thấy tòa nhà cao nhất Ý. Ngoại thất gỗ vàng uốn lượn chia không gian văn phòng ra thành những khu vực được đặt tên theo các hành tinh (thể hiện tham vọng ở tầm vũ trụ của công ty). Thiết kế nhằm tạo ra cảm giác đây là một góc của thung lũng Silicon, dù khu vực này vẫn còn đang nâng cấp, bên kia đường là một tụ điểm tên gọi Exotica Disco Lap.
Ferrari cao lớn, gọn gàng và có vẻ hơi bồn chồn. Ông không thích bị chú ý và ít trả lời phỏng vấn, trừ vài dịp với podcast hay kênh YouTube công nghệ Ý. Ông kỹ lưỡng chuyện thời gian và hiếm khi sử dụng các ứng dụng của công ty mình. “Tôi là kiểu offline,” ông nói. “Tôi đọc nhiều, và nghe sách nói.”
Công việc gần đây nhất của ông là làm tư vấn ở McKinsey, để nuôi dưỡng giấc mơ khởi nghiệp đường dài cùng những người đồng sáng lập, thời ông còn sống ở Copenhagen. Nỗ lực đầu tiên của họ không thành công: Ứng dụng làm đồ thủ công Evertale (không liên quan tới Evernote). Họ dùng khoản tiền còn lại để mở Bending Spoons vào năm 2013. Họ đã có tên doanh nghiệp nghe rất vang, lấy cảm hứng từ cảnh trong phim Ma trận khi cậu bé thầy tu dạy cho Neo cách bẻ cong chiếc muỗng kim loại bằng suy nghĩ, nhưng ý tưởng kinh doanh thì chỉ mơ hồ. Họ làm ra ứng dụng đầu tiên, tính năng thay đổi font trên bàn phím điện thoại thông minh, và thu phí một hoặc hai đô la cho mỗi font tăng thêm. Rồi họ trả khoảng 10 ngàn đô la cho một lập trình viên để anh ta viết cho họ một ứng dụng bàn phím khác, tới đây thì mô hình kinh doanh xuất hiện: Kiếm tiền nhờ ứng dụng, rồi dùng tiền đó để mua tiếp ứng dụng khác.
Giới đầu tư so sánh Bending Spoons với Constellation Software, vốn bán hàng cho nhiều kiểu doanh nghiệp khác nhau, từ cửa hàng bán xe tới tiệm spa, và IAC của Barry Diller. (Bending Spoons đã chi khoảng 160 triệu đô la để mua lại tài sản của Mosaic Group từ IAC hồi tháng Hai.) Ferrari thì muốn so sánh kiểu khác. “Tôi không nghĩ Warren Buffett và Charlie Munger, khi họ chủ yếu còn đầu tư mảng bảo hiểm và thương hiệu hàng tiêu dùng, lại nghĩ: Tất cả những gì chúng ta sẽ làm chỉ là bao nhiêu đây,” ông nói. “Tất nhiên, nói vậy không phải là chúng tôi sẽ thành công như họ. Nhưng để xem sao, chúng tôi sẽ cố gắng.”
Nhưng Ferrari cũng chỉ rõ khác biệt của công ty ông với các quỹ đầu tư tư nhân khác, gồm cả Berkshire Hathaway: “Khi mua lại các công ty, chúng tôi muốn sở hữu vĩnh viễn. Chúng tôi chưa bao giờ bán lại công ty nào,” ông nói. “Khi ta sở hữu thứ gì đó vĩnh viễn, ta có động cơ lớn để phải tư duy dài hạn.”
Dù có vị thế lớn trong giới khởi nghiệp châu Âu, Bending Spoons có phần đơn độc. “Họ không thuộc giới khởi nghiệp,” theo lời Paola Bonomo, nhà đầu tư công nghệ ở Milan. Thay vì xây dựng quan hệ ở các sự kiện công nghệ ở địa phương, Ferrari mang về các nhà đầu tư ngôi sao, hy vọng những tên tuổi đấy sẽ giúp họ thu hút thêm nhân tài. (Ông thừa nhận tác động cho tới giờ “có lẽ là không đáng kể.”) Nhưng tìm người không phải là vấn đề. Công ty được biết tới trả cho các “Spooner” mức lương ngang với ở London. “Như một tiểu Goldman Sachs ở Ý,” theo Bonomo. Thương vụ với Evernote là thử thách được chú ý nhất của mô hình Bending Spoons. Evernote có lịch sử tới hơn ba thập kỷ, từ thời của nhà khoa học máy tính người Nga Stepan Pachikov, người đã phát triển phần mềm ghi chú tiên tiến cho máy tính. Libin giúp biến nó thành doanh nghiệp phát đạt vào năm 2007 với câu khẩu hiệu bắt tai: “Nhớ được mọi thứ.” Khi iPhone và App Store ra đời, Evernote bám theo để phát triển mạnh, có lúc đạt mức định giá một tỉ đô la. Nhưng rồi Evernote mất tập trung, và người đăng ký dịch vụ không còn đủ kiên nhẫn. Libin ra đi vào năm 2015, và hàng loạt CEO sau đó đã không thể vực dậy tăng trưởng.
Vụ mua lại Evernote đã khiến Baillie Gifford chú ý, họ là một công ty đầu tư hùng mạnh thường không mua cổ phiếu ở các công ty tư nhân, nhưng vẫn cân nhắc mua lại một phần Bending Spoons. Khoản nợ gắn với vụ mua lại đó và nhiều năm sa sút của Evernote khiến Baillie Gifford lưỡng lự. Bending Spoons, hy vọng sẽ được những nhà đầu tư như Baillie Gifford hậu thuẫn, lập tức tìm cách thay đổi. Vào tháng Hai, một tháng sau khi chốt thỏa thuận với Evernote, Bending Spoons bắt đầu tinh giảm biên chế, theo lời Alexander Pashintsev, cựu phó chủ tịch đã làm ở Evernote từ khi hãng ra đời. (Ông nói các gói thanh lý hợp đồng cho nhân viên là “rất ngon lành.”) Tới mùa Hè, Bending đã sa thải hàng loạt, đóng cửa văn phòng và chuyển hoạt động từ châu Âu sang California.
Một bài học với Bending Spoons từ vụ đó là công ty lẽ ra nên sa thải người còn sớm hơn nữa. Vài tuần sau khi mua lại Meetup, Ferrari gửi email nói hầu hết nhân viên sẽ được cho nghỉ. Ông sa thải 3/4 đội ngũ ở WeTransfer gần như ngay lập tức. “Dù tốt hay xấu, chúng tôi luôn rất minh bạch,” Ferrari nói. Ông cũng sử dụng thỏa thuận Evernote làm động cơ cải tổ lại đội ngũ ở chính tổng hành dinh. Khi vụ mua lại hoàn tất, ban tổng giám đốc Bending Spoons chỉ còn lại Ferrari, người đồng sáng lập người Ý và hai giám đốc cấp cao. Ông bổ sung thêm Mylod, cựu giám đốc tài chính ở Booking Holdings, và một số nhân vật dày dạn kinh nghiệm khác từ ngoài công ty.
Sau khi được Bending Spoons mua lại, Evernote chuyển sang tập trung vào bổ sung các tính năng biên tập hợp tác và tìm kiếm nhờ trí tuệ nhân tạo, đồng thời tiến hành cải cách lớn về công nghệ, theo Pashintsev. Bending Spoons ra mắt nhiều tính năng này ngay trong năm đầu tiên sau thỏa thuận. Đội ngũ mới đã tiếp tục cuộc cải cách về kỹ thuật khiến Pashintsev “thật sự ngỡ ngàng” với hiệu quả thực thi. Nhiều khách hàng của Evernote cũng ngỡ ngàng, do họ không ngờ giá tăng lên cao như vậy. Mức giá cho dịch vụ cá nhân một năm của công ty là 130 đô la, gần gấp đôi so với giá đăng ký Microsoft 365. Reddit tràn ngập những người hâm mộ cũ của Evernote than phiền về chủ nhân mới của ứng dụng và đề xuất các ứng dụng thay thế.
Đánh giá thành công của Bending Spoons là chuyện không dễ, vì họ vẫn đang tiếp tục mua lại các công ty khác và không công bố chi tiết thông tin tài chính. Các vụ thâu tóm, bao gồm WeTransfer và Mosaic Group, chiếm gần như toàn bộ mức tăng trưởng doanh thu của Bending Spoons trong năm nay. (Ferrari nói công ty đã tăng lợi nhuận “ở gần như mọi” doanh nghiệp mà họ mua.) Vụ mua lại có thể coi là thành công, ít nhất theo một thước đo cụ thể, là Remini, ứng dụng biên tập hình ảnh bằng AI. Bending Spoons mua lại nền tảng này năm 2021 và nói đã viết lại mọi dòng mã lệnh của ứng dụng. Gần suốt năm 2023, Remini là ứng dụng đứng ở những hạng đầu của App Store, và ở Trung Quốc còn xếp trên cả Douyin (phiên bản của TikTok ở Trung Quốc). Nhưng một phần do mức chi phí cao khi đăng ký dài hạn Remini, khách hàng thường chỉ dùng hai tới ba tháng, theo một nhân viên cũ đề nghị giấu tên.
Dẫu vậy, Baillie Gifford vẫn hài lòng với thành tích của Evernote thời Bending Spoons đến mức họ đầu tư, rồi bỏ thêm tiền trong năm nay. “Khách hàng của họ không có nghĩa vụ phải ở lại nếu như sản phẩm không tốt,” Peter Singlehurst, giám đốc mảng các công ty tư nhân của Baillie Gifford, nói.
Evernote đã luôn được thiết kế để
trở thành hệ thống lưu trữ lâu dài trực
tuyến, và nhiều người dùng sử dụng ứng
dụng này vì mục đích đó. “Họ khó bỏ
đi,” Pashintsev nói. Ông không thấy sốc
hay tức giận vì chiến lược định giá của
Bending Spoons. Ông dẫn lại một ngạn
ngữ Nga: “Nếu muốn bò cho nhiều sữa
hơn, phải cho nó ăn ít đi và vắt sữa nhiều
hơn.” Nhưng ông cũng nói thêm: “Họ
đang cung cấp sữa chất lượng cao.”
Libin cũng thấy không có vấn đề gì
khi phải trả thêm tiền. Ông nói mối lo
lớn hơn của ông là nếu chủ ứng dụng tìm
cách khai thác dữ liệu cá nhân vì mục đích
quảng cáo hay các mục đích mờ ám khác.
“Nếu họ làm ra được sản phẩm chất lượng
mà người khác sẵn sàng trả tiền,” ông nói,
“thì tôi nghĩ đó là điều tốt.”
Ferrari tỏ ra bực dọc trước câu hỏi
về những khách hàng bất mãn. “Tất cả
người dùng hài lòng,” ông vừa nói vừa ngả người về phía trước, “họ không hề
có động cơ lên mạng và hét lên là họ hài
lòng.” Ông nói công ty đã có 75 bước cải
tiến sản phẩm với Evernote trong năm vừa
qua, và tỉ lệ khách hàng ở lại hiện đang
cao nhất trong lịch sử. Và Bending Spoons
nói các ứng dụng của họ “có tỉ lệ khách
hàng ở lại tốt nhất,” dù không cho biết con
số cụ thể.
Federico Simionato, ngồi đối diện với Ferrari, được bổ nhiệm làm giám đốc sản phẩm của Evernote sau vụ sáp nhập. Ông có quan điểm trung dung hơn về chính sách định giá gây tranh cãi. “Tất cả chúng ta đều sử dụng phần mềm, và chúng tôi không nhảy cẫng lên khi các ứng dụng khác tăng giá,” ông nói. Nhưng nhóm của ông đã khảo sát khách hàng và xác định rằng họ thấy việc chi trả thêm là “hoàn toàn hợp lý.” “Câu hỏi không phải là: Quý vị đang tính thành Steve Jobs cho Evernote sao?,” Simionato nói. “Mà là: Evernote hiện giờ là như vậy, liệu chúng tôi có thể làm nó tốt hơn 10% không?” Tất nhiên, công ty không quảng cáo chuyện họ đã tăng giá 63%.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/gioi-quy-dau-tu-tu-nhan-dang-thau-tom-cac-ung-dung-nhu-the-nao-52664.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media