Hồ sơ

Con tê giác cuối cùng

Một chiếc sừng tê giác có thể có giá 40 ngàn đô la Mỹ ngoài thị trường chợ đen, nên bọn săn trộm ở Nam Phi đang tàn sát những con tê giác không thương tiếc. Liệu hợp pháp hóa buôn bán sừng có cứu được loài tê giác?

Bịt mắt và được tiêm thuốc mê, chú tê giác trắng đang được cưa sừng ở công viên Greater Kruger. Ảnh: Gulshan Khan cho Bloomberg Businessweek

Bịt mắt và được tiêm thuốc mê, chú tê giác trắng đang được cưa sừng ở công viên Greater Kruger. Ảnh: Gulshan Khan cho Bloomberg Businessweek

Tác giả: Jonathan Franklin

15 tháng 7, 2023 lúc 4:21 PM

Xoay tít trên thảo nguyên Nam Phi, viên phi công điều khiển chiếc trực thăng bốn chỗ ngày một thấp xuống, cánh quạt làm tung lên đám mây bụi đỏ mù mịt và những cánh lá gai góc. Một tay súng trường ngồi trên ghế hành khách nhoài ra ngoài và chăm chú dò xét những mục tiêu. Con tê giác trắng dài hơn ba mét và con của nó vừa mới thấy đây đã đâu mất? Phải chăng chúng đã nằm thấp xuống, trốn vào trong đám cây cỏ? Ở khu công viên Greater Kruger rộng 2,3 triệu héc ta này, rất dễ mất dấu một con tê giác.

Chạy theo chỉ dẫn từ chiếc trực thăng, hai chiếc xe Land Rovers rẽ qua những bụi cây và nhấp nhô theo địa hình lởm chởm, một người đàn ông ngồi trên xe cầm chặt chiếc cưa máy màu cam hiệu Stihl. Cưa sừng tê giác luôn là công việc tập thể, và với giá thị trường lên tới 40 ngàn đô la Mỹ một chiếc, luôn có những người muốn buôn lậu thứ hàng hóa giá trị nhất trong thế giới động vật này.

Đám bụi dần tan đi, và tay phi công nhìn thấy món hàng. Anh ta lượn lờ phía trên những con vật đang hoảng hốt, để tay súng nhìn được rõ ràng. Phát đầu tiên trúng vào hông tê giác mẹ; nó hoảng loạn và lao về phía trước. Phát thứ hai trúng con của nó, nó lập tức run rẩy như muốn ngã quỵ.

Không đầy năm phút sau, cả hai con tê giác đã nằm dài trên cỏ. Hai chiếc Rover thắng lại, 12 người nhảy ra. Bọn săn trộm tê giác sử dụng một chiếc panga Nam Phi, hình dáng như chiếc rựa, để cưa sừng sau khi làm con vật tê liệt, hoặc giả nếu nó vẫn còn sống, bằng những nhát chém sâu, tàn bạo vào phần sống lưng. 

Còn lần này, tiếng cưa máy vang lên và vài giây sau, những mảnh sừng đã rơi lả tả trên cỏ (có giá 50 đô la Mỹ một gam, làm thành loại thuốc bột được cho là chữa khỏi ung thư ở châu Á). Vài đường cắt xẻ từ từ, có tính toán nữa cắt rời sừng của cả tê giác mẹ và con.

Mấy chiếc sừng nặng tổng cộng 3,6 kg, với giá khoảng 25 ngàn đô la Mỹ một ký ở thị trường Trung Quốc, chiếc túi nhỏ đựng sừng giá trị khoảng 90 ngàn đô la. Điều đó góp phần giải thích tại sao khoảng 3/4 tê giác hoang dã ở Nam Phi bị sát hại trong không đầy một thập kỷ. Và tại sao bọn săn trộm mạo hiểm đối diện mức án có thể lên tới 25 năm tù giam.

Sau khi đặt chiếc cưa máy xuống, anh chàng có vẻ đã kiệt sức, nhưng chưa xong việc. Tựa vào bên hông tê giác mẹ, anh ta cố gắng đẩy nó vào vị trí thoải mái hơn. Những người này không phải dân săn trộm. Con vật vừa bị bắn thuốc mê. Khi chúng ngã xuống, một bác sĩ thú y nhỏ nước mắt nhân tạo vào mắt chúng, rồi bịt mắt lại, cố gắng giảm bớt căng thẳng cho chúng do đã bị cắt sừng.

Công việc cưa sừng chủ động tỉ mỉ này là để bảo vệ tê giác khỏi những băng đảng săn trộm ở Nam Phi và cả từ những nơi khác. Phần giá trị nhất trên cơ thể chúng được cắt bỏ và được đo đạc, đánh dấu, gắn chip siêu nhỏ và cất giữ ở nơi có lực lượng vũ trang canh gác.

Giống như móng tay người, sừng tê giác không có dây thần kinh, có chất liệu là keratin và cứ lớn lên mãi. Sau khi bị cắt bỏ, sừng sẽ mọc trở lại từ chỗ bị cắt và sau năm năm sẽ dài khoảng 30 cm. Có điều một con tê giác bị cưa sừng nhìn không được hay cho lắm, giống như sư tử đã bị cắt bờm vậy.

“Tôi hẳn đã phải tham gia vào tới 2.000 vụ cưa sừng chủ động. Có ngày chúng tôi từng cưa tới 22 sừng,” Gerry McDonald, viên phi công lái trực thăng, nói. “Lẽ ra không nên làm thế này, nhưng đó là cách duy nhất. Ở các khu bảo tồn mà chúng tôi tiến hành hoạt động cưa sừng, bọn tê giác được yên thân. Chúng tôi biết đó chỉ là giải pháp tạm thời - chỉ để kéo dài thời gian. Nhưng nếu tê giác có sừng, nó sẽ bị săn trộm. Ở đây là vậy.”

rhino_03.jpg
Phi công trực thăng Gerry McDonald. Ảnh: Gulshan Khan cho Bloomberg Businessweek 

Khắp Nam Phi, những nhóm như vậy, kết hợp kỹ năng của các phi công địa hình giàu kinh nghiệm và bác sĩ thú y, đang nỗ lực ngăn chặn những vụ giết tê giác và trộm sừng. Trong kịch bản mới nhất này của ngành buôn sừng tê bất hợp pháp, những người dùng cưa máy cưa sừng lại là người tốt.

Nhân viên kiểm lâm và các giám đốc khu bảo tồn ở châu Phi gọi công viên Quốc gia Kruger là “Pháo đài Kruger.” Bất chấp nỗ lực và tiền bạc được đầu tư để ngăn chặn bọn săn trộm, chúng vẫn xuất hiện nhiều trong công viên.

Voi bị giết lấy sừng và tê tê lấy vẩy. Linh dương, trâu nước và các loài khác bị giết để lấy thịt bất hợp pháp. Một thập kỷ trước, Kruger có khoảng 9.000 con tê giác trắng Nam Phi. Con số đó đã giảm xuống còn 2.600 con, vì bị săn trộm và hạn hán.

Giống như cuộc chiến chống ma túy, có vẻ như những chiến dịch truy quét và cấm cản từ chính quyền chẳng giúp ích gì, ngoài việc khiến bọn săn trộm thêm chuyên nghiệp và giá chợ đen duy trì ở mức rất cao. Nhưng không giống cocaine hay fentanyl, nguồn cung sừng tê giác là hữu hạn. Nếu mọi con tê giác trên trái đất đều bị giết vào ngày mai, thì tổng nguồn cung sẽ chỉ vào khoảng 29 tấn sừng, tương đương ba container hàng.

rhino_04.jpg
Một đội bảo vệ làm công tác cưa sừng đang tiếp cận một chú tê giác. Hình ảnh: Gulshan Khan cho Bloomberg Businessweek

Sừng tê giác được các băng tội phạm xuyên quốc gia buôn lậu bằng những chuỗi cung ứng tổ chức kỹ lưỡng. Nhu cầu là từ Đông Nam Á và Trung Quốc, nơi hàng triệu người tin rằng bột sừng tê giác có công dụng làm thuốc, giúp giải rượu và điều trị ung thư. Sừng còn nguyên vẹn hay được điêu khắc làm thành chén uống rượu cũng rất quý. Một chiếc sừng tê giác đặt trên kệ trong nhà, với một số tay sưu tập, là dấu hiệu cho thấy đẳng cấp đặc biệt của chủ nhân.

Bởi sừng tê có giá như vậy, không có gì ngạc nhiên khi khắp châu Á, tê giác đã bị săn trộm tới mức gần như tuyệt chủng vào năm 2008. Tê giác từng sống phổ biến ở Thái Lan, Lào, Việt Nam và Indonesia giờ gần như không còn. Số lượng tê giác Java đã giảm còn 76 con, tê giác Sumatra là 80 con. Khi châu Á đã cạn nguồn cung, bọn buôn lậu chuyển hướng sang châu Phi từ khoảng năm 2007.

Tê giác châu Phi - gồm tê giác đen, tê giác trắng phương nam và phương bắc - mới hồi phục một chút về số lượng sau 200 năm bị tàn hại bởi dân định cư châu Âu và bị săn như một môn thể thao. Số lượng tê giác, có lúc còn không tới 100 con, nay xấp xỉ 30 ngàn. Các băng đảng tội phạm nhanh chóng làm tình hình thay đổi. Số lượng tê giác đen hiện vào khoảng 6.000 con. Tê giác trắng phương bắc chỉ còn lại hai con, đều là con cái. Tê giác trắng phương nam thì còn 16 ngàn con, và khoảng 3/4 ở Nam Phi. 

Quần thể tê giác của Nam Phi trải ra trên một diện tích rất rộng. Vài nghìn con sống ở công viên Quốc gia Kruger do chính quyền liên bang cai quản và các khu bảo tồn tư nhân đã dỡ bỏ hàng rào để tạo thành vùng Greater Kruger lớn hơn. 

Còn nhiều hơn số đó, khoảng 60% tổng cộng, sống ở các trang trại gây giống. Nhưng môi trường sống bị hủy hoại đã làm rối loạn mô thức di cư của loài này tới mức khó mà đếm được chính xác số tê giác còn lại. Nhiều chuyên gia kiểm lâm nói con số được công bố hiện quá cao; họ ngờ rằng chính quyền Nam Phi ước tính số tê giác cao hơn thực tế để người ta không để ý tới vấn nạn săn trộm hoành hành ở Kruger, vốn cũng là bộ mặt quốc gia. 

Cũng khó tính hết chi phí đối phó với bọn săn trộm. Có những chi phí là trực tiếp, như xây hàng rào an ninh, lắp camera theo dõi trực tiếp, mua áo chống đạn, trả phí kết nối vệ tinh hay thuê trực thăng và máy bay. Nhưng chi phí gián tiếp cũng rất lớn, gồm tiền chăm sóc và nuôi nấng tê giác mồ côi. Và một dòng khó tính nữa trong mục phí tổn: sinh mạng của nhân viên kiểm lâm. Khắp châu Phi, hơn 100 nhân viên kiểm lâm đã thiệt mạng vào năm 2022. Khoảng 80% bị giết. 

rhino_05.jpg
Anton Mzimba đã bị ám sát bởi những kẻ săn trộm. Ảnh: Nick Smith/Global Conservation Corps

Tháng 7.2022, Anton Mzimba, nhân viên kiểm lâm ở khu bảo tồn tư nhân Timbavati, bị ám sát ngay sân nhà mình. Vài tuần trước khi bị giết, Mzimba nhận tin mạng anh đã được treo thưởng vì anh chống lại bọn săn trộm. Anh hỏi ý kiến cấp trên và đồng nghiệp; họ nói anh tin anh có thể xử lý được bọn băng đảng săn trộm. Nhưng anh đã lầm. Tiếng súng vang lên ngay trước nhà anh, anh chết do mất máu trước khi được đưa tới bệnh viện.

“Anton là bạn tôi,” Altin Gysman, cựu chiến binh có 23 năm phục vụ quân đội Nam Phi và hiện huấn luyện lực lượng bảo vệ bán vũ trang cho các khu bảo tồn, nói. “Chúng tôi huấn luyện cùng nhau, và anh ấy bị giết vì đã làm đúng như mình nói. Anh ấy không thể lung lạc. Đó là lý do chúng giết anh ấy. Giờ thì tất cả nhân viên kiểm lâm chúng tôi đều phải tự nhủ không biết tiếp theo sẽ tới lượt ai.”

Trong văn phòng nóng bức của trường Tự nhiên Nam Phi, cơ sở huấn luyện kiểm lâm cho các công viên quốc gia, Gysman có thể nghe tiếng các trung sĩ đang chỉ huy lính kiểm lâm mới trong đợt quân trường kéo dài sáu tuần. Mặc đồng phục như quân đội, họ đang đi đều bước và ôm súng trường giả làm bằng gỗ. Những người này đang sẵn sàng ra tiền tuyến.

Họ sẽ học cách sử dụng súng trường bán tự động, phân tích thông tin tình báo và kỹ năng y khoa trong chiến đấu. “Chúng tôi là giáp chống đạn cho tê giác,” Gysman nói. “Nếu có kẻ nào muốn bắn một con tê giác, thì phải bước qua xác chúng tôi trước.”

Bên kia sân đối diện văn phòng của Gysman - đi qua trường bắn, một nhà để máy bay nhẹ và đường băng phủ cỏ bị một bầy linh dương châu Phi ăn gần sạch sẽ - là chuồng nhốt chó nghiệp vụ: chó săn gấu mèo lam, đỏ, đen, và xám, chó chăn cừu Malinois giống Bỉ. Chỉ huy đàn chó là Johan van Straaten, một người đàn ông chân trần rám nắng am tường bọn săn trộm. Đội chó của ông, còn một đội tiếp viện nữa ở trạm vệ tinh Skukuza, cách đây 120 cây số về phía nam, là một đội phản ứng nhanh.

Thật đáng ngưỡng mộ khi xem bầy chó được huấn luyện vọt đi theo mệnh lệnh, nhảy lên trực thăng và rồi ngủ ngay lập tức trên sàn trực thăng khi chiếc máy bay bay lững lờ trên vùng thảo nguyên. Nhưng những con chó biết nhiệm vụ của chúng sẽ rất nhọc nhằn. “Chúng tôi từng đi bộ bốn ngày liền, lần theo dấu bọn săn trộm suốt 150 cây số,” Van Straaten nói. “Có lần chúng tôi bắt gặp chúng  đang nghỉ ngơi, không mang giày, và chúng đã chạy tiếp 40 cây số bằng chân trần như vậy.”

Những vụ tấn công của bọn săn trộm thường diễn ra theo nhóm ba người: một tay súng, một người cầm panga, và một tay hậu cần mang theo đồ ăn, nước uống và nhu yếu phẩm. Bọn săn trộm cũng dùng ống giảm thanh ngày một nhiều. Trên thảo nguyên tiếng súng vang xa, sẽ đánh động giới chức bảo tồn. Khó lòng bắn hạ một con tê giác khổng lồ chỉ bằng một phát súng, dù những khẩu súng đạn 11 ly, loại dùng để săn voi.

Để chống lại kiểm lâm, một số tên săn trộm dùng năm sáu đôi tất bọc ủng hay giày sneaker để làm mờ và méo mó vết chân. Những kẻ khác đi giật lùi hay nhảy từ hòn đá này sang hòn đá kia. Những chiến thuật như vậy có thể khiến người săn đuổi chúng lúng túng, nhưng khi có chó hỗ trợ, thì mấy trò đó vô nghĩa.

Các nhóm chó nghiệp vụ có tỉ lệ truy vết bọn săn trộm thành công là 75%, so với 5-10% ở các nhóm chỉ có người. “Một người có thể mất năm phút để lần theo bộn trộm được 100 mét. Còn chó chỉ mất vài giây,” van Straaten nói. “Thậm chí trước khi trực thăng chạm đất, cả sáu con chó đã sủa váng lên và sẵn sàng nhập cuộc. Chúng tôi hạ cánh, chúng nhảy ra, và sẽ tìm thấy bọn săn trộm.”

Một con chó săn gấu mèo được huấn luyện tốt có thể lần ra dấu vết con người từ tận 48 tiếng trước, nhưng khi đó thì chiếc sừng tê nhiều khả năng đã rời công viên và lên đường tới sân bay nước láng giềng Mozambique hay nằm trên một chiếc tàu hàng trên đường đi Việt Nam hay Lào rồi, với khả năng cao là nó sẽ vào tay những người mua Trung Quốc.

Với dân kiểm lâm kỳ cựu, quá trình quân sự hóa các khu vực bảo tồn ở Nam Phi, nhấn mạnh vào lực lượng vũ trang và hỏa lực, khác xa tính chất lãng mạn ban đầu của công tác bảo tồn thiên nhiên hoang dã. Wilson Siwela đã có 32 năm làm kiểm lâm ở công viên Quốc gia Kruger. Khi được hỏi về ngày xưa, và những ưu tư lúc đầu của anh, Siwela trầm ngâm chốc lát. “Thời đó từng có bao nhiêu là con vật sinh sôi,” anh nói.

rhino_06.jpg
Người anh em song sinh Bruce của Gerry McDonald thuê chiếc máy bay này để sử dụng cho mục đích tuyên truyền nâng cao nhận thức. Ảnh: Gulshan Khan cho Bloomberg Businessweek

Không ai biết chính xác bao nhiêu con tê giác đang bị săn trộm ở Nam Phi. Đôi khi sau khi một chiếc sừng bị đánh cắp, xác được kéo đi, rồi xẻ thịt và bán cho các khu chợ đen. Đôi khi bầy linh cẩu, sử tử và kền kền ngấu nghiến mất bằng chứng. Các điều tra viên Nam Phi có bằng chứng là những xác tê giác còn lại cho thấy ít nhất 451 con đã bị săn trộm ở nước này vào năm 2022. Nếu cứ tiếp tục thế này, tê giác hoang dã có thể biến mất trong chỉ bảy năm nữa. 

Thật trớ trêu là điều đó có thể lại càng đẩy nhanh hoạt động buôn bán sừng bất hợp pháp. “Hiện đang diễn ra tình trạng xóa sổ tê giác có hệ thống. Người ta sẽ nói: ‘Chúng ta sẽ săn tê giác tới khi không còn con nào, vì khi đó sừng thậm chí còn có giá hơn nữa,’” Ruben de Koch, người huấn luyện kiểm lâm lâu năm cho châu Phi, nói trong một phim tài liệu mới đây Rhino Man.

Một nghiên cứu học thuật của đại học Wisconsin năm 2003 tựa đề: “Đánh cược là sẽ tuyệt chủng: các loài đang bị đe dọa và nạn đầu cơ” nêu quan điểm tương tự. “Với một tay đầu cơ, tối ưu sẽ là thúc đẩy bọn săn trộm đẩy nhanh quá trình tuyệt chủng của loài này,” nghiên cứu viết. “Khi ngoài tự nhiên không còn tê giác, nhà đầu tư khi đó sẽ có sức mạnh thị trường lớn, cho phép anh ta có được lợi nhuận siêu việt.” Nghiên cứu cho rằng việc cưa sừng có thể không đủ hiệu quả để ngăn bọn săn trộm, do “có tin cho rằng bọn săn trộm được chỉ thị gặp tê giác hoang dã thì cứ giết, dù có sừng hay không.”

Hai con tê giác trắng phương bắc còn lại là ở Kenya; mỗi con có vệ sĩ riêng. Ở Nam Phi, một số khu bảo tồn tư nhân kết nối từng con tê giác với thông tin vệ tinh. “Tôi sử dụng hệ thống cảm biến gắn ở cả sừng và thân con tê giác,” Craig Spencer, người canh gác ở khu bảo tồn thiên nhiên tư nhân rộng gần 9.000 héc ta Olifants West thuộc Greater Kruger, nói. “Nếu sừng cách cơ thể quá năm mét, sẽ có báo động, và chúng tôi có thể theo dõi nơi chiếc sừng di chuyển.”

rhino_07.jpg
Warden Craig Spencer. Ảnh: Gulshan Khan

Spencer đánh giá cao tầm quan trọng của hoạt động cưa sừng chủ động, giám sát trên không, và các đơn vị chó nghiệp vụ, nhưng ông tin rằng cách hiệu quả nhất để chống săn trộm là xây dựng một cộng đồng hỗ trợ bảo tồn thiên nhiên hoang dã.

Một thập kỷ trước, ông đã tập hợp một đơn vị chống săn trộm không vũ trang toàn phụ nữ do các phụ nữ địa phương có quan hệ chặt chẽ với những ngôi làng lân cận lãnh đạo. Nhóm Black Mambas này sẽ tuần tra bằng xe jeep hay đi bộ để ngăn cản những tay săn trộm tìm cách lọt vào công viên hay định trốn thoát mang theo thịt, ngà voi, hay sừng tê. Họ cũng thường xuyên tìm thấy và phá hủy các bẫy dây kẽm gai dùng bẫy thú.

Nhóm Black Mambas cũng giống các thám tử. Những tin đồn, chuyện vãn, và mọi thông tin hữu ích nhiều khả năng sẽ tới với các phụ nữ sống trong cộng đồng hơn là các đơn vị trang bị vũ khí hạng nặng kiểu quân đội. Spencer cũng thấy nhóm Black Mambas ít bị đe dọa hơn là những kiểm lâm vũ trang. Giết một phụ nữ địa phương không vũ trang sẽ gây ra làn sóng lên án dữ dội, chưa nói tới luật pháp.

Nhảy lên xe thùng xe bán tải trong một cuộc tuần tra ở Greater Kruger, hai thành viên Black Mambas nắm chặt thanh chắn trên xe và chiếu đèn pin công suất cao vào bụi rậm. Bên phải họ là hàng rào điện cao ba mét để sư tử, báo, và voi không đi ra khỏi khu bảo tồn, còn bọn săn trộm bất hợp pháp thì không vào được.

Nhưng cả các con vật lẫn bọn săn trộm đều không ngán hàng rào đấy. Những con voi khôn ngoan đã học được cách dùng ngà để cuộn, rồi bứt đứt dây hàng rào, chẳng khác gì dây đàn piano, từng sợi một, rồi giẫm lên để đi qua. Bọn săn trộm thì dùng kềm cộng lực, hay luồn qua ở những rãnh mà bọn lợn rừng đã đào.

rhino_08.jpg
Các nữ kiểm lâm Black Mamba Qolile Mathebula và Cute Mhlongo. Ảnh: Gulshan Khan cho Bloomberg Businessweek

Mọi dấu hiệu hàng rào bị xâm phạm đều sẽ báo động các thành viên Mambas gọi bộ đàm xin tiếp viện. Tối hôm nay hàng rào vẫn nguyên vẹn, nhưng không phải tất cả đều im lặng. Trong quầng sáng lóa mắt của đèn pin, một con linh cẩu đơn độc đang lững thững bước đi. Bên trái nó, một con voi độc cuộn vòi quanh những cành cây và bứt cành ra. Phía cuối đường, có tiếng ầm ĩ hoang dại, khi hai con voi, hoặc có thể là đông hơn, đang đánh nhau.

Ở căn cứ kiểm lâm, chẳng ai tỏ ra lo lắng khi ba con sư tử bước lại nằm nghỉ dưới một chiếc xích đu ngoài hiên, có lẽ chúng bị mùi thịt nướng thu hút. Theo nhiều nghĩa, thật dễ nhìn nhận chốn thần tiên này là một thiên đường được bảo vệ. Quả là vậy, nhưng đó cũng là một chiến trường, và nếu một con tê giác xuất hiện trong khung cảnh châu Phi đầy ánh sao đêm này, thì bóng hình nó sẽ thật đáng sợ và khác thường: một con tê giác không có sừng, và có lẽ không có cả tương lai.

Bởi an ninh được tăng cường ở cả các công viên tư nhân và nhà nước, bọn săn trộm đang đa dạng hóa chiến thuật đã lâu đời của chúng: lợi dụng những tối trăng tròn (trăng của bọn săn trộm) để mò vào các khu công viên. Hiện giờ ngày càng nhiều kẻ săn trộm vào khu bảo tồn giả dạng làm du khách.

Súng được đưa lậu vào qua nhân viên hành chính hay lao công của khu bảo tồn, giấu trong xe hơi hay dưới đáy thùng đồ giặt ủi. Một cuộc điều tra năm 2022 do liên minh Châu Âu ủy quyền thực hiện thấy có bằng chứng là bọn săn trộm đã đưa nhiều súng vào Công viên Quốc gia Kruger đến mức “đôi khi một con linh cẩu hay voi phát hiện ra một khẩu súng trường và đùa nghịch với nó.”

“Nhiều người trong 2,6 triệu dân sống dọc theo biên giới phía tây Kruger chưa bao giờ nhìn thấy thiên nhiên hoang dã,” Spencer nói. “Thật trớ trêu, nhưng họ sống ở bên kia hàng rào, và với nhiều người, trải nghiệm chơi safari và ngắm thiên nhiên được coi là hoạt động du lịch chỉ dành cho ngoại nhân da trắng.” Những con vật sống trong các vùng được bảo vệ; còn dân địa phương thì ráng xoay xở kiếm sống ở nơi mà họ gọi một cách mỉa mai là “vùng không được bảo vệ.”

Mzimba, người kiểm lâm bị ám sát năm ngoái, rất nhiệt tình thúc đẩy việc phân phối thu nhập từ du lịch gắn với thiên nhiên hoang dã bình đẳng hơn. Anh đã nhiều năm hỗ trợ thanh thiếu niên địa phương tham gia vào lực lượng lao động du lịch qua chương trình Future Rangers (Kiểm lâm tương lai). 

“Mọi người sống quanh các khu được bảo vệ thấy những công ty tổ chức săn bắn và du lịch kiếm ra tiền và làm giàu,” anh nói trên một chương trình podcast đi kèm bộ phim tài liệu Rhino Man. “Khu vực bảo tồn được coi là những hòn đảo bằng vàng, nơi chỉ một số ít người được hưởng lợi.”

rhino_xx.jpg
Một con tê giác đã được cưa sừng cùng hai con tê giác non. Ảnh: Gulshan Khan cho Bloomberg Businessweek

Năm 2022, ba nhà xã hội học ở đại học Wageningen (Hà Lan) từng nghiên cứu hiện tượng này đã cho xuất bản một nghiên cứu chỉ trích ngành kinh doanh safari của Nam Phi, cũng như ngành bất động sản ăn theo đang phát triển nóng - những khu điền sản gắn với thiên nhiên hoang dã và bảo tồn tư nhân. 

Dân đi nghỉ dưỡng ở căn nhà thứ hai và du khách lắm tiền ngồi trên những chiếc xe không mui đi ngắm khu bảo tồn trong khi dân Nam Phi da đen nghèo khổ (lương tối thiểu ở nước này là 1,38 đô la Mỹ một giờ) phải đi những quãng đường rất dài để đi làm phục vụ cho họ. 

Cảnh tượng 12 hay 14 người dân bản xứ chen chúc nhau ngồi trong thùng xe bán tải lao vun vút trên những con đường đầy ổ gà không hiếm gặp, và chỉ cần một va chạm nhỏ thôi, nhiều gia đình cũng có thể rơi vào cảnh bất hạnh. Tình trạng chia tách chủng tộc và bất bình đẳng, theo các tác giả nghiên cứu, không khác gì thời chế độ apartheid. Các tác giả gọi những khía cạnh này của ngành kinh doanh du lịch sinh thái là “chủ nghĩa apartheid xanh.”

Bọn săn trộm ở vùng Kruger thì rao giảng rằng chúng là những tay yêng hùng kiểu Robin Hood cướp sừng tê giác từ người giàu để chia cho người nghèo. Một trong những người nổi tiếng nhất là Petros “Mr. Big” Mabuza, từng bị cáo buộc buôn lậu sừng tê giác và sống gần các khu bảo tồn ở thị trấn Nam Phi Hazyview. Năm 2018, ông từng bị bắt vì có vai trò trung tâm trong một âm mưu săn trộm; trong hồ sơ ở tòa, các công tố viên gọi ông là “nhân vật tâm điểm tiếp nhận và phân phối sừng tê giác” trong và xung quanh công viên Quốc gia Kruger.

Mabuza cũng phải đối mặt cáo buộc giết người. Tuy nhiên, ông được tại ngoại sau khi đóng tiền bảo lãnh, và trong khi đợi phiên tòa xét xử, đã bị ám sát khi đang đi trên đường, xe ông lỗ chỗ vết đạn. Mr. Big được chôn cất như một ông trùm băng đảng. 

Thi thể ông được đưa tới một buổi tang lễ bằng trực thăng, quan tài phủ da báo. Hai nhóm quay video chuyên nghiệp đã ghi lại sự kiện đấy. Hàng trăm người ủng hộ đến viếng ông, người mà họ tôn sùng vì đã đóng học phí đại học cho sinh viên trong vùng và luôn chia sẻ khối tài sản của ông. Với những người không đến dự được, tang lễ còn truyền hình trực tiếp trên YouTube.

Người dân ở những thị trấn gần Kruger nói rất dễ biết ai làm việc cho các đại gia buôn sừng tê: Đột ngột có người trong xóm mua một chiếc xe mới và nhà cất thêm một tầng lầu là đủ hiểu. “Nhưng những tay săn trộm [cấp thấp] không kiếm được nhiều tiền, có lẽ chỉ khoảng 50.000 hay 100.000 rand” - tức 2.700 hay 5.500 đô la Mỹ - một thành viên trong nhóm chống săn trộm chỉ cho biết tên là Patrick, nói. “Không đủ để xây nhà, nên họ có thể chỉ xây một nửa rồi lại quay lại với nghề săn trộm tê giác.” Trong tiếng lóng địa phương, những ai tự nhiên giàu lên được cho là “vừa kiếm được sừng.” 

Tháng 3.2023, các đơn vị chống săn trộm nhận được tin báo khẩn cấp là đang xảy ra một vụ cướp một trang trại nhân giống tê giác. Còi báo động vang lên, lĩnh gác túa ra kiểm tra lỗ thủng bị cắt ở hàng rào an ninh, và chó nghiệp vụ được tung ra tìm kiếm. Không ai nghe tiếng súng, nên có lẽ những con tê giác ở trang trại đấy chưa bị bắn.

Lần theo dấu chân và vết cỏ, lính kiểm lâm thấy bọn săn trộm đã đi thẳng tới tòa nhà chính. Ở đó chúng đã cướp một thùng kim loại chứa khoảng 18 chiếc sừng tê giác. Chúng cũng phá tan hai căn phòng khi tìm tiền mặt, mở toang một két sắt bằng mỏ hàn xì và tìm cách mở một két đựng súng, nhưng không được. Ở khu đấy không tìm thấy ai; bọn cướp có thể đã tẩu thoát bằng một chiếc xe đợi sẵn.

Trong cộng đồng bảo tồn, ý tưởng có chuyện cướp bóc như vậy thật nực cười. Hầu hết chủ sở hữu sừng tê giác tư nhân không giữ sừng bên người; họ sử dụng dịch vụ vận chuyển xe bọc thép và để sừng trong các két sắt cùng tiền xu vàng Krugerrand và kim cương. Nhiều câu hỏi được đặt ra: Phải chăng chủ trang trại đấy đã làm giả vụ cướp để che giấu việc bán sừng tê giác bất hợp pháp? Hay là có tay trong? Hay nhóm an ninh của trang trại đã cướp của chính người thuê họ.

rhino_xxx.jpg
Sừng tê giác sẵn sàng để được nghiền nhỏ và đem cất. Ảnh: Gulshan Khan cho Bloomberg Businessweek

Các điều tra viên lần theo hoạt động buôn bán sừng tê ở châu Á những năm gần đây lấy làm khó hiểu bởi lượng sừng được đưa ra khỏi Nam Phi. Ngay cả nếu họ tính mọi con tê giác đã bị săn trộm ở châu Phi, thì con số vẫn không khớp; số sừng bán ra đơn giản là quá nhiều.

Một số chủ trang trại khẳng định giới chức Nam Phi đã biển thủ từ một kho chứa sừng tê của nhà nước tại một két ngầm gần thị trấn Skukuza. Những chuyên gia bảo tồn cáo buộc các chủ tư nhân đã cung cấp hàng cho thị trường chợ đen (họ không có kênh hợp pháp nào cho số sừng tê họ thu được). 

Họ cũng cho rằng chủ các khu trại tự nhân làm giả những vụ cướp, rồi bán sừng mà họ báo là đã bị trộm mất cho các tay buôn ở Johannesburg. “Chúng tôi đã nghe nhiều vụ chủ trang trại bắn chết con tê giác của mình rồi tuyên bố là do một tay săn trộm làm,” Spencer nói. “Đó là thực tế ở đây.”

Một tuần sau vụ cướp, chủ trang trại xin được giấu tên kia nói ông biết những điều tiếng xung quanh chuyện đó. “Nhưng nói vậy có nghĩa là tôi phản bội lại mọi nguyên tắc đạo đức của mình,” ông vừa giải bày vừa khóc. Ông đã đầu tư hàng triệu đô la Mỹ để nuôi và bảo vệ tê giác và suốt nhiều năm đã vận động để buôn bán hợp pháp sừng tê giác (mà ông hy vọng sẽ giúp ông kiếm được còn nhiều triệu đô la Mỹ hơn nữa).

Ông khóc nức nở khi tả lại rằng bọn cướp có thể đã giết hoặc tra tấn ông bằng chiếc mỏ hàn xì nếu ông không tình cờ vắng mặt ngày hôm đó. Ông cũng trình bày là mình đã nâng cấp an ninh khu nhà mạnh tay. Một khẩu súng ngắn tự động giờ nằm thường trực trong túi quần ông. Một khẩu AR-15 có giảm thanh và ống tầm nhiệt nằm trên bàn làm việc. Áo chống đạn hạng nặng treo sau ghế. Trong phòng khách nhà ông (được trang trí bằng ba chiếc sọ voi đã tẩy trắng), sáu người vũ trang đang nghe chỉ thị an ninh từ một cựu binh Lực lượng Đặc biệt Anh. 

Theo luật Nam Phi, chủ đất được quyền mua, bán và trao đổi hàng hóa từ thiên nhiên hoang dã trên đất của họ. Trang đấu giá trực tuyến My Wildlife SA có rao mọi thứ từ một đàn 50 con linh dương (với giá tương đối phải chăng 102 đô la Mỹ một con) cho tới một gia đình tê giác có cả bố, mẹ, và con.

Chỉ cần vài cú nhấp chuột là người mua có thể mua ba con tê giác này với giá 24.540 đô la Mỹ, chấp nhận thanh toán thẻ tín dụng, nhưng chưa gồm phí vận chuyển và thuế. Năm năm trước, giá có thể là cao hơn gấp 10. Khác biệt ở đây là nỗi sợ.

Các chủ đất biết giữ tê giác trên đất mình có thể dẫn tới tư gia bị đột nhập, bản thân hay người thân bị bắt cóc hay sát hại, bởi các băng săn trộm. Điều đó giải thích tại sao một số con tê giác thậm chí được cho không. “Tôi có thể kiếm được sáu con tê giác chỉ bằng vài cuộc gọi điện,” Spencer nói. “Người ta đang vứt bỏ chúng. Không ai muốn tê giác trên đất mình. Chi phí quá cao.”

Một thực tế khó chịu ở Nam Phi hiện giờ là tê giác chết có giá hơn là còn sống. “Vấn đề là chênh lệch giữa giá trị hợp pháp của một con tê giác sống và giá trị phi pháp của một con tê giác chết là quá lớn,” Kevin Leo-Smith, kinh tế gia người Nam Phi đã có vài chục năm nghiên cứu phát triển bảo tồn và du lịch gắn với thiên nhiên hoang dã, phân tích. “Tóm lại là ta đang tạo động cơ để giết tê giác, thì tê giác sẽ chết thôi.”

Tình thế này rõ ràng nhất ở khu trang trại tê giác rộng 8.500 héc ta thuộc sở hữu của John Hume. Trong hơn hai thập kỷ, Hume, đã kiếm được tiền triệu từ ngành du lịch nghỉ dưỡng, có một bầy tê giác mỗi ngày một đông đúc; hiện ông có hơn 2.000 con tê giác trăng phương nam, đồng nghĩa cá nhân ông sở hữu 12-15% tổng số tê giác loài này còn lại.

Chiến lược đầu tư của Hume là nuôi tê giác như nuôi gia súc: chủng ngừa bệnh, tiêm vắc xin, cho ăn và nhân giống. Ông chưa bao giờ định sở hữu nhiều tê giác như vậy, nhưng khi chi phí an ninh tăng lên, ông đã nhận hàng trăm con nữa ở mức chi phí không đáng kể. Kết quả không chỉ là một đàn tê giác khổng lồ, mà còn là tê giác từ gần 100 địa điểm khác nhau, giúp đa dạng hóa nguồn gene.

Mỗi hai tới ba năm ông lại tiến hành cưa sừng chủ động. Kho sừng tê của ông tăng lên đều đặn, và dù vì lý do an ninh, ông từ chối cho biết con số chính xác, ông nói với đài phát thanh Quốc gia Mỹ (NPR) năm 2016 rằng ông đang có năm tấn sừng, trị giá khoảng 300 triệu đô la Mỹ theo giá hiện hành ngoài chợ đen.

Bởi Hume nói ông có thể thu hoạch một tấn sừng mỗi năm, ông có thể đang ngồi trên đống sừng tê trị giá 3/4 tỉ đô la Mỹ. Giống như những người khác ở vị thế đó, ông đang vận động để hợp pháp hóa hoạt động buôn bán sừng tê xuyên quốc gia. Chính quyền Nam Phi đã nhiều lần bác bỏ ý tưởng này, tương tự là hầu hết các nhóm bảo tồn quốc tế.

Đầu năm 2023, ở tuổi 81 và với chi phí an ninh cho tê giác hàng năm lên tới một triệu đô la Mỹ (chưa kể chi phí nuôi ăn 16 tấn lúa mạch và các loại lương thực khác mỗi ngày), Hume bỏ cuộc. Ngay cả những người chỉ trích ông chắc chắn cũng tin là ông thật sự quan tâm tới tê giác. Nhưng do chuyện hợp pháp hóa quá khó khăn, Hume đã rao đấu giá cả đàn. Giá mua tối thiểu (cho cả đàn tê giác, chứ không cho số sừng) được xác định là 10 triệu đô la Mỹ.

“Ông ấy là một nhân vật gây tranh cãi. Ông ấy đã cược lớn vào khả năng buôn bán sừng tê giác, và cơ bản đã mất cả gia tài khi làm chuyện đó,” Leo-Smith nói khi buổi đấu giá sắp tới gần. “Ông ấy có nhận được mức giá tối thiểu 10 triệu đô la? Tôi cũng không chắc. Mười năm trước thì chắc đấy.” 

Leo-Smith có lý khi tỏ ra hoài nghi. Tháng 5.2023, Hume tuyên bố cuộc đấu giá đã thất bại. Không ai trả cái giá tối thiểu. Liệu đàn tê giác của ông có được một tổ chức bảo tồn phi chính phủ nào mua lại làm nguồn giống không? Liệu một trang trại tê giác khác có mua lại đàn đấy, với hy vọng buôn bán sừng quốc tế rồi sẽ được hợp pháp hóa?

Ngụ ý của những câu hỏi đấy rộng lớn hơn nhiều so với trang trại của Hume. Hàng chục chủ tê giác tư nhân khắp Nam Phi đang đối mặt với thảm họa tài chính. Chi phí của họ đang tăng mạnh, và họ không có cách nào để bán hợp pháp số sừng họ thu được. 

Leo-Smith đứng về phía những người vận động hợp pháp hóa thương mại sừng tê giác. Ông nói điều đó sẽ giúp giá trị tê giác sống tăng mạnh, mà tới lượt nó giúp bảo đảm các khu đất sinh sống cho tê giác. (Lập luận này đôi khi được gọi là “đổi sừng lấy đất.”) 

“Hãy tưởng tượng tê giác có thể đóng góp vào công tác bảo tồn chung ra sao,” ông nói. Tuy nhiên, ông phản đối việc biến tê giác thành gia súc thuần túy. “Nuôi nhốt là tình trạng không tốt cho tê giác,” ông nói. “Mà theo tôi thấy không khác gì một sở thú. Chúng ta muốn tê giác hoang dã.” 

Những cấm đoán đã cản trở buôn bán sừng tê giác ở quy mô quốc tế được thiết lập qua hiệp ước về các loài bị đe dọa đã 50 năm tuổi: Công ước Thương mại Quốc tế Các loài bị đe dọa trong hệ thực vật và động vật hoang dã, hay Cites. 

Tuy nhiên, tháng 12.2022, những người vận động hợp pháp hóa buôn bán sừng tê giác đã nhìn thấy cơ hội mở ra với một thỏa thuận mới: Công ước khu Đa dạng sinh học toàn cầu 2022, đã được 196 nước ký ở Montreal. Thỏa thuận này xác định cụ thể những nguyên tắc bảo tồn cơ bản, bao gồm sự tham gia của cộng đồng, bảo vệ đa dạng sinh học và sử dụng tài nguyên bền vững.

Phe vận động hợp pháp hóa lập luận rằng sừng tê giác thu được hợp pháp đáp ứng cả ba đòi hỏi đó. Theo quan điểm này, tê giác châu Phi có thể cứu được nhờ các lực thị trường. Con người “chăm sóc những gì có giá trị và phớt lờ những gì không,” Leo-Smith nói. 

rhino_xxxxxx.jpg
Một chiếc sừng tê giác trắng trước khi nó được đem đi xử lý vào ngày 27.4.2023 ở Nam Phi. Ảnh: Gulshan Khan cho Bloomberg Businessweek

Liên minh chống hợp pháp hóa thì khẳng định rằng cầu sẽ ngay lập tức vượt cung khi việc buôn bán được chấp nhận. Khả năng 1,4 tỉ người tiêu dùng Trung Quốc, với truyền thống nhiều thế kỷ dùng bột sừng tê giác làm dược liệu, được tiếp cận hợp pháp sừng tê giác khiến nhiều người bảo vệ tê giác hoảng sợ.

Vào cuối tháng 6.2023 đã diễn ra vụ trộm sừng tê giác có lẽ là trắng trợn nhất. Mục tiêu là một kho của chính quyền, ở trụ sở của Ban quản trị Các công viên Tây Bắc, tại thị trấn Mahikeng. Bọn trộm đã lấy được 51 chiếc sừng trong một vụ rõ ràng là có tay trong - chúng có vẻ biết chìa khóa cất ở đâu và hệ thống báo động vận hành ra sao. Số sừng đấy nặng từ 70-90 kg và giá trị vào khoảng hai triệu đô la.

Những người phản đối hợp pháp hóa nói vụ trộm chứng tỏ quan điểm của họ là đúng: kết cục hợp lý với chiến dịch cưa sừng chủ động phải là hủy luôn những chiếc sừng thu được. “Vẫn duy trì các kho sừng tê giác cũng đồng nghĩa duy trì ý tưởng là ở một thời điểm tương lai nào đó, việc buôn bán sẽ được hợp pháp hóa và số sừng kia sẽ được mang ra bán,” Mary Rice ở tổ chức bảo tồn Environmental Investigation Agency có trụ sở tại London, nói. “Cưa sừng chủ động rõ ràng không ngăn được các mạng lưới tội phạm có tổ chức, họ giờ nhắm thẳng tới các kho chứa sừng.”

Trong khi tranh luận về chiến lược chống săn trộm, sự tham gia của cộng đồng và buôn bán hợp pháp ngày càng gay gắt, thì số lượng tê giác tiếp tục giảm xuống. Nếu vấn đề đó không được giải quyết, thì mọi tranh cãi là vô nghĩa. Những băng săn trộm vẫn hoạt động mạnh ở các bình nguyên châu Phi và giết chóc tê giác với tốc độ khiến các thế hệ tương lai nhiều khả năng chỉ biết tới loài từng sống trên trái đất 14 triệu năm này qua sách vở mà thôi.

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/con-te-giac-cuoi-cung-52434.html

#sừng tê giác

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media