Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Hồ sơ
Những thay đổi gần đây trong chính sách nhập cư sẽ không giúp những người bị lừa đảo tìm việc tại Anh, nhưng có thể khiến tình trạng thiếu lao động chăm sóc sức khỏe tồi tệ hơn.
Ông Brown (trái), người tự nhận là “thợ săn lừa đảo,” cùng vệ sĩ của ông, Sting. Hình ảnh: Carlotta Cardana cho Bloomberg Businessweek.
Tác giả: Lucy White
18 tháng 5, 2025 lúc 2:30 PM
Tóm tắt bài viết
Ông Brown, một 'thợ săn kẻ lừa đảo', đang truy tìm những kẻ lừa đảo bán Chứng nhận Tài trợ (COS) giả cho lao động nhập cư với giá lên đến 31.500 bảng (42.000 USD).
Hệ thống visa Công nhân Chăm sóc Sức khỏe của Anh bị lợi dụng, khiến hàng nghìn người nhập cư mất tiền tiết kiệm. Ước tính có 300 vụ lừa đảo với thiệt hại hàng triệu bảng.
Nạn nhân thường là lao động từ Nigeria, Zimbabwe và các nước đang phát triển, họ bán nhà cửa, tài sản để mua COS giả mà không bao giờ nhận được việc làm như hứa hẹn.
Cơ quan Action Fraud đã nhận 326 báo cáo về lừa đảo COS năm 2024, tăng từ 156 vào năm 2023, nhưng ít vụ được chuyển cho cảnh sát điều tra.
Chính phủ Anh đã thông báo sẽ chấm dứt chương trình visa Công nhân Chăm sóc Sức khỏe vào cuối năm 2024, nhưng không có biện pháp hỗ trợ nạn nhân đã bị lừa.
Tóm tắt bởi AI HAY
Vào một ngày Chủ Nhật nắng đẹp ở Bedford, Anh, sự yên tĩnh của con phố ngoại ô bị phá vỡ bởi một tiếng gõ cửa. Một người đàn ông tự xưng là Brown hy vọng có thể được nói chuyện với chủ nhà. Là một "thợ săn kẻ lừa đảo", Brown tin rằng người đàn ông trong ngôi nhà này là thành viên của một đường dây lừa đảo đang chiếm đoạt hàng chục ngàn bảng Anh từ những người lao động nhập cư Anh. Khi họ càng tuyệt vọng tìm kiếm việc làm, họ càng dễ dàng trở thành nạn nhân của các kẻ lừa đảo và lạm dụng.
Sau cảnh cửa với lớp kính mờ, bóng dáng của một người đàn ông xuất hiện rồi nhanh chóng biến mất. Tiếng một đứa trẻ hét lên "Bố ơi, bố ơi!" và ngay lập tức im lặng. Không ai ra mở cửa.
Ông Brown chờ đợi, gõ cửa lần nữa, chờ một lúc rồi lại gõ. Cuối cùng, ông quay trở lại xe hơi. Tại đó, một người nhập cư tên Charlie đang ngồi đợi. Charlie cho biết anh đã chuyển 31.500 bảng (42.000 USD) mượn từ gia đình ở Nigeria cho người đàn ông trong ngôi nhà đó, nhưng rồi chỉ nhận lại được những tài liệu về một công việc giả.
Khi ông Brown và Charlie đang bàn xem sẽ làm gì tiếp, một người phụ nữ từ trong nhà bước ra. Charlie nhận ra đó là vợ của người họ đang tìm kiếm, bởi Charlie đã từng nói chuyện với bà khi cố gắng liên lạc với chồng bà. Người phụ nữ yêu cầu ông Brown giải thích họ đang làm gì ở đây. Ông Brown giải thích rằng họ muốn thảo luận về một kế hoạch trả nợ cho Charlie với chồng bà. Bà ta đe dọa sẽ gọi cảnh sát, và ông Brown chỉ nhún vai. Bà ta quay vào nhà, và vài phút sau, một chiếc xe tuần tra xuất hiện ở cuối con đường.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Brown gặp phải sự can thiệp của cơ quan hành pháp. Vào tháng 12 năm 2023, sau khi đọc câu chuyện của một phụ nữ Zimbabwe bị lừa, ông đã quyết định sẽ làm mọi cách để bắt những kẻ lừa đảo nhắm vào người lao động nhập cư làm trong ngành chăm sóc sức khỏe. Kể từ đó, ông đã nhận được khoảng 300 báo cáo về các vụ lừa đảo, thường liên quan đến nhiều nạn nhân. Các khoản tiền bị mất thì lên đến hàng triệu bảng.
Những gì ông Brown làm đã phơi bày mặt tối của hệ thống nhập cư nước Anh, một thứ hệ thống dường như không thể làm hài lòng cả người nước ngoài và người dân bản địa. Anh rất phụ thuộc vào nguồn lao động nước ngoài, đặc biệt là trong ngành chăm sóc xã hội, ngành chăm sóc người già, người bệnh và người khuyết tật. Các công việc này bao gồm việc chăm sóc khách hàng tại nhà hoặc trong các cơ sở dưỡng lão. Công việc có thể bao gồm mọi thứ từ nấu ăn và dọn dẹp đến các công việc nặng nhọc hơn như giúp đỡ những người không thể tự di chuyển ra khỏi giường và ghế. Các nhân viên chăm sóc sẽ tắm rửa, chăm sóc vệ sinh và thực hiện các thủ tục y tế cơ bản. Hầu hết họ đều được trả lương rất thấp.
Covid-19, Brexit và vấn nạn dân số già hóa đã khiến số vị trí tuyển dụng trong ngành này tăng vọt. Chính phủ Anh đã cố gắng giải quyết vấn đề này vào năm 2020 bằng cách cho phép các nhà tuyển dụng bảo lãnh lao động nước ngoài thông qua visa Công nhân Chăm sóc Sức khỏe. Tuy nhiên, quy trình này đã bị lợi dụng. Các nhà bảo vệ quyền lợi người nhập cư ước tính rằng có hàng nghìn trường hợp người lao động bị trả lương thấp, bắt làm việc quá sức hoặc bị lạm dụng. Những mối lo ngại này là một trong những lý do, vào ngày 12 tháng 5, chính phủ nước này đã thông báo rằng họ sẽ cấm tuyển dụng lao động chăm sóc xã hội từ nước ngoài vào cuối năm nay.
Nhưng đó không phải là vấn đề duy nhất. Ông Brown đang tập trung vào một vấn đề khác mà chính phủ có vẻ không có vẻ gì là để tâm đến: nạn lừa đảo đối với người lao động chăm sóc xã hội nước ngoài đang tìm kiếm visa. Các luật sư và tổ chức từ thiện bảo vệ quyền lợi người nhập cư ước tính rằng vấn đề này liên quan đến hàng nghìn người, bao gồm cả những người, như Charlie, vô tình dẫn bạn bè và gia đình vào tay những kẻ lừa đảo.
Đại diện của những người lao động nhập cư cho biết họ đã giao những túi tiền mặt lớn tại các ga tàu đông đúc ở London và bãi đỗ xe siêu thị cho những người tuyên bố có thể cung cấp việc làm. Trong khi đó, nhiều lao động từ nước ngoài đã chuyển tiền qua các mạng lưới tài khoản ngân hàng phức tạp.
Và khi không nhận được những gì đã thỏa thuận, họ chỉ muốn lấy lại tiền của mình. Trong cơn tuyệt vọng và giận dữ, một số người đã phải sử dụng đến bạo lực. Tuy nhiên, quyết định của chính phủ về việc cấm tuyển dụng lao động chăm sóc từ nước ngoài sẽ không giúp ích cho những người đã bị lừa mất hết tài sản. Các băng nhóm lừa đảo tại Anh hiện đang rửa tiền hàng triệu bảng từ các quốc gia đang phát triển, gây thiệt hại nặng nề cho các cộng đồng này. Đáng nói hơn, nhiều nạn nhân lại chính là những người mà người dân Anh đang dựa vào để chăm sóc người thân lớn tuổi của họ.
Quay lại với câu chuyện của ông Brown, khi cảnh sát đến gần, họ dường như đã chuẩn bị cho một tình huống căng thẳng. Tuy nhiên, hai vị sĩ quan chỉ thấy Charlie, ông Brown và người vệ sĩ không chính thức của ông, Sting – một cựu võ sĩ quyền Anh có thân hình vạm vỡ khác xa với dáng vẻ nhỏ bé của ông Brown – đang đợi trên đường.
Ông Brown giải thích toàn bộ câu chuyện cho hai sĩ quan. Ông nói về Chứng nhận Tài trợ (COS) do các nhà tuyển dụng tại Anh cấp cho lao động nhập cư, hứa hẹn việc làm để họ có thể xin visa Công nhân Chăm sóc Sức khỏe. Các chứng nhận này đang bị các công ty hoặc đại lý bán với giá hàng chục nghìn bảng Anh một bản. Ông giải thích cách Charlie đã trả tiền cho người đàn ông trong ngôi nhà kia để nhận ba COS. Khi gia đình Charlie cố gắng sử dụng các chứng nhận này để xin visa và đến Anh làm việc, các chứng nhận hóa ra là giả. Điều đó khiến Bộ Nội vụ Anh cấm họ nhập cảnh vào nước này trong 10 năm. Trước đó, họ đã phải bán hết tài sản ở Nigeria, bao gồm nhà cửa, đất đai, xe cộ, để có tiền mua những COS đó. Vì thế, gia đình yêu cầu Charlie trả lại tiền.
Các sĩ quan hỏi mối liên hệ của ông Brown, và ông giải thích rằng ông đang cố gắng làm trung gian hòa giải để các bên có thể thương lượng trả nợ một cách hòa bình. Nếu các cuộc thương lượng không thành công, ông sẽ "vạch trần" những kẻ lừa đảo trên trang Facebook của mình, hiện có 17.000 người theo dõi. Các sĩ quan tỏ ra ngạc nhiên trước những lỗ hổng trong hệ thống nhập cư nhưng vẫn lắng nghe. Sau khi lấy thông tin của ba người, hai sĩ quan khuyên họ nên về nhà và để vụ việc cho các điều tra viên xử lý.
Trước năm 2020, Anh chưa có hệ thống visa chuyên biệt để thu hút lao động chăm sóc sức khỏe từ nước ngoài. Tuy nhiên, lĩnh vực chăm sóc người lớn đang gặp nhiều thách thức. Năm 2015, cơ quan giám sát ngân sách của chính phủ cảnh báo rằng người Anh "sống lâu hơn, do đó nhận lương hưu trong thời gian dài hơn", gây áp lực lên một số khoản chi tiêu, đặc biệt là trong chăm sóc sức khỏe. Phần lớn dịch vụ chăm sóc người lớn tại Anh được nhà nước tài trợ và quản lý thông qua các chính quyền địa phương.
Tình trạng thiếu nhân lực ngày càng tăng, phản ánh rõ áp lực này. Trong những năm 2000, số vị trí trống trong lĩnh vực y tế và công tác xã hội thường xuyên dao động quanh mức 70.000 trong mỗi ba tháng, theo cơ quan thống kê chính thức của Anh. Đến năm 2014, con số này đã vượt mốc 100.000 và tiếp tục tăng, hiện tại đã đạt 139.000.
Trước tình hình đó, vào đầu đại dịch, Thủ tướng Boris Johnson đã quyết định triển khai hệ thống visa cấp tốc để thu hút lao động y tế và chăm sóc từ nước ngoài. Hệ thống này cho phép các nhà tuyển dụng trong ngành nộp đơn xin giấy phép tài trợ từ Bộ Nội vụ. Nếu cơ quan chức năng xác nhận doanh nghiệp có đủ điều kiện, họ sẽ phê duyệt giấy phép và cấp cho công ty một số lượng COS nhất định. Các bước kiểm tra rất sơ sài – nhiều người làm việc trong chương trình tại Bộ Nội vụ cho biết rằng khi xây dựng lộ trình visa Công nhân Chăm sóc Sức khỏe, thời gian và sự tiện lợi được ưu tiên hàng đầu.
Ban đầu, chỉ những nhân viên chăm sóc cấp cao – có đủ năng lực giám sát người khác – mới được cấp visa. Tuy nhiên, đến năm 2022, tình trạng thiếu hụt nhân lực trở nên nghiêm trọng khiến chính phủ phải mở rộng chương trình visa cho cả những lao động có trình độ thấp hơn. Từ khi chương trình này bắt đầu vào giữa năm 2020 đến cuối năm ngoái, Anh đã cấp phép nhập cảnh cho 282.210 lao động, theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ. Tính cả người đi cùng của họ, tổng cộng có 681.111 người nhập cư. Phần lớn lao động đến từ Ấn Độ, sau đó là Nigeria và Zimbabwe. Đối với nhiều lao động từ các quốc gia kém phát triển, việc có được COS được xem như một cơ hội đổi đời. Những người làm việc liên tục trong năm năm có thể xin phép định cư lâu dài tại Anh.
Làn sóng nhập cư tăng mạnh bắt đầu gây lo ngại trong những năm cuối tại nhiệm của chính phủ Bảo thủ. Các bộ trưởng đã ra lệnh cấm lao động chăm sóc sức khỏe mang theo người thân, làm cho việc di cư đến Anh trở nên kém hấp dẫn hơn nhiều. Sau đó, chính phủ Lao động hiện tại đã quyết định loại bỏ việc cấp COS cho lao động chăm sóc sức khỏe như một phần trong kế hoạch nhằm tái thiết hệ thống nhập cư của Anh. Trước áp lực từ đảng Cải cách Anh cánh hữu, Thủ tướng Keir Starmer đang cố gắng giảm tỷ lệ nhập cư vốn đang ở mức gần kỷ lục. Tuy nhiên, kế hoạch của ông hiện tại vẫn chưa cụ thể và chưa có mốc thời gian chính thức.
Tất cả những điều này không hề quan trọng đối với Charlie khi anh, ông Brown và Sting rời khỏi căn nhà ở Bedford dưới sự giám sát của cảnh sát. Charlie đang rất tuyệt vọng, và lý do là vì anh đã gửi báo cáo đến Action Fraud, chi nhánh của Cảnh sát Thành phố London nơi tất cả các báo cáo gian lận trên toàn quốc phải được gửi đến, và không nhận được phản hồi. Action Fraud cho biết đã nhận được 326 báo cáo có chứa cụm từ "chứng nhận tài trợ" trong năm 2024, tăng từ 156 vào năm 2023 và 23 vào năm 2022. Bloomberg Businessweek không thể tìm thấy bất kỳ hồ sơ nào về các vụ gian lận COS đã được cảnh sát xử lý và dẫn đến một bản án.
Trong trường hợp của Charlie, Action Fraud đã xác nhận sau khi Businessweek đặt câu hỏi rằng họ chưa chuyển vụ việc của anh cho cảnh sát để điều tra. "Không phải tất cả các vụ việc đều có thể được chuyển tiếp," bà Claire Webb, giám đốc tạm quyền của tổ chức này, cho biết. "Các báo cáo này rất quan trọng để giúp cảnh sát phát triển thông tin tình báo và tiến hành các hoạt động can thiệp nhằm ngăn chặn người khác trở thành nạn nhân."
Về mặt kỹ thuật, việc bán COS chưa bao giờ hợp pháp, mặc dù ít ai có thể có được nó mà không phải trả tiền. Thậm chí, những nhà tuyển dụng hợp pháp cũng thu phí "hành chính" không rõ ràng từ những người lao động nhập cư, với lý do là để chi trả cho chỗ ở, chi phí luật sư, thuê xe và các khoản chi khác. Chính phủ Anh cũng thu phí đối với lao động xin visa Công nhân Chăm sóc Sức khỏe—284 bảng nếu người lao động dự định ở lại trong ba năm và 551 bảng cho các khoảng thời gian dài hơn.
Isobel Archer, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nguồn lực Kinh doanh và Quyền con người, cho rằng luôn có quá nhiều kẽ hở để các nhà tuyển dụng có thể lợi dụng và đổ lỗi cho các đại lý tuyển dụng, và tuyên bố rằng họ không biết người lao động phải trả tiền để được nhận COS. "Tôi không nghĩ các nhà tuyển dụng hỏi hay quan tâm, và tôi nghĩ điều đó là có chủ đích," bà nói. "Đơn giản là họ không muốn biết." Theo bà, trong trường hợp xấu nhất, các nhà tuyển dụng đang cố tình kiếm tiền từ việc bán COS thông qua các môi giới nhưng họ hoàn toàn có thể phủ nhận điều đó.
Khi bị lừa, lao động nhập cư – hoặc những người môi giới kết nối họ với kẻ bán COS giả - thường chọn im lặng, vì những kẻ lừa đảo đe dọa rằng việc cố gắng mua visa sẽ khiến họ bị liên đới vào hành vi phạm pháp. Đây là một yếu tố khác khiến việc xác định số lượng lao động bị lừa trở nên khó khăn hơn.
Hầu hết trong số khoảng 300 người đã đến nhờ ông Brown giúp đỡ là người châu Phi. Thỉnh thoảng ông nhận được lời kêu cứu từ người Ấn Độ và Philippines, nhưng ông cho rằng còn rất nhiều nạn nhân từ các cộng đồng này chưa biết đến ông. Ông cũng không phải là người duy nhất đang nỗ lực thực thi công lý ngoài vòng pháp luật—một phụ nữ người Nigeria tên Nas Ferrari, người đang phanh phui các kẻ lừa đảo trên tài khoản TikTok của mình, cho biết bà đã nhận được ít nhất 150 đơn khiếu nại trong ba tháng đầu năm nay.
Action Fraud không có quyền điều tra—họ chuyển các vụ việc này sang Cục Tình báo Gian lận Quốc gia (NFIB), nơi đánh giá xem liệu một vụ gian lận có xảy ra hay không, rồi quyết có chuyển vụ việc cho cảnh sát địa phương không. Việc chuyển giao này không phải lúc nào cũng xảy ra. "Với hơn 850.000 báo cáo được gửi đến NFIB mỗi năm, không phải tất cả các vụ việc đều có thể được chuyển tiếp để điều tra thêm," phát ngôn viên của Action Fraud cho biết. Phát ngôn viên này nói thêm rằng NFIB ưu tiên những vụ việc có "cơ hội điều tra" cho cảnh sát, là những vụ đang diễn ra và gây "tổn hại lớn nhất" cho nạn nhân.
Những nạn nhân đã mất hết tài sản hoặc đang bị đe dọa bởi những kẻ lừa đảo không thể hiểu nổi tại sao vụ việc của họ lại không phù hợp với yêu cầu của cảnh sát. "Tôi không hiểu," một người đàn ông Ghana muốn được gọi là E.K. nói. Cũng như Charlie, anh cho biết đã chuyển tiền của người khác cho kẻ lừa đảo. "Luật pháp Anh đang bảo vệ tội phạm."
Ông Brown cũng gặp khó khăn khi không thể hiểu tại sao cảnh sát lại không ưu tiên điều tra các vụ lừa đảo COS. Ở Zimbabwe, nơi ông sinh ra, một số kẻ lừa đảo COS đã phải chịu hậu quả nghiêm trọng từ pháp luật. Một ví dụ là McDonald Takunda Pfende, người bị cáo buộc lừa đảo 53 trợ lý y tá và chiếm đoạt 46.000 USD. Trên mạng xã hội của anh ta, người ta thấy anh ta ăn mặc rất thời trang và đeo trang sức nổi bật, trước khi bị cảnh sát bắt khi đang tổ chức bữa tiệc tại thủ đô Harare. Anh ta đã bỏ trốn sau khi được tại ngoại trước phiên tòa, theo hồ sơ của Tòa án Magistrates Harare. Ngoài ra còn có Munyaradzi Mangoma, một cựu quân nhân Anh, bị bắt vì bị cáo buộc thu của một phụ nữ 5.100 USD cho một COS giả.
Sau khi xuất hiện lần đầu tại tòa, người bị hại đã rút đơn kiện, theo hồ sơ tòa án. Mangoma đã thừa nhận đã gian lận 35.000 bảng từ một ngân hàng ở Bắc Ireland trong một vụ việc không liên quan đến vụ này, xảy ra bảy năm trước.
Tháng Ba năm ngoái, ông Brown cố gắng thúc đẩy cảnh sát Anh hành động bằng cách “thay trời hành đạo”. Ông lập kế hoạch lừa kẻ lừa đảo bằng cách giả làm người muốn có COS để đưa gia đình từ Zimbabwe sang Anh. Ông sắp xếp gặp một kẻ lừa đảo tại Nottingham để giao vài nghìn bảng tiền mặt. Khi người đàn ông ngồi vào xe của ông Brown để nhận tiền, ông đã khóa cửa và lái xe đến đồn cảnh sát gần nhất, trong khi Sting giữ người đàn ông lại.
Ông Brown hy vọng cảnh sát sẽ lắng nghe câu chuyện, xem xét bằng chứng và bắt giữ kẻ lừa đảo. Nhưng thay vào đó, họ lại bắt ông Brown và Sting với cáo buộc bắt cóc và hành hung. Cuối cùng, cả hai cáo buộc đều bị hủy—ông Brown không rõ lý do, nhưng vào thời điểm đó, ông đã phản đối rằng việc đưa người đến đồn cảnh sát không thể coi là bắt cóc. Theo ông, cảnh sát vẫn chưa có động thái nào với kẻ tình nghi kia.
Việc theo đuổi những vụ việc này đã mang lại hậu quả không mong muốn cho ông Brown, người đã sống ở Anh suốt 19 năm. Ông mất việc tại Dịch vụ Y tế Quốc gia sau khi những kẻ lừa đảo mà ông vạch trần nhận ra ông và khiếu nại với nhà tuyển dụng của ông. Quản lý của ông nói rằng ông có thể ở lại nếu đồng ý đóng trang Facebook của mình, nhưng ông Brown từ chối. "Tôi không thể từ bỏ tất cả những người cần sự giúp đỡ của tôi," ông nói. Hiện ông kiếm sống bằng cách làm những công việc vặt, cung cấp dịch vụ chuyển nhà, dọn dẹp và làm vườn.
Là một người cha của hai đứa trẻ và hai người đã lớn, ông Brown cho biết ông đã nhận được nhiều lời đe dọa nhằm vào ông và gia đình, nhiều hơn ông có thể nhớ. Một trong số đó đến từ một phụ nữ Anh tên Linda Redmond, về người mà ông đã nhận được ba báo cáo về. Bà ta phản ứng lại các tiếp cận của ông Brown qua những tin nhắn tức giận, viết hoa từ đầu đến cuối. "MÀY LÀ KẺ DƠ BẨN, TAO CHỈ CẦNG [sic] MỘT CÁI VÀ MÀY SẼ KHÔNG SỐNG ĐƯỢC LÂU ĐÂU," bà ta viết. "CÁI ĐÁM BỌN MÀY ĐÃ NGU THÌ CHỚ LẠI CÒN VÁC MẶT ĐẾN ĐÂY.”
Redmond phủ nhận đã từng lừa đảo bất kì ai. Bà ta nói rằng đã nhận tiền từ những người tìm việc muốn xin COS và gửi nó cho các doanh nghiệp hứa sẽ cung cấp COS. Các doanh nghiệp này thu khoảng 3.000 bảng, và bà ta nhận phí hoa hồng khoảng 5%. Những doanh nghiệp đó sau này bị phát hiện là lừa đảo, Redmond nói, nhưng bà ta khẳng định không thể biết trước điều đó. "Khi bạn kiểm tra mọi thứ trực tuyến và thực hiện các bước kiểm tra cần thiết, họ thực sự tồn tại," bà nói về các công ty cung cấp COS. Bà nói rằng bà không biết việc thu phí COS là bất hợp pháp.
Khi được gửi ảnh chụp màn hình của tin nhắn bà đã gửi cho ông Brown, Redmond trả lời rất kích động: "MÀY NGHE NÀY ĐỪNG BAO GIỜ LIÊN HỆ VỚI TAO VỚI MẤY CHUYỆN TÀO LAO ĐÓ."
Annie, 19 tuổi khi đến Anh từ Zimbabwe, đã bị đe dọa bởi kẻ lừa đảo sau khi cô báo cáo ông ta cho ông Brown. Eric Musoma, người lớn hơn cô 30 tuổi, đã gửi cho cô những tin nhắn, mà Businessweek đã xem, mời cô làm người phụ thuộc trên visa của ông ta—một thỏa thuận ngụ ý rằng cô sẽ phải trở thành vợ ông.
Annie, người yêu cầu sử dụng tên giả trong bài viết này, muốn đến Anh để ở cùng gia đình—cha cô đã có COS và đang mang theo mẹ và các em nhỏ của cô như những người phụ thuộc. Vì Annie còn trẻ, cô cần visa riêng và mẹ cô được một người bạn nói rằng Musoma có thể cung cấp visa cho cô. Annie đã trả cho ông ta 5.500 bảng.
Musoma bảo Annie xin visa Công nhân Từ thiện, cho phép cô ở lại Anh trong một năm miễn là cô tình nguyện làm việc cho một tổ chức từ thiện. Điều này sẽ giúp cô xin COS dễ dàng hơn, ông ta nói. Nhưng khi visa đó sắp hết hạn, Musoma không hề gửi tài liệu gì cho cô. Cô đã van xin ông ta giúp đỡ. Và ông ta, về cơ bản, ép cô phải bắt đầu một mối quan hệ với ông.
“Tôi có tội tình gì khi nói tôi rất ngưỡng mộ cô không?” ông ta nhắn tin cho cô. “Tôi đoán là tôi đã yêu [Annie].” Ban đầu, cô đáp lại bằng cách vui vẻ từ chối những lời tán tỉnh của ông ta, gọi ông là “chú” để nhấn mạnh sự chênh lệch về tuổi tác của họ. Không lâu sau, ông ta yêu cầu cô đến ở với ông. “Nếu có bất kì vấn đề gì, tôi có thể thêm cô vào visa của tôi,” ông ta nói.
Annie ngày càng trở nên tuyệt vọng hơn khi cô lo sợ rằng mình sẽ bị trục xuất. Cô nói rằng cô đã căng thẳng đến nỗi nó đã khiến cô giảm cân, và Musoma đã khuyên cô gửi ảnh của mình cho ông ta. “Sẵn sàng làm bất cứ điều gì,” ông ta van nài với một biểu tượng mặt cười.
Cuối cùng, nước đã tràn ly. Trong một tin nhắn dài, cô nói với Musoma: “Tôi không muốn phụ thuộc vào ai cả.” Cô nói rằng cô muốn làm việc để có thể “tự lo cho bản thân, không phải cần đến một người đàn ông chăm sóc tôi.”
Sau đó, ông ta im lặng. Ông ta ngừng trả lời các cuộc gọi và tin nhắn của cô. Sau đó, ông Brown đã đề cập đến vụ việc của Annie trên trang Facebook của mình. Hai giờ sau, Musoma nhắn tin cho cô. “Đừng nghĩ tôi bị đe dọa bởi một bài viết trên Facebook, bởi sớm muộn gì cô cũng sẽ bị trục xuất,” ông ta viết. “Chỉ cần một cuộc gọi.” Businessweek đã không thể liên lạc với Musoma để yêu cầu bình luận về câu chuyện này.
E.K., người Ghana, cho biết anh cũng đã nhận được những lời đe dọa—những lời đe dọa từ những lao động chăm sóc sức khỏe tại Ghana, những người mà anh đã kết nối với một kẻ lừa đảo khác ở Anh. E.K. nghĩ rằng anh có thể tin tưởng vào kẻ này, một mục sư đã học cùng chú anh ở Ghana. Nhưng người mục sư này đã lấy 16.000 bảng từ những người quen của E.K. và biệt tâm biệt tích từ đó.
Mẹ và các anh chị em của E.K. đã bị quấy rối và buộc phải rời khỏi nhà bởi những nạn nhân giận dữ, những người không quan tâm rằng E.K. không phải là người đã lấy tiền của họ. Một nạn nhân gần đây đã mất cha vì gia đình không còn khả năng đưa ông đến bệnh viện. “Cảnh tượng này thật khủng khiếp,” E.K. chia sẻ. Sau một chuyến đi vô ích đến Anh để cố gắng đòi lại tiền, E.K. hiện đang ở lại quốc gia Tây Phi Togo. Anh rất sợ quay về quê hương.
Ông Brown cảm thấy tiếc cho những nạn nhân vẫn bị kẹt lại ở quê nhà, sau khi đã phải bán tất cả mọi thứ vì COS. “Họ đang vật lộn để sống qua ngày trong khi những kẻ lừa đảo của họ lại lái xe Range Rover vòng quanh Anh,” ông nói. Ông cũng cảm thấy đồng cảm với những người như E.K., đang bị đe dọa và quấy rối bởi các nạn nhân, nhưng ông Brown là người đầu tiên nói rằng nhiều người trong số họ không hề vô tội.
Họ thường là những người từng là lao động nhập cư và giờ làm môi giới, nghĩ rằng họ có thể kiếm thêm chút tiền bằng cách giúp các nhà cung cấp COS tìm người mua. Họ không có ý định lừa đảo ai, nhưng lại tăng giá COS để ăn chênh lệch nhiều hơn. “Thật ngớ ngẩn,” ông Brown nói. “Họ hiểu rõ việc kiếm tiền để đến đây khó khăn như thế nào. Chúng ta đều là người châu Phi—chúng ta nên giúp đỡ nhau.”
Ugoeze, một người mẹ hai con đến từ Nigeria, yêu cầu sử dụng tên giả vì không muốn đặt gia đình vào nguy hiểm, thừa nhận đã nhận “hoa hồng” từ nhiều người mà cô giới thiệu đến một kẻ lừa đảo bán COS. Cô là lao động chăm sóc sức khỏe ở Birmingham. Ban đầu, cô nói, cô chỉ muốn giúp đỡ gia đình mình—cuộc sống ở Lagos rất khó khăn, và khu vực thường xuyên xảy ra bạo. Vì vậy, Ugoeze nghĩ rằng cô đã rất “may mắn” khi nhận được một tin nhắn từ nhóm WhatsApp từ mục sư Raphael Iyire, nói rằng ông có thể giúp mọi người tìm việc làm ở Anh.
Ugoeze đã nghe nói về những kẻ lừa đảo bán COS, nhưng đây là mục sư của cô. Ông ta không thể nào lừa cô được, Ugoeze đã nghĩ thế. Cô bắt đầu thu tiền từ gia đình để gửi cho ông ta. Cô đã nghe nói về những người khác bán chứng nhận với giá tận 12.000 bảng; giá của ông Iyire là 1.750 bảng, một mức giá hợp lý hơn nhiều. Tin đồn lan rộng ở Lagos, và tổng cộng, cô nói, cô đã giới thiệu 66 người cho Iyire.
Khi số người bắt đầu tăng lên, bao gồm cả những người cô không quen biết, Ugoeze đã yêu cầu Iyire trả tiền hoa hồng cho mình. Ông ta nói rằng ông sẽ không trả tiền cho cô, nhưng cô có thể thu phí từ những người xin visa. Cuối cùng, cô đã nhận 500 bảng từ 17 người. Cô giữ số tiền này cho đến khi biết họ nhận được COS—nhưng chúng không bao giờ đến.
Tổng cộng, Ugoeze đã đưa Iyire tổng cộng 115.500 bảng. Một số người đã bán nhà, đất đai và xe cộ để có tiền. Họ thậm chí đã hoàn thành các cuộc phỏng vấn trực tuyến giả, mặc dù không phải với một người thực. “Nó được lên lịch trên một hệ thống, giống như tôi đang làm bài kiểm tra,” một nạn nhân, người yêu cầu chỉ được gọi là Maureen, chia sẻ. Liên kết được gửi bởi James Beulah, cộng sự kinh doanh của Iyire. Maureen đã tưởng rằng Beulah đang điều hành một công ty chăm sóc sức khỏe, nơi mà họ sẽ làm việc, mặc dù Cơ quan Đăng ký Doanh nghiệp của Chính phủ Anh—cơ quan chịu trách nhiệm duy trì sổ đăng ký các doanh nghiệp của Anh—không hề có hồ sơ nào về một công ty như vậy.
Tuần qua tuần, không có bất kì COS nào được đưa ra. Người dân bắt đầu yêu cầu Ugoeze hoàn lại tiền. Cô đã trả lại các khoản hoa hồng đã nhận và tìm đến Iyire để đòi phần còn lại. Ông ta nói đã chuyển số tiền đó cho Beulah. Các “khách hàng” của Ugoeze bắt đầu gây áp lực, một số người thậm chí còn gửi thư đe dọa giết cô và video nguyền rủa gia đình cô.
Ugoeze đã van xin Iyire và Beulah, và cuối cùng họ đồng ý với một kế hoạch trả nợ. Các sao kê ngân hàng của cô cho thấy họ đã hoàn lại 26.000 bảng, khoảng một phần năm số tiền mà họ đã lấy. Tuy nhiên, các khoản thanh toán đã dừng lại khi Iyire nói rằng ông ta đã mất việc và không còn tiền.
Ugoeze báo cáo vụ việc cho Action Fraud, cơ quan này thông báo, mà không giải thích thêm, rằng họ sẽ không chuyển vụ việc của cô cho cảnh sát điều tra. Ugoeze cho biết cô chỉ còn cách gửi những gì có thể từ mức lương khiêm tốn của mình để trả lại cho các nạn nhân ở Nigeria, và cô chia sẻ rằng cảm giác tội lỗi đã ảnh hưởng đến cô còn nhiều hơn cả những lời đe dọa. Kể từ khi vướng vào mạng lưới lừa đảo COS, cô cho biết đã hai lần phải nhập viện vì cố gắng tự tử.
Vào tháng 5 năm 2024, Sting và Ugoeze đã đến ngoại ô Birmingham để tìm Iyire—ông Brown đang bận gặp một kẻ lừa đảo khác. Tên mục sư đã chặn số điện thoại của Ugoeze, cho nên biện pháp cuối cùng là họ đến thẳng nhà ông ta.
Khi mở cửa, Iyire tỏ ra rất tự mãn. Ông ta từ chối cho họ vào và liên tục đe dọa sẽ gọi cảnh sát. Họ kiên quyết rằng họ cần phải nói chuyện với ông và sẵn sàng giải thích tình huống cho bất kỳ sĩ quan cảnh sát nào. Vì không muốn gây náo loạn trước mặt hàng xóm, ông ta đã đồng ý nói chuyện ở quán McDonald’s gần đó.
Suốt hai giờ tiếp theo, nụ cười tự mãn của Iyire dần tắt dần rồi hoàn toàn biến mất. Ông ta thừa nhận đã hứa cung cấp COS và đã giữ lại 33.000 bảng trong tổng số 115.500 bảng mà Ugoeze đã đưa ông. Phần còn lại, ông ta nói, đã chuyển cho Beulah.
Có vẻ như Iyire và Beulah cũng đã bị lừa. Sao kê ngân hàng của Beulah cho thấy ông ta đã chuyển ít nhất 40.000 bảng cho Waikan Consulting, một công ty tự nhận là tư vấn nhập cư và tin rằng công ty này có thể cung cấp COS. Beulah không để ý, nhưng có một số điều không hợp lý về Waikan. Website của công ty này ghi địa chỉ văn phòng tại đảo Jersey, một Lãnh thổ tự trị của Anh, nhưng địa chỉ đó không tồn tại và không có hồ sơ công ty đăng ký tại đó.
Businessweek đã báo cáo những sự thiếu sót này với các cơ quan chức năng ở Jersey vào tháng 3 năm 2024. Vào tháng 11, sau khi điều tra, Ủy ban Dịch vụ Tài chính Jersey đã phát hành thông báo gọi Waikan là "tổ chức lừa đảo" và cảnh báo công chúng không nên giao dịch với công ty này.
Beulah cho biết ông đã báo cáo Waikan với cảnh sát vào cuối năm 2023; một phát ngôn viên của Cảnh sát London cho biết “Đơn vị Tội phạm Kinh tế đang tiếp tục điều tra.” Một cá nhân tại công ty đã yêu cầu Beulah chuyển các khoản thanh toán COS tới tài khoản ngân hàng của AZNN và IWD UK, hai công ty đăng ký ở Anh, theo lời Beulah. Sao kê ngân hàng của Beulah trong tháng 4 và tháng 5 năm 2023 cho thấy hơn 40.000 bảng đã được chuyển đến các tài khoản này. Các nỗ lực của Businessweek nhằm tìm kiếm chủ sở hữu đăng ký của những công ty này không thành công, và Beulah cho biết cảnh sát London đã thông báo với ông rằng họ tin rằng các nghi phạm đã trốn sang Ấn Độ. Cảnh sát London từ chối bình luận thêm.
Khi Beulah và Iyire kể với Ugoeze về số tiền họ đã gửi cho Waikan, cô đã gửi một email tuyệt vọng cho công ty này, van xin họ trả lại tiền cho các khách hàng của cô. “Mọi người đang đe dọa giết tôi,” cô viết. “Làm ơn, tôi không muốn chết vì chuyện này, xin hãy hoàn lại số tiền đó.”
Ngồi trong McDonald’s, Ugoeze miễn cưỡng chấp nhận rằng Iyire không thể lấy lại số tiền đã gửi cho Beulah và Waikan. Nhưng cô van xin ông ta trả lại số tiền ông đã giữ. Ông ta trông có vẻ buồn bã. “Tôi đã tiêu hết rồi,” ông ta nói. “Nếu tôi còn tiền, tôi đã tự thoát khỏi đống rắc rối này.”
Với sự giúp đỡ của ông Brown, Charlie đã xác định được người có vẻ là chủ mưu đứng sau mạng lưới lừa đảo COS—một luật sư tên Vitalis Madanhi. Ngoài việc điều hành một công ty luật chuyên về di cư, Madanhi còn là cán bộ phụ trách việc tuân thủ quy định của CMichaels Healthcare, một công ty do anh trai ông, Charles, sở hữu. CMichaels là nhà tuyển dụng bảo lãnh được ghi trên các COS giả mà gia đình Charlie nhận được; cho đến giữa năm 2023, công ty này đã được Bộ Nội vụ cấp phép bảo lãnh lao động.
Vitalis Madanhi cho Businessweek biết rằng một nhân viên của CMichaels tên Roy Savens đã lừa những người lao động nhập cư, sử dụng các môi giới như người đã liên lạc với Charlie ở Bedford, và sau đó đã bỏ trốn khỏi đất nước. Businessweek cũng tìm thấy một nạn nhân khác đã bị lừa bởi cùng một kẻ lừa đảo Savens này thông qua một đại lý khác. Sau đó, Madanhi thừa nhận với Charlie rằng một số khoản thanh toán cho COS "có thể" đã được văn phòng CMichaels chấp nhận, và hứa sẽ hoàn lại tiền cho bất kỳ nạn nhân nào đến yêu cầu khi công ty cải thiện tình hình tài chính.
Thế nhưng thời gian trôi qua và không có khoản thanh toán nào được thực hiện. Madanhi đã gửi cho Charlie một tin nhắn WhatsApp nói rằng CMichaels đang được một công ty khác mua lại, điều này sẽ giúp công ty có thêm sự hỗ trợ về tài chính, nhưng website của công ty đó lại có vẻ là giả mạo. Savens, người mà ông ta nói là không còn liên lạc với Madanhi, đã chuyển cho nạn nhân khác một ảnh chụp màn hình của tin nhắn giống hệt, được gửi từ số của Madanhi.
Khi Businessweek hỏi về vụ việc, Madanhi đã trả lời qua email: "Theo như tôi được biết, không có khoản thanh toán 31.500 bảng Anh nào được gửi cho công ty và nếu ai đó đã thanh toán khoản tiền đó, họ nên cung cấp cho chúng tôi đầy đủ thông tin và chứng cứ để chúng tôi có thể giúp đỡ. Và nếu cần, chuyển vụ việc cho cảnh sát điều tra. Tôi rất sẵn lòng hợp tác với bất kỳ ai đưa ra yêu cầu hợp pháp đối với CMichaels Healthcare Ltd." Madanhi hiện đang bị điều tra bởi Cơ quan Quản lý Luật Sư, sau khi Businessweek báo cáo sự việc này với cơ quan giám sát. "Chúng tôi cần điều tra trước khi quyết định sẽ làm gì tiếp theo," phát ngôn viên của SRA cho biết.
Các nạn nhân của vụ lừa đảo COS, cả ở Anh và các quốc gia khác, bắt đầu không còn hy vọng sẽ lấy lại được tiền. Điều này làm các vấn đề sức khỏe tâm lý của họ trở nên nghiêm trọng, và những lời đe dọa ngày càng gay gắt. Ít nhất tám người được phỏng cho biết họ đã cố gắng hoặc đang cân nhắc tự tử, trong khi E.K. cho biết anh đã nghĩ đến việc nhờ sự giúp đỡ của các băng nhóm xã hội đen để đe dọa kẻ lừa đảo nếu cảnh sát không can thiệp.
Với một số người, thời gian đã hết. Một phụ nữ yêu cầu được gọi là Oluremi, đã mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 4 khi cô báo cáo kẻ đã lừa đảo của mình vào đầu năm 2024—phía bên trái cơ thể cô đầy những vết sẹo, bỏng từ xạ trị và khối u. Cô từng là nhân viên chăm sóc sức khỏe và đang cố gắng lấy COS cho chị dâu mình, để có người thân ở bên cô trong những giây phút cuối đời. Cô qua đời vào tháng 10.
Oluremi cho biết cô đã giao 11.000 bảng tiền mặt cho kẻ lừa đảo. Cô tưởng rằng sẽ gặp người phụ nữ này tại một văn phòng, nhưng khi cô đang trên đường đến đó, kẻ lừa đảo đã nhắn tin cho cô một địa chỉ mới, là bãi đỗ xe của một siêu thị Lidl.
“Linh cảm của tôi cho biết đây có thể là một vụ lừa đảo, nhưng tôi đã quá tuyệt vọng để quan tâm,” Oluremi chia sẻ trước khi qua đời. COS không bao giờ đến, và sau đó cô gặp hai người khác cũng đã mất tiền cho cùng một kẻ lừa đảo này. Người phụ nữ sau đó đã thay số điện thoại và biến mất.
Khi chính phủ công bố đóng cửa chương trình visa Công nhân Chăm sóc Sức khỏe, họ cho biết có hơn 39.000 người ở Anh đã nhập cư để làm công việc chăm sóc sức khỏe nhưng không thể vì các nhà tuyển dụng của họ đã mất giấy phép bảo lãnh. Chính phủ cho rằng việc tìm việc cho những người này sẽ bù đắp hoàn toàn cho sự gián đoạn trong quá trình nhập cư, và những người lao động hiện tại ở Anh sẽ có thể gia hạn visa cho đến năm 2028.
Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành chăm sóc sức khỏe cho rằng chính phủ đang hành động quá quyết liệt và điều này có thể khiến ngành chăm sóc sức khỏe rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng hơn. Jane Townsend, giám đốc điều hành Hiệp hội Chăm sóc Tại Nhà, một tổ chức đại diện cho các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc tại nhà, cho biết chương trình visa ban đầu đã vấp phải "sự bất tài" từ Bộ Nội vụ, nhưng bây giờ "chúng ta sẽ quay lại với tình trạng thiếu người chăm sóc và lại phải đối mặt với cảnh xếp hàng dài chờ cứu thương.
“Chúng ta đang bước vào một thảm họa nhân đạo và kinh tế, vì trong 20 năm tới, số người từ 85 tuổi trở lên sẽ nhiều gấp đôi so với hiện nay,” bà nói. “Một phần tư trong chúng ta sẽ từ 65 tuổi trở lên. Ai sẽ chăm sóc tất cả mọi người?”
Việc chấm dứt chương trình visa Công nhân Chăm sóc Sức khỏe cũng là một đòn giáng nặng nề đối với những người như gia đình Charlie, những người đã hy vọng rằng họ sẽ có thể được cấp COS vào một ngày nào đó. Giờ đây, họ biết rằng hy vọng có một cuộc sống mới ở Anh đã hoàn toàn tan vỡ. Trong các biện pháp nhập cư được chính phủ công bố trong tháng này, không có gì đề cập đến việc trừng phạt các doanh nghiệp đã lừa đảo những lao động nhập cư, cũng như việc tìm kiếm công lý cho các nạn nhân. Với họ, mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày tiền của họ càng biến mất.
Cho đến khi cảnh sát hành động, ông Brown nói rằng ông sẽ tiếp tục săn lùng những kẻ lừa đảo. “Chúng không dừng lại, nên tôi cũng không thể dừng lại,” ông nói. “Tôi đã cố gắng nâng cao nhận thức mọi người, nhưng không ai từ phía chính phủ liên lạc với tôi. Tôi hy vọng một ngày nào đó họ sẽ làm gì đó.”
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/cac-vu-lua-dao-visa-tai-anh-khien-hang-trieu-lao-dong-nhap-cu-mat-tien-53222.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media