Chuyên đề

Cậy vào mắt thần AI phân định đâu người đâu máy

Worldcoin là nỗ lực táo bạo, thậm chí đến điên rồ, nhằm ngăn chặn tận thế AI bằng cách xác minh được từng con người trên trái đất, nhờ công nghệ quét mống mắt.

Công nhân sản xuất nhìn vào Orb. Hình ảnh: Eriver Hijano cho Bloomberg Businessweek

Công nhân sản xuất nhìn vào Orb. Hình ảnh: Eriver Hijano cho Bloomberg Businessweek

Tác giả: Ashlee Vance

20 tháng 9, 2024 lúc 4:48 PM

Khu vực trung tâm đẹp như tranh ở thành phố Nuremberg, Đức, thường không phải là nơi diễn ra nhiều hoạt động công nghệ cao nhộn nhịp. Nơi đó có một tòa lâu đài, những nhà thờ, những tấm biển ca ngợi xúc xích Đức truyền thống, và hàng dãy tiệm kem chuyên phục vụ du khách. Tuy nhiên, vào một ngày trong tuần giữa tháng 5.2024, thành phố đã tổ chức sự kiện rất nghiêm túc nhằm khoe khoang công nghệ mới cho những ai thực sự quan tâm.

Du khách ghé cửa hàng bán lẻ bài trí kiểu viễn tưởng tương lai Josephs, ngay gần tuyến phố chính, sẽ thấy một quả cầu kim loại bí hiểm bằng cỡ trái dưa lưới. Orb, với lớp mạ crôm sáng bóng, nằm trên đỉnh một cây cột màu đen, bên dưới là phần đế bằng gỗ lớn, hình chữ nhật, tất cả nằm gần một cửa sổ tầng trưng bày chính của cửa hàng Josephs. Cách không xa món đồ kỳ dị đó là Alex Blania, đồng tác giả Orb. Ông ngồi trên chiếc ghế ở đầu căn phòng, trong khi người phỏng vấn nêu ra cho ông hàng loạt câu hỏi trước vài chục sinh viên khoa học máy tính và kỹ thuật người Đức, họ rất vui vì thấy Blania, dân Nuremberg chính hiệu, thành công.

Châu Âu có một số câu chuyện thành công lớn về công nghệ, nhưng từ lâu đã đi sau Mỹ về số lượng cùng chất lượng, và mức độ phổ biến trong tham vọng khởi nghiệp. Đó chính xác là lý do khiến Blania trưng ra quả cầu sáng bóng của ông. Ông là CEO của Tools for Humanity, công ty đang sử dụng Orb cho hệ thống xác định nhân thân và tiền mã hóa Worldcoin. Công ty của ông, có trụ sở ở San Francisco và Erlangen, Đức, chính là giấc mơ của thung lũng Silicon. CEO của OpenAI Sam Altman, người sáng lập Tools for Humanity và chiêu mộ Blania, hậu thuẫn công ty mạnh mẽ về tài chính, cùng các hãng đầu tư Tiger Global Management, Fifty Years, Khosla Ventures, Andreessen Horowitz và vài chục nhà đầu tư khác, tất cả đóng góp hơn 250 triệu đô la để “đảm bảo xây dựng một hệ thống kinh tế công bằng hơn,” theo trang web của công ty.

Để đạt được mục tiêu không hề khiêm nhường đó, Tools for Humanity muốn tạo ra hệ thống nhận dạng con người toàn cầu. Ý tưởng ở đây là AI đang phát triển nhanh chóng tới mức chúng ta sẽ sớm—hay thực ra là đã—cần tới cách phân biệt người và máy. Nói cách khác, để ngăn những máy AI siêu thông minh làm tràn ngập internet bằng nội dung deepfake, lừa gạt và tuyên truyền, chúng ta phải có cách trả lời được câu hỏi hiện sinh của thời hiện đại: Là bot hay không phải là bot? Đó là lĩnh vực của Orb. Thiết bị này chụp ảnh mống mắt người dưới sự giám sát của một trợ thủ con người và gán cho hình ảnh đó một số nhân thân duy nhất, một World ID, để xác nhận rằng đó là người thật, chứ không phải một trong vô số những nhân vật ảo mà máy tạo ra. Sau đó bạn có thể sử dụng World ID để đăng nhập vào Shopify, Reddit, hay Discord, và mọi người đều sẽ thấy an toàn hơn khi biết mình đang giao tiếp với người thật, bằng xương bằng thịt, chứ không phải AI.

13.jpg
Đăng ký trên Orb tại Josephs. Hình ảnh: Eriver Hijano cho Bloomberg Businessweek

Tuy nhiên, đây mới là bước một của tầm nhìn đậm chất tương lai đấy. Những ai đã có World ID cũng có thể nhận một chỗ trong hệ thống tiền mã hóa Worldcoin. Tools for Humanity, hiện đang quản lý Worldcoin, Orb, World ID, và nhiều ứng dụng khác, cho rằng tiền mã hóa sẽ là tối quan trọng để giải quyết vấn đề phân bổ thu nhập và nguồn lực có thể xuất hiện từ công nghệ AI. Do đó công ty muốn tạo ra mạng lưới tài chính trên lý thuyết có thể làm những việc như chuyển các khoản thanh toán định kỳ cho những người cần. Trong kịch bản này, mạng Worldcoin sẽ vận hành như hệ thống bảo lãnh tài chính không cần chính phủ điều hành cho mọi người khắp hành tinh.

“Đó thực sự là điều thú vị ở thung lũng Silicon, bạn có thể huy động được 250 triệu đô la với một ý tưởng điên rồ, và nếu nó thành công, mọi thứ sẽ thay đổi; nếu thất bại thì ít nhất nó cũng đáng để thử.” - Blania nói với các sinh viên

Blania nói với các sinh viên

Tác giả trích dẫn

Blania và Altman, chính thức công bố đại kế hoạch Worldcoin của họ một năm trước, từ đó tới nay đã nhận được nhiều phản hồi có thể tạm cho là tốt xấu lẫn lộn. Một mặt, họ đã thuyết phục được hơn sáu triệu người để Orb chụp ảnh và đăng ký nhận World ID, và tỉ lệ đăng ký đã tăng lên trong năm nay. Tổng giá trị tiền số (WLD) của họ hiện là hơn 550 triệu đô la. Ở một nhà máy tại Đức, các máy Orb đang sắp được sản xuất hàng loạt và sẽ sớm được phân phối trên toàn cầu nhằm tăng nhanh các con số đó.

Mặt khác, nhiều người nghĩ toàn bộ kế hoạch này thật kỳ quặc và đậm màu phản thiên đường, cơn ác mộng về quyền riêng tư đúng y như tiểu thuyết 1984 của Orwell. Nhiều nước đã ngưng chương trình chụp ảnh mống mắt này do lo ngại những người để Orb chụp ảnh không thực sự biết họ đang đăng ký tham gia thứ gì và hoạt động thu thập dữ liệu sinh trắc là “không cần thiết và thừa thãi,” theo lời một cơ quan quản lý ở Hong Kong hồi tháng 5.2024.

Blania, 30 tuổi, biết rõ những chỉ trích và công nhận rằng nỗ lực của Worldcoin đã không khởi đầu như mong đợi. Bloomberg News lần đầu đưa tin về công ty này là vào năm 2021, nhiều tháng trước khi những người sáng lập sẵn sàng công bố ý định của họ. “Về cơ bản chúng tôi đã ăn đòn từ rất sớm,” Blania nói với các sinh viên ở Josephs.

Tuy nhiên, trong năm vừa qua, Blania và nhóm của ông đã cố gắng xử lý từng vấn đề một của Worldcoin. Họ đã cải thiện công  nghệ an ninh của Orb và cách công ty xử lý dữ liệu khách hàng. Họ gặp gỡ giới quản lý nhiều lần và đã thuyết phục được một số nước như Hàn Quốc hay Kenya dỡ bỏ lệnh cấm Orb. Không sai, dự án Worldcoin nghe có vẻ hoang đường. Chính Blania nói họ chỉ có 5% cơ hội thành công. Dẫu vậy, ông khẳng định trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg Businessweek rằng các chính phủ và dư luận đơn giản là chưa nhận ra thay đổi công nghệ sẽ cấp tập thế nào, và họ cũng chưa có các công cụ cần thiết để đối phó với làn sóng AI khi nó thật sự tràn tới. Vì vậy, tốt hơn là làm ra Orb rồi thất bại còn hơn là không bao giờ làm ra.

19.jpg
Ông Blania. Hình ảnh: Eriver Hijano

Blania cao 1,93 mét và rất gầy, ông tỏa ra sức quyến rũ của người dễ gần, vô hại thậm chí cả khi nói về giao thức, chuỗi khối, và hệ thống nhận diện sinh trắc học. Ông ăn nói khoa trương đúng kiểu dân công nghệ, nhưng cũng tiếp cận Worldcoin và vấn đề mà hệ thống này dự tính giải quyết bằng sự chính xác của một tay kỹ sư người Đức điển hình.

Ngồi trong quán cà phê gần sông Pegnitz, Blania nói ông lớn lên ở một thị trấn nông thôn nhỏ cách Nuremberg 45 phút lái xe. Cha ông từng làm một công việc tư vấn có phần khác thường, chủ yếu đảm nhận vai trò CEO lâm thời ở nhiều công ty khác nhau đang lâm vào khủng hoảng. Mẹ ông làm kế toán và tài chính. Từ nhỏ, Blania đã thích cơ khí, kỹ thuật điện tử và lập trình máy tính. Ông từng có nhiều dự án tại gia liên quan: Làm lại một chiếc xe hơi Austin Mini, chế tạo máy đếm bọ tự động hóa để theo dõi tình trạng rừng và xây một nông trại thẳng đứng trước khi nông trại thẳng đứng trở thành thứ thời thượng.

Ở đại học, Blania bắt đầu đam mê vật lý học và AI. Ông học thạc sĩ vật lý học ở đại học Erlangen-Nuremberg, rồi sau đó ở viện Công nghệ California (CalTech), và có vẻ sẽ theo đuổi sự nghiệp vật lý lý thuyết.

Tuy nhiên, những câu chuyện về thung lũng Silicon và các kỳ quan ở đó đã hấp dẫn Blania. Ông thường xuyên đi từ châu Âu tới San Francisco để tìm cách tham gia vào môi trường khởi nghiệp ở đó. Có lần ở CalTech, Blania đã lái một chiếc Toyota Corolla cà tàng đi San Francisco mỗi cuối tuần nhằm gặp gỡ bất kỳ ai và tất cả những ai có tham vọng khởi nghiệp. Những nỗ lực đó dần được đền đáp. Ông vẫn chưa chắc là chuyện gì đã thật sự xảy ra, nhưng Blania đã xây dựng đủ quan hệ để một ngày nọ nhận được email ngẫu nhiên từ Max Novendstern, một cử nhân trẻ của đại học Harvard trở thành doanh nhân khởi nghiệp vốn nổi tiếng với những ý tưởng mới lạ về công nghệ tài chính.

Bấy giờ là tháng 10.2019, và Novendstern nói ông cùng Altman, vốn đang nghĩ ngợi ý tưởng về một dự án tiền mã hóa, đã tự nhủ không biết Blania có muốn tham gia phỏng vấn xin việc không. “Tôi không hề ở trong thế giới tiền mã hóa,” Blania nói. “Email đó bao gồm hai trang tuyên bố về tầm nhìn do Sam và Max viết ra, và tôi thực sự chẳng hiểu gì hết.”

Tuy nhiên, Blania rất ngưỡng mộ Altman—cựu chủ tịch lò ươm khởi nghiệp Y Combinator và lúc bấy giờ là CEO vừa được bổ nhiệm của OpenAI—cũng như cách ông này xây dựng công ty. Blania nghỉ hai tuần ở trường để đọc mọi thứ có thể về tiền mã hóa và những điều như thu nhập cơ bản phổ quát, nỗi ám ảnh cá nhân của Altman. Theo ý tưởng này, chính quyền đồng ý trao cho người dân những khoản tiền đều đặn, vô điều kiện, dưới dạng lưới an sinh xã hội. Càng đọc, Blania càng thấy những ý tưởng đấy hấp dẫn. Ông bắt đầu tin rằng nếu tiền mã hóa trở thành chủ lưu—chứ không chỉ là đầu cơ tài chính và lừa đảo—nó có triển vọng mang lại tự do kinh tế và khả năng tài chính lớn hơn cho nhiều người. “Một ý tưởng nữa là AI sẽ đến, và xã hội sẽ thay đổi mạnh mẽ, và chúng ta cần hạ tầng để đảm bảo tất cả mọi chuyện sẽ tốt hơn cho nhân loại,” Blania nói.

Phải ba năm sau, OpenAI mới ra mắt ChatGPT, và dư luận mới bắt đầu bàn thảo về tác động của AI hàng ngày. Tuy nhiên, Altman và Novendstern đã suy nghĩ kỹ về chuyện đó, và giờ là cả Blania nữa. Altman từ chối trả lời phỏng vấn, nhưng ông đã nhiều lần trao đổi với Blania về tương lai khi AI sẽ nhấn chìm internet nếu không được kiểm soát và đưa tới đảo lộn về kinh tế chỉ có thể ngăn chặn nhờ hệ thống tài chính linh hoạt đủ sức phân bổ nguồn tiền và nguồn lực điện toán cho mọi người trên toàn thế giới. Blania nhìn nhận kế hoạch Worldcoin là “vừa gây sốc vừa tham vọng,” và anh hứng thú tới mức đã quyết định chuyển hẳn tới thung lũng Silicon và bỏ học để tham gia doanh nghiệp mới trong vai trò người đồng sáng lập.

c2(1).jpg

Dự án Worldcoin ban đầu dự tính sẽ được triển khai hoàn toàn ở San Francisco vì tất nhiên đó là nơi phù hợp nhất. Tuy nhiên, đại dịch toàn cầu đã khiến họ phải chuyển hướng.

Vào tháng 3.2020, Blania lên máy bay đi Đức. Ông dự định về thăm một số bạn học cũ và nhờ tư vấn cách thức xây dựng hệ thống nhận diện sinh trắc học đẳng cấp. Ngay trước khi máy bay cất cánh, tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đóng cửa biên giới. Khi Blania hạ cánh, ông nghĩ lệnh hạn chế đi lại sẽ kéo dài một hoặc hai tháng. Nhưng thay vì vậy, ông kẹt luôn ở Đức, và dự án Worldcoin có thêm trụ sở thứ hai ở thành phố đại học Erlangen, nơi Blania tập hợp đội ngũ sẽ làm ra máy Orb đầu tiên.

17.jpg
Lắp ráp tại Jena, Đức. Hình ảnh: Eriver Hijano cho Bloomberg Businessweek

Đội ngũ ban đầu của Worldcoin mất nhiều tháng phân tích các hệ thống sinh trắc hiện hữu và xem tài liệu kỹ thuật với hy vọng tìm ra cách tốt nhất đăng ký dữ liệu cho nhiều tỉ người trên một nền tảng nhận diện duy nhất. Họ nhanh chóng nhận ra một số hệ thống phổ biến nhất, như nhận diện khuôn mặt và vân tay, sẽ không khớp với các đòi hỏi công nghệ của Worldcoin.

Trước hết và quan trọng nhất, máy quét sinh trắc học của họ phải xác nhận được rằng nó đang xử lý một người thật. Điều đó đồng nghĩa máy quét sẽ phải kiểm tra dấu hiệu thân nhiệt của một sinh vật sống. Nó cũng phải xác minh lập tức là người được quét khác với hàng triệu người đã được xác minh trước đó. Hệ thống duy nhất có vẻ phù hợp với các mục đích của Worldcoin là bộ dữ liệu sinh trắc học quốc gia của Ấn Độ, vốn dựa vào kỹ thuật quét mống mắt, kỹ thuật xác thực mạnh nhất của họ.

12.jpg
Một bộ lọc quang học. Hình ảnh: Eriver Hijano cho Bloomberg Businessweek

Một nhược điểm của hệ thống sinh trắc mà nhiều điện thoại thông minh sử dụng là trong kịch bản kiểu phim Nhiệm vụ bất khả thi một người (hoặc một robot siêu thông minh) có thể đánh lừa hệ thống bằng cách đeo mặt nạ hay dùng bản sao vân tay. Tuy nhiên, mống mắt khó làm giả hơn nhiều, vì nó có rất nhiều biến số, hay các entropy, theo cách gọi của giới sinh trắc học. Những lỗ hình thoi đủ các kích thước được gọi là hốc và những đường thẳng được gọi là rãnh tạo thành những vòng tròn ở mép ngoài mống mắt. Mống mắt mỗi người đều có dải màu rộng, khiến mắt trông giống một viên đá cẩm thạch. Thậm chí những cặp song sinh cùng trứng cũng có hoa văn mống mắt khác nhau.

Nhiệm vụ của nhóm Worldcoin là mượn kỹ thuật quét mống mắt ở Ấn Độ và những nơi khác, rồi bổ sung thêm hàng loạt công nghệ nhằm xác nhận một người đang hiện hữu ở thời điểm quét. Các kỹ sư phải làm được tất cả những việc này, đồng thời bảo đảm quá trình quét diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hết mức.

Worldcoin lẽ ra có thể thiết kế một chiếc hộp đơn giản cho toàn bộ phần cứng này, mà các nhà máy có thể sản xuất ra tương đối dễ dàng. Nhưng những người sáng lập thấy phải gây được tiếng vang. Dễ hiểu là họ đã chọn quả cầu kim loại sáng bóng trông giống con mắt của một người lai máy khổng lồ.

Những thiết kế Orb đầu tiên khá đơn giản. Blania đã chiêu mộ Fabian Bodensteiner, bạn học cũ của ông ở đại học Erlangen-Nuremberg, về với Worldcoin. Từ khi tốt nghiệp, Bodensteiner đã mở một công ty tư vấn kỹ thuật, và có chỗ ở văn phòng tại Erlangen để thực hiện những điều chỉnh ban đầu. Ông, Blania và vài người khác mang về đó bảng mạch, camera và cả giường để họ ngủ ngay cạnh nơi chế tạo phần cứng.

18.jpg
Ông Bodensteiner. Hình ảnh: Eriver Hijano cho Bloomberg Businessweek

Tới mùa Hè năm 2021, Blania và nhóm của ông đã có hàng mẫu để thử nghiệm. Thiết bị Orb hình cầu không chỉ hào nhoáng, nó còn nhả ra một đồng xu kim loại thật ở phía trước khi làm xong thủ tục đăng ký. (“Tính năng” này, vốn để tạo cảm giác thật hơn khi nhận tiền mã hóa, là đề xuất của một người tư vấn thiết kế từng hợp tác chặt chẽ với ca nhạc sĩ, nhà soạn nhạc kiêm nhà thiết kế thời trang Kanye West. Worldcoin sau đó đã bỏ tính năng này.) Blania và nhóm của ông quyết định tới quảng trường thành phố Erlangen, nói với mọi người về sản phẩm và tìm cách mời họ đăng ký tại chỗ.

Sự kiện đấy coi như thất bại. Loa của thiết bị phát ra âm thanh để chỉ dẫn cho mọi người tới gần hoặc đứng cách xa Orb nhằm chụp ảnh rõ hơn. Ở cạnh đó, một kỹ sư của Worldcoin phải kết nối thiết bị không dây vào sản phẩm và sửa lỗi phần mềm thời gian thực để quá trình đăng ký hoàn tất. Đội ngũ của Worldcoin ra mắt lời rao sản phẩm rất phức tạp của họ giữa những hỗn loạn này, và không hiểu sao vẫn kiếm được vài khách hàng. “Chúng tôi đứng đó như lũ ngốc bên cạnh thiết bị này,” Chris Brendel, một thành viên của nhóm Worldcoin ban đầu và hiện là giám đốc AI và sinh trắc học, nói. “Tệ vô cùng.”

Ba năm sau, ngày nay Orb đã trở thành kỳ quan công nghệ. Nền tảng của nó là một số bo mạch liên kết với nhau để thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Một bo mạch kiểm tra xem có người tìm cách mở Orb hay thao túng nó hay không. Một bo mạch khác có chip của Nvidia để chạy phần mềm nhìn bằng máy tính và phần mềm AI với hàng loạt mạng nơ-ron ngay trên thiết bị. Những cảm biến khác nữa theo dõi vị trí của Orb qua GPS và xử lý liên lạc không dây nhằm gửi dữ liệu đi và từ sản phẩm. Một khối nhôm nằm giữa các thiết bị điện tử này để tản nhiệt.

15.jpg
Mạch điện chính phức tạp. Hình ảnh: Eriver Hijano cho Bloomberg Businessweek

Phía sau là các hệ thống quang học cần được chăm chút và tùy chỉnh nhiều hơn. Worldcoin muốn mọi người có thể đi tới gần một máy Orb và quét mống mắt mà không cần chỉ dẫn vị trí hay điều chỉnh mất thời gian. Đây hóa ra là đòi hỏi không dễ chút nào. Khi chạy thử nghiệm, công ty thấy nhiều người dán mặt vào Orb, trong khi những người khác đứng xa và lắc lư tư thế đủ kiểu.

Để xử lý vấn đề đó, Orb sử dụng hai ống kính. Ống kính góc rộng đánh giá khung cảnh và dùng một mạng nơ-ron để tiên đoán vị trí khả dĩ của mắt người chụp ảnh. Ống kính tele và thiết bị cầm tay gimbal di chuyển để lấy cận cảnh. Worldcoin hợp tác với một công ty Thụy Sĩ để làm ra ống kính có công nghệ lấy nét mới. Ống kính này chế tạo từ một màng mỏng kết hợp với bể dầu có thể định hình qua dòng điện. Dầu có thể được đẩy vào màng để thay đổi tiêu cự ống kính chỉ trong vài mili giây và phóng to mống mắt người chụp mà không cần thêm những bộ phận cơ khí cồng kềnh. “Cách này gọn gàng hơn nhiều so với phương pháp truyền thống, vốn đòi hỏi nhiều ống kính, để đạt được điều tương tự,” Bodensteiner, người lãnh đạo phần lớn phần việc kỹ thuật đằng sau Orb, nói.

11.jpg
Chuẩn bị cho bài kiểm tra hiệu chỉnh ống kính. Hình ảnh: Eriver Hijano

Để đảm bảo hơn nữa tính chính xác của hệ thống xác thực, thiết bị Orb kết hợp một cảm biến thân nhiệt với hai cảm biến khác quét được độ sâu trường ảnh và bước sóng hồng ngoại của ánh sáng để phát hiện ra, nói ví dụ, người chụp đang giơ hình mống mắt lên hay là mống mắt thật.

Jabil, hãng sản xuất là nhà thầu của Orb, lắp ráp thiết bị tại Jena, thành phố có lịch sử lâu đời về công nghệ quang học cách Nuremberg khoảng hai tiếng rưỡi về phía Bắc. Carl Zeiss đã khai trương phòng thí nghiệm quang học đầu tiên của ông ở đây vào năm 1846, và tới ngày nay, Jena vẫn có nhiều người kỳ cựu trong ngành này, một số hiện đang tham gia chế tạo thiết bị Orb thủ công. Hơn một chục người làm việc ở vài trạm khác nhau sẽ phải tham gia để có đủ các thiết bị điện tử và thử nghiệm trước bước cuối cùng, khi lớp vỏ crôm được đặt lên tạo thành lớp niêm phong với toàn bộ linh kiện. Mỗi thiết bị Orb có chi phí 1.500 đô la Mỹ, và không giống thiết bị điện tử tiêu dùng thông thường, không cần phải làm ra hàng triệu sản phẩm hay đóng gói cho đẹp. Một dây chuyền thứ hai ở nhà máy của Jabil vừa khai trương mới đây, và có thể sản xuất ra hàng chục ngàn thiết bị Orb mà Blania cho rằng sẽ cần thiết để đăng ký được cho một tỉ người. Đến giờ thì Worldcoin đã làm ra được 3.300 thiết bị như vậy.

Mọi khúc quanh của dự án Worldcoin đều bị bao vây bởi những trớ trêu và định mệnh đậm chất viễn tưởng. Với OpenAI, Altman muốn tạo ra những hệ thống AI hùng mạnh khiến Worldcoin trở nên cần thiết. Ông đã tạo ra vấn đề rồi chào bán giải pháp. Hơn thế nữa, ta chẳng biết được AI siêu thông minh sẽ cảm thấy thế nào khi bị hạ cấp xuống địa vị “không phải người” trên internet và liệu nó có ngấm ngầm thù hận Altman và Blania hay thậm chí là tất cả chúng ta hay không.

14.jpg
Đăng ký trên Orb tại Josephs. Ảnh: Eriver Hijano cho Bloomberg Businessweek

Nhưng chúng ta biết chính xác nhiều người cảm thấy ra sao về nỗ lực của Worldcoin. Năm ngoái, trung tâm Thông tin quyền riêng tư điện tử (Electronic Privacy Information Center), một tổ chức nghiên cứu ở Washington, đã mô tả khá rõ ràng hai quan ngại chính xoay quanh dự án này qua tuyên bố của họ. “Cách tiếp cận của Worldcoin gây ra rủi ro quyền riêng tư nghiêm trọng khi trả tiền cho những người nghèo và yếu thế nhất khi thu thập dữ liệu sinh trắc học không thể thay đổi như hình ảnh quét mống mắt và nhận diện khuôn mặt đổi lấy một khoản tiền rất nhỏ,” Jake Wiener, tư vấn pháp lý của nhóm, nói. “Thu thập dữ liệu sinh trắc ở quy mô lớn như Worldcoin đe dọa quyền riêng tư của rất nhiều người, cả nếu công ty sử dụng sai mục đích thông tin họ thu thập, và nếu dữ liệu đó bị đánh cắp.”

Ít ra là hiện giờ, giới quản lý đồng ý với một số tình cảnh này. Khi Worldcoin lần đầu ra mắt, nhiều người ở hơn 20 nước có thể tới chỗ máy Orb và đăng ký. Con số đó đã giảm còn 12 nước được liệt kê trên trang web của Worldcoin, khi nhiều nước ở châu Âu, Á, và Phi ngừng cho đăng ký trên cơ sở dịch vụ này có thể lợi dụng người đăng ký và Worldcoin có thể làm mất hay sử dụng sai mục đích thông tin nhân thân. Ở Mỹ, những ai muốn có thể được quét mống mắt ở vài cửa hàng bán lẻ hiện đại để gia nhập hệ thống nhận dạng của Worldcoin, nhưng sẽ không được nhận tiền mã hóa Worldcoin—kết quả của tình trạng bất trắc về quản lý và những khó khăn vẫn đang gắn với tiền mã hóa, cũng như là chỉ dấu cho thấy Worldcoin còn rất nhiều việc phải làm để trở thành một dịch vụ chủ lưu. Dù số lượng đăng ký ở thiết bị Orb của họ đã tăng ổn định trong năm qua, Worldcoin vẫn còn kém xa mục tiêu ban đầu.

Tất nhiên, nhiều thập kỷ qua, người ta vốn đã đánh đổi quyền riêng tư để được thuận tiện hơn rồi. Alphabet, Apple và Amazon—đó là mới nói các hãng chữ A—có những kho dữ liệu cá nhân khổng lồ của hàng tỉ người, và đó là thông tin có lẽ giá trị và có tính cá nhân hơn nhiều so với một chuỗi ký tự ngẫu nhiên sinh ra từ ảnh chụp mống mắt. Nhiều người sử dụng điện thoại thông minh vốn đã cung cấp thông tin về địa điểm, lịch trình và email của họ cho những gã khổng lồ công nghệ rồi. Công ty khởi nghiệp đề xuất trở thành hãng định danh và tài chính toàn cầu là chuyện mới mẻ, nhưng không phải là quá khác so với những gì đã và đang diễn ra.

Một buổi sáng trong tuần gầy đây ở Mexico City, khoảng 15 người xếp hàng ở khu vực đăng ký của Worldcoin, sẵn sàng cho cuộc đánh đổi. Những người này—hầu hết là nam giới còn trẻ và trung niên—đang ở khu phố cổ của thành phố, giữa những tiệm đồ cưới và trang phục trang trọng với những chiếc váy quinceañera trưng bày bên cửa sổ. Trung tâm đăng ký Worldcoin, do một nhà thầu điều hành, không được hào nhoáng như thế, với những chiếc ghế gập màu trắng ở khu vực chờ và biển quảng cáo dịch vụ tạm bợ treo trên dây thừng. Một người bảo vệ và hai nhân sự địa phương, một người mặc áo trùm đầu của Worldcoin, còn người kia mặc áo phông đen, làm việc ở trung tâm và hướng dẫn mọi người đăng ký.

Juan Juarez, 45 tuổi và đã đăng ký mấy tuần trước, mang theo cậu con trai 18 tuổi Santiago tới để đăng ký. Juarez tập trung vào số tiền ông kiếm được nhờ giá Worldcoin tăng kể từ khi ông đăng ký và hy vọng dùng tiền lời để đầu tư vào các đồng tiền mã hóa khác. Ông cũng thích mục tiêu lớn hơn của công nghệ này. “Tôi nghĩ chuyện này thật hay, vì trong tương lai nó sẽ giúp chúng ta thấy ai thật sự là con người, còn ai không phải,” Juarez nói. Con trai ông nói cậu hy vọng dùng tiền lời từ Worldcoin để trang trải học phí ngành điện tử.

Ở Singapore, đăng ký Worldcoin đã trở thành điểm hút khách du lịch. Trong chuyến thăm gần đây tới trung tâm Orb ở tòa nhà Centennial Tower, có các khách hàng người Bangladesh, Trung Quốc và Ấn Độ, tất cả đều quét mống mắt đổi lấy tiền mã hóa. Hơn một chục người, gồm một thợ điện, vài sinh viên và những người khác làm trong ngành công nghệ, đã xếp hàng để thực hiện quy trình kéo dài hai phút. Mitesh Kha, nam thanh niên Ấn Độ 33 tuổi, rất vui với khoản tiền kiếm được nhanh chóng. “Tiền cho không,” anh nói. “Tôi vui lòng quét mống mắt và để Worldcoin thu dữ liệu. Nếu tôi muốn, tôi luôn có thể xóa dữ liệu của mình, theo điều khoản của ứng dụng này đấy.”

Nếu Blania có ý đồ gì mờ ám thì ông đã che giấu rất tốt. Bản thân thiết bị Orb không lưu trữ dữ liệu cá nhân. Kết quả quét mống mắt được xóa khỏi Orb tức thì và không bao giờ được truyền lên internet. Ông nói dữ liệu duy nhất được gửi đi chuỗi mã hóa các số 1 và 0 tạo thành mã mống mắt và xác nhận rằng nó thuộc về một con người duy nhất. (Tuy nhiên, người ta có thể lựa chọn chia sẻ dữ liệu với Worldcoin vì mục tiêu huấn luyện, trong trường hợp đó thì thông tin mã hóa này sẽ được đưa lên internet.) Worldcoin từng quản lý dữ liệu này tập trung hóa, nhưng đang phát triển mối quan hệ với các trường đại học và những bên có tính trung tính hơn để chia nhỏ các chuỗi ký tự ra và lưu trữ từng phần khắp các trung tâm dữ liệu khác nhau. Một tay hacker sẽ phải tập hợp được tất cả các phần đó và phá được mã nếu muốn tái tạo mã của một cá nhân cụ thể.

Ngoài ra thì gần như mọi thứ liên quan đến Worldcoin đều là mã nguồn mở. Ai cũng có thể lên GitHub để tải về sơ đồ hệ thống chi tiết cho phần cứng của Orb hay kiểm tra giao thức Worldcoin. Năm nay, công ty cũng sẽ bắt đầu làm ra những máy Orb nhìn thân thiện hơn với màu sắc và kiểu dáng khác nhau— nhằm dần từ bỏ ấn tượng mỹ thuật kiểu phim Black Mirror hiện tại. Hy vọng trong ngắn hạn là các nhóm khác sẽ quyết định tự làm máy Orb và xây dựng dịch vụ dựa trên giao thức Worldcoin. Và mục tiêu cuối cùng với Blania và Altman là Worldcoin sẽ không do họ điều hành, mà do một cộng đồng những người ủng hộ dự án. Họ muốn thấy dịch vụ này được quản lý như một dạng hàng hóa công cộng.

20.jpg
Quét mống mắt. Hình ảnh: Eriver Hijano cho Bloomberg Businessweek

Một số nhà phê bình ủng hộ Worldcoin ở phương diện có cố gắng và thiện ý, nhưng vẫn thấy cách tiếp cận của họ quá nhiều sơ hở về an ninh. “Worldcoin đang làm chuyện rất quan trọng khi nêu bật được giá trị của công tác nhận diện và sinh trắc học,” theo Charles Herder, chuyên gia an ninh mạng và người đồng sáng lập Badge, công ty khởi nghiệp về nhận dạng. Nhưng Worldcoin đã dẫn tới những điểm yếu mà hacker có thể khai thác (dù sau này họ đã sửa sai), và theo phân tích của Herder với tài liệu đã được công khai của Worldcoin, dịch vụ này mắc lỗi cơ bản trong cách lưu trữ dữ liệu. Hơn nữa, nó vẫn còn là một công ty. “Ta phải tin tưởng rằng 30 năm nữa mô hình kinh doanh của họ không thay đổi vì họ sẽ phá sản,” ông nói. “Động cơ kiếm tiền từ dữ liệu là có, và ta phải tin rằng những động cơ đó không lớn hơn những lời hứa hẹn.”

Altman ban đầu bỏ tiền túi để hậu thuẫn Tools for Humanity, rồi giúp huy động tiền để xây dựng và phân phối công nghệ Worldcoin. Các nhà đầu tư sở hữu 13,5% đồng tiền Worldcoin, hiện là loại tiền mã hóa lớn thứ 113 tính theo giá trị vốn hóa thị trường (thấp hơn vài bậc so với Floki, tiền mã hóa vinh danh con chó của Elon Musk). Phần giá trị còn lại được phân bổ giữa những người mua đồng tiền này, hay đã nhận được tiền qua quét mống mắt.

Nếu Blania và Altman muốn làm được như họ mong đợi, ngăn chặn tận thế AI, họ cần giá trị Worldcoin tăng vọt. Họ tin rằng các chính phủ không phản ứng kịp thời khi AI đang bắt đầu thay đổi nền kinh tế toàn cầu và khiến nhiều công ăn việc làm lâm nguy. Theo lý thuyết đó, những ai cần tiền sẽ có thể dựa vào thu nhập từ Worldcoin. “Chúng tôi chắc chắn cần thử nghiệm nhiều điều mới mẻ hiện chưa tồn tại,” Blania nói.

Phát biểu với các sinh viên ở Josephs, Blania hạ thấp vai trò của phản ứng từ giới quản lý năm vừa qua. Ông đã đi tới từng nước để giải thích về công nghệ này với các chính quyền, và hy vọng họ sẽ cập nhật tư duy kịp thời. Ông nói sức mạnh tăng tiến nhanh chóng của AI trong năm qua đã bắt đầu khiến nhiều chính phủ phải ý thức hơn về mối đe dọa. Trong bối cảnh đó, Worldcoin sẽ là hệ thống cảnh báo sớm, chứ không phải kẻ chuyên gom góp dữ liệu nhân thân xấu xa như một số người nghĩ. “Tôi nghĩ những dự báo bốn năm trước của chúng tôi đã đúng, và các mốc thời gian khá là khớp,” Blania nói. “Vấn đề giờ là thực thi và giải thích cho mọi người rằng thật ra chúng tôi chẳng đánh cắp linh hồn của ai hết.”

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/cay-vao-mat-than-ai-phan-dinh-dau-nguoi-dau-may-52564.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media