Giải pháp

Bên trong những nỗ lực điên cuồng cứu vãn đàm phán COP29 với cái giá phải trả

Hai tuần thương lượng khó khăn suýt nữa thì đổ vỡ trước khi các bên nhất trí được thỏa thuận 300 tỉ đô la Mỹ, kèm theo nhiều lời cảnh báo về tương lai của ngoại giao khí hậu.

Ngay cả trước khi chữ ký trên thỏa thuận COP29 kịp khô, đã dấy lên sự hoài nghi về những gì thực sự đạt được. Hình ảnh: Andrey Rudakov

Ngay cả trước khi chữ ký trên thỏa thuận COP29 kịp khô, đã dấy lên sự hoài nghi về những gì thực sự đạt được. Hình ảnh: Andrey Rudakov

Tác giả: Jennifer A Dlouhy, John Ainger và Akshat Rathi

18 tháng 12, 2024 lúc 2:29 PM

Tại hội nghị COP-29 ở Azerbaijan, cuộc đàm phán về hàng trăm tỉ đô la Mỹ tài trợ mới với vấn đề khí hậu cho các nước đang phát triển đã vất vả kéo dài hơn dự kiến. Những lời buộc tội gay gắt khiến phiên họp kín tuyệt vọng vào thứ Bảy tưởng chừng rơi vào bế tắc không lối thoát. Tâm trạng các đại biểu càng thêm u ám khi ngay cả đồ ăn chuẩn bị cho họ cũng hết nhẵn vào đêm trước ở sân vận động Olympic Baku, nơi tạm thời trở thành lãnh thổ do Liên hiệp quốc cai quản ở hội nghị thượng đỉnh thường niên về khí hậu lần này.

Trong khi đàm phán rơi vào bế tắc, một nhóm đặc phái viên của một số nước dễ tổn thương nhất - bao gồm các quốc đảo nghĩ họ sẽ là nạn nhân đầu tiên của tình trạng nước biển dâng và nhiệt độ tăng vọt - đã đột ngột rời cuộc họp.

Dù chuyện kỳ kèo đến mức đẩy đàm phán về khí hậu đến bờ vực đổ vỡ không phải chuyện mới và thương lượng thường kéo dài thêm một ngày sau thời hạn chính thức, vụ bỏ họp ở Azerbaijan dẫn tới nguy cơ mới chỉ xảy ra một lần trong ba thập kỷ qua: Phần đàm phán chính của COP sẽ đổ vỡ. Khi phe gồm các nước đang thấy bị đe dọa nhất phàn nàn rằng họ bị các nước đã giàu lên nhờ đốt nhiên liệu hóa thạch phớt lờ một cách có hệ thống, có vẻ như cuộc đàm phán về tài chính sẽ đổ vỡ.

Tình thế bế tắc hôm thứ Bảy là vực sâu của 14 ngày đàm phán ở Azerbaijan - và là khoảnh khắc phát đi cảnh báo về tương lai khó khăn của nỗ lực hợp tác khí hậu toàn cầu. Sự kiện ông Donald Trump đắc cử chỉ một tuần trước khi COP-29 khai mạc dẫn tới nguy cơ nước Mỹ sẽ sớm rút khỏi các cuộc đàm phán trong tương lai, sau nhiều năm nỗ lực hiệu quả, khi Mỹ hợp tác với nước xả thải hàng đầu Trung Quốc để xây dựng quan điểm đồng thuận. Nguy cơ phú quý giật lùi đã khiến hội nghị gặp nhiều khó khăn, khi Saudi Arabia dẫn đầu cuộc vận động tập hậu đòi gác lại thỏa thuận về “chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch,” vốn khó khăn lắm mới đạt được ở COP-28 năm ngoái tại Dubai.

Tuy nhiên, thay vì đổ vỡ hoàn toàn, nhóm các nước dễ tổn thương đã trở lại bàn đàm phán với quyết tâm mới đạt được một thỏa thuận cuối cùng, dù thất vọng đến đâu. Cuối cùng, cảm giác lo âu hiển hiện với nguy cơ rời COP-29 mà không đạt được cam kết tài chính nào đã giúp đi đến nhượng bộ: Những đại biểu tham gia cuộc thương lượng kết luận rằng trong cuộc gặp năm sau ở Brazil, cản trở sẽ còn lớn hơn, và nguồn tài chính sẽ còn ít ỏi hơn nữa được cam kết với các nước nghèo.

2000x1334-6-.jpg
Các cuộc thảo luận kéo dài sang tận thứ Bảy, ngày 23 tháng 11, với thỏa thuận về tài trợ khí hậu chỉ vừa kịp hoàn tất vào những phút cuối. Hình ảnh: Sean Gallup/Getty Images

Trong nỗ lực cuối cùng, một nhóm nhỏ nhà đàm phán tự giam mình trong một căn phòng nhỏ xíu trên tầng hai, tránh xa đám báo chí, để giải quyết cho xong những vấn đề quyết định. Cách đó đã hiệu quả. Họ xuất hiện lại hai tiếng rưỡi sau, đạt được đề cương cho một thỏa thuận. Những nhà ngoại giao rạng rỡ chen chúc trong thang máy chật cứng, trong khi vài vị luật sư ở lại để biến những nhượng bộ sau thương lượng thành văn bản chính thức.

Các nước nghèo giành được một số nhượng bộ quan trọng từ các đối tác giàu hơn, bao gồm lời hứa hỗ trợ ít nhất 300 tỉ đô la mỗi năm để chống biến đổi khí hậu. Số tiền này nhiều ba lần cam kết sắp hết hạn là 100 tỉ đô la mỗi năm - và nhiều hơn 50 tỉ đô la mỗi năm so với mức được đưa ra thảo luận ngày hôm trước.

Nhưng số tiền vẫn còn quá ít so với đòi hỏi của các nước đang phát triển: Hơn 1.000 tỉ đô la mỗi năm để phát triển nguồn năng lượng không phát thải và tăng cường khả năng phục hồi trước nắng nóng, hạn hán, cháy rừng và những cơn bão ngày càng dữ dội. Thế giới cần nhanh chóng cắt giảm ô nhiễm làm nóng hành tinh thì mới có hy vọng đạt được mục tiêu quan trọng 1,5 độ C theo Hiệp định thư Paris, và ai cũng nhất trí số tiền huy động được ở Baku sẽ không đủ.

Khi chữ ký trên thỏa thuận COP-29 còn chưa ráo mực, nhiều người đã hoài nghi về kết quả thực sự. Nhà đàm phán của Ấn Độ, Chandni Raina, lên án thỏa thuận 300 tỉ đô la là “ảo giác.” Lý do của những phản đối một phần là bởi cách thỏa thuận đã cộng gộp đủ thứ tiền để đưa ra con số cho báo chí giật tít đấy. Trong tương lai, đóng góp cho các định chế cho vay đa phương như ngân hàng Thế giới của Ấn Độ, Trung Quốc và các nước đang phát triển khác cũng sẽ được tính, tức ngụ ý giảm bớt kỳ vọng đóng góp của các nước giàu. Lấy ví dụ, trong định chế cho vay quốc tế, International Finance Corporation, Ấn Độ và Anh hiện là những cổ đông có phần đóng góp gần như ngang nhau.

Cũng chưa rõ là tài chính khí hậu được định nghĩa chính xác như thế nào, vấn đề thậm chí còn chưa được giải quyết trong thỏa thuận 100 tỉ đô la mỗi năm trước đó. Hầu hết tiền đến các nước đang phát triển dưới dạng cho vay, thay vì viện trợ, tức kém hấp dẫn hoặc hoàn toàn không thể đụng tới với những nước vốn đã nợ nần nhiều.

Và tổng số tiền mới 300 tỉ đô la mỗi năm với khung thời gian 10 năm không được điều chỉnh theo lạm phát. Điều đó có nghĩa 100 tỉ đô la mỗi năm theo thỏa thuận năm 2020 sẽ có sức mua tương đương 155 tỉ đô la vào năm 2035, giả sử lạm phát hàng năm chỉ khiêm tốn là 3%. Nếu lạm phát cao hơn, 300 tỉ đô la năm 2035 thậm chí còn không bằng gấp đôi khoản tài chính khí hậu các nước đang phát triển đang nhận hiện giờ.

c1(1).jpg

Dẫu vậy, kế hoạch vẫn được chính thức thông qua ngay trước bình minh Chủ nhật, trở thành cam kết tài chính lớn nhất của một cuộc đàm phán khí hậu Liên hiệp quốc. Thỏa thuận đó đạt được dưới bóng hai cuộc chiến tranh, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và áp lực nặng nề lên ngân sách nhiều quốc gia. Và nó cũng là lời xác nhận rằng hệ thống ngoại giao khí hậu hiện tại vẫn có thể thúc đẩy tiến bộ trên quy mô toàn cầu, ngay cả khi tiến bộ đấy chỉ là những bước ngập ngừng - chứ không hề là nhảy vọt. “Tôi không nghĩ có ai sẽ nói họ đã đạt được tất cả những gì họ muốn ở đây, tuy vậy, tôi vẫn nghĩ đây cuối cùng vẫn là bước tiến quan trọng cho tất cả chúng ta,” Cao ủy EU về khí hậu Wopke Hoekstra nói. “Đây là cơ hội để thể hiện tình đoàn kết và cùng nhau vượt qua một thời kỳ thực sự rất phức tạp về mặt địa chính trị.”

2000x1333.jpg
Các đại biểu đến tham dự hội nghị khí hậu COP29 tại Azerbaijan. Hình ảnh: Andrey Rudakov

Cuộc tranh đấu ở COP-29 thực ra đã khởi đầu từ lâu trước khi 50 ngàn người tham dự tề tựu về Baku. Azerbaijan đảm nhận cương vị chủ nhà trong một hoàn cảnh lạ lùng, sau khi hai nước EU dự kiến làm chủ nhà bị Nga phản đối vì cuộc chiến ở Ukraine. Azerbaijan, có quan hệ gần gũi với Nga, chỉ được giao cương vị chủ tịch COP sau khi đồng ý trao đổi tù nhân chiến tranh với kình địch lâu năm Armenia.

Thế là quyền kiểm soát hội nghị thượng đỉnh rơi vào tay một quốc gia chuyên chế có 90% kim ngạch xuất khẩu là nhiên liệu hóa thạch và suốt nhiều thập kỷ đã vắng bóng ở các cuộc đàm phán khí hậu. Tiền bạc từ dầu mỏ của Azerbaijan tạo thành phông nền khó thể không chú ý cho cuộc đàm phán. Những chiếc bơm dầu gật gù mang dầu thô lên mặt đất chỉ cách nơi các đại biểu mặc cả có vài cây số. Mà họ thì lại nói chuyện chuyển hướng thế giới khỏi nhiên liệu hóa thạch. Tổng thống nước chủ nhà Ilham Aliyev, trong bài phát biểu khai mạc, tuyên bố dầu khí là “món quà của Chúa” và khẳng định “không được đổ lỗi” cho các nước chỉ vì tình cờ mà có nhiều dầu mỏ.

COP-29 rốt cuộc rồi vẫn chỉ là chuyện tiền nong. Nhiệm vụ chính là thay thế một cam kết hết hạn, ký kết lần đầu hồi năm 2009, buộc các nước giàu có cung cấp 100 tỉ đô la mỗi năm, chủ yếu từ nguồn tài chính công, nhằm giúp các nước nghèo hơn. Khoảng cách giàu nghèo đấy, vốn luôn là một yếu tố tác động lên đàm phán khí hậu, vẫn chưa được thu hẹp khi cuộc đàm phán ở Azerbaijan bắt đầu vào ngày 11.11. Với một số nước giàu có, chỉ cần nhiều hơn 100 tỉ đô la là coi như đạt. Trong khi đó, các nước đang phát triển, vốn nợ nần ngày càng nhiều và tổn thất ngày càng lớn vì các hiện tượng khí hậu cực đoan, dẫn ra các báo cáo đáng tin cậy từ các chuyên gia được Liên hiệp quốc hậu thuẫn cho thấy phải cần tới hàng ngàn tỉ đô la.

Cuối cùng thì số tiền nhất trí được thấp hơn nhiều. Có lúc vào đầu tuần thứ hai của cuộc đàm phán, đã xuất hiện tin đồn về đề xuất chỉ 200 tỉ đô la. “Đùa nhau à?” nhà đàm phán của Bolivia Diego Pacheco nêu câu hỏi trong một phiên họp, khiến ông vừa được tán thưởng, vừa làm bật lên những tiếng cười lớn.

andrey-rudakov-bloomberg-02.jpg
Tổng thống Azerbaijan cho biết nguồn nhiên liệu hóa thạch phong phú của quốc gia này là "món quà từ Chúa." Hình ảnh: Andrey Rudakov/Bloomberg

Các nước giàu có chịu trách nhiệm chi nhiều tiền hơn cũng muốn đảm bảo các nước khác tham vọng hơn trong cắt giảm phát thải. EU và Mỹ muốn tái khẳng định cam kết từng gây chú ý ở hội nghị Dubai năm ngoái về chuyện lần đầu tiên các nước đạt được đồng thuận toàn cầu chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch. Họ muốn cam kết đó còn được chính thức hóa rõ ràng hơn nữa ở COP lần này, để ngăn những động thái cài số de và thúc đẩy cam kết giấy trắng mực đen để triển khai thực tế.

Nhưng nỗ lực của EU và Mỹ đã vấp phải phản đối ngay từ đầu, dẫn đến tranh cãi kéo dài nhiều tiếng đồng hồ về chương trình nghị sự và làm đình trệ các cuộc đàm phán. Saudi Arabia, nước coi thỏa thuận năm ngoái chỉ là một danh sách các lựa chọn cắt giảm phát thải, phản đối mọi cách diễn đạt dứt khoát nhằm chấm dứt nhiên liệu hóa thạch trong văn bản thỏa thuận năm nay. Bộ trưởng Môi trường Brazil, Marina Silva, chỉ trích động thái đấy của Saudi là nhằm gây phân tâm cho chuyện đàm phán tiền nong ở COP-29.

Nhưng phần về tài chính cũng chẳng khá hơn. Các nước tài trợ miễn cưỡng không muốn thảo luận về con số cụ thể cho đến sau khi đã thống nhất được phạm vi chi tiêu và thành phần các khoản chi, bao nhiêu là viện trợ và bao nhiêu là các nguồn tài chính chi phí thấp khác. Số tiền thực tế được tìm hiểu trong các cuộc tham vấn riêng tư giữa các bộ trưởng và thậm chí được đưa vào một dự thảo thỏa thuận không chính thức. Nhưng khi tổng thống Azerbaijan công bố dự thảo đầu tiên về kế hoạch tài chính vào sáng sớm 21.11, chỉ một ngày trước thời hạn chót của hội nghị, hầu hết các con số đã bị loại ra.

Các đại biểu bực dọc đổ lỗi cho tổng thống Azerbaijan, vốn thiếu kinh nghiệm đàm phán so với các chủ nhà COP trước. Đưa ra dự thảo mà không có số liệu cứng - và quá ít nỗ lực để đạt được đồng thuận - có thể vẫn chấp nhận được khi đàm phán mới bắt đầu, chứ còn bây giờ thì thật vô ích nếu muốn thu hẹp khoảng cách quá lớn giữa các nước giàu và nghèo vào lúc chẳng còn lại bao nhiêu thời gian là hội nghị chính thức kết thúc.

Công chúng được thấy rõ tình hình căng thẳng trong cuộc họp năm tiếng đồng hồ buổi chiều hôm đó. Đại diện Saudi Arabia, Albara Tawfiq, nói họ phản đối nỗ lực “chuyển dịch” trách nhiệm tài chính khí hậu của các nước phát triển, đồng nghĩa kết liễu đề xuất của EU và Mỹ nhằm mở rộng nhóm đóng góp.

2000x1309.jpg
Bà Susana Muhamad, trưởng đoàn đàm phán của Colombia phát biểu vào ngày thứ tám của Hội nghị Khí hậu COP29. Hình ảnh: Sean Gallup/Getty Images

“Chúng ta đang đàm phán vô ích” khi không có những con số rõ ràng được đưa ra, bà Susana Muhamad, trưởng đoàn đàm phán của Colombia, nói. Nước này là minh họa sinh động về những được mất với cuộc đàm phán. Lũ quét vừa xảy ra ở Colombia, ảnh hưởng đến 150 ngàn người. Nhưng nguồn tài chính chi phí thấp cho các dự án cải thiện khả năng ứng phó lũ lụt vẫn nằm ngoài tầm với của họ. Bà Muhamad đặt câu hỏi ai dám trả tiền, khi mà Colombia vốn đang nợ đầm đìa rồi, và phải vay với lãi suất 10%? “Những nạn nhân của biến đổi khí hậu,” bà nhấn mạnh, phải là “ưu tiên số một khi ra quyết định.”

Đàm phán kín tiếp tục diễn ra khi thời gian cạn dần. Đề xuất dự thảo mới được công bố vào ngày 22.11 là cái nhìn đầu tiên về tiến độ và các con số cụ thể. Các nước giàu có sẽ cam kết 250 tỉ đô la mỗi năm, giải ngân đến năm 2035. Nhưng con số này ngay lập tức bị phản đối vì quá ít ỏi.

Các đại biểu đã làm việc xuyên đêm, một số người chợp mắt ngay trên ghế bành. Một số người quay trở lại khách sạn nghỉ ngơi một tiếng sau khi trời sáng để tỉnh táo lại. Azerbaijan rốt cuộc ngày càng bị gạt ra khi các quốc gia tự soạn dự thảo thỏa thuận và trình bày dưới dạng thỏa thuận đã hoàn tất. Mỹ và EU cuối cùng đồng ý tăng cam kết tài chính cốt lõi lên 300 tỉ đô la mỗi năm, nhưng vẫn chống chuyện thay đổi những gì được tính vào cam kết đó.

Các nước nghèo và dễ tổn thương cảm thấy đã bị bỏ mặc. “Chúng tôi không thể chịu đựng được nữa,” Michai Robertson, nhà đàm phán của liên minh các tiểu đảo, nói. Nhóm nước giàu chú trọng hơn vào các diễn đàn ngoại giao như G20 và BRICS, liên minh của các nền kinh tế mới nổi hàng đầu. Và theo ông, họ hiện giờ có vẻ đã có động lực giành quyền thống trị các cuộc đàm phán khí hậu của Liên hiệp quốc.

Đến khi diễn ra đàm phán kín vào sáng thứ Bảy về từng dòng một trong bản kế hoạch tài chính mới, các đảo quốc nhỏ và nhóm các nước kém phát triển nhất đã nổi trận lôi đình. Các phái đoàn đại diện cho họ bỏ họp hai tiếng sau đó, trong khi giới tranh đấu vì môi trường vừa tuần hành vừa hét vang: “Không có thỏa thuận nào còn tốt hơn thỏa thuận tồi.”

Nhưng rồi các nước nghèo nhận được tin nhắn từ phòng đàm phán. Nếu bỏ đi bây giờ, năm sau họ có nguy cơ nhận được kết quả thậm chí còn tồi tệ hơn. Cũng có khi lời đe dọa đấy là công khai, một nhà đàm phán nói, nhưng nó luôn được đưa ra một cách tế nhị. Nguy cơ chính đến là khả năng lạm phát cao buộc phương Tây tiếp tục siết chặt ngân sách và phái đoàn Mỹ của Trump sẽ phá hỏng tất cả. (Thỏa thuận Paris quy định các nước muốn rút phải đợi một năm, đồng nghĩa Mỹ chỉ có thể rút sớm nhất là sau COP-30.)

2000x1334(1).jpg
Các nhà hoạt động kêu gọi viện trợ tài chính khí hậu để hỗ trợ các quốc gia nghèo tại Hội nghị Khí hậu COP29 ở Baku vào ngày 23 tháng 11. Hình ảnh: Sean Gallup/Getty Images

Đến đây thì tâm trạng chung là quyết tâm, dù u ám. “Chúng ta cần một thỏa thuận,” Juan Carlos Monterrey Gomez, đại diện đặc biệt của Panama về biến đổi khí hậu, nói. “Nếu chúng ta không đạt được thỏa thuận, tôi nghĩ đó sẽ là đòn chí mạng cho cuộc thương lượng, cho hành tinh và cho mọi người.”

Các nhà ngoại giao mệt mỏi tái hợp ở văn phòng tầng trên của chủ tịch hội nghị. Đại diện của các nước phát triển - gồm EU, Mỹ và Anh - bắt đầu với giọng hòa giải. “Có vẻ họ hối hận vì không thực sự lắng nghe những ưu tiên khẩn thiết của chúng tôi,” Robertson, nhà đàm phán của nhóm tiểu đảo, nói.

Các nước đang phát triển đòi các khoản tiền dạng “kế toán sáng tạo” phải ít lại (thuật ngữ chung chỉ tiền vay qua các ngân hàng phát triển đa phương như ngân hàng Thế giới và quỹ Tiền tệ Quốc tế). Họ muốn nguồn tài chính phải nhiều hơn từ các phương tiện đa phương hiện hữu, như quỹ Khí hậu Xanh, vốn minh bạch, tập trung vào thích ứng, và với một số nước, có mức hỗ trợ cơ bản. “Chúng tôi cố gắng điều chỉnh cuộc thảo luận theo hướng đó,” Robertson nói. “Có vẻ các nước phát triển không tin tưởng... các tổ chức mà chúng tôi sẽ tự xây dựng để cung cấp tài chính khí hậu.”

Các nước giàu đồng ý với mức tiền tổng cơ bản là 300 tỉ đô la mỗi năm và xác nhận đó là mức hỗ trợ tối thiểu khi đưa từ “ít nhất” vào văn bản, với thời hạn là năm 2035. Nhưng họ từ chối nhượng bộ đối với chuyện thay đổi nguồn tiền được tính vào tổng số. Cuối cùng, phe các nước giàu nhượng bộ trước ưu tiên hàng đầu này của các nước đang phát triển qua việc đồng ý “tăng đáng kể” nguồn lực phân bổ qua các quỹ khí hậu hiện hữu. Thỏa thuận cuối cùng quy định dòng tiền cho các chương trình đó phải được tăng ít nhất gấp ba lần vào cuối thập kỷ này.

Các nước giàu cũng đồng ý trong văn bản cuối cùng là sẽ “rà soát lại” cam kết tài chính này vào năm 2030 - động thái mà Monterrey Gomez của Panama cho rằng mở ra cánh cửa để “tăng thêm tiền” trước năm 2035. Trong một thay đổi khác nhằm thu hút các quốc gia châu Phi, các nước tài trợ đồng ý với quy định mở lộ trình mới “từ Baku đến Belem” để tăng cường hợp tác quốc tế trong nâng quy mô tài chính khí hậu lên 1,3 ngàn tỉ đô la. Sáng kiến này sẽ tìm hiểu các lựa chọn để thiết lập “mức phân bổ tối thiểu” cho các nước đang phát triển.

Ngay cả khi đã cầm dự thảo cuối cùng trong tay vào cuối ngày thứ Bảy, Hoekstra vẫn không thể thở phào. Chỉ cần một nước phản đối thôi là thỏa thuận tiêu tùng, vì các thỏa thuận COP phải được đồng thuận thì mới có thể thông qua. “Đây luôn là vấn đề nội dung, quy trình, và theo nhiều nghĩa, lòng cảm thông,” người lãnh đạo mảng khí hậu của EU nói với các phóng viên. Cuối cùng, ông nói: “Phải 195 cây mới nên hòn núi cao đấy.”

Tuy nhiên, vẫn còn một lời phản đối. Khi các nhà đàm phán họp tại hội trường chính để cân nhắc thỏa thuận cuối cùng, Ấn Độ tìm cách phản đối chính thức với quy mô và cấu trúc của kế hoạch tài chính. Các nhà đàm phán của họ đã giơ tay đòi phát biểu - nhưng cuối cùng bị lờ luôn - và chủ tịch COP gõ búa xác nhận thỏa thuận. Chuyện các chủ tịch COP muốn tranh thủ đồng thuận gấp rút khi có người tính phản đối cũng không có gì mới mẻ.

Các đại biểu rời phiên họp cuối cùng không lấy gì làm lạc quan về kết quả. Rất ít nhà đàm phán nói là họ hài lòng, và rất nhiều người nói dư âm là cảm giác cay đắng.

sean-gallup-getty-images-04.jpg
Các đại biểu tham dự, bao gồm trưởng ban khí hậu EU Wopke Hoekstra, đứng giữa bên phải, vỗ tay chúc mừng thỏa thuận trong những giờ đầu ngày 24 tháng 11. Hình ảnh: Sean Gallup/Getty Images

Các nước giàu đã không thực sự mở rộng nguồn tiền tài trợ, nên Trung Quốc, Saudi Arabia và UAE đã phải chia sẻ gánh nặng hỗ trợ các nước đang phát triển. Rốt cuộc, các nước này cũng sẽ chỉ đóng góp trên cơ sở tự nguyện. EU và Mỹ cũng không đạt được sự ủng hộ mà họ muốn nhằm cam kết đầy đủ hơn với việc chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch, như thỏa thuận năm ngoái, mà chỉ là lời tái xác nhận chung chung.

Ấn Độ một lần nữa bày tỏ rằng nhu cầu của các nước nghèo đã bị các nước giàu chà đạp. “Chúng tôi thất vọng vô biên. Chuyện này đã được sắp xếp trước hết,” Raina, nhà đàm phán của quốc gia đông dân nhất hành tinh, nói. Vẫn gõ búa đàn áp thỏa thuận tài chính mà không chịu nghe lý lẽ phản đối của Ấn Độ “cho thấy sự thiếu lòng tin, thiếu hợp tác.”

Khi căng thẳng lên cao trong phiên họp cuối cùng, giới chức Trung Quốc đã tìm cách xoa dịu những đoàn đại biểu đang bực dọc của Ấn Độ, Saudi Arabia, châu Phi và nhóm tiểu đảo, theo một nguồn thạo tin. Giới chức Mỹ cũng gắng làm tương tự vào Chủ nhật (nhưng họ có thể không hăng hái như vậy nữa sau khi ông Trump lên). Zhao Yingmin, thứ trưởng bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc, đã tổ chức một loạt cuộc đối thoại tay đôi với các đoàn khác vào những giờ cuối cùng để cảnh báo tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nếu thỏa thuận tài chính cho COP-29 không đạt được, theo nguồn thạo tin.

Với Robertson, nhà đàm phán của nhóm tiểu đảo, kết quả này có nghĩa là ngoại giao quốc tế vẫn tiếp tục. Nó có thể không hoàn hảo, nhưng với những nước ở bên lề các trung tâm quyền lực của thế giới, họ có lẽ khó thể hy vọng hơn. “Rốt cuộc thì nỗi sợ luôn là nếu tất cả đều sụp đổ, thì chúng ta biết đi đâu đây?” ông nói.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/ben-trong-nhung-no-luc-dien-cuong-cuu-van-dam-phan-cop29-voi-cai-gia-phai-tra-52670.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media