Thái Lan và Campuchia chịu nhiều thiệt hại do xung đột biên giới

Xung đột biên giới giữa Thái Lan và Campuchia bước sang ngày thứ hai, khiến ít nhất 14 người thiệt mạng và đẩy khu vực vào nguy cơ xung đột kéo dài dẫn đến nhiều thiệt hại về kinh tế của hai nước.

Hình ảnh: Lillian Suwanrumpha/AFP

Hình ảnh: Lillian Suwanrumpha/AFP

Tác giả: Patpicha Tanakasempipat và Suttinee Yuvejwattana

25 tháng 07, 2025 lúc 2:29 PM

Tóm tắt bài viết

Quyền Thủ tướng Thái Lan, Ông Phumtham Wechayachai, cảnh báo xung đột với Campuchia có thể leo thang thành chiến tranh do giao tranh bằng pháo kích và tên lửa tiếp tục diễn ra ác liệt.

Chính phủ Thái Lan thông báo có ít nhất 14 người thiệt mạng, trong đó có 1 binh sĩ, và hơn 30 người bị thương; Campuchia có 1 dân thường thiệt mạng và 5 người bị thương.

Quân đội Thái Lan cáo buộc lực lượng Campuchia liên tục nã pháo hạng nặng, trong khi Campuchia tuyên bố đã kiểm soát 2 ngôi đền tranh chấp và 40 công nhân bị mắc kẹt.

Đồng baht giảm 0,2% xuống 32,34 baht đổi 1 USD, chỉ số chứng khoán gần như đi ngang sau khi giảm 0,6%; xuất khẩu của Thái Lan sang Campuchia đạt 5,1 tỷ USD.

Ông Tommy Pigott, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, do lo ngại về tình hình leo thang căng thẳng.

Tóm tắt bởi AI HAY

Quyền Thủ tướng Thái Lan Phumtham Wechayachai cảnh báo xung đột quân sự với Campuchia có thể "leo thang thành chiến tranh", khi binh sĩ hai bên tiếp tục dùng pháo kích và tên lửa dọc biên giới tranh chấp trong ngày thứ hai liên tiếp.

Phát biểu với báo chí ngày thứ Sáu (25.7), ông Phumtham cho biết mức độ giao tranh đang gia tăng, đe dọa tính mạng dân thường, và nhấn mạnh Thái Lan sẽ kiên quyết bảo vệ lãnh thổ và chủ quyền quốc gia. “Tình hình hiện tại vẫn được coi là xung đột vũ trang có sử dụng vũ khí hạng nặng, nhưng hoàn toàn có thể leo thang thành chiến tranh,” ông nói.

Chính phủ Thái Lan cho biết ít nhất 14 người đã thiệt mạng, trong đó có một binh sĩ, và hơn 30 người khác bị thương trong đợt giao tranh nghiêm trọng nhất hơn một thập kỷ qua. Theo AFP dẫn nguồn quan chức địa phương, một dân thường Campuchia thiệt mạng và năm người khác bị thương.

Quân đội Thái Lan cáo buộc lực lượng Campuchia "liên tục nã pháo" bằng pháo hạng nặng và tên lửa đến sáng thứ Sáu, đồng thời cho biết họ đã đáp trả phù hợp và khuyến cáo người dân tránh xa khu vực giao tranh. Bộ Quốc phòng Campuchia xác nhận có pháo kích trong đêm và tuyên bố đã kiểm soát hai ngôi đền tranh chấp cùng một khu vực khác, theo tờ Khmer Times. Cơ quan này cũng thông báo có 40 công nhân bị mắc kẹt tại đền Preah Vihear, một điểm nóng trong cuộc xung đột.

Đợt giao tranh bắt đầu vào thứ Năm (24.7), khi Thái Lan sử dụng tiêm kích F-16 không kích căn cứ quân sự Campuchia, trong khi phía Phnom Penh tấn công vào các khu dân cư Thái Lan. Tình hình leo thang sau nhiều tháng căng thẳng biên giới, từng đẩy liên minh cầm quyền Thái Lan rơi vào khủng hoảng.

Đồng baht giảm 0,2%, xuống còn 32,34 baht đổi 1 USD, tương tự như các đồng tiền trong khu vực. Chỉ số chứng khoán chuẩn gần như đi ngang sau khi giảm tới 0,6%.

Hai nước láng giềng này có lịch sử căng thẳng biên giới kéo dài, dù quan hệ nhìn chung ổn định kể từ sau cuộc xung đột đẫm máu năm 2011 khiến hàng chục người thiệt mạng. Lần leo thang gần nhất cũng xoay quanh đền Preah Vihear — khu vực tranh chấp có từ thời Pháp thuộc.

Nguy cơ xung đột kéo dài

Nguồn gốc căng thẳng hiện nay chủ yếu xuất phát từ sự khác biệt trong cách diễn giải bản đồ theo các hiệp ước Pháp–Xiêm đầu thế kỷ 20, vốn định hình biên giới giữa Thái Lan và Campuchia khi đó còn thuộc Đông Dương thuộc Pháp.

Nếu xung đột quân sự kéo dài, cả hai nước sẽ đối mặt thêm nhiều thách thức kinh tế, đặc biệt khi Mỹ đang đe dọa áp thuế cao. Khác với Indonesia, Philippines và Việt Nam, ba nước đã ký thỏa thuận thương mại với chính quyền Tổng thống Donald Trump, Thái Lan có nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu và hiện vẫn chưa đạt được thỏa thuận.

Với nguy cơ ảnh hưởng đến du lịch và kinh tế địa phương, Bangkok có nhiều lý do để sớm chấm dứt xung đột, theo bà Trinh Nguyen, chuyên gia kinh tế cấp cao phụ trách khu vực châu Á mới nổi tại Natixis. “Chúng tôi kỳ vọng xung đột sẽ hạ nhiệt sau giai đoạn leo thang,” bà Trinh nói. “Các rủi ro bên ngoài đang gia tăng và Thái Lan không thể để ngành du lịch vốn đang suy yếu bị ảnh hưởng thêm.”

Theo báo cáo ngày 17.7 của Maybank, tăng trưởng kinh tế Campuchia vốn đã được dự báo sẽ chậm lại. Báo cáo nhấn mạnh mức độ phụ thuộc vào Mỹ của Campuchia là cao nhất ASEAN, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu danh nghĩa, tương đương 21% GDP.

Campuchia cũng có hơn nửa triệu lao động tại Thái Lan, theo ước tính chính thức. Maybank cho biết nếu tính cả lao động không giấy tờ, con số thực tế có thể lên đến 1,2 triệu người. Giới chức tại hai tỉnh Chanthaburi và Trat của Thái Lan cho biết khoảng 2.000 lao động Campuchia đã tập trung tại cửa khẩu để trở về nước.

Tác động kinh tế

Trong nửa đầu năm 2025, Thái Lan xuất khẩu sang Campuchia lượng hàng trị giá 5,1 tỉ USD, bao gồm trang sức, dầu mỏ và đường. Nhập khẩu từ Campuchia đạt 732 triệu USD, chủ yếu là trái cây và rau củ, theo Bộ Thương mại Thái Lan.

Phòng Thương mại Thái Lan ngày thứ Năm cho biết xung đột đã ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế và làm gián đoạn thương mại, đầu tư giữa hai nước.

Thái Lan cho biết đã sơ tán hơn 130.000 dân thường khỏi khu vực giao tranh. Trong khi đó, Campuchia đóng cửa 260 trường học tại tỉnh Oddar Meanchey, nơi đang là trung tâm xung đột, theo Khmer Times.

Làn sóng giao tranh đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các nhà lãnh đạo thế giới. Mỹ cho biết họ “vô cùng lo ngại.”

“Chúng tôi kêu gọi lập tức ngừng bắn, bảo vệ dân thường và giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tommy Pigott nói với báo chí tại Washington ngày thứ Năm.

Trong khi Thái Lan tuyên bố không đàm phán song phương và chưa có kế hoạch ngừng hành động quân sự, một cuộc xung đột kéo dài có thể tạo ra thách thức mới đối với bà Paetongtarn Shinawatra, người đã bị đình chỉ chức Thủ tướng do cách xử lý yếu kém trong vấn đề biên giới. Liên minh do đảng Pheu Thai lãnh đạo của bà hiện đang lung lay sau khi một đảng chủ chốt rút lui vào tháng trước, khiến vị thế đa số trong Quốc hội trở nên mong manh.

Các nhóm dân tộc chủ nghĩa Thái Lan, từng dự kiến biểu tình phản đối chính phủ vào Chủ Nhật, đã lùi kế hoạch sang ngày 2.8. Trên mạng xã hội X và Facebook tại Thái Lan, các bài viết ủng hộ quân đội và không quân Thái đang được lan truyền mạnh mẽ.

— Với sự hỗ trợ của Katia Dmitrieva, Claire Jiao, Pathom Sangwongwanich và Lee J. Miller

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/xung-dot-thai-lan-campuchia-keo-sang-ngay-thu-hai-my-keu-goi-ngung-ban-53919.html

#xung đột quân sự
#Campuchia
#chiến tranh
#giao tranh
#chủ quyền
#tên lửa
#khủng hoảng
#chứng khoán
#căng thẳng biên giới
#thách thức kinh tế
#Mỹ
#tăng trưởng kinh tế
#thương mại
#Thái Lan

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media