Công nghệ

Việt Nam, Indonesia, Úc siết chặt kiểm soát mạng xã hội nhằm bảo vệ trẻ em

Nhiều quốc gia châu Á dẫn đầu trong việc kiểm soát mạng xã hội để bảo vệ trẻ em trước các rủi ro trực tuyến.

Hình ảnh: Gabby Jones/Bloomberg

Hình ảnh: Gabby Jones/Bloomberg

Tác giả: Newley Purnell

13 tháng 5, 2025 lúc 2:30 PM

Tóm tắt bài viết

Nhiều quốc gia châu Á-Thái Bình Dương đang dẫn đầu trong việc bảo vệ trẻ em trực tuyến. Úc cấm trẻ dưới 16 tuổi dùng mạng xã hội, Indonesia hạn chế người dưới 18 tuổi, Malaysia yêu cầu cấp phép hoạt động.

Các quy định mới đe dọa tăng trưởng của các tập đoàn công nghệ tại thị trường tiềm năng với 650 triệu dân ở Đông Nam Á và 2 tỷ người ở Nam Á, nơi có tỷ lệ người dùng trẻ cao.

Meta, TikTok và Snapchat có lượng người dùng lớn tại khu vực này. Năm trong số 10 thị trường lớn nhất của TikTok nằm ở Đông Nam Á và Nam Á, Snapchat có số người dùng tại Nam Á gấp đôi tại Mỹ.

Úc đã thông qua luật cấm trẻ dưới 16 tuổi truy cập mạng xã hội từ cuối năm nay, với mức phạt lên tới 50 triệu AUD (32 triệu USD) nếu vi phạm, dù vẫn còn nhiều câu hỏi về tính khả thi.

Các công ty công nghệ như Meta và Snap bày tỏ cam kết bảo vệ người dùng trẻ tuổi nhưng lo ngại về chi phí tuân thủ tăng cao khi mỗi quốc gia đưa ra quy định riêng.

Tóm tắt bởi AI HAY

Một số quy định nghiêm ngặt nhất nhằm kiểm soát TikTok, Instagram và Snapchat không xuất phát từ Washington hay Brussels mà đến từ thủ đô của các quốc gia châu Á như Canberra, Jakarta và Kuala Lumpur.

Nhiều quốc gia tại châu Á – Thái Bình Dương đang đi đầu trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các mối nguy hiểm trực tuyến, đặt ra thách thức lớn cho các tập đoàn công nghệ như ByteDance, Meta và Snap tại những thị trường có đông đảo người dùng trẻ tuổi.

Cuối năm ngoái, Úc đã thông qua luật yêu cầu các nền tảng mạng xã hội không được để trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng dịch vụ. Tuần trước, đảng cầm quyền tại New Zealand cũng đưa ra dự luật tương tự.

Indonesia đang soạn thảo quy định hạn chế người dưới 18 tuổi truy cập mạng xã hội. Malaysia yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải có giấy phép hoạt động trong nước, trong khi Singapore đang xem xét khả năng áp dụng quy định độ tuổi tối thiểu.

Trong khi đó, Việt Nam yêu cầu các nền tảng mạng xã hội nước ngoài phải xác minh tài khoản người dùng và cung cấp thông tin cá nhân của họ cho cơ quan chức năng khi được yêu cầu. Pakistan muốn các nền tảng này phải đăng ký với một cơ quan mới thành lập.

"Chính phủ không thể phớt lờ lời cầu cứu của các bậc phụ huynh chỉ vì cho rằng việc này quá khó. Chúng tôi có trách nhiệm phải hành động," Thủ tướng Australia Anthony Albanese chia sẻ vào tháng 11.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu các biện pháp này sẽ được triển khai và thực thi nghiêm ngặt đến mức nào. Các tập đoàn mạng xã hội còn đối mặt với trở ngại khác, như Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số và Dịch vụ Kỹ thuật số của Ủy ban châu Âu, cùng các động thái tại nhiều quốc gia khác nhằm hạn chế trẻ em truy cập mạng xã hội.

Tại Mỹ, dù các công ty mạng xã hội đang phải chịu chỉ trích tại một số bang, chính quyền liên bang vẫn chưa ban hành luật buộc các công ty nào phải có biện pháp bảo vệ người dùng là trẻ em. Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật An toàn Trẻ em Trực tuyến vào tháng 7, yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải ưu tiên bảo vệ sức khỏe trẻ em, nhưng dự luật này vẫn chưa được Hạ viện phê duyệt.

Meta hiện đang đối mặt với vụ kiện chống độc quyền lịch sử từ Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, trong bối cảnh TikTok có nguy cơ bị cấm tại nước này. Một công ty luật Mỹ đang theo đuổi chiến lược pháp lý mới, tập trung vào trách nhiệm sản phẩm, nhằm buộc các tập đoàn công nghệ phải chịu trách nhiệm về những tác hại mà nền tảng mạng xã hội của họ gây ra cho trẻ em, bất chấp sự bảo vệ lâu nay từ Điều 230 của Đạo luật Truyền thông Đúng mực.

Theo Ewan Lusty, giám đốc tại công ty tư vấn chính trị và quy định Flint Global tại Singapore, các quy định mới ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể khiến các công ty công nghệ gặp khó khăn trong việc tuân thủ chúng.

"Nếu mỗi quốc gia tự đưa ra quy định riêng, chi phí phát sinh từ việc tuân thủ các quy định này của các công ty công nghệ sẽ tăng lên gấp bội," ông nhận định.

Các hạn chế này còn đe dọa đến sự tăng trưởng của các tập đoàn công nghệ tại một trong những thị trường đông dân nhất thế giới.

Đông Nam Á có hơn 650 triệu dân, trong khi Nam Á có khoảng 2 tỷ người. Với tỷ lệ người dùng trẻ tuổi cao, khu vực này được kỳ vọng sẽ là động lực tăng trưởng của các công ty công nghệ trong những năm tới. Trong khi đó, Trung Quốc đã đóng cửa từ chối các nền tảng trực tuyến nước ngoài suốt nhiều năm qua, khiến các công ty này mất khả năng tiếp cận một thị trường tiềm năng với hơn 1,4 tỷ người.

Để khai thác tiềm năng tại châu Á – Thái Bình Dương, Amazon, Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft và nhiều tập đoàn công nghệ khác đang đầu tư hàng tỷ USD vào khu vực này, khi ngày càng nhiều người dùng trẻ sử dụng mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến để giao tiếp, mua sắm, xem video và sử dụng AI tạo sinh (generative AI).

Các tập đoàn mạng xã hội thường không công khai số liệu người dùng hoặc doanh thu theo quốc gia, nhưng phần lớn doanh thu của họ đến từ các nền kinh tế phát triển ở phương Tây, nơi các nhà quảng cáo sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để tiếp cận nhóm người tiêu dùng giàu có. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng về lượng người dùng tại các quốc gia giàu có này đang dần chậm lại.

Với Meta, các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng số tài khoản người dùng toàn cầu trên Instagram và Facebook, với phần lớn người dùng thuộc nhóm tuổi trẻ, theo dữ liệu từ công ty tư vấn kỹ thuật số Kepios Pte.

chart1_chau-a-siet-chat-kiem-soat-cac-trang-mang-xa-hoi-nham-bao-ve-tre-em-01.jpg

Thị trường khu vực này cũng có tỷ lệ người dùng tương tác với các sản phẩm của Meta cao nhất thế giới. Đối với nhiều người, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển, Facebook là cánh cửa chính để truy cập Internet. Meta và các tập đoàn công nghệ khác thường chọn những quốc gia này làm nơi thử nghiệm sản phẩm mới trước khi triển khai rộng rãi hơn.

TikTok có lượng người dùng lớn nhất tại Mỹ, nhưng năm trong số mười thị trường lớn nhất của nền tảng này lại nằm ở Đông Nam Á và Nam Á. Trong khi đó, Snapchat có số người dùng tại Nam Á gấp đôi tại Mỹ, theo Kepios.

Úc, quốc gia từng nhiều lần đối đầu với các tập đoàn công nghệ lớn, đã thông qua một đạo luật gây tranh cãi vào tháng 11, khi cấm trẻ em dưới 16 tuổi truy cập mạng xã hội từ cuối năm nay. Các nền tảng sẽ phải chịu trách nhiệm đảm bảo người dùng tuân thủ giới hạn độ tuổi, với mức phạt lên tới 50 triệu AUD (32 triệu USD) nếu vi phạm.

Mặc dù các cuộc khảo sát cho thấy phần lớn cử tri Úc ủng hộ quy định mới này, một số công ty, học giả và tổ chức bảo vệ quyền trẻ em cho rằng quy định còn nhiều thiếu sót và đặt ra câu hỏi về tính khả thi trong việc thực thi nó.

Một giám đốc điều hành tại một tập đoàn công nghệ lớn, yêu cầu giấu tên, cho biết động thái của Úc đã gây lo ngại trong giới doanh nghiệp và khiến họ không rõ tình hình sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới.

Người phát ngôn của Meta cho biết công ty cam kết bảo vệ an toàn cho người dùng trẻ tuổi và các công cụ và biện pháp bảo vệ của họ đã được đón nhận trên toàn cầu.

Người đại diện của Snap bày tỏ quan ngại về quy định mới của Úc, nhưng khẳng định sẽ làm việc với chính phủ nước này để tuân thủ mọi quy định cần thiết.

TikTok trước đây đã nhiều lần khẳng định rằng họ tự nguyện triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ an toàn cho người dùng thanh thiếu niên.

Mạng xã hội X từ chối bình luận.

Hiệp hội Internet châu Á, một tổ chức đại diện cho các tập đoàn công nghệ lớn trong khu vực, không phản hồi yêu cầu bình luận về các quy định mới.

Ewan Lusty từ Flint Global cho biết trước đây, các nhà hoạch định chính sách tại châu Á – Thái Bình Dương thường không phản ứng nhanh như các quốc gia khác trong việc quản lý các công ty công nghệ, nhưng điều đó đang dần thay đổi.

"Khu vực này ngày càng trở thành tâm điểm trong các cuộc thảo luận về cách quản lý không gian số," ông nói.

— Với sự hỗ trợ của Norman Harsono, Kok Leong Chan, Nguyen Xuan Quynh, và Kamran Haider

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/viet-nam-indonesia-uc-siet-chat-kiem-soat-mang-xa-hoi-nham-bao-ve-tre-em-53186.html

#kiểm soát
#TikTok
#Instagram
#Snapchat
#mạng xã hội
#trẻ em
#Việt Nam
#Đông Nam Á
#Nam Á
#Facebook

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media