Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Ý kiến
Ngay cả nếu ngày mai tổng thống Mỹ hoãn thuế quan, ông vẫn đã gây ra những cú sốc với chuỗi cung ứng tác động nghiêm trọng lên người tiêu dùng, không chỉ qua các kệ hàng siêu thị.
Minh họa: Kyoko Hamada cho Bloomberg Businessweek
Tác giả: Amanda
23 tháng 5, 2025 lúc 2:27 PM
Buổi chiều đang trở nên ấm áp hơn, hoa anh đào đã nở rộ, mặt trời lặn muộn hơn một chút — rõ ràng đã tới lúc nghĩ về mùa Giáng sinh. Hoặc ít ra, có thể là lúc để nghĩ đến việc mua sắm cho mùa Giáng sinh.
Kỳ nghỉ lễ còn xa, nhưng ngày càng có cảm giác rằng không thể tránh khỏi, các mức thuế quan thay đổi chóng mặt của Tổng thống Donald Trump — được khởi động từ đầu tháng Tư, rồi trì hoãn với hàng nhập khẩu từ hầu hết các nước gia đến tháng Bảy, liên tục leo thang với hàng nhập khẩu Trung Quốc, và suốt mùa xuân lại đe dọa nhiều thứ hàng hóa dịch vụ khác nữa, từ phim ảnh tới thuốc men — sẽ làm tê liệt mùa mua sắm sôi động nhất trong năm. Mức thuế 145% với hầu hết hàng Trung Quốc, và 10% với phần lớn các mặt hàng nhập khẩu khác, vừa được giảm xuống còn 30% trong 90 ngày vào hôm qua, vẫn chưa dẫn tới những kệ hàng trống hay khiến giá cả tăng vọt, nhưng trải nghiệm mua sắm thường là chỉ báo trễ trong bối cảnh hỗn loạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vì quá trình đưa hàng hóa vào Mỹ bắt đầu từ nhiều tháng trước khi chúng xuất hiện trên kệ hàng, nhiều yếu tố gây đứt gãy đã bắt đầu âm ỉ cho suốt năm 2025, ngay cả khi người tiêu dùng bình thường chưa thể nhận thấy. Cụ thể, có thể sẽ xuất hiện tình trạng khan hiếm nhiều mặt hàng theo mùa thường nhập khẩu từ Trung Quốc — như váy dạ hội tốt nghiệp cấp ba và váy cưới, pháo hoa cho ngày Quốc khánh 4.7, ti-vi mới cho mùa bóng bầu dục, laptop cho sinh viên sắp vào đại học, và đồ chơi, thiết bị điện tử cùng bộ quà tặng mỹ phẩm cho dịp Giáng sinh — đúng lúc người Mỹ bắt đầu đi mua sắm các món đó. Một giai đoạn thiếu hụt kéo dài và áp lực tài chính với người dân có thể sẽ đưa chúng ta vào một mùa lễ hội bị áp thuế quan nặng nề.
Cuộc thương chiến của Trump đã cài sẵn những quả bom hẹn giờ vào nền kinh tế tiêu dùng sẽ phát nổ trong ít ra là năm nay. Ngay cả nếu ngày mai thuế quan biến mất — kịch bản lạc quan nhất — “bạn có lẽ vẫn sẽ mất thêm sáu tháng nữa để vật lộn trước khi bạn có thể phần nào trở lại trạng thái bình thường,” theo Rob Holston, lãnh đạo mảng sản phẩm tiêu dùng toàn cầu và khu vực châu Mỹ tại EY. “Cú sốc đã được đưa vào hệ thống, và khó có khả năng bạn có thể rút lại.” Trong một cuộc phỏng vấn trên Bloomberg Surveillance, Gene Seroka, giám đốc điều hành cảng Los Angeles — cảng container nhộn nhịp nhất nước Mỹ và là nơi tiếp nhận phần lớn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc — ước tính hầu hết nhà bán lẻ Mỹ hiện chỉ còn khoảng năm đến bảy tuần hàng tồn kho chưa bị đánh thuế.
Về phía họ, giới chức chính quyền Trump đã nhanh chóng trấn an dư luận rằng kỳ nghỉ lễ sẽ không bị hủy bỏ. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, trả lời phỏng vấn vào trên Fox News vào cuối tháng Tư, nói ông không lo lắng chuyện kệ hàng sẽ trống. “Chúng ta có những nhà bán lẻ tuyệt vời. Tôi cho rằng họ đã đặt hàng trước,” ông nói với người dẫn chương trình Brian Kilmeade. Nhưng ngay ngày hôm sau, Tổng thống Trump có vẻ kém chắc chắn hơn về việc Giáng sinh sẽ diễn ra như kế hoạch. “Có thể bọn trẻ sẽ có hai con búp bê thay vì 30 con, và có thể hai con búp bê đó sẽ đắt hơn vài đô la,” ông thừa nhận trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Dự đoán đó đã nhanh chóng trở thành hiện thực: Vài ngày sau, công ty mẹ của búp bê Barbie, Mattel, thông báo với giới đầu tư rằng họ sẽ phải tăng giá bán tại Mỹ do ảnh hưởng của thuế quan. Các nhà phân tích tại Goldman Sachs gần đây cũng dự đoán giá hàng tiêu dùng sẽ tăng từ 6% đến 8% cho tới cuối năm 2025.
Không cần tìm đâu xa xôi để nhận thấy rắc rối đang chờ đợi người tiêu dùng Mỹ. Theo công ty phân tích thị trường chuỗi cung ứng FreightWaves, số lượng “tàu trắng” — thuật ngữ trong ngành chỉ các chuyến tàu vận tải bỏ qua các điểm dừng theo lịch hoặc bị hủy hoàn toàn — đã tăng vọt vài tuần gần đây. Trên các tuyến vận chuyển giữa châu Á và Bắc Mỹ, khối lượng kiện hàng bỏ trống trong ba tuần cuối tháng Tư và đầu tháng Năm đã tăng gấp hơn sáu lần. Giới chức cảng Los Angeles dự báo khối lượng container trong tuần đầu tiên của tháng Năm (thời điểm phát hành tạp chí này) sẽ thấp hơn ít nhất 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Và tình trạng sụt giảm có thể chỉ mới bắt đầu. Theo ước tính của tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong năm nay có thể giảm tới 80%.
Lãnh đạo các chuỗi bán lẻ lớn nhất nước Mỹ đã dành tháng qua hành hương đến Nhà Trắng để khẩn nài chính quyền. Trong cuộc gặp các CEO của Home Depot, Target và Walmart, tổng thống đã được cảnh báo về tình trạng thiếu hụt sắp tới, theo một bài trên Axios. Công khai thì các lãnh đạo ngành bán lẻ vẫn giữ thái độ bình tĩnh, trấn an khách hàng bằng những tuyên bố rằng các cuộc gặp đã mang lại “kết quả tích cực,” và trong khi giá cả có thể tăng với một số mặt hàng, họ sẽ làm mọi cách để giữ giá ở mức hợp lý. Nhưng trong hậu trường, tình hình đang trở nên căng thẳng hơn. Holston ở EY nói ông đã chứng kiến các hãng bán lẻ vội vã tìm cách nhập thêm hàng tồn kho — thường là đủ dùng trong khoảng 90 ngày, theo quan sát của ông — và tìm kiếm nguồn cung mới cho sản phẩm hoặc linh kiện hiện có từ các quốc gia khác. Nhưng năng lực sản xuất và thời gian để có thể nhanh chóng làm ra lượng hàng bổ sung cho nhiều tháng là có hạn, chưa kể phải vận chuyển tất cả hàng đó đến Mỹ trước khi giá nhập khẩu tăng vọt, và lưu kho toàn bộ số hàng đến khi cửa hàng bán lẻ cần.
Hấp thu khủng hoảng dễ hơn với các công ty lớn có nhiều tiền mặt và đội ngũ chuyên trách về hậu cần và chuỗi cung ứng. Điều đó có nghĩa là khi tình trạng thiếu hụt thực sự xảy ra, bạn nhiều khả năng sẽ nhận thấy đầu tiên ở doanh nghiệp nhỏ. “Chính các công ty nhỏ, không có đủ vốn lưu động để duy trì hoạt động và vượt qua gián đoạn, sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất, và chúng tôi chắc chắn đã thấy điều đó diễn ra rồi,” Holston nói. Nếu bạn từng ghé một doanh nghiệp nhỏ như vậy trong vài tuần gần đây, bạn có thể đã được thấy trước những gì sắp xảy đến. Chính tôi đã lần đầu tiên thấy điều đó khi không tài nào tìm mua được một loại túi trồng cây chuyên dùng cho làm vườn trong chậu, vì thương hiệu đó đã hủy đơn hàng với nhà cung cấp ở Trung Quốc.
Dù nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các chủ doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ, Trump gần đây đã bác bỏ lo ngại của họ trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình Meet the Press của đài NBC, ông cho rằng thuế quan chỉ tác động lên “vài doanh nghiệp nhỏ lẻ.” Ông cũng né tránh câu hỏi về việc liệu chính quyền có hỗ trợ doanh nhân khởi nghiệp vượt khó hay không. “Còn ngành xe hơi thì sao?” ông nói. “Họ sẽ kiếm bộn tiền nhờ thuế quan.” (Các hãng xe Mỹ nói chung có vẻ không đồng tình với nhận định lạc quan đó. Ví dụ, Ford Motor đã rút lại dự báo tài chính cho cả năm và cho biết trong cuộc họp công bố lợi nhuận gần nhất rằng họ dự kiến sẽ thiệt hại 1,5 tỉ đô la Mỹ vì thuế quan.)
Rào cản để đưa quà tặng mùa lễ lên kệ hàng không chỉ là do thiếu hàng thành phẩm. Trung Quốc sản xuất ra gần 1/3 lượng nhựa của thế giới và là nhà cung cấp lớn nhất thế giới các sản phẩm bao bì giấy, tức một thành phần thiết yếu của rất nhiều mặt hàng tiêu dùng đột ngột trở nên đắt đỏ hơn, và nhu cầu đối với nguyên liệu đóng gói này từ các nước có năng lực xuất khẩu hạn chế cũng tăng vọt. Khi có quá nhiều người mua mà không đủ bao bì, tình trạng thiếu hụt ngắn hạn có thể xảy ra chẳng khác gì khi thiếu chính sản phẩm nằm trong bao bì. Điều này từng xảy ra với bột mì vào năm 2020: Bột mì thì rất nhiều, nhưng các nhà máy xay xát đột ngột phải đóng gói cho người tiêu dùng thay vì gửi phần lớn sản phẩm của họ đi trong thùng lớn cho hãng phân phối thực phẩm. Điều đó dẫn đến tình trạng khan hiếm bao bì giấy nhỏ mà bạn thường thấy ở siêu thị, và chính sự thiếu hụt đó mới là nguyên nhân khiến kệ hàng khó được lấp đầy trở lại.
Khả năng Giáng sinh bị ảnh hưởng bởi thuế quan có thể nghe không quá tồi tệ trong thế giới của Trump, nhưng sẽ là sai lầm nếu nghĩ Giáng sinh chỉ là một ngày lễ cụ thể, dù là trong nền kinh tế hay trong tâm lý dân Mỹ. Mùa mua sắm lễ hội hàng năm là nền tảng của nền kinh tế tiêu dùng, chiếm 2/3 GDP quốc gia và tạo ra hàng triệu việc làm, từ giám đốc marketing doanh nghiệp lớn đến nhân viên kho bãi và tài xế xe tải. Rồi còn có chi phí vô hình nữa: Khả năng mua quà tặng, tổ chức các buổi gặp gỡ, hay ăn mặc đẹp cho các sự kiện xã hội có thể ảnh hưởng nặng nề đến cách mọi người nhìn nhận bản thân — trong vai trò cha mẹ, thành viên trong gia đình, chuyên gia, hay người yêu. Trong số tất cả những vũ khí tiềm tàng mà một tổng thống Mỹ có thể sử dụng để gây phẫn nộ cho một nhóm quần chúng đa số đa dạng về quan điểm chính trị, thật khó tưởng tượng có thứ gì hiệu quả hơn hình ảnh một tay Trùm Sò khi mùa lễ về.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/ong-trump-da-kip-pha-hong-giang-sinh-53266.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media