Kinh tế

Việt Nam hướng tới phát triển điện gió, điện mặt trời để chấm dứt sử dụng than vào năm 2050

Việt Nam phê duyệt quy hoạch điện mới, hướng đến bỏ hoàn toàn điện than và tăng mạnh năng lượng tái tạo từ nay đến 2050.

Hình ảnh: Nguyễn Quang Ngọc/ Shutterstock

Hình ảnh: Nguyễn Quang Ngọc/ Shutterstock

Tác giả: Bloomberg News

18 tháng 4, 2025 lúc 8:30 AM

Chính phủ Việt Nam phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia kỳ 2021-2030, còn gọi là quy hoạch điện VIII, trong đó đặt mục tiêu tăng mạnh sản lượng năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao và chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng than vào năm 2050.

Theo các điều chỉnh mới được thông qua ngày 15.4, tổng công suất phát điện của Việt Nam năm 2030 đạt 89,6 gigawatt (GW)-100GW và đến năm 2050 đạt 205,7GW - 228,5GW. Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch điện VIII, theo website chinhphu.vn, nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 10,0%/năm trong giai đoạn 2026 - 2030, khoảng 7,5%/năm trong giai đoạn 2031 - 2050. 

chart1_viet-nam-huong-toi-phat-trien-dien-gio-dien-mat-troi-de-cham-dut-su-dung-than-vao-nam-2050-01.jpg

Tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải giai đoạn 2021-2030 tương đương 136,3 tỉ USD. Trong đó, đầu tư cho nguồn điện chiếm khoảng 86,7%. 

Tuy nhiên, các mục tiêu về năng lượng sạch hiện cao hơn nhiều so với dự báo mà các chuyên gia phân tích cho là Việt Nam có thể đạt được. Theo quy hoạch mới được điều chỉnh, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 73 GW điện mặt trời và 38 GW điện gió vào năm 2030. Trong khi đó, BloombergNEF dự báo mức thực tế chỉ vào khoảng 32 GW điện mặt trời và 12 GW điện gió. Đến năm 2050, bản quy hoạch điều chỉnh giữ nguyên mục tiêu nâng công suất lên 230 GW điện gió và 296 GW điện mặt trời.

“Kế hoạch này có thể đảm bảo an ninh năng lượng sạch cho Việt Nam,” ông John Rockhold, trưởng nhóm công tác Điện lực và Năng lượng thuộc diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, nhận định. “Chính phủ đã ban hành đầy đủ các luật và nghị định cần thiết. Vấn đề hiện nay là liệu các nhà phát triển và nhà đầu tư, cả nhà nước lẫn tư nhân, có thể triển khai đúng tiến độ hay không.”

Hiện tại, gần một nửa sản lượng điện của Việt Nam là từ than đá, nhưng chính phủ cam kết loại bỏ dần loại nhiên liệu này. Vào năm 2022, Việt Nam ký thỏa thuận trị giá nhiều tỉ USD với Mỹ cùng các chính phủ và ngân hàng quốc tế để thúc đẩy quá trình chuyển đổi. Theo quy hoạch mới, Việt Nam vẫn sẽ xây dựng một số nhà máy điện than mới cho đến cuối thập kỷ, nhưng các nhà máy này sẽ dần chuyển sang sử dụng nhiên liệu sinh học hoặc ammoniac trước năm 2050.

Trong ngắn hạn, khí tự nhiên dự kiến sẽ đóng vai trò lớn hơn trong cơ cấu năng lượng, với công suất tăng hơn năm lần vào năm 2030. Phần lớn nguồn cung sẽ đến từ khí tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu. Tuy nhiên, BloombergNEF cho biết nhiều dự án sử dụng nhiên liệu này hiện đang bị chậm tiến độ.

Bên cạnh đó, quy hoạch cũng đề cập đến việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, với thời gian dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2030–2035.

Việt Nam cũng đặt mục tiêu mở rộng hợp tác năng lượng trong khu vực Đông Nam Á, hướng đến xuất khẩu điện sang Campuchia, Malaysia và Singapore.

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/viet-nam-huong-toi-phat-trien-dien-gio-dien-mat-troi-de-cham-dut-su-dung-than-vao-nam-2050-53017.html

#Việt Nam
#năng lượng tái tạo
#năng lượng sạch
#điện mặt trời
#điện gió
#khí tự nhiên
#Đông Nam Á

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media