Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh doanh
Nhu cầu vải làm từ sợi sử dụng lại đang tăng lên khi người tiêu dùng ngày càng ý thức về lãng phí trong ngành dệt may.
Manteco Marco Mantellassi (trái), cùng cha là Franco Mantellassi (giữa), và anh trai Matteo Mantellassi, cả ba là đồng CEO của hãng. Ảnh: Claudia Gori cho Bloomberg Businessweek
Tác giả: Aaron Clark, Flavia Rotondi
08 tháng 5, 2024 lúc 9:19 PM
Mario Melani ngồi trên đống chăn mền gấp lại trong một nhà kho ở Prato, Ý, khắp xung quanh là những chiếc áo và khăn choàng len đã bỏ đi. Ông khéo léo gỡ hết cúc áo, dây khóa kéo, đồ trang trí và nhãn, chỉ giữ lại phần vải len.
Đó là bước then chốt để biến len đã qua sử dụng này thành chất liệu mới, truyền thống lâu đời của những thợ dệt thành phố vùng Tuscany này, từ tận giữa thế kỷ 19. “Còn không thì đành quăng hết vào thùng rác,” Melani nói.
Đã 94 tuổi, Melani làm nghề cenciaiolo, hay người tái chế, này đã hơn sáu mươi năm. (Đó là cách gọi bày tỏ niềm kiêu hãnh của vùng này dành cho những thợ thủ công như ông, những người có thể nhận ra chất liệu vải chỉ bằng cách chạm tay vào).
Prato có hơn 7.000 công ty tham gia vào nhiều hạng mục khác nhau trong chuỗi cung ứng ngành dệt và sản xuất vải - trong đó tái chế len là hoạt động có vai trò rất lớn - gồm doanh nghiệp gia đình nhỏ thuộc sở hữu của ông Melani, F.lli Melani Sauro e Simone & C.
Ở Prato, làm ra vải vóc mới từ len đã qua sử dụng thường theo quy trình như sau: Quần áo được lột sạch bằng tay, rồi phần vải sẽ được cắt ra bằng máy. Tiếp theo, các sợi vải được trộn màu để có màu như ý muốn. Sau khi máy chải len gỡ và sắp xếp các sợi len cùng hướng, nguyên liệu được dệt thành sợi lớn và được kiểm nghiệm chất lượng trước khi được dệt thành vải trên khung cửi.
Về mặt lịch sử, hoạt động tái chế len toàn cầu từng có động lực là lợi ích kinh tế và nhu cầu thiết thực, như trong những thời kỳ mà hoạt động buôn bán len cừu bị gián đoạn. Còn ngày nay, những lo lắng về môi trường đang thúc đẩy nhu cầu tái chế len: nhiều người tiêu dùng tìm mua quần áo làm bằng sợi tự nhiên tái chế thay vì nguyên liệu tổng hợp (vốn chỉ có thể tái chế qua những quy trình phức tạp và đắt đỏ có sử dụng hóa chất).
Những hãng dệt giúp len sống thêm một kiếp nữa đang rất bận rộn đáp ứng nhu cầu, theo Dalena White, tổng thư ký Tổ chức Dệt len Quốc tế, nhóm nghề nghiệp đã xác định các trung tâm tái chế ở Ý, Đức, Thái Lan và Pakistan, nhưng không theo dõi số lượng. “Đây là xu hướng đang lên ở khắp mọi nơi.”
Len chỉ chiếm khoảng 1% tổng sản lượng sợi dệt toàn cầu, nên tái chế quần áo len bỏ đi không thể giảm bớt tác động môi trường của ngàn công nghiệp thời trang toàn cầu. Ngành này đang tạo ra khoảng 10% lượng phát thải khí carbon trên thế giới và sản xuất khoảng 100 tỉ món đồ vải vóc mỗi năm, tương đương 14 món cho mỗi người trên trái đất, với hàng chục triệu món quần áo bị vứt bỏ mỗi ngày.
Dẫu vậy, cách tiếp cận của những người tái chế len là mô hình kinh tế tuần hoàn đáng học hỏi. Trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, năm ngoái Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua chiến lược dệt may bền vững và tuần hoàn với nhiều kế hoạch hành động tương lai, như thiết lập quy định yêu cầu đồ dệt may phải dễ tái chế hơn và cung cấp cho người tiêu dùng thông tin về nguyên liệu thô, quá trình sản xuất và tái chế qua một “hộ chiếu sản phẩm số.”
Về lượng nguyên liệu thô sử dụng và khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thì tiêu thụ sản phẩm dệt may là ngành có tác động lớn thứ tư lên môi trường và khí hậu ở EU, chỉ sau các ngành thực phẩm, nhà ở và đi lại, theo dữ liệu của khối này.
“Chúng ta cần những quy định chặt chẽ hơn trong ngành này. Khách hàng cuối cùng phải ngày càng ý thức hơn về xuất xứ đồ dệt may,” theo lời Marco Mantellassi, đồng CEO Manteco SpA, một hãng dệt may gia đình đã ba thế hệ ở Prato (cùng anh trai Matteo).
Các khách hàng của Manteco có Kering SA và LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton SE - những hãng này mua lại len tái chế từ thương hiệu Mwool của họ. Manteco cũng làm sợi vải từ các nguyên liệu là sợi vải bán tổng hợp viscose, lyocell, và sợi bông mới và tái chế, với doanh thu 97 triệu euro (104 triệu đô la Mỹ) vào năm 2022.
Tùy vào chất lượng len sử dụng lại, Manteco có thể thêm len mới hoặc sợi nylon mới vào rồi tái chế. Công ty cũng tái chế cả vải vụn các công ty thải ra trong quá trình cắt may. Mantellassi nói yêu cầu kiểm soát chặt của Manteco trong quá trình sản xuất và cách tân công nghệ giúp hãng tạo ra vải hạng sang từ len tái chế. “Nền kinh tế tuần hoàn là quan trọng, nhưng nếu ta không làm ra sản phẩm tốt thì khách hàng sẽ không mua.”
Manteco nói len tái chế của họ có vết carbon thấp hơn nhiều so với len mới và các loại vải khác. Quá trình sản xuất một kg sản phẩm MWool thải ra tương đương 0,62 kg carbon dioxide - thước đo được dùng để so sánh nhiều loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính - trong khi cùng lượn len cừu mới thải ra 75,8kg CO2, một nghiên cứu đánh giá vòng đời sản phẩm của công ty cho biết. Vải bông và sợi polyester tạo ra lần lượt 4,69kg và 4,31kg CO2, cũng theo công ty này, dẫn lại số liệu từ nhà cung cấp dữ liệu hàng tồn kho Ecoinvent.
Xác định xem nguyên liệu nào tốt nhất cho môi trường không dễ dàng, do tác động của các tiến trình sản xuất và chuỗi cung ứng không phải lúc nào cũng so sánh được với nhau, và hoạt động tái chế chỉ là một yếu tố cần xem xét khi đánh giá mức độ bền vững.
Lấy ví dụ, trong khi len có thể tái chế bằng máy, hơn 1 tỉ con cưu tham gia vào ngành sản xuất này trên toàn cầu đều ợ ra khí methane gây hiệu ứng nhà kính. Nguyên liệu tổng hợp, ngoài việc khó tái chế, có thể sản sinh ra hạt vi nhựa trong quá trình rửa, gây ra nguy cơ lớn với các sinh vật sống ở đại dương, vấn đề mà sợi tự nhiên không gặp phải.
“Không phải lúc nào cũng so sánh được,” Del Hudson, phó chủ tịch điều hành về tác động thị trường của Worldly Holdings Inc., nền tảng công nghệ chuyên tổng hợp dữ liệu từ doanh nghiệp để hiểu tốt hơn tác động của chuỗi cung ứng, nói trong một email. Những tuyên bố về mức độ bền vững cần được nhìn nhận thận trọng, theo Worldly, do thông tin có thể không phản ánh được tác động với thế giới thực, vốn không phải lúc nào cũng trắng đen rõ ràng.
Dù tái chế vải thường giúp giảm gánh nặng với môi trường hơn so với làm ra nguyên liệu mới, tiến trình cơ giới để sử dụng lại len khiến sợi len ngắn hơn so với len mới. Điều này đồng nghĩa số lần tái chế là có hạn, theo Joël Mertens, giám đốc Higg Product Tools, chuyên phân tích dữ liệu giúp hỗ trợ phát triển bền vững cho các ngành dệt may và da dày (thuộc sở hữu Sustainable Apparel Coalition). Điều đó đồng nghĩa vòng đời nguyên liệu có thể kéo dài hơn, nhưng không thay thế hoàn toàn được sợi mới, Mertens nói trong một email.
Để thúc đẩy hoạt động tái chế vải, các nhà thiết kế quần áo và thương hiệu thời trang cần trao đổi tích cực hơn về cách tăng tính tuần hoàn cho nguyên liệu và chỗi cung ứng, theo Hasnain Lilani, nhà sáng lập Datini Fibres (Karachi, Pakistan), hãng bán sợi len tái chế họ thu được từ quần áo qua sử dụng và tiến hành nghiên cứu về tính bền vững của nguyên vật liệu dệt may.
Công ty này mở hai năm trước - Lilani từng làm công việc buôn bán vải - và hiện đang tái chế từ 3.000 tới 5.000 tấn quần áo len mỗi năm, họ hy vọng sẽ mở rộng công suất lên thành 10.000 tấn vào năm 2024.
“Giải pháp bền vững đích thực phải đến từ các nhà sản xuất và hãng tái chế làm việc với nguyên liệu thô và sản phẩm sau khi đã qua tiêu dùng,” Lilani nói. “Các thương hiệu thời trang cần lắng nghe và đầu tư vào nền tảng cho các chuỗi cung ứng bền vững hơn.”
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/thoi-trang-nhanh-hoc-cach-song-cham-52438.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media