Năng lượng mới

Thiên nhiên là mẹ, công nghệ là cha trong phát triển bền vững

Để phát triển bền vững, công nghệ sạch đóng vai trò dẫn dắt, bảo tồn; và phát triển thiên nhiên đảm nhận vai trò giáo dục.

MINH HOẠ: CUZAO, HÂN CHÂU

MINH HOẠ: CUZAO, HÂN CHÂU

Tác giả: Phạm Việt Anh, Nghiên cứu sinh tiến sĩ về phát triển bền vững,

10 tháng 6, 2024 lúc 3:05 PM

Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP-28 của Liên hợp quốc, dù không trực tiếp khẳng định "loại bỏ”, nhưng đã đưa ra cam kết mang tính lịch sử về việc "chuyển đổi" từ nhiên liệu hóa thạch sang các lựa chọn thay thế sạch hơn, đặc biệt là năng lượng tái tạo. “Quá trình chuyển đổi năng lượng hóa thạch” đề cập đến việc ngừng sử dụng than và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không (net-zero) vào năm 2050, như đã nêu trong thông cáo chung. Các khoản trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch được yêu cầu ngừng ngay lập tức.

Cùng lúc, có quan điểm trong giới kinh tế gia quốc tế cho rằng nền kinh tế toàn cầu sắp bước vào giai đoạn mới gọi là "siêu chu kỳ" - một thời kỳ tăng trưởng kinh tế kéo dài với nhu cầu hàng hóa mạnh mẽ, giúp tăng cường giá cả và thúc đẩy việc làm. Tuy nhiên, khác với tăng trưởng sản lượng GDP, phát triển kinh tế bền vững bao gồm những tiến bộ về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, điều kiện sống và nâng cao chất lượng kinh tế, thể chế.

Thách thức lớn của Việt Nam là cùng lúc đặt mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2030 thành công và đạt net-zero vào năm 2050. Dựa trên phân tích do Công cụ phân tích khí hậu của viện Tài nguyên Thế giới (WRI CAIT), năng lượng chịu trách nhiệm cho 66% tổng lượng khí thải hàng năm, nông nghiệp chiếm 23%. Hai lĩnh vực này chiếm 89% lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần tiến hành cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng xanh, để có thể đạt mục tiêu thách thức như trên. Đáng chú ý là Việt Nam sở hữu lợi thế về năng lượng gió, mặt trời và thủy điện, do vậy không thể bỏ qua lợi thế này. Tầm quan trọng của Chuyển đổi Công bằng nhằm đạt được các mục tiêu về khí hậu đã được nhấn mạnh trong COP-28, trong đó đảm bảo nguồn tài chính (xanh) là cần thiết để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi suôn sẻ và đảm bảo thực hiện một cách công bằng các cam kết về net-zero.

CÔNG NGHỆ DẪN DẮT

Công nghệ xanh đóng vai trò then chốt trong chuyển dịch nền kinh tế bền vững và không phát thải. Công nghệ xanh bao gồm các phương pháp, sản phẩm và dịch vụ đổi mới giúp giảm tác động đến môi trường và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên. Những công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo và thân thiện với môi trường này có thể biến đổi các ngành công nghiệp và tạo ra một tương lai bền vững hơn. Công nghệ xanh có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, y tế công cộng và bảo vệ môi trường ở các quốc gia đang phát triển. Tuy vậy, các nước kém phát triển hơn đối diện với các vấn đề về tài chính, công nghệ và cơ sở hạ tầng thường cản trở việc triển khai công nghệ xanh. Để phát triển bền vững, chính phủ cần ưu tiên điều tiết nguồn vốn đi đúng hướng trong khi tận dụng sự hỗ trợ của quốc tế về tài chính và chuyển giao công nghệ qua chiến lược ngoại giao kinh tế khéo léo.

Các chính sách hỗ trợ phát triển bền vững bao gồm việc tài trợ cho nghiên cứu và phát triển (R&D), nâng cao năng lực và khuyến khích hợp tác công-tư, hỗ trợ và khuyến khích đầu tư vào ngành tái chế, xử lý rác thải, nước sạch cũng như chuyển đổi năng lượng. Việc áp dụng công nghệ xanh ở các quốc gia kém phát triển đòi hỏi sự tham gia và hỗ trợ tài chính của quốc tế.

GIÁO DỤC CHỈ LỐI

Các giải pháp dựa vào thiên nhiên đưa ra những giải pháp thiết thực để phục hồi môi trường và nâng cao phúc lợi con người, nhằm giải quyết các vấn đề phát triển bền vững. Những giải pháp này là cách tiếp cận hiệu quả cao nhằm thúc đẩy các mục tiêu bền vững tổng thể bằng cách khai thác quá trình tự nhiên để cải thiện hệ sinh thái và nâng cao chất lượng cuộc sống. Các sáng kiến trồng cây đô thị đã chứng minh rằng việc đạt được đồng thời mục tiêu về môi trường và xã hội bằng cách tăng cường đa dạng sinh học và giảm tác động của đảo nhiệt đô thị là khả thi. Các khu bảo tồn thiên nhiên địa phương và các khu vực không gian xanh công cộng phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Bảo tồn rừng và thúc đẩy các hoạt động canh tác tái tạo và hữu cơ để đạt được sự bền vững cần được khuyến khích bằng chính sách. Việc sử dụng các biện pháp tự nhiên là một cách tiếp cận thực tế và hiệu quả để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, kết hợp với việc áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường và không gây ô nhiễm trong lĩnh vực sản xuất và thương mại. Rác thải thực phẩm tạo khí methane. Một nền kinh tế tuần hoàn không rác thải, kết hợp với kinh tế xanh không phát thải, là lý tưởng để đạt mục tiêu bền vững; xóa đói giảm nghèo, tôn trọng khác biệt, hoà hợp và bình đẳng.

screenshot-2024-06-10-153006.png

Ưu tiên giảm phát thải carbon là rất quan trọng. Tuy nhiên, các mục tiêu về trung hòa carbon và lượng khí thải net zero phải dựa trên sự chứng thực của Sáng kiến Mục tiêu Dựa trên Khoa học – SBTi, cũng như áp dụng các nguyên tắc báo cáo như khuôn khổ TCFD (Task Force on Climate related Financial Disclosure). Đồng thời, các bên liên quan phải có kiến thức về nghĩa vụ khí hậu của tổ chức, phát thải khí nhà kính cũng như các rủi ro và tình trạng dễ bị tổn thương liên quan đến khí hậu. Hiệu quả năng lượng, việc sử dụng các công nghệ tái tạo và khả năng thay đổi mức năng lượng đều ảnh hưởng đến lượng khí thải do hoạt động phát sinh trực tiếp từ hoạt động của tổ chức cũng như gián tiếp từ giao dịch mua năng lượng để sử dụng cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Phát thải gián tiếp phát sinh liên quan chuỗi giá trị mà doanh nghiệp không sở hữu hoặc kiểm soát cũng đóng góp đáng kể vào phát thải của tổ chức. Để đạt được sự bền vững thực sự, doanh nghiệp phải tiến hành đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA), tham gia vào chuỗi cung ứng để giảm lượng khí thải carbon và sử dụng các kỹ thuật giải quyết vấn đề, đặc biệt là tăng cường hợp tác với các tổ chức chuyên gia về bền vững.

Các doanh nghiệp có tùy chọn bù đắp lượng khí thải của mình qua mua bán tín chỉ carbon. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đã vấp phải sự chỉ trích vì tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tránh được những thay đổi đáng kể trong hoạt động nhằm đảm bảo tính bền vững. Nói cách khác là mua “quyền xả thải”. Để lưu trữ và giảm lượng khí thải carbon, doanh nghiệp phải phân bổ nguồn lực cho công nghệ sạch, kết hợp các mục tiêu bền vững vào hoạt động (insetting) và tích cực thực hiện các sáng kiến nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường, nâng cao phúc lợi xã hội. Việc kết hợp tính bền vững vào hoạt động của doanh nghiệp giúp giảm lượng khí thải, tăng cường chuỗi cung ứng và mang lại lợi ích cho hệ sinh thái và cộng đồng địa phương.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trong nước và đóng vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm, cần nâng cao hiệu quả hoạt động đồng thời ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn hơn. Do đó, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cần có sự hỗ trợ chính thức từ chính phủ để có thể gia nhập mạng lưới thị trường toàn cầu, tiếp cận được nguồn tài chính xanh để tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, phát triển bền vững luôn là hướng tiếp cận đa chiều; do đó, doanh nghiệp nhỏ có nguồn tài lực yếu nên ưu tiên thực thi trách nhiệm xã hội (CSR), rồi từng bước chuyển dịch sang doanh nghiệp bền vững dựa trên các giải pháp khoa học và công nghệ xanh đòi hỏi nguồn vốn tài chính và tri thức khoa học cao hơn.

VĨ THANH

Trong khi các quốc gia phát triển sẽ đẩy nhanh quá trình thiết lập thể chế và đảm bảo tính pháp lý lâu dài, khiến các “thị trường gia công” khó khăn hơn trong việc xuất khẩu nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn “xanh”, việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực là điều cần thiết để đạt được sự phát triển kinh tế xã hội bền vững; bởi phụ thuộc cả về tài chính và công nghệ sẽ không có chuyển đổi xanh bền vững. Vì vậy, điều cần thiết là phải duy trì sự cân bằng giữa phát triển vốn con người và tích lũy vốn vật chất, phân bổ và phân phối tài lực hiệu quả, cũng như nâng cấp các ngành công nghiệp theo hướng xanh, sạch và công nghệ cao.

Ước tính gần đây của Ngân hàng Thế giới cho rằng để đạt mục tiêu net-zero, Việt Nam cần khoản ngân sách hàng năm đến 6,8% GDP, trong đó đầu tư vào phục hồi khoảng hơn 250 tỉ đô la Mỹ, và khoảng 114 tỉ đô la cho khử carbon. Đây là mức cao hơn ngân sách cho giáo dục khoảng trên dưới 4% GDP, là sự thật khó chấp nhận. Do vậy, việc thiết lập và duy trì các tiến bộ công nghệ và đổi mới tổ chức đòi hỏi phải có sự phân bổ nguồn lực ban đầu cho vốn con người một mức ưu tiên hợp lý. Nhiệm vụ này phải được thực hiện phối hợp với các chiến lược nâng cao chất lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với yêu cầu chuyển giao công nghệ sạch, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho môi trường và nâng cấp công nghiệp, nhân lực. Như nhà kinh tế Herman Daly từng phát biểu, “phát triển bền vững đòi hỏi một sự thay đổi trái tim, một sự đổi mới tâm trí và một sự ăn năn lành mạnh.” Để bền vững thực sự, công nghệ sạch phải đóng vai trò là người cha dẫn dắt, trong khi (bảo tồn và phát triển) thiên nhiên đảm nhận vai trò là người mẹ giáo dục đạo đức xanh, lối sống sạch.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/thien-nhien-la-me-cong-nghe-la-cha-trong-phat-trien-ben-vung-52483.html

#Xanh
#phát triển bền vững

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media