Thị trường việc làm ảm đạm dành cho sinh viên mới tốt nghiệp nói gì về nền kinh tế

Việc thiếu cơ hội thăng tiến đột ngột không chỉ là vấn đề của người mới ra trường mà ảnh hưởng đến toàn bộ lực lượng lao động.

Hình ảnh: Mel Musto/Bloomberg

Hình ảnh: Mel Musto/Bloomberg

Tác giả: Amanda Mull

19 tháng 07, 2025 lúc 10:13 AM

Tóm tắt bài viết

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường là 5,8%, gấp đôi mức trung bình của người có bằng đại học và tăng 50% so với năm 2022.

Bà Allison Shrivastava từ Indeed cho biết thị trường việc làm không tệ như thời Đại Suy thoái, nhưng không còn dễ dàng như trước, khi sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay.

Phân tích từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho thấy sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính và thiết kế đồ họa có tỷ lệ thất nghiệp từ 7% trở lên.

Ông Nathan Goldschlag, giám đốc nghiên cứu tại Economic Innovation Group, nhận định tác động của AI chưa đủ lớn để giải thích tình hình hiện tại của thị trường lao động.

Ông Goldschlag chỉ ra rằng "khoản chênh lệch tiền lương do bằng cấp" đã giảm liên tục từ năm 2012, cho thấy Mỹ có thể đang đào tạo quá nhiều lao động có bằng cấp so với nhu cầu.

Tóm tắt bởi AI HAY

Giấc mơ bắt đầu sự nghiệp từ phòng văn thư để rồi một ngày bước vào văn phòng giám đốc đã không còn khả thi từ lâu — và giờ có thể đã chính thức chấm dứt. Lý do thì đã khá rõ ràng: Sự xuất hiện của công nghệ. Nhưng với nhiều sinh viên mới ra trường đang gia nhập thị trường lao động trong mùa Hè này, họ lại đối mặt với một vấn đề khác: họ không có “căn phòng” nào để bắt đầu sự nghiệp.

Tình hình tìm việc lần đầu hiện trở nên phức tạp hơn ở một số lĩnh vực so với các lĩnh vực khác. Ngay cả ở những ngành có tỉ lệ thất nghiệp thấp, người mới bước vào thị trường lao động vẫn mô tả hành trình tìm việc là khó khăn hơn nhiều so với kỳ vọng. Theo số liệu tháng 3 từ Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS), tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường là 5,8% — cao hơn gấp đôi mức trung bình của tất cả những người có bằng đại học và tăng 50% so với mùa xuân năm 2022.

Thực trạng này được nhiều bên thừa nhận. Tuy nhiên, mức độ đáng lo ngại và nguyên nhân đằng sau lại là chủ đề gây tranh cãi. Dựa trên phân tích dữ liệu của BLS do ông Ernie Tedeschi, giám đốc kinh tế tại Budget Lab thuộc Đại học Yale, thực hiện, tỉ lệ tuyển dụng sinh viên mới ra trường đã giảm so với mức đỉnh sau đại dịch, nhưng vẫn tương đương với giai đoạn cuối thập niên 2010. Nhìn chung, thị trường lao động vẫn giữ được sự ổn định.

“Tỉ lệ thất nghiệp vẫn thấp và mức tăng trưởng việc làm vẫn khá ổn định,” bà Allison Shrivastava, chuyên gia kinh tế tại nền tảng tuyển dụng Indeed, nhận định. Người trẻ hiện đang bước vào một thị trường không tệ như thời Đại Suy thoái, nhưng cũng không thuận lợi như vài năm trước, khi họ chứng kiến bạn bè hoặc anh chị của mình có việc làm ngay trước khi nhận bằng tốt nghiệp. Tình hình hiện tại rõ ràng không dễ chịu, nhưng xét theo cả hành trình sự nghiệp, mọi thứ vẫn chưa quá bết bát.

Tuy nhiên, các con số thống kê không phản ánh đầy đủ thực tế. “Phần lớn số việc làm mới nằm trong ngành chăm sóc sức khỏe,” Shrivastava cho biết, nguyên nhân là nhu cầu ngày càng cao về dịch vụ sức khỏe tâm thần và tình trạng dân số già hóa. “Ngành chăm sóc sức khỏe không thể một mình duy trì toàn bộ thị trường lao động.” Nếu bạn không phải là bác sĩ hay y tá mới ra trường, bạn có thể đang gặp bất lợi hơn so với thế hệ đi trước. Còn nếu bạn tìm việc trong lĩnh vực công nghệ, tình hình thậm chí còn tệ hơn.

Phân tích của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho thấy sinh viên tốt nghiệp các ngành như khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính và thiết kế đồ họa có tỉ lệ thất nghiệp từ 7% trở lên. Trong khi đó, những người trẻ tốt nghiệp các ngành xã hội như văn học Anh, lịch sử hoặc triết học lại có khả năng được tuyển dụng cao hơn.

Việc các ngành công nghệ — vốn từng được xem là con đường sự nghiệp chắc chắn — giảm tuyển dụng đã làm dấy lên lo ngại rằng trí tuệ nhân tạo đang làm gián đoạn thị trường lao động. Tuy nhiên, ông Nathan Goldschlag, giám đốc nghiên cứu tại Economic Innovation Group — một tổ chức tư vấn lưỡng đảng — cho rằng tác động của AI vẫn chưa đủ lớn để lý giải tình hình hiện nay.

“Có thể có một chút ảnh hưởng, nhưng không đủ rõ ràng để được xem là nguyên nhân chính,” ông nhận định. Một phần lý do là vì ảnh hưởng “xấu” của AI không lan đều sang các ngành ngoài công nghệ. Theo ông Goldschlag, tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường “thấp ở các lĩnh vực như kế toán và phân tích kinh doanh, trong khi đây lại là hai ngành mà người ta thường cho rằng dễ bị AI thay thế.”

Một số công ty ngoài lĩnh vực công nghệ có thể đang thử nghiệm AI thay cho việc tuyển dụng nhân sự cấp thấp, nhưng ông Goldschlag không tin rằng đây là yếu tố chính khiến thị trường chững lại. Bà Shrivastava cũng đồng tình. “Các ngành này đơn giản là đang suy yếu. Họ không tuyển dụng nữa,” bà nói, đồng thời chỉ ra một yếu tố khác từ dữ liệu của Indeed: số lượng tin tuyển thực tập đã giảm đáng kể — một chỉ báo sớm cho thấy xu hướng tuyển dụng nhân viên mới tiếp tục yếu đi.

Nhiều công việc văn phòng cho người mới thường không xuất phát từ tin tuyển dụng trực tiếp, mà đến từ các chương trình thực tập được chuyển đổi thành hợp đồng chính thức. Vì vậy, việc sụt giảm số lượng tin tuyển thực tập là dấu hiệu đáng lưu ý để đánh giá xu hướng việc làm trong thời gian tới.

Để lý giải rõ hơn, Goldschlag chỉ ra một xu hướng dài hạn liên quan đến “khoản chênh lệch tiền lương do bằng cấp” — tức mức chênh lệch thu nhập kỳ vọng giữa người có bằng đại học và người không có. Theo ông, khoản chênh lệch này đã giảm liên tục từ năm 2012, cho thấy nước Mỹ có thể đang đào tạo quá nhiều lao động có bằng cấp so với nhu cầu thực tế. Một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco cũng nhận định rằng tốc độ đổi mới công nghệ trong thập niên qua — bao gồm cả AI — đã chững lại, từ đó kìm hãm nhu cầu tuyển dụng nhân lực có trình độ học thuật cao.

Goldschlag cho rằng đến một thời điểm nhất định, khi lực lượng lao động có bằng cấp tiếp tục tăng còn nhu cầu tuyển dụng không đổi, thì tác động sẽ sớm lan sang cả tiền lương và khả năng tìm được việc làm. Ông nhấn mạnh rằng việc AI xuất hiện cùng lúc với xu hướng này phần lớn chỉ là trùng hợp. Dù được quảng bá là bước đột phá lớn, các công cụ AI vẫn chưa đủ sức thúc đẩy thị trường tuyển dụng.

Khi các xu hướng dài hạn giao nhau với những bất định khó lường, sinh viên mới ra trường rơi vào hoàn cảnh hiện tại. Nhiều công ty đang trì hoãn các kế hoạch dài hạn để quan sát thêm tác động từ các yếu tố như thuế quan, AI, lạm phát và chính sách hạn chế nhập cư — khiến hoạt động tuyển dụng bị đình trệ. “Mọi thứ đều bị ngừng lại và đóng băng,” Shrivastava nói.

Sự bất ổn này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động. Theo dữ liệu của BLS, tỉ lệ thôi việc đang ở mức thấp nhất kể từ sau cuộc Đại Suy thoái. Shrivastava cho biết, khi người lao động tự tin vào khả năng tìm được việc mới, họ có xu hướng nghỉ việc cao hơn. Ngược lại, khi họ e ngại và doanh nghiệp cũng không muốn điều chỉnh nhân sự, thị trường sẽ gần như không tạo ra vị trí mới.

Đây cũng là lý do khiến nhóm lao động không có bằng cấp không chịu tác động nặng nề như những người có trình độ cao. Các ngành như bán lẻ và dịch vụ lưu trú vốn có tỉ lệ nghỉ việc cao, nên nhà tuyển dụng thường sẵn sàng tiếp nhận người mới mà không quá đắn đo.

Những gì đang diễn ra không mang lại tín hiệu tích cực cho bất kỳ ai trong lực lượng lao động. Việc chuyển việc giữa các công ty — vốn là cách hiệu quả nhất để cải thiện thu nhập — nay trở nên khó khăn hơn. Khi người lao động buộc phải ở lại vị trí cũ, họ thường phải chấp nhận mức lương thấp hơn năng lực. Phần lớn nhà tuyển dụng văn phòng từ lâu không còn xem việc gián đoạn chuỗi tuyển dụng đầu vào là vấn đề dài hạn, vì họ vốn không kỳ vọng nhân viên mới sẽ trở thành nhân sự chủ chốt trong tổ chức.

Với người lao động trẻ, tình hình này đặt ra nhiều lo ngại. Goldschlag cho rằng các công ty mới thành lập thường có xu hướng tuyển người trẻ nhiều hơn, nhưng quy mô nhỏ khiến họ dễ tổn thương trước rủi ro kinh tế. Nếu điều kiện kinh doanh xấu đi, nhóm này sẽ là người chịu tác động đầu tiên.

“Các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải ra quyết định về việc tuyển dụng và cắt giảm sớm hơn các công ty lớn. Họ không thể trụ được lâu,” Shrivastava nhận định. Theo bà, đây sẽ là nơi “chúng ta chứng kiến rõ nhất sự suy yếu của thị trường lao động — điều vốn đã bắt đầu xuất hiện ở một số nơi.”

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu cho thấy khó khăn trong việc tìm được công việc đầu tiên có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến thu nhập và cơ hội nghề nghiệp của sinh viên mới tốt nghiệp — hiện tượng mà các nhà kinh tế gọi là “vết sẹo” nghề nghiệp (scarring). Chỉ cần chờ thêm vài tháng để nhận được lời mời làm việc đầu tiên cũng có thể tạo khác biệt lớn về sau. Nhưng khi mọi thứ ngày càng bất định, người lao động trẻ lại ngày càng khó nhìn thấy con đường phía trước.

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/thi-truong-viec-lam-am-dam-danh-cho-sinh-vien-moi-tot-nghiep-noi-gi-ve-nen-kinh-te-53833.html

#sự nghiệp
#công nghệ
#thị trường lao động
#tìm việc
#tỉ lệ thất nghiệp
#AI
#tuyển dụng
#thực tập
#tỉ lệ thôi việc
#lạm phát
#vết sẹo nghề nghiệp

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media