Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Nếu bạn nhận thấy phong cách "alpha male" đang xuất hiện dày đặc trên mạng xã hội, bạn không nhầm đâu. Hình mẫu nam tính này đã phát triển qua nhiều thập kỷ và ngày càng định hình mạnh mẽ trong cộng đồng "manosphere."
Tác giả: Derek Guy
03 tháng 5, 2025 lúc 6:00 AM
Giữa thế kỷ XIX, nhà thơ Pháp Charles Baudelaire từng nhận định rằng thời trang không chỉ đơn thuần được dùng cho mục đích trang trí mà còn là tấm gương phản chiếu tinh thần của thời đại. Nhận định đó đến nay vẫn đúng.
Trong một số góc khuất trên Internet, hình mẫu một người đàn ông lý tưởng là người chăm chỉ tập gym, theo dõi sát sao chế độ dinh dưỡng và giao tiếp bằng những câu mệnh lệnh ngắn gọn. Anh ta không ăn mặc để tìm kiếm sự thoải mái mà để tạo hình ảnh trước ống kính, luôn khoác lên mình đồ thể thao bó sát hoặc những bộ vest ôm dáng. Quan trọng nhất, anh ta trình diễn cho khán giả — những người theo dõi mà anh hy vọng sẽ mua khóa học huấn luyện, thực phẩm bổ sung và nhấn vào đường link trong phần giới thiệu — cùng với thuật toán vô cảm có thể biến một người vô danh thành ngôi sao chỉ sau một đêm.
Đây là kiểu nam tính được xây dựng trên mạng. Ngày nay, việc trở thành một người đàn ông đích thực (alpha male) là phải khoác lên mình một diện mạo nhất định mà những cuộc chiến văn hóa và những nhân vật gây tranh cãi đang cố gắng tôn vinh. Sự thay đổi này không chỉ xoay quanh thể hình và thời trang mà còn phản ánh nhu cầu tìm kiếm vai trò của đàn ông trong xã hội hiện đại. Nếu các thế hệ trước tìm kiếm chúng thông qua công việc, chiến tranh hay tôn giáo, thì lý tưởng nam tính ngày nay đang được hình thành trong vòng xoáy của Instagram, TikTok, YouTube và X.
Và lâu dần, ngày càng nhiều người đàn ông tìm đến các "guru" tự phong, để tìm câu trả lời cho một câu hỏi muôn thuở: Một người đàn ông lý tưởng nên trông như thế nào.
Người mở đường cho văn hóa cơ bắp
Hơn một thế kỷ trước khi các influencer bắt đầu khoe dáng trên Instagram, đã có Eugen Sandow — lực sĩ người Đức thế kỷ XIX, từng được mệnh danh là "hình mẫu đàn ông hoàn hảo nhất". Ông không phát minh ra việc rèn luyện thể hình, nhưng là người đầu tiên biến bộ môn này thành một thương hiệu toàn cầu.
Sandow lúc đầu nổi tiếng nhờ những màn trình diễn sức mạnh khiến các thiết bị đo lực phải "chịu thua". Tuy nhiên, ông chỉ thực sự bùng nổ vào năm 1893, khi nhà sản xuất sân khấu Broadway Florenz Ziegfeld Jr. đưa ông lên sân khấu như một biểu tượng sống động của sức mạnh cơ bắp. Trong một tiết mục, Sandow hóa thân thành người lính Anh bị quân Boer truy đuổi. Khi bị kẹt bên bờ vực, ông dùng tấm lưng vạm vỡ làm thành cây cầu cho phụ nữ và trẻ em vượt qua. Khi đó, các cuộc chiến Boer — những cuộc xung đột đẫm máu giữa Đế quốc Anh và các nước cộng hòa Boer ở Nam Phi — vẫn còn in đậm trong trí nhớ công chúng. Theo nhà viết tiểu sử David Waller, tiết mục này nhằm "cho thấy một cách trực quan rằng ông có thể chống đỡ cho cả đế quốc." Cơ thể của Sandow, dẻo dai và bất khuất, trở thành phép ẩn dụ sống động bằng cơ bắp.
Sandow, với bộ ria mép nổi bật, đã lưu diễn khắp châu Âu và Mỹ, biểu diễn trong trang phục da báo và đồ bó sát. Khi danh tiếng lan rộng, ông nảy ra ý tưởng biến thể hình thành thương hiệu cá nhân. Tên ông được in trên tạ tay, trên các loại bột cacao bổ sung sức khỏe, và trên cuốn sách bán chạy Strength and How to Obtain It.
Năm 1897, "cha đẻ của thể hình" thành lập Học viện Sandow tại London — một câu lạc bộ sức khỏe xa hoa ba tầng, cung cấp dịch vụ tư vấn cá nhân và các kế hoạch tập luyện riêng biệt. Nhiều chiến thuật bán hàng của ông — như giảm giá "ngắn hạn," quảng bá hình ảnh "trước và sau," phóng đại lợi ích y tế và viện dẫn bằng chứng khoa học — vẫn được các huấn luyện viên thể hình hiện đại sử dụng đến nay.
Các chuẩn mực sắc đẹp luôn được định hình bởi các phong trào văn hóa, vốn bắt rễ từ những biến động âm thầm của chính trị và kinh tế. Hình mẫu đàn ông cơ bắp mà chúng ta quen thuộc ngày nay từng không phải là chuẩn mực. Đầu thế kỷ XIX, lý tưởng về vẻ đẹp nam giới là hình ảnh một quý ông — da trắng, vóc dáng thanh mảnh và phong thái lãng mạn, u sầu.
Khi tầng lớp trung lưu ngày càng lớn mạnh, họ tập trung nhiều vào kinh doanh thương mại thay vì rèn luyện thể chất. Việc có cơ bắp cuồn cuộn khi ấy bị xem là dấu hiệu của lao động chân tay thấp kém. "Rất ít quý ông thượng lưu từng chạm vào tạ," nhà nghiên cứu David Chapman viết trong Sandow the Magnificent. "Việc đó bị coi là quá giống với một người lao động tay chân."
Sandow góp phần biến cơ thể nam giới vạm vỡ thành biểu tượng tham vọng, biến sức mạnh cơ bắp thành bằng chứng cho trí tuệ. Trong thế giới của ông, sức mạnh gắn liền với sự văn minh và tinh tế.
Barbarian và Psycho
Sau Thế chiến thứ Hai, văn hóa cơ bắp ở Mỹ bắt đầu mất dần vẻ lịch sự, đặc biệt tại miền Nam California, nơi những người kế thừa di sản Sandow tìm thấy môi trường lý tưởng hơn.
Vào cuối những năm 1950, Muscle Beach ở Santa Monica — dải cát nắng vàng từng là sân chơi gia đình của các vận động viên thể dục dụng cụ và nhào lộn — bắt đầu bị các lực sĩ thể hình thống trị. Những cơ thể bóng nhẫy và những tư thế phô trương quá đà dần thu hút ánh nhìn dò xét. Với nhiều người dân địa phương, bãi biển này dần trở nên “sa đọa”, bị coi là tụ điểm của “những kẻ biến thái” và có lời đồn là nơi tụ tập của người đồng tính. Năm 1959, thành phố âm thầm đóng cửa bãi biển.
Những vận động viên thể hình sau đó di chuyển xuống phía Nam đến Venice, nơi một khu vực nhỏ dành riêng cho việc tập tạ, được gọi là “the Pen”, trở thành chốn nương náu mới của họ. Venice bụi bặm hơn, phóng khoáng hơn, nhưng cuối cùng lại trở thành trung tâm tinh thần của văn hóa thể hình Mỹ.
Đầu thập niên 1970, Ken Sprague mua lại Gold’s Gym, một phòng tập đang xuống dốc, chỉ cách the Pen vài dãy nhà. Sprague tin rằng nơi đây không chỉ là không gian tập luyện mà còn phải trở thành một sân khấu đích thực. Ông tổ chức các cuộc thi, mời nhiếp ảnh gia và cho phép đạo diễn George Butler sử dụng Gold’s Gym làm bối cảnh cho bộ phim tài liệu Pumping Iron năm 1977.
Bộ phim, theo chân những ngôi sao đang lên như Arnold Schwarzenegger, bất ngờ trở thành cú hích lớn, góp phần hợp thức hóa nền văn hóa từng bị coi là ám ảnh quá mức với hình thể.
Thành công của phim châm ngòi cho cơn bùng nổ thể hình thương mại. Cuối thập niên đó, áo thun Gold’s Gym — in hình lực sĩ hoạt hình — tràn ngập các phòng gym khắp nước Mỹ.
Hollywood nhanh chóng biến vận động viên thể hình thành biểu tượng điện ảnh. Schwarzenegger và Sylvester Stallone thống trị phòng vé với những bom tấn như Conan the Barbarian, Rocky và Rambo. Họ được xây dựng như những chiến binh hoặc những kẻ sống sót trên đường phố, với cơ thể tượng trưng cho sức bền và sức mạnh vượt trội.
Ngay cả thời trang cũng thay đổi. Bộ suit quyền lực (power suit) thập niên 1980 — với cầu vai nở rộng, phần ngực căng phồng và phần eo bó sát — trở thành biểu tượng của tinh thần “tham lam là tốt” của thế hệ các ông trùm mới nổi.
Nhưng ranh giới giữa tính kỷ luật và sự phù phiếm bắt đầu mờ dần. Không nhân vật nào phản ánh sự thay đổi đó rõ rệt hơn Patrick Bateman trong tiểu thuyết American Psycho. Dù xuất bản năm 1991 và phim chuyển thể ra mắt năm 2000, Bateman vẫn là hình mẫu đàn ông của thập niên 1980: ban ngày mặc suit Valentino, đêm trút bỏ quần áo để khoe thân hình săn chắc.
Trong cảnh phim nổi tiếng, Bateman sụp đổ chỉ vì bị đồng nghiệp vượt mặt bằng một tấm danh thiếp đẹp hơn — biểu tượng cho việc ngoại hình và hình ảnh đã trở thành thước đo địa vị cá nhân. Cơ thể rắn chắc và bộ suit quyền lực cùng hợp thành một hình mẫu: người đàn ông hoàn hảo, phô diễn sức mạnh theo yêu cầu xã hội.
Phong cách không còn là sự thể hiện cá tính cá nhân, mà trở thành cách anh chứng minh mình là kẻ dẫn đầu. Cơ thể săn chắc rèn luyện trong phòng gym và bộ suit quyền lực cùng hợp thành một hình mẫu thống nhất: người đàn ông hoàn hảo. Dù là nâng tạ hay điều hành tài chính, sức mạnh lúc này không còn chỉ để sở hữu, mà phải được phô diễn. Nhưng để được công nhận là người đứng đầu, một người đàn ông buộc phải tuân theo khuôn mẫu xã hội đã định ra về hình ảnh tượng trưng cho quyền lực.
Metrosexuals và Mad Men
Làn sóng sụp đổ của các công ty internet năm 2000 đã chấm dứt giai đoạn tăng trưởng kinh tế dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Khi đó, thời trang cao cấp vẫn gắn liền với chủ nghĩa tối giản khắc khổ đặc trưng của thập niên 1990, thời kỳ Calvin Klein và Helmut Lang được vinh danh là Nhà thiết kế thời trang nam của năm vào năm 1999 và 2000.
Tuy nhiên, khi người tiêu dùng bắt đầu thắt chặt chi tiêu, ngành công nghiệp thời trang buộc phải tìm cách làm mới mình để giữ chân khách hàng. Các nhà thiết kế bắt đầu định hình lại phom dáng trang phục nam giới, từ bỏ những bộ suit rộng thùng thình, vai nở — hình ảnh gắn liền với các ông trùm Mỹ, các ngôi sao hành động và sự hào nhoáng kiểu Armani.
Đầu thập niên 2000, Raf Simons, Hedi Slimane và Thom Browne tiên phong thu nhỏ toàn bộ phom dáng: áo sơ mi ôm sát, áo khoác ngắn hơn, quần tây bó gọn. Trong bộ phim tài liệu 90s Anti-Fashion ra mắt năm 2012, Simons chia sẻ rằng ông thiết kế những bộ đồ mà bản thân và bạn bè muốn mặc, vì họ không tìm thấy mình trong hình ảnh "những gã Mỹ rám nắng, cơ bắp cuồn cuộn" đang thống trị thời trang nam khi đó.
Hedi Slimane từng hồi tưởng rằng, thời trung học, ông bị bắt nạt vì thân hình mảnh khảnh. "Họ cố khiến tôi cảm thấy mình không phải là đàn ông vì dáng người quá gầy," Slimane nói với Yahoo Style năm 2015. "Những lời đó đầy tính kỳ thị đồng tính và miệt thị cá nhân."
Phong cách slim-fit đầu tiên được đón nhận bởi giới trẻ thành thị, những người theo đuổi hình ảnh mảnh mai, tinh tế kiểu châu Âu. Họ diện blazer bó, dùng kem dưỡng chiết xuất từ cúc La Mã và am hiểu sự khác biệt giữa Chelsea boots và jodhpur boots. Truyền thông gọi họ là "metrosexual" — những người tự hào về gu thẩm mỹ của mình và tỏ ra thản nhiên trước những nghi ngờ về giới tính. The New York Times năm 2003 viết: "Hình mẫu mới này có thái độ bình thản trước những nghi ngờ rằng một người đàn ông ăn mặc chỉn chu... chắc hẳn là người đồng tính."
Khi slim fit bắt đầu len lỏi lên sàn diễn thời trang cao cấp, nó cũng dần xuất hiện trong các buổi diễn indie rock, những blog thời trang sơ khai và diễn đàn như Styleforum, Superfuture. Các cộng đồng này biến slim fit thành giáo lý, tôn vinh những món đồ như quần jeans A.P.C. New Standard hay áo sơ mi Band of Outsiders như chuẩn mực thẩm mỹ mới.
Ban nhạc The Strokes, với những chiếc áo thun bạc màu và quần jeans bó sát, đã khơi nguồn cho phong trào tái hiện hình ảnh đó, khi giới trẻ thành thị đổ xô săn lùng các mẫu quần Dior 17cm và 19cm do Hedi Slimane thiết kế, đặt tên theo độ rộng ống quần.
Những ai không đủ khả năng mua đồ xa xỉ thì chuyển sang tìm kiếm ở khu quần áo nữ — một động thái phá vỡ ranh giới giới tính mà hãng Levi’s sau này khai thác qua dòng sản phẩm Ex-Girlfriend Jeans ra mắt năm 2011 dành cho nam giới.
Dù lúc đầu bị dè chừng vì bị xem là thiếu nam tính, slim fit nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn cho sự gọn gàng và thành đạt ở nam giới. Các tạp chí thời trang thậm chí coi đó như "quy luật ngầm" — bất kỳ vạt áo thừa nào cũng bị xem là dấu hiệu cẩu thả.
J.Crew góp phần đưa phong cách slim fit vào môi trường công sở. Cửa hàng Liquor Store khai trương năm 2008 — từng là một quán bar cũ — đã được biến thành cửa hàng thời trang nam, trưng bày những món đồ lấy cảm hứng từ hình ảnh nam tính thập niên 1960: thảm cổ điển, ghế bành bọc da, tiểu thuyết Hemingway, cùng các mẫu áo chambray slim-fit và blazer cắt ngắn.
Cùng thời điểm đó, loạt phim Mad Men giới thiệu một hình mẫu nam tính mới: Don Draper. Với vẻ ngoài lạnh lùng và phong cách ăn mặc hoàn hảo, Draper khiến bộ suit slim-cut trở nên cứng cáp, mạnh mẽ, đầy uy quyền. Từ đó, slim fit trở thành biểu tượng cho sự chuyên nghiệp và khát vọng thăng tiến.
Slim fit lan rộng từ công sở, tiệc cưới cho đến các nền tảng hẹn hò, khiến những định kiến ban đầu nhanh chóng biến mất. Đồng thời, nhiều cộng đồng mới bắt đầu định hình lại phong cách này theo hướng nam tính hơn.
Những người theo phong trào EDC (Everyday Carry) — luôn mang theo dao bỏ túi, dụng cụ đa năng và vật dụng sinh tồn — đã biến slim fit thành một phần trong "bộ đồng phục sinh tồn" hiện đại. Quần tactical slim-fit và áo henley ôm sát giờ đây tượng trưng cho sự bền bỉ và tinh thần hành động.
Sự bùng nổ của athleisure dành cho nam giới — đặc biệt với các mẫu jogger slim-fit bằng vải co giãn — cũng củng cố hình ảnh này, tạo nên một dạng "áo giáp mềm" cho nam tính hiện đại.
Tại Silicon Valley, các nhà sáng lập công nghệ xây dựng tủ đồ tối giản với áo thun Everlane, quần chinos slim-fit và giày thể thao trắng tinh. Một phong cách từng bị gán mác "metrosexual" giờ đây lại trở thành biểu tượng cho tinh thần tự tối ưu hóa bản thân.
Podcaster và những tín đồ "rèn luyện cực hạn"
Cuộc cách mạng slim fit, từng mang tính nổi loạn trong thời trang nam, nay đã trở thành xu hướng chính thống. Khi slim fit không còn là biểu tượng của sự khác biệt, những người tiên phong nhanh chóng chuyển sang phong cách mới: quần Carhartt ống đôi, hoodie rộng thùng thình và đồ ngoại cỡ.
Tuy nhiên, với số đông — đặc biệt là nam giới trung niên — sự thay đổi diễn ra chậm hơn. Slim fit vẫn tượng trưng cho sự chỉn chu, nỗ lực và đẳng cấp của tầng lớp trung lưu. Chỉ cần nhìn Matt Walsh và Vivek Ramaswamy là thấy rõ. Slim fit cũng trở thành "đồng phục" của giới fitness influencer và các doanh nhân “grindset” — những người đang xây dựng hệ sinh thái trực tuyến xoay quanh hình ảnh nam tính hiện đại.
Nền văn hóa này đã góp phần tạo ra một thế hệ manfluencer mới.
Phong trào pickup artist (PUA) do những nhân vật như Mystery và Neil Strauss dẫn đầu từng biến sự nam tính thành một trò chơi: để trở nên nam tính hơn, một người đàn ông phải luyện tập sự tự tin, coi phụ nữ là mục tiêu chinh phục, còn quần áo là công cụ tăng độ hấp dẫn tình dục. Song song đó, các võ sĩ MMA như Georges St-Pierre và Chuck Liddell lại đưa ra một hình mẫu khác — cơ thể rắn rỏi, mạnh mẽ, được rèn giũa trong những trận chiến thực thụ.
Trên YouTube và các diễn đàn fitness đời đầu, những cựu chiến binh, vận động viên thể hình và huấn luyện viên nghiệp dư bắt đầu lấy chính cơ thể mình làm bằng chứng cho sự lột xác cá nhân. David Goggins, Zyzz và Jocko Willink — những biểu tượng fitness kiêm diễn giả truyền cảm hứng — đã biến cơ thể thành vũ khí để “sinh tồn,” và thành tuyên ngôn cho triết lý sống dựa trên ý chí thép.
Hustle culture tiếp tục đẩy xa những ý tưởng rèn luyện bản thân. Tim Ferriss, với loạt sách tự lực 4-Hour, phổ biến những bài tập cực đoan như ngâm mình trong nước lạnh cùng các chiến thuật tối ưu năng suất. Joe Rogan đưa khái niệm này lên tầm cao mới khi biến podcast của mình thành nơi hội tụ giữa thể hình, thực phẩm bổ sung, tư duy tự tối ưu hóa và phản ứng trước các giá trị xã hội mới — kết hợp giữa "khoa học phòng gym" và khát vọng duy trì chuẩn mực nam tính truyền thống.
Từ những nền tảng đó, anh em nhà Tate đẩy mọi thứ đi xa hơn, pha trộn văn hóa thể hình và tinh thần tự hoàn thiện với chủ nghĩa chống nữ quyền, chủ nghĩa dân tộc cực đoan và thái độ bài bác các giá trị bình đẳng hiện đại.
Tất nhiên, không phải ai trong hệ sinh thái “alpha male” này cũng cực đoan về chính trị như họ. Nhưng nhiều người lại cùng chung một hình ảnh: cơ thể rắn chắc, lối sống kỷ luật, tinh thần sẵn sàng chiến đấu.
Ashton Hall, người khởi xướng trào lưu ngâm đầu trong nước lạnh tại Saratoga, cũng xây dựng hình ảnh theo mô hình đó. Liver King — một nhân vật khác — dựng nên hình tượng cơ thể đàn ông nguyên thủy cuồn cuộn, dựa trên triết lý “sống như tổ tiên.” Andy Frisella, tác giả chương trình 75 Hard khắc nghiệt, cũng chia sẻ cùng niềm tin: phải rèn luyện cơ thể, xây dựng tài sản và trui rèn ý chí để trở nên cứng rắn hơn.
Dù cách diễn đạt khác nhau, họ cùng chia sẻ một niềm tin: nam tính đang bị đe dọa, và chỉ bằng cách biến mình thành phiên bản mạnh mẽ nhất, người đàn ông mới có thể cứu rỗi các giá trị truyền thống. Với họ, cơ thể là tuyên ngôn cho sự tự chủ, còn slim fit là bộ giáp để phô diễn sức mạnh đó.
Làn sóng nam tính được trau chuốt kỹ lưỡng này thực chất là phản ứng trái ngược với những thay đổi trong xã hội hiện đại: định nghĩa về giới ngày càng linh hoạt, phong trào yêu lấy bản thân (body positivity) lên ngôi, và vai trò giới trở nên mờ nhạt.
Khi các ngôi sao như Harry Styles hay Lil Nas X mặc váy và thách thức định nghĩa truyền thống về giới, một phong trào đối nghịch cũng trỗi dậy để khôi phục "trật tự cũ." Họ tìm lại nguồn cảm hứng từ những hình mẫu nam tính xưa: sức mạnh của Sandow, vẻ ngạo nghễ của những lực sĩ bên bờ biển Venice, những bộ suit quyền lực của giới tài chính thập niên 1980, và cả những bộ đồ bó sát từng bị gán mác "metrosexual."
Ngày nay, sự ám ảnh với cơ bắp, kỷ luật và vẻ ngoài nam tính cổ điển chỉ là một chương mới trong vòng lặp lịch sử ấy.
Tương lai của phong cách nam tính này sẽ ra sao? Khi xã hội thay đổi — điều chắc chắn sẽ xảy ra — hình ảnh người đàn ông cũng sẽ thay đổi theo. Phong cách có thể đổi. Khẩu hiệu có thể đổi. Nhưng vai diễn thì vẫn còn: đàn ông sẽ tiếp tục khoác lên mình những hình ảnh mới, để tự trấn an trước một thế giới đầy bất ổn.
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/su-tien-hoa-cua-hinh-mau-nam-tinh-thoi-hien-dai-53080.html
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media