Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Kế hoạch trị giá chín tỉ đô la Mỹ nhằm chôn khí thải CO₂ kèm theo điều kiện hấp dẫn về kinh tế dù không thân thiện với môi trường cho người dân vùng Đại Bình nguyên nước Mỹ: Vùng này sẽ có thể tiếp tục khai thác dầu mỏ và than đá.
Ngôi nhà bỏ hoang nằm trong khu vực dự kiến lưu trữ carbon của Summit Carbon Solutions, phía Nam Beulah, North Dakota. Hình ảnh: Lewis Ableidinger.
Tác giả: Adam Willis với sự hỗ trợ từ Matthew Power Literary Reporting Aw
02 tháng 1, 2025 lúc 1:41 PM
Jason Erickson là người môi giới đất đai ở các trang trại miền tây tiểu bang North Dakota. Theo truyền thống, từ đó chỉ những người đứng ra làm trung gian cho dân khoan dầu độc lập muốn khoan thăm dò dầu khí trên đất tư nhân. Nhưng Erickson là kiểu môi giới mới, khác biệt, và ngược với kiểu cũ: Ông sẽ thu xếp các thỏa thuận để khí carbon dioxide làm khí quyển ấm lên – lên tới hàng trăm triệu tấn – được chôn sâu dưới lòng đất.
Gia đình Erickson đã tới sống ở North Dakota được bốn thế hệ, và mảnh đất đồng cỏ nhà ông vẫn còn lại di sản của những tổ tiên thời chiếm đất khai mở cơ nghiệp: Túp nhà lộng gió do ông cố ông xây lên, toa xe hàng được ông bà nội ông cải tạo làm nhà lúc mới cưới nhau. Một di chỉ gần đây hơn là một giếng sâu 1.950 mét mang tên Archie, ông nội ông, được đào cũng ở nơi ông bà Eriskson đã đậu xe ngựa để xác định ranh đất của mình gần một thế kỷ trước. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, giếng đấy sẽ được sử dụng để giám sát bể chứa ngầm khí CO₂ khổng lồ dưới lòng đất, có thể được chôn vĩnh viễn ở đấy.
Dự án chôn khí carbon này, mà Erickson lần đầu tiên đề xuất với láng giềng là hơn ba năm trước, sẽ là vào loại lớn nhất ở Mỹ, và là doanh vụ mạo hiểm trị giá 8,9 tỉ đô la của công ty Summit Carbon Solutions (trụ sở tại Iowa). Dùng kỹ thuật thu giữ carbon – mà tới gần đây là rất mới mẻ, và cơ bản không được dân môi trường ủng hộ, Summit muốn tập trung khí thải từ 57 nhà máy ethanol trong vùng để chôn sâu xuống hơn 1,6 km dưới lòng đất, dựa vào một khoản tín dụng thuế liên bang chi trả cho các công ty chuyên chôn khí CO₂.
Phần gây nhiều tranh cãi hơn trong kế hoạch của Summit là mạng lưới đường ống dài tổng cộng hơn 4.000 km Midwest Carbon Express. Bắt nguồn từ các nhà máy ethanol ở Iowa, đường ống này đi ngoằn ngoèo qua phía Bắc và phía Tây, thu thập khí thải ở các nhà máy lọc sinh học tại Nebraska và Minnesota trước khi vươn tới South Dakota rồi đến trạm cuối ở phía tây sông Missouri, bên dưới khu vực đồng cỏ vây quanh đất của Erickson. Kế hoạch xây dựng đường ống gây bất mãn với các nông dân, người tranh đấu cho môi trường, và những người bảo vệ quyền của chủ đất trong vùng, dẫn tới liên minh dân túy đe dọa sẽ ngăn chặn toàn bộ dự án.
Tuy nhiên, ở điểm cuối của đường ống, trên những trang trại mà đất đai bên dưới, Summit hy vọng sẽ là nơi chôn CO₂, kế hoạch về cơ bản được ủng hộ. Thật ra, một số người thậm chí coi đó là cách để bắt thời gian ngừng lại. Với North Dakota, nơi nền kinh tế phụ thuộc chặt chẽ vào dầu mỏ và than đá, quá trình dịch chuyển sang nhiên liệu sạch hơn là mối đe dọa sinh tồn. Nếu các kế hoạch như của Summit hiệu quả, năng lực chôn carbon của vùng được chứng minh, thì cuộc sống ở đây về cơ bản có thể tiếp tục như đã từng suốt bao thập kỷ qua.
“Tôi không nói là chúng tôi sẽ cứu hành tinh,” Erickson nói. “Tôi chỉ muốn duy trì ngành nhiên liệu hóa thạch, và với tôi đây là cách chúng tôi sẽ làm.”
Erickson lực lưỡng, vai rộng, và ăn nói dễ nghe. Ông rời trang trại khi lớn lên để làm việc trên những cánh đồng dầu hơn hai chục năm, trong thời đỉnh cao của cơn sốt dầu đá phiến ở North Dakota, nhưng rồi trở về nhà cùng đàn bò vài năm trước. Giờ 54 tuổi, ông có gương mặt mềm mại, thân thiện, và giọng vùng Bình nguyên nặng tới mức gần như giọng Ireland. Đấy đều là những phẩm chất cần thiết cho công việc với Summit. Hợp đồng thuê được bàn thảo quanh chai bia và những món ăn của vùng thảo nguyên.
Công việc có thể rất nặng nhọc. Vào thời đầu của dự án, Erickson và một nhóm nhỏ những người làm cho Summit – chủ yếu là hàng xóm và bạn học cũ của ông – có lúc làm 20 tiếng mỗi ngày để phủ kín các hợp đồng thuê chỗ trữ khí carbon trong vùng, những thỏa thuận giờ đã bao gồm một diện tích đất lên tới hơn 58 ngàn héc-ta. Erickson thường đi hàng trăm dặm mỗi ngày trên những con đường ngang dọc quanh nhà. Ông trình bày ý tưởng của Summit với láng giềng ở lối lái xe lên nhà họ, cạnh máy kéo và bên bàn ăn. Ông thích nói chuyện trực tiếp, “theo lối cao bồi,” theo lời vợ ông Angie nói.
Hàng xóm của ông, một người bạn được Erickson chiêu mộ vào nhóm Summit ban đầu, nhớ lại rằng Erickson sẽ ghé nhà bà mỗi ngày vài lần để đưa hợp đồng rồi lại lên đường, tới một nhà khác. Sức hấp dẫn từ tính cách điềm đạm kiểu Dakota của ông không hề thay đổi. Nhưng ông nói với bà rằng nếu bị mời ăn thêm một chiếc bánh cuộn caramel nữa, chắc ông sẽ phát điên.
Trong tất cả các giải pháp về khí hậu mà nước Mỹ đang có trong tay, thu giữ carbon có lẽ là gây chia rẽ nhất. Phe cánh tả về môi trường, ở những tổ chức như Sierra Club và Food & Water Watch, cho rằng phương pháp này đắt đỏ, có thể nguy hại, được thiết kế chỉ nhằm kéo dài tuổi thọ của các loại năng lượng kiểu cũ như ethanol, than đá và dầu mỏ. Trong khi đó, một số người bên phe hữu ghét phương pháp này vì lý do hoàn toàn khác: Họ vẫn tin rằng vấn đề không phải là biến đổi khí hậu.
Nhưng từ tuyên bố vào tháng 2.2021, dự án Midwest Carbon Express có vẻ được tất cả những ai quan trọng trong vùng ủng hộ. Công ty mẹ của Summit, Summit Agricultural Group, có chủ tịch là Bruce Rastetter, đại gia ngành chăn nuôi heo và ethanol từng được Politico gọi là “người tạo vương đích thực của Iowa.” Harold Hamm, người liên lạc với ngành dầu mỏ của Tổng thống đắc cử Donald Trump và dân khai thác dầu độc lập được vinh danh là người tiên phong trong mảng dầu đá phiến ở North Dakota, là người đầu tư sớm sủa qua công ty của ông, Continental Resources. Người vận động hành lang hàng đầu cho Summit là cựu chánh văn phòng của thống đốc Iowa, Kim Reynolds, vốn thường xuyên nhận đóng góp của Rastetter, và cựu thống đốc Iowa, Terry Branstad, đang làm cố vấn chính sách cho công ty.
Trong những người ủng hộ dự án, ít ai nhiều khát vọng như thống đốc hai nhiệm kỳ của North Dakota, Doug Burgum. Là cựu giám đốc Microsoft, Burgun ám ảnh với công nghệ thu giữ carbon và mang tới nhiệt tình của dân khoa học cho khung cảnh chính trị còn thô ráp của tiểu bang. Ông đã trở thành người truyền bá số một cho công nghệ này ở North Dakota.
Nhiệt tình của Burgum bộc lộ rõ nhất ở một hội thảo của ngành dầu mỏ hơn ba năm trước tại Bismarck. Phát biểu trước chủ tịch Viện Dầu khí Mỹ, vị thống đốc đã gây bất ngờ khi kêu gọi cử tọa gồm toàn dân dầu mỏ giúp tiểu bang của ông trở thành nơi phát thải carbon trung hòa vào năm 2030. Thời hạn chót đó thậm chí còn sớm hơn các mục tiêu khí hậu của chính quyền Tổng thống Joe Biden (2050), của Thụy Điển (2045) và của tiểu bang California (2045).
Nhưng Burgum cũng đảm bảo với cử tọa rằng con đường đi tới trung hòa carbon của North Dakota không cần loại bỏ dầu mỏ, khí đốt hay than đá. Ông tiên đoán tiểu bang này có thể trở thành nơi nhập khẩu quy mô lớn khí carbon dioxide, với khối lượng còn lớn hơn so với lượng khí mà ngành dầu mỏ và than đá của họ thải ra. Burgum đề xuất North Dakota thậm chí có thể trở thành tiểu bang “carbon âm” đầu tiên của nước Mỹ, khi khí gây hiệu ứng nhà kính không chỉ bù đắp, mà còn tiếp thêm sinh lực cho ngành sản xuất dầu, nhờ quy trình “thu hồi dầu mỏ tăng cường.”
Kỹ thuật này bao gồm bơm khí CO₂ xuống giếng để tạo ra thêm dầu mỏ, vốn đã được triển khai ở các giếng dầu thông thường được nhiều thập kỷ, nhưng hoàn thiện cách làm này ở các khu khai dầu đá phiến như tại North Dakota, theo lời Burgum, mới là “phần thưởng lớn nhất.” Giới quản lý ở North Dakota ước tính kỹ thuật thu hồi dầu mỏ tăng cường có thể giúp tăng gấp đôi trữ lượng khai thác được của tiểu bang này và kéo dài thời gian khai thác với các cánh đồng dầu ở đây thêm hai thập kỷ.
Ý tưởng thu thập khí thải chỉ để bơm thêm dầu lên là phạm húy với dân bảo vệ môi trường. Nhưng từ khi Burgum vạch ra tầm nhìn đấy vào mùa Xuân năm 2021, kỹ thuật bắt và lưu trữ carbon đã đóng vai trò ngày càng quan trọng, dù còn gây tranh cãi, trong thảo luận về chính sách khí hậu của Mỹ. Cũng trong năm đó, dự luật hạ tầng được lưỡng đảng thông qua phân bổ 12 tỉ đô la cho công nghệ thu giữ carbon. Đạo luật giảm lạm phát, cũng là đạo luật khí hậu lịch sử của chính quyền Biden, cải cách và mở rộng khoản tín dụng thuế liên bang cho hoạt động lưu trữ carbon, tăng khoản chi trả từ chính quyền liên bang cho mỗi tấn CO₂ được chôn, từ 50 lên 85 đô la. Nếu khí CO₂ bắt được là trực tiếp từ không khí, mức chi trả còn lớn hơn, lên tới 180 đô la một tấn. Năm 2022, bộ Năng lượng của ông Biden đã dành ra 3,5 tỉ đô la vốn mồi để tạo ra ngành thu thập CO₂ trực tiếp từ khí quyển. (Ý tưởng cơ bản là dùng những chiếc quạt khổng lồ.) Tháng Mười vừa rồi, Văn phòng Quản lý năng lượng hóa thạch và carbon của bộ Năng lượng, hiện dưới quyền một giám đốc dân North Dakota gốc, đã chi ra khoảng nửa tỉ đô la cho nỗ lực lưu trữ carbon trên cả nước, bao gồm gần 50 triệu đô la ủng hộ một nhà máy than đá đang tìm cách “khử carbon” ở gần trang trại của Erickson.
Ngành này đang vững bước tiến lên. Vào cuối năm 2021, Exxon Mobil đã tham gia đấu giá khoảng 100 giếng trữ khí ở vùng nước cạn trên vịnh Mexico, dấu hiệu cho thấy họ quan tâm nghiêm túc đến hoạt động trữ carbon dưới đáy biển. Năm ngoái, Exxon mua lại hãng chuyên hoạt động trong lĩnh vực ngách này ở Texas, Denbury, với giá 4,9 tỉ đô la, nhờ vậy đã có lợi thế tiên phong với công nghệ thu hồi dầu tăng cường, đồng thời sở hữu kho đường ống khí CO₂ lớn nhất nước. Theo báo Wall Street Journal, các hãng dầu lớn đã đầu tư mạnh tay vào ngành này tới mức họ cảnh báo chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Donald Trump là không được đảo ngược đạo luật giảm lạm phát, nhất là những phần về khí hậu trợ cấp cho công nghệ thu bắt và loại bỏ carbon. Exxon dự kiến thị trường thu bắt và chôn khí CO₂ sẽ tăng vọt lên nhiều ngàn tỉ đô la trong vài thập kỷ tới.
Giới khoa học khí hậu vẫn có quan điểm khác nhau về kỹ thuật thu giữ carbon trong tham vọng khử carbon của Mỹ. Tuy nhiên, họ nói chung nhất trí rằng Mỹ cần trung hòa khí thải mà không sử dụng công nghệ đấy ở quy mô đáng kể. Bộ Năng lượng dự báo tới năm 2050, Mỹ sẽ cần thu thập từ 400 tới 1.800 triệu tấn khí CO₂ mỗi năm, tức hơn 80 lần so với hiện tại.
Câu hỏi là cất lượng khí đó ở đâu.
North Dakota là một trong số ít nơi ở Mỹ với các dự án thu giữ carbon đang tăng trưởng. Không hề ngẫu nhiên, họ là một trong chỉ ba tiểu bang được chính quyền liên bang cho phép tự xử lý hoạt động cấp phép chôn carbon thay vì phải dựa nhiều vào quy trình lâu hơn nhiều ở Cục Bảo vệ môi trường (EPA). Hai tiểu bang kia là Wyoming, nơi đang tìm cách buộc các công ty dịch vụ công ích đầu tư vào kỹ thuật thu giữ carbon để kéo dài hoạt động của các nhà máy than (và là nơi một trong những doanh nghiệp khử carbon lớn nhất thế giới mới đóng cửa gần đây) và Louisiana, mới được chính quyền liên bang cho phép vào tháng 1.2024, nhưng gặp nhiều phản đối trong cộng đồng dân cư. Quyền cấp phép độc lập của North Dakota cho phép họ thông qua tám giếng trữ carbon khác nhau kể từ năm 2021, chưa kể ba khu mới của Summit, hiện đang trong giai đoạn khảo sát. Trong 47 dự án tương tự ở các tiểu bang khác, EPA mới chấp thuận cho hai dự án.
Với Burgum (đang có tin đồn ông là ứng viên cho vị trí mới trong chính quyền Trump về năng lượng, thúc đẩy nhiên liệu hóa thạch và cắt giảm quy định ở hàng loạt cơ quan), tình hình có vẻ như những ai sống ở ngoài North Dakota cuối cùng đều đã thấy triển vọng của công nghệ thu giữ carbon. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với chúng tôi, ông nói rằng ngoài chôn CO₂ để giảm khí thải, công nghệ này còn có thể thúc đẩy kinh tế phát triển bùng nổ ở North Dakota. Lấy ví dụ, các công ty có thể đặt các nhà máy hóa dầu và trung tâm dữ liệu vốn tốn rất nhiều điện ở bang này, với động cơ khí thải từ đó sẽ được lưu trữ hoặc bán lại. Ông thậm chí nói tới việc bơm khí CO₂ vào nhà kính để trồng cây ăn trái vào mùa Đông. Vị thống đốc hai nhiệm kỳ năm nay không tranh cử, và dù một số dự án năng lượng đáng chú ý mà ông đã lôi kéo về cho North Dakota tới nay đều thất bại hoặc gặp khó khăn, ông nói hy vọng của ông với công nghệ thu giữ carbon ngày nay thậm chí còn lớn hơn so với ba năm trước. Ông tuyên bố rằng kể từ đó, lượng đầu tư tư nhân được cân nhắc đổ vào North Dakota đã tăng vọt lên 60 tỉ đô la.
Burgum và những người ủng hộ thấy những ai phản đối giải pháp rõ ràng như vậy đều thật ngớ ngẩn. Họ lập luận rằng nhiên liệu hóa thạch có gì xấu chứ, nếu không còn phát ra carbon? Và có gì sai với một hệ thống lưu trữ có thể giúp North Dakota tiếp tục khai thác và đốt hydrocarbon một thời gian dài nữa sau khi nước Mỹ đã chuyển sang năng lượng sạch hơn?
Burgum hay nói rằng ngày nay những người trẻ đã được dạy rằng carbon là “nguyên tố ác quỷ trên bảng tuần hoàn.” Nhưng North Dakota đã “đào trúng mỏ vàng” – họ may mắn có trữ lượng dầu và than đá dồi dào, cùng lòng đất không đáy để lưu trữ phụ phẩm từ đấy. Vị thống đốc thường dẫn ra tính toán của các nhà địa chất học đại học North Dakota cho thấy lòng đất của tiểu bang này đủ chỗ để hấp thu lượng khí thải carbon từ năng lượng tương đương 50 năm phát thải ở Mỹ.
“Chúng tôi sẽ nhận hết khí CO₂ mà mọi người chuyển đến đây,” Burgum nói.
Dòng chảy của các sông băng cổ xưa qua vùng thượng Đại Bình nguyên đã san phẳng nửa đông North Dakota thành một thung lũng phi nhiêu, trong khi phía tây – được phân ranh đại khái dọc sông Missouri – là những đồi núi, rãnh đá và vực sâu. “Bản đồ lẽ ra phải gập ở đây,” John Steinbeck viết như vậy về dòng Missouri trong cuốn Travels With Charley. “Nơi đấy là ranh giới giữa miền đông và miền tây.”
Bên dưới mặt đất cũng tương tự. Vùng trũng ngầm bồn địa Williston trải rộng bên dưới North Dakota, cạn ở phía đông và sâu dần ở phía tây. Chính những đặc điểm đã lưu giữ dầu mỏ ở bồn địa này từ bao đời giờ đang khiến vùng đấy trở nên thật hứa hẹn với hoạt động chôn carbon, theo Charles Gorecki, CEO của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và môi trường, đại học North Dakota. Từng có thời thuộc bộ Năng lượng, phòng thí nghiệm của Gorecki hiện sử dụng hơn 200 người ở học khu sang chảnh tại Grand Forks. Tổ chức này đã dẫn dắt hầu hết hoạt động nghiên cứu công nghệ thu giữ carbon trong vùng và thường hợp tác chặt chẽ với ngành năng lượng North Dakota cùng giới lãnh đạo Cộng hòa.
Quy trình đưa CO₂ vào lòng đất không quá phức tạp. Như Gorecki mau mắn chỉ ra, các công ty năng lượng đã làm điều đó ở quy mô nhỏ hơn suốt nhiều thập kỷ nhằm tăng sản lượng dầu: Dẫn khí thải từ nhà máy điện hay nhà máy sản xuất qua một loạt bể chứa; dùng nhiệt và hóa chất để tách CO₂; tăng áp suất để ngưng tụ khí nhà kính thành trạng thái gần như lỏng; vận chuyển khí đấy bằng xe tải, tàu thuyền, hoặc đường ống, đến một giếng giống như giếng dầu; rồi bắn nó xuống lòng đất.
Các công ty muốn thu giữ carbon khẳng định khí CO₂ sẽ ở trong lòng đất vĩnh viễn. Nhưng vĩnh viễn thì lâu lắm. Các kho trữ khí CO₂ dạng này chưa nơi nào được thử nghiệm đủ lâu ở quy mô mà giới khoa học nhận định là cần thiết để đảo ngược biến đổi khí hậu, và nếu dự báo sai, thì hệ quả sẽ là chết chóc. Khí CO₂ được lưu trữ, vốn chịu áp suất lớn dưới lòng đất, có thể htoats ra – như từng xảy ra gần đây ở dự án trữ khí tại Illinois – và đi ra ngoài qua một giếng dầu cũ. Một khả năng đáng sợ hơn nữa là sai sót ở khu vực bơm khí xuống lòng đất. Vì khí CO₂ nặng hơn không khí, nó sà xuống thấp, tới những nơi nó có thể khiến con người và gia súc ngạt thở. Những người phản đối hay kể câu chuyện về thảm họa ở hồ Nyos, Cameroon, vào năm 1986, khi vì lý do còn chưa rõ, hồ núi lửa này nổ tung và tỏa ra lượng khí CO₂ cực lớn. Loại khí độc này tràn xuống mặt đất, gây ngạt cho dân làng khi họ đang ngủ, khiến hơn 1.700 người chết. Thảm kịch này là cơ sở cho bộ phim thảm họa năm 2010 CO₂, bộ phim đã tiên đoán trước khá chính xác cuộc tranh luận chính trị về kỹ thuật thu giữ carbon ngày nay.
Dẫu vậy, kịch bản như vậy có vẻ là khó xảy ra ở North Dakota, nơi địa chất có nhiều vành đai bảo vệ. Hầu hết các doanh nghiệp muốn chôn CO₂ ở North Dakota nhắm tới tầng địa chất sâu 1,6 km bên dưới mặt đất, nơi các đụn cát cổ xưa giờ có địa hình đá cát xốp tên gọi Broom Creek. Giống như nước trong một miếng bọt biển, khí CO₂ cô đặc sẽ trải rộng ra khắp mảng Broom Creek. Lớp đá phiến ở trên địa hình này sẽ đóng vai trò lớp trần. Nhiều lớp đá không thẩm thấu nữa ở trên lớp đó có thể đóng vai trò lớp bảo vệ phòng ngừa. Cuối cùng, có thể là sau hàng trăm năm, khí CO₂ được chôn sẽ cứng lại thành đá, trở thành một phần của trái đất.“Lập luận đấy đã luôn là như vậy, không thể biết chắc 100%” chuyện gì sẽ xảy ra với các địa hình ngầm, theo Richard Suggs, nhà địa chất học ở khoa tài nguyên khoáng sản, đại học North Dakota. Nhưng giới địa chất học cũng dựa vào các kiểu mô hình hóa và dự báo tương tự để tìm hiểu hành vi của dầu và khí đốt suốt nhiều thập kỷ. Và ở nơi Summit muốn chôn khí thải, có ít chỗ để khí CO₂ thoát ra hơn, vì mặt đất chưa bị cắt xẻ nhiều bởi các giếng dầu củ như những đất đai xa hơn về phía tây.
Có lẽ đáng lo ngại hơn là hệ thống đường ống cần thiết để đưa CO₂ tới nơi lưu trữ khả dĩ. Ngày nay nước Mỹ có hơn tám ngàn km đường ống khí CO₂, con số thường được những người ủng hộ kỹ thuật thu giữ carbon dẫn ra để nhấn mạnh mức độ an toàn của công nghệ này. (Hạ tầng đấy hiện chủ yếu được sử dụng để tăng sản lượng dầu khai thác, bao gồm một đường ống đã dẫn khí CO₂ cô lập từ ngay phía Bắc nhà Erickson tới các cánh đồng dầu Saskatchewan được gần 25 năm.) Dẫu vậy, mạng lưới vận tải khí carbon ngày nay chỉ là một phần nhỏ của hệ thống hơn 154 ngàn km mà bộ Năng lượng Mỹ dự kiến cần xây dựng để đáp ứng mục tiêu phát thải net zero. Và trong khi ống dẫn khí CO₂ chưa làm ai chết ở Mỹ, nhà chức trách liên bang đã theo dõi được trung bình khoảng bốn sự cố với đường ống CO₂ mỗi năm kể từ năm 2004, theo một báo cáo gần đây.
Sự cố nghiêm trọng nhất là vào bốn năm trước ở gần thị trấn Satartia, Mississippi, khi đường ống bị vỡ, khiến cả vùng ngập trong khí CO₂. Vài chục người đã phải nhập viện, bị chóng mặt, khó thở, thậm chí là ngất xỉu. Năm ngoái, một vụ rò rỉ cũng đường ống đấy đã khiến hơn 370 ngàn lít khí CO₂ ở một giáo xứ vùng Tây Nam Louisiana, khiến cư dân phải sơ tán trong quá trình sửa chữa đường ống.
Ngoài vấn đề an toàn, kỹ thuật thu giữ carbon vẫn còn nhiều vấn đề về mặt chi phí. Những nỗ lực như của Summit đều là trái thấp dễ hái, vì hút khí CO₂ từ nhà máy lọc ethanol hiệu quả và tương đối rẻ. Dự án Summit có lợi nhuận thậm chí từ trước khi đạo luật giảm lạm phát tăng gần gấp đôi tiền chi trả cho lưu trữ carbon.
Tuy nhiên, điều chỉnh công nghệ này cho các hoạt động nhiên liệu truyền thống khác có thể hết sức đắt đỏ. Nhà máy điện than ở gần nhà Erickson đã lưỡng lự nhiều năm với một dự án thu giữ carbon trị giá hai tỉ đô la, dù nhà máy này nằm ngay trên khu vực địa chất lý tưởng để chôn khí thải, và bất chấp các cam kết tiểu bang và liên bang trị giá hàng trăm triệu đô la cho dự án. Nếu dự án được triển khai, quy trình sẽ làm giảm mạnh sản lượng của nhà máy, trong khi một phần khí CO₂ vẫn thoát ra ngoài khí quyển. (Minnkota Power Cooperative, công ty công ích đang tìm hiểu kế hoạch này, nói trong email gửi chúng tôi rằng hệ thống sẽ bắt được khoảng 74% khí thải từ nhà máy.) Nhiều nỗ lực quy mô lớn trên thế giới cũng gặp khó khăn tương tự. Doanh nghiệp mạo hiểm trị giá nhiều tỉ đô la chuyên về thu giữ carbon ở Úc, do Chevron vận hành (cũng là công ty tiên phong với dự án bơm CO₂ thương mại đầu tiên hơn 50 năm trước) trục trặc suốt nhiều năm vì vấn đề kỹ thuật. Gần đây, nhà máy đã cô lập được không tới một nửa lượng CO₂ so với công suất dự kiến.
Gorecki, CEO của trung tâm nghiên cứu ở đại học North Dakota, cho rằng tiến bộ công nghệ sẽ từ từ khiến kỹ thuật thu giữ carbon trở thành giải pháp hấp dẫn hơn cho khí nhà kính. Giống như Burgum, ông chỉ ra lợi ích tiềm tàng với năng suất dầu của North Dakota. Hàng tỉ thùng dầu dưới lòng đất tiểu bang này hiện vẫn không thể đụng tới nếu như không có một lượng lớn khí CO₂ được bơm vào để khai thác. Khi giới khoa học đang kêu gọi giảm phát thải carbon trên toàn cầu, Gorecki nói North Dakota lại khác. “Chúng tôi đang đói,” ông nói với tôi. “Nghe thì buồn cười, nhưng chúng tôi không có đủ carbon dioxide.”
Theo tác giả Clay Jenkinson, gần như suốt lịch sử, North Dakota chỉ tồn tại ở ngoài lề nhận thức Mỹ. Thành công kinh tế của tiểu bang này (nhờ “nuôi sống và cung cấp năng lượng cho cả thế giới,” như câu khẩu hiệu của họ) xoay quanh cuộc tranh đấu giữa dân bản xứ với ảnh hưởng của những người bên ngoài vốn luôn nghĩ ra những cách mới mẻ để khai thác vùng Đại Bình nguyên. Một số dân North Dakota hiện vẫn chưa hết bực dọc với đề xuất của hai học giả vào cuối những năm 1980 đòi dọn trống vùng đất mênh mông ở Đại Bình nguyên để biến nó thành “khu bảo tồn bò bison,” tức nơi để giống bò biểu tượng của Bắc Mỹ sinh sôi.
Tôi thấy rằng địa vị bên lề này về cơ bản lại là điều đáng chào đón. Logic ở đây là chừng nào mà nước Mỹ còn không quan tâm tới hai tiểu bang Dakota, thì cuộc sống ở đó vẫn còn có thể diễn ra như từ trước tới giờ. Nhưng tình trạng cô lập của tiểu bang này có vẻ đang bị thách thức trong nền kinh tế khí hậu mới.
Như một số lãnh đạo của North Dakota chỉ ra, chuyện một người tin hay không tin ở biến đổi khí hậu không còn là vấn đề nữa. “Mọi người có thể không nhất trí về chuyện biến đổi khí hậu có thật không,” dân biểu hạ viện tiểu bang theo phe Cộng hòa Anna Novak nói với tôi. “Nhưng thật không may, tôi nghĩ chúng ta đã lạc lối trong cuộc tranh cãi đó.” Chúng tôi trò chuyện trong một tiệm cà phê gần nhà Novak ở thị trấn vùng khai thác than Hazen. Novak, người nghi ngờ khoa học về biến đổi khí hậu, xuất thân từ gia đình thợ mỏ; bà được bầu vào cơ quan lập pháp năm 2022 sau khi lớn tiếng phản đối việc đóng cửa nhà máy điện chạy than lớn nhất tiểu bang, Coal Creek Station, khu phức hợp khổng lồ công suất 1.150 megawatt. Bà là quản trị viên trang Facebook Faces of North Dakota Coal (Những khuôn mặt ngành than North Dakota), vừa là nhóm cộng đồng, vừa là nền tảng chống các loại năng lượng tái tạo. Các thành viên trong nhóm hay nói rằng điện sản xuất ra ở nhà máy Coal Creek Station (được chính quyền Burgum giải cứu trong kế hoạch nhiều tỉ đô la nhằm bắt và chôn khí thải CO₂) đi xuống một đường dây ngầm ra khỏi tiểu bang, giúp thắp sáng cho những dân tự do ở Minneapolis.
“Có lẽ là ba năm qua, tôi nhận ra rằng nếu chúng tôi không thích nghi, sẽ có người quyết định thay chúng tôi,” Novak nói. Nhưng theo ý bà, điều đó không có nghĩa là chấm dứt những nguồn nhiên liệu như than đá, dù cho giới bảo vệ môi trường có trông đợi gì. Theo bà, kỹ thuật thu giữ carbon đã mở ra cho North Dakota một con đường khác, một cơ hội để “đánh bại họ trên chính sân chơi của họ.”
Gần như ai trong vùng này cũng có gia đình sống gần các mỏ than hay nhà máy điện, và thành công của công nghệ thu giữ carbon có thể giúp họ giữ lại công ăn việc làm.
Burgum thường tránh diễn giải chính xác quan điểm của ông về biến đổi khí hậu. Tốt nghiệp thạc sĩ kinh doanh đại học Stanford với các đối tác bao gồm tỉ phú vận động cho khí hậu rất quyết liệt Bill Gates, vị thống đốc nói ông ủng hộ đường ống của Summit thuần túy “vì vấn đề thị trường” và “không liên quan gì tới biến đổi khí hậu.” Làm thống đốc có nghĩa là ông phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chứ không phải “chọn phe theo ý thức hệ” về biến đổi khí hậu, theo lời ông nói với tôi. Dù khí thải có đang làm hành tinh ấm hơn không, thì Burgum vẫn coi CO₂ là cơ hội.
Vì vậy vào tháng 8.2023, khi cơ quan quản lý dịch vụ công ích tiểu bang giáng đòn đầu tiên vào đường ống của Summit, đó là một cú sốc lớn. Suốt nhiều tháng, giới phản đối kỹ thuật thu giữ carbon đã đổ về ngồi chật kín các buổi điều trần về đường ống này ở tiểu bang từ khắp nơi trong vùng, biến đơn xin cấp phép thành chiến tuyến mới cho cuộc chiến giành quyền kiểm soát đất đai miền Trung Tây. An toàn của đường ống CO₂ và khả năng sử dụng quyền thu hồi đất nhằm đẩy nhanh dự án trở thành vấn đề cấp bách với giới chủ đất miền Trung Tây. Với công ty Summit vốn nhiều quan hệ chính trị, những đám đông đấy có vẻ chỉ là sự phiền toái nho nhỏ. Rồi trong sự ngạc nhiên của cả hai phe, Ủy ban Dịch vụ công ích North Dakota từ chối cấp phép cho 514 km đường ống mà công ty dự định xây dựng ở tiểu bang, với lý do thiếu thông tin về tác động lên các khu vực nhạy cảm về văn hóa, thiên nhiên và địa chất, đồng thời đặt nghi vấn với lý do công ty phản đối quá quyết liệt các tuyến ống thay thế. Phán quyết đó không khác gì một cơn địa chấn, bởi cơ quan này thường nói chung là thân thiện với doanh nghiệp (và các đường ống). Sau quyết định ở North Dakota, kết quả cũng là tương tự ở những khu vực khác, đầu tiên là South Dakota, rồi sau đó là một hạt ở Đông Bắc Nebraska.
Giới chủ đất không ưa đường ống là chuyện không có gì mới, nhưng kế hoạch cô lập carbon ở vùng Trung Tây đã dẫn tới tình hình lạ lùng: Liên minh giữa những người bác bỏ biến đổi khí hậu và giới tranh đấu cho môi trường. Mối quan hệ hợp tác bất ngờ này có chung nỗi lo là quyền thu hồi đất của nhà nước, nhưng cũng đã dẫn tới nhiều lúng túng cho hai bên. Eliot Huggins, cho tới gần đây là người tổ chức ở Hội đồng Tài nguyên Dakota, một trong vài nhóm môi trường có trụ sở ở North Dakota, thông báo với tôi rằng một trong những đối tác của ông trong cuộc chiến chống Summit tuyên bố mình có bạn bè trong nhóm bán vũ trang cánh hữu Oath Keepers. Có lần qua điện thoại, người này thề “sẵn sàng cho cuộc chiến đổ máu” và nói đã huy động hàng chục ngàn người nổi dậy nhằm ngăn chặn đường ống, theo lời Huggins. “Nhưng đồng thời cũng trong câu đó, anh ta nói cảm ơn tôi rất nhiều vì những gì tôi đã làm.”
Những người phản đối đường ống khác thì rất dễ nghe theo các thuyết âm mưu, chẳng hạn như chuyện có vốn Trung Quốc trong dự án Summit. “Trung Quốc đang có kế hoạch 100 năm tiếp quản cả nước Mỹ. Hiện đang là năm 71,” dân biểu thượng viện tiểu bang theo phe Cộng hòa Jeff Magrum nói với tôi ráo hoảnh vào một sáng nọ sau phiên điều trần về Summit ở Bismarck. Cuộc đụng độ ở tiểu bang Nevada giữa Cục Quản lý đất đai Hoa Kỳ về trang trại gia súc của gia đình Bundy 10 năm trước cũng “được nhắc tới nhiều” trong cuộc chiến hiện tại, theo mục sư cánh hữu người South Dakota Matthew Monfore. “Phải rất cẩn trọng” để tránh được quyết định vội vã hay bạo lực. Đồng thời, nếu đường ống được thông qua, “thì ta đã bầu ra những nhà lãnh đạo không hề bảo vệ ta, đúng không?” ông nói. “Ai cũng nghĩ như vậy.”
Dù hình thành nên những liên minh lạ lùng và những ý tưởng còn bên lề, mối quan hệ hợp tác chống thu giữ carbon này tỏ ra có tiềm năng chính trị. Vào tháng Tư, Đảng Cộng hòa North Dakota chỉ còn thiếu hai phiếu là thông qua được nghị quyết lên án nỗ lực thu giữ carbon ở tiểu bang này là “chủ nghĩa phát xít” đánh vào “tiền đề sai lạc là tận thế khí hậu đã tới gần.” (Dù Burgum kỹ lưỡng xác định mình là người theo Trump trên sân khấu chính trị quốc gia, và từng chạy đua để thành phó tổng thống liên danh với ông, vị thống đốc có quan hệ khá căng thẳng với phe hữu đảng Cộng hòa ngay ở quê nhà.)
Ở South Dakota, kỳ bầu cử sơ bộ Cộng hòa năm nay là thảm kịch với các dân biểu đương chức, 14 người đã thất cử, kết quả mà trang tin South Dakota Searchlight giải thích một phần là do phản ứng ngược với lập trường Cộng hòa truyền thống về đường ống. Một số người Cộng hòa mất ghế đã ủng hộ dự luật có cái tên dễ gây nhầm lẫn “Dự luật quyền chủ đất,” nằm trong gói nhượng bộ để mở đường cho đường ống Summit. Nhờ kiến nghị của những người phản đối đường ống, dự luật đã được trình cho các cử tri South Dakota trong cuộc trưng cầu dân ý tháng 11.2023, và họ đã bác bỏ nó.
Hy vọng gặp được một số chủ đất bảo thủ trở thành ngọn cờ đầu cho phong trào chốc thu giữ carbon, một ngày tháng 7.2024, tôi đã lên đường từ Bismarck đi dự hội nghị của những người phản đối đường ống ở Iowa. Chuyến đi đưa tôi qua đúng xứ sở mà đường ống của Summit có thể sẽ một ngày nào đó xuất hiện.
Khi tôi tới khách sạn Best Western ở Fort Dodge, Iowa, một tấm biển trên bãi đậu xe xác nhận tôi đã tới đúng chỗ. “KHÔNG ĐƯỢC THU HỒI ĐẤT,” tấm biển viết. “KHÔNG ĐƯỢC XÂY ĐƯỜNG ỐNG CARBON CHẾT CHÓC.” Bên trong khách sạn, vài trăm người đang chờ đợi. Trên một quầy bên ngoài phòng họp, khách thăm có thể xem qua chồng tạp chí The New American, với những dòng tít như “Tôn giáo thế giới mới của Liên Hiệp Quốc,” “Tiên đoán sai về biến đổi khí hậu” và “Nghị trình ESG của Biden.” Hoặc họ có thể mua cuốn hồi ký của một trong những người tổ chức sự kiện, cựu hạ nghị sĩ Iowa sau này sa ngã Steve King.
Hội nghị bàn nhiều về vấn đề chiến lược hơn là vận động chính trị. Các dân biểu từ North Dakota, South Dakota và Iowa góp mặt, so sánh phương pháp hành động trong các phiên họp mà đề xuất về đường ống carbon phải tranh giành sự chú ý với các dự luật về cuộc chiến văn hóa. Một nông dân người South Dakota đang kiện Summit ra tòa, Jared Bossly, cằm bạnh, tóc màu bạc kiểu cá đối, khiến đám đông rúng động bằng tuyên bố bác bỏ cáo buộc ông đã dọa giết những người trắc đạc của công ty trên đất mình. King phát biểu kêu gọi các chủ đất chống lại đường ống trong cuộc họp của hội đồng hạt, trước giới quản lý, và ở cả tòa án. “Đừng bỏ qua trận chiến nào,” ông hối thúc. “Hãy chiến đấu hết sức mình.”
Gần cuối ngày hôm đó, Trent Loos, chủ kênh radio và chủ trang trại gia súc thế hệ thứ sáu người Nebraska, bước lên trước cả căn phòng. Là người bảo vệ quyền của chủ đất lâu đời và cố vấn nông nghiệp trong nhiệm kỳ đầu của Trump, Loos coi như là ngôi sao trong giới bảo thủ làm nông này. Ông có vẻ ngoài rất điển hình: Ria mép kiểu hải cẩu, khăn buộc cổ màu cam, nón cao bồi rộng vành.
Giống như những người đã phát biểu trước, Loos nhấn mạnh vấn đề thu hồi đất và nguy cơ sống gần đường ống CO₂. Theo lời Loos, đường ống của Summit là sản phẩm của âm mưu chiếm đoạt đất đai đứng đằng sau là bọn theo chủ nghĩa toàn cầu, và nhà nước bóng tối, mà cội rễ nằm ở tận Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, khác với những người phát biểu trước, ông đưa ra cơ sở môi trường cho lý luận phản đối kỹ thuật thu giữ carbon của phe hữu khi cảnh báo cử tọa về “lời dối trá trắng trợn”: Rằng khí thải do con người tạo ra tích tụ lại trong bầu khí quyển đang làm hành tinh ấm lên. “Tôi lo nhất là về lời dối trá liên quan tới khí nhà kính, vốn cải thiện sức khỏe của hành tinh mỗi ngày,” ông nói, “và người ta lại đang nói là chúng ta phải nhốt những khí này lại.”
Khi rời Fort Dodge, tôi thấy sốc bởi thái độ không nhân nhượng của đám đông. Ranh giới giữa những người cùng gắn bó với các nguồn năng lượng truyền thống có vẻ thật sâu sắc. Nhiều người ủng hộ dầu mỏ và than đá tôi gặp ở North Dakota đã trở thành người rao giảng nhiệt tình nhất cho công nghệ thu giữ carbon, ngay cả khi họ không sẵn sàng thừa nhận khí CO₂ họ muốn bắt lại đang làm biến đổi khí hậu. Gần như tất cả những ai tôi gặp ở Fort Dodge đều là người thuần thành phản đối mọi nhượng bộ trong quá trình chuyển giao về năng lượng.
Dù Erickson đã xoay xở thuyết phục được gần như mọi láng giềng của họ tham gia dự án của Summit, vẫn còn vài người nghi ngờ. Người vận động quyết liệt nhất để chống cô lập carbon trong vùng có lẽ là nhà thầu công nghiệp Kurt Swenson. Cao to đồ sộ, bộ râu quai nón bạc, cặp mắt lớn và cánh tay chi chít hình xăm lông chim trĩ, Swenson sống trên một ngọn đồi ở khu đất cách trang trại của nhà Erickson vài km về hướng tây. Không lâu sau khi Summit công bố vụ đầu tư mạo hiểm vào hơn ba năm trước, Swenson đã phân phát những lá thư chưa ký cho một vùng rộng lớn nơi Summit đề xuất sẽ lưu trữ carbon, cảnh báo láng giềng rằng hợp đồng thuê của công ty rất bất lợi cho họ. Ngày nay ông đứng đầu một nhóm nhỏ kiên trì bám trụ không chịu ký cho thuê đất để tham gia thỏa thuận thu giữ carbon.
Swenson mau mắn khẳng định ông không phản đối kế hoạch của Summit, nhưng muốn láng giềng biết rằng đây có thể mới là khởi đầu. Hợp đồng thuê đất của Summit hứa hẹn với chủ đất khoản phí khởi điểm là 50 xu đô la cho mỗi tấn khí CO₂ bơm xuống dưới lòng đất khu họ sở hữu, tăng thêm 10% vào năm 2026 và mỗi năm năm sau đó, vẫn chỉ rất ít ỏi so với khoản 85 đô la một tấn mà công ty sẽ nhận từ tiền liên bang. Ai có quyền quyết định Summit là doanh nghiệp triển vọng duy nhất ở khu vực này, Swenson nêu câu hỏi với tôi trong một bữa trưa. Làm sao chúng ta biết được họ không tìm cách thuê đất với giá rẻ mạt trước khi có người nhận ra khu đất này giá trị ra sao? Ngay sáng hôm đó, ông nghe một chủ đất gần đấy kể về hoạt động thu giữ carbon trực tiếp từ không khí của công ty thuê đất cách nơi đây không bao xa về phía Nam.
Hơn 90% khu vực Summit cần để thu giữ carbon đã có hợp đồng, cao hơn nhiều so với mức 60% theo yêu cầu của tiểu bang North Dakota cho các dự án kiểu này. Tất nhiên, bắt khí CO₂ cũng không cần hàng rào, và nếu giới chức quản lý ngành dầu mỏ và khí đốt của tiểu bang chấp thuận kế hoạch của Summit, công ty có thể bơm khí xuống dưới khu đất của Swenson dù ông có đồng ý hay không. Nhưng Swenson vẫn có thể là mối đe dọa với tham vọng chôn carbon của tiểu bang North Dakota qua đơn kiện ông và nhóm Hiệp hội Chủ đất vùng Tây Bắc đã đệ, nhắm vào luật pháp lưu trữ khí carbon của tiểu bang này. Nếu thắng kiện, họ sẽ bảo đảm được quyền về bất động sản với cả hàng gàn mét dưới lòng đất không khác gì đất trên bề mặt, kết quả nhiều khả năng sẽ khiến các công ty đang định chôn khí CO₂ kẹt cứng trong các thỏa thuận đền bù cực kỳ đắt đỏ.
Swenson và nhóm Summit tập hợp lại lần nữa vào tháng 6.2024 ở căn phòng hội thảo ngập ánh đèn huỳnh quang của cơ quan quản lý North Dakota Oil & Gas Division, nơi công ty sẽ xin phép để bơm khí CO₂. Swenson bày tỏ bức xúc vì tiểu bang đã khuất phục nghị trình của Green New Deal, nghị quyết của Quốc hội Mỹ không có tính ràng buộc trở thành tuyên ngôn cho đòi hỏi về khí hậu của phe cánh tả. Ông đề xuất kế hoạch của Summit gắn với một sắc lệnh hành pháp của chính quyền Biden nhằm bảo tồn đất đai, mà một số người ở vùng Đại Bình nguyên diễn giải là âm mưu cướp đoạt đất quy mô lớn của chính quyền liên bang. Ông cũng chỉ ra khoản ngân sách 300 ngàn đô la cơ quan lập pháp North Dakota dành ra vào năm ngoái cho chương trình “giáo dục về thu giữ carbon,” nỗ lực PR nhắm vào những người phản đối dự án Summit. Swenson nói sẽ là hợp lý hơn nếu đầu tư vào các biển quảng cáo lớn với thông điệp trực diện như: “North Dakota cởi mở với đề xuất khí CO₂.” “Đừng lo, công dân đâu có ngu, họ sẽ hiểu,” Swenson nói.
Giải trình của Swenson gây ra thêm căng thẳng mới. Cho tới lúc đó, thảo luận kỹ thuật về vấn đề an toàn với địa hình địa chất ở North Dakota đã khiến một số người trong phòng thấy buồn ngủ. Không khí thay đổi khi Swenson lớn tiếng chỉ trích người đứng đầu cơ quan quản lý ngành dầu mỏ, vốn là một trong những người có sức ảnh hưởng lớn nhất ở Bismarck, với lập luận nỗ lực của North Dakota nhằm lưu trữ khí thải dưới lòng đất các chủ đất không sẵn sàng là “độc tài.” Nếu Summit muốn chôn khí CO₂ dưới đất của ông, Swenson nói rõ, thì họ sẽ phải đấu với ông. “Tiểu bang có thể tìm cách thu hồi,” ông nói. “Nhưng chỉ khi đã bước qua xác tôi.”
Swenson nói với tôi trong một số trường hợp, kế hoạch trữ carbon đã gây chia rẽ giữa các gia đình và láng giềng lâu năm. Trong khi ngoài mặt dân North Dakota vẫn thể hiện vẻ dễ thương thường thấy, căng thẳng đang tích tụ như một dòng chảy ngầm. “Làm ra vẻ thân thiện,” như lời Swenson, “nhưng chẳng phải bạn bè nha.” Ông nhớ lại một cuộc gặp gỡ lúc đầu với Summit, khi ông ngỡ ngàng nhìn thấy Erickson bước ra khỏi xe ở lối lái xe vào nhà ông. Swenson nói hai gia đình đã cơm không lành canh không ngọt nhiều thập kỷ, và ông đã yêu cầu Summit không để Erickson tham gia các cuộc thương lượng về đất của gia đình ông. Cuộc trò chuyện ngày hôm đó vẫn thân thiện, nhưng sau đấy Swenson trút cơn thịnh nộ qua email. Ông yêu cầu Summit không bao giờ mang theo Erickson bước vào đất ông nữa.
Đã gần một năm trôi qua kể từ khi Erickson có việc để làm với Summit. Tuyệt đại đa số đất đai ông phụ trách đã được ký hợp đồng tham gia dự án, và giờ ông chỉ còn ngồi nhìn triển vọng về đường ống lúc mờ lúc tỏ. Burgum, người ủng hộ công nghệ thu giữ carbon nổi bật nhất ở tiểu bang này, sẽ xong nhiệm kỳ thống đốc trước cuối năm nay. (Nếu không trở thành người đứng đầu cơ quan năng lượng mới của Trump, ông có thể là ứng viên cho ghế bộ trưởng năng lượng.) Hồi tháng Tám, Summit đã được cấp một giấy phép họ chờ đợi lâu nay ở Iowa. Công ty có kế hoạch nộp lại đơn xin phép ở South Dakota, và giới quản lý ở North Dakota đang tính toán lại quyết định từ chối của họ sau khi công ty đồng ý đẩy đường ống xa hơn về phía Bắc Bismarck.
Nhưng trang trại của Erickson giúp ông vẫn bận rộn, và một chiều nọ sau món burger kèm một chai bia, ông mời tôi đi cùng xem cắt cỏ. Chúng tôi mới đi được một lượt ngang cánh đồng, lắc lư trên mặt đất gồ ghề, thì một chiếc SUV hiệu Nissan cũ dừng lại chỗ hàng rào bằng cọc gỗ. “Tôi mới xong được một lượt, rồi chuyện này xảy đến. Tôi chẳng làm được gì nữa hết,” Erickson bực dọc. Thật ra, ông thấy sự gián đoạn này cũng có chỗ tích cực; ông nhận công việc ở Summit một phần là để có thêm thời gian trò chuyện với xóm giềng.
Chúng tôi nhảy xuống khỏi máy kéo trong khi người hàng xóm, một người đàn ông lớn tuổi, râu cắt ngắn, vẫn ngồi trong xe hơi. Erickson giải thích tôi là phóng viên đang viết về đường ống. Người láng giềng đùa rằng Summit đã loại “gã thất thường” đấy khỏi thỏa thuận, và chỉ về phía nhà Swenson ở xa xa. Erickson cười lớn và phớt lờ câu mỉa mai đấy. Cuộc trò chuyện chuyển sang vấn đề câu cá, làm nông và ai thừa kế đất. Họ nhất trí là họ không cần tiền. “Tôi đã làm việc 22 năm trên cánh đồng dầu chỉ để được trở về đây, tôi sẽ không đi đâu hết,” Erickson nói.
Sau khi chúng tôi trở lại cabin máy kéo, tôi hỏi xem ông ấy nghĩ gì về chuyện làm việc cho công ty từng bị một số người bảo thủ đồng chí của ông ở vùng Đại Bình nguyên dán nhãn là công cụ của bọn tự do hoang tin về biến đổi khí hậu và là mặt trận cho Green New Deal. Erickson nói những người bất đồng quan điểm đấy đã đi ngược đường – khi mảng năng lượng và nông nghiệp đang bị tấn công. “Họ lẽ ra phải dán nhãn cho chúng tôi là đang chiến đấu chống lạie Green New Deal,” ông nói. “Vì Green New Deal muốn đóng cửa tất cả mỏ than. Dẹp hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch... Tôi đảm bảo với anh, tôi sẽ không làm cho Summit nếu ở đó ai cũng nói là họ đang cứu thế giới, cứu hành tinh. Vì tôi không hề cảm thấy như vậy.”
Trong kế hoạch chuộc lỗi khí hậu rối bời của nước Mỹ, công nghệ bắt và trữ carbon có lẽ không chỉ là một quy trình đơn điệu lọc khí nhà kính ở các khu vực đốt khí rồi bơm xuống tầng đá dưới lòng đất. Trước hết là cảm giác siêu thực với ý tưởng con người có thể bắt lấy mối đe dọa sự sống CO₂ rồi chôn nó. Quên chuyện đó đi. Giống như làm mặt trời bớt sáng hay thuộc địa hóa sao Hỏa, trữ carbon quy mô lớn có vẻ là công nghệ sửa chữa không để lại hậu quả, như trong khoa học viễn tưởng, với cuộc khủng hoảng khí hậu. Nó mở ra khả năng thay đổi mà không phải tính tới thực tế về những gì sẽ bị bỏ lại phía sau. Thay đổi mà thực ra là không thay đổi.
Khi chúng tôi đi vòng quanh cánh đồng của Erickson, răng máy kéo cắt qua hoa cỏ dại trên đường đi. Cánh đồng cải dầu gần đó tỏa sáng như ánh đèn neon dưới ráng chiều. Không còn người hàng xóm nào lại gần hàng rào khi chúng tôi qua đỉnh đồi. Erickson nói với tôi rằng ông không đủ thẩm quyền nói việc tích tụ carbon dioxide trong khí quyển có thực sự là vấn đề không.
“Chúng ta cần CO₂ để tồn tại. Cây cối cần CO₂,” ông nói mà không suy nghĩ gì nhiều. “Nhưng họ lại nói có quá nhiều CO₂.”
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/north-dakota-muon-carbon-nhung-khong-thich-nghe-ve-bien-doi-khi-hau-52696.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media