Nhu cầu du lịch đẩy giá phòng khách sạn năm sao tăng cao ở Hà Nội và TP.HCM

Giá phòng ở TPHCM đã quay trở lại mức tương đương năm 2019 - thời điểm trước đại dịch, và giá phòng ở Hà Nội thậm chí đã vượt mức trước đại dịch.

Hình ảnh: Marriott cung cấp

Hình ảnh: Marriott cung cấp

Tác giả: Linh Chi

16 tháng 07, 2025 lúc 7:07 AM

Tóm tắt bài viết

Trong nửa đầu năm, giá phòng trung bình ở Hà Nội đạt 107,7 đô la Mỹ/phòng/đêm, còn TP.HCM là 111,5 đô la Mỹ, theo Avison Young, cho thấy sự phục hồi tích cực của thị trường khách sạn và nghỉ dưỡng.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 10,7 triệu lượt trong sáu tháng, tăng gần 26% so với năm 2019, với Trung Quốc dẫn đầu về lượng khách, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại TP.HCM, khách quốc tế đạt hơn 3,8 triệu lượt, tăng 44% so với năm 2024, trong khi Hà Nội đón khoảng 3,6 triệu lượt khách, tăng 22%, vượt qua số lượng của năm 2019.

Tỉ lệ lấp đầy phòng khách sạn tại TP.HCM dự kiến đạt 70% vào năm 2025, còn ở Hà Nội có thể đạt 78%, phản ánh nhu cầu lưu trú phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt từ khách quốc tế và khách công vụ.

Giá phòng trung bình ở phân khúc khách sạn năm sao tại TP.HCM đạt 152 đô la Mỹ/phòng/đêm, còn ở Hà Nội là 135,5 đô la Mỹ/phòng/đêm, tăng nhẹ 2,6% so với năm trước.

Tóm tắt bởi AI HAY

Giá phòng trung bình ở Hà Nội và TP.HCM trong sáu tháng đầu năm nay lần lượt ở mức 107,7 đô la Mỹ/phòng/đêm và 111,5 đô la Mỹ theo báo cáo thị trường bất động sản quý II từ công ty Avison Young. Mức này ở TP.HCM là tiệm cận, nhưng ở Hà Nội đã vượt mức trước đại dịch. 

“Tính tới nửa đầu năm 2025, thị trường khách sạn và nghỉ dưỡng tại ba đô thị lớn – TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng – cho thấy xu hướng phục hồi tích cực với cơ cấu nguồn cung đa dạng,” báo cáo từ Avison Young viết.

Nhu cầu lưu trú tăng trở lại khi lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong sáu tháng đạt hơn 10,7 triệu lượt, theo số liệu của cục Thống kê. Lượt khách như vậy tăng gần 26% so với năm 2019 - thời điểm trước đại dịch Covid. Tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam nửa đầu năm nay cũng vượt luôn cả mốc 10 triệu lượt của năm 2016 - vốn được xem như kỷ lục của nhiều năm qua.

Có bốn nước, vùng lãnh thổ thuộc châu Á và Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất ở lục địa khác góp mặt trong tốp năm các thị trường nguồn hàng đầu gửi khách tới Việt Nam. Trung Quốc, thị trường truyền thống của du lịch Việt Nam tiếp tục giữ vị trí quán quân khi lượng khách quốc tế từ Trung Quốc tới Việt Nam tăng 44% so với cùng kỳ. Hàn Quốc dù xếp thứ hai nhưng đã giảm nhẹ 3,2% về số lượng khách tới Việt Nam. Các vị trí còn lại trong tốp năm thuộc về Đài Loan, Mỹ và Nhật Bản.

Theo thống kê về chi tiêu của khách quốc tế tới Việt Nam năm 2019 được công bố trong niên giám thống kê 2023, chi phí dành cho lưu trú chiếm tới 30%. Điều này có thể lý giải vì sao lượng khách tới Việt Nam tăng sẽ kéo theo nhu cầu lưu trú.

Tại TP.HCM, luỹ kế sáu tháng đầu năm, khách quốc tế ước đạt hơn 3,8 triệu lượt, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, số lượng khách quốc tế vẫn còn thấp hơn mức 4,3 triệu lượt của năm 2019 - trước đại dịch. Hà Nội cũng đón khoảng 3,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 22% so với cùng kỳ. Mức này đã vượt số lượng khách quốc tế tới thủ đô của năm 2019. 

Nhu cầu lưu trú tăng khiến tỉ lệ lấp đầy phòng khách sạn tại TP.HCM và Hà Nội đều tăng so với cùng kỳ, và đã vượt luôn thời điểm năm 2019, theo báo cáo từ Avison Young. Tỉ lệ lấp đầy tại TP.HCM được cải thiện nhanh chóng và dự báo đạt 70% trong năm 2025, cho thấy mức độ vận hành ổn định và hiệu quả trở lại của các cơ sở lưu trú.

Ở Hà Nội, tỉ lệ lấp đầy cũng phục hồi qua các năm. Năm 2024 tỉ lệ này ở mức 73% và dự báo năm nay có thể đạt 78%. Điều này cho thấy nhu cầu lưu trú đã phục hồi, đặc biệt từ nhóm khách quốc tế và khách công vụ.

Đáng chú ý, phân khúc khách sạn năm sao ở hai thành phố lớn của Việt Nam đều được cải thiện, xét về tỉ lệ lấp đầy và giá phòng. Tỉ lệ lấp đầy ở khách sạn năm sao tại TP.HCM, theo Knight Frank Việt Nam, đơn vị dịch vụ tư vấn thương mại toàn diện trong lĩnh vực bất động sản thương mại đầu tư, đạt 70% trong nửa đầu năm 2025, tăng 4,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Tại Hà Nội, tỉ lệ lấp đầy dù thấp hơn nhưng cũng đạt 68%, tăng hai điểm phần trăm so với cùng kỳ. Báo cáo của Knight Frank Việt Nam nhận định, chính sách nới lỏng thị thực và mở thêm nhiều đường bay mới thúc đẩy sự hồi phục của mảng kinh doanh khách sạn năm sao ở Hà Nội và TP.HCM. 

Nhu cầu tăng cũng khiến giá phòng cho phân khúc khách sạn năm sao tăng tại hai thành phố lớn. Giá phòng trung bình ở phân khúc khách sạn năm sao tại TP.HCM đạt 152 đô la Mỹ/phòng/đêm trong nửa đầu năm 2025.

Tương tự, ở Hà Nội, giá phòng dù thấp hơn nhưng cũng đạt trung bình 135,5 đô la Mỹ/phòng/đêm, tăng nhẹ 2,6% so với năm trước. Khu lõi trung tâm ở Hà Nội thậm chí ghi nhận giá lên tới gần 221 đô la Mỹ/phòng/đêm, nhờ các khách sạn hạng sang như Sofitel Legend Metropole Hanoi và Cappella Hà Nôi.

Các nhà điều hành khách sạn năm sao ở TP.HCM có thuận lợi hơn đồng nghiệp ở Hà Nội do nguồn cung bị hạn chế.  Trong nửa đầu năm 2025, nguồn cung ở TP.HCM có thêm 150 phòng từ The Indigo Saigon The City, do IHG Group vận hành, đánh dấu chiến lược mở rộng của thương hiệu này tại Việt Nam. Theo báo cáo từ Knight Frank, thương hiệu này có kế hoạch tăng từ 16 lên hơn 40 khách sạn.

Thị trường khách sạn năm sao tại TP.HCM, theo nhóm nghiên cứu từ Knight Frank, không có khách sạn năm sao mới cho tới hết năm 2026. Từ 2027 trở đi, thị trường sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới, với sự ra mắt của các dự án bị chậm tiến độ, góp phần nâng cao chất lượng cũng như khả năng cạnh tranh của thị trường khách sạn tại thành phố.

Trong khi đó, thị trường khách sạn năm sao tại Hà Nội năm 2026 sẽ tăng mạnh về nguồn cung mới, đến từ các dự án Four Seasons Hotel Hà Nội, Fairmont Hotel, Tiến Bộ Plaza, Shilla Hotel và Waldorf Astoria Hà Nội (chuyển đổi thương hiệu từ Hilton Hà Nội Opera), cung cấp thêm hơn 1.600 phòng cho thị trường.

Sự xuất hiện của những thương hiệu quản lý khách sạn quốc tế ngày càng nhiều là điểm chung được cả Avison Young lẫn Knight Frank nhận xét về triển vọng tương lai của thị trường khách sạn hạng sang.

“Xu hướng gia tăng sự hiện diện của các thương hiệu vận hành khách sạn quốc tế tại Việt Nam không chỉ phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch mà còn cho thấy triển vọng dài hạn đầy tích cực của thị trường lưu trú cao cấp tại đây,” báo cáo bất động sản quý II của Avison Young viết.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/nhu-cau-du-lich-day-gia-phong-khach-san-nam-sao-tang-cao-o-ha-noi-va-tp-hcm-53789.html

#du lịch
#khách sạn

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media