Ý kiến

Năng lượng sạch phải tốt hơn để đánh bại nhiên liệu hóa thạch

Cả thế giới sẽ hưởng lợi nếu mọi quốc gia công nghiệp hóa và trở nên giàu có nhờ năng lượng tái tạo.

Dòng tiền đổ vào phát triển nhiên liệu hóa thạch. Hình ảnh: Andrey Rudakov/Bloomberg

Dòng tiền đổ vào phát triển nhiên liệu hóa thạch. Hình ảnh: Andrey Rudakov/Bloomberg

Tác giả: David Fickling

18 tháng 12, 2024 lúc 10:12 AM

Kết quả đáng thất vọng của hội nghị khí hậu COP-29 tại Azerbaijan cuối tuần qua có thể coi là phản ứng ngoại giao với kết quả cuộc bầu cử Mỹ diễn ra ba tuần trước.

Ở Mỹ, phe tiến bộ bỗng nhiên gặp trở ngại vì liên minh mạnh mẽ bất ngờ của cả phe Cộng hòa tuyền thống, và nhóm người ủng hộ thuộc tầng lớp lao động và không phải người da trắng, mà họ đã lầm tưởng, có phần khờ dại, là đồng minh đương nhiên của họ. Ở hội nghị khí hậu Liên hiệp quốc tại Baku, nỗ lực giảm khí thải và tài trợ cho các chương trình khí hậu trên thế giới của các nước giàu đã không giúp họ có được cảm tình của các nước đang phát triển đang đứng trước nguy cơ nghiêm trọng nhất vì tình trạng ấm lên toàn cầu.

Hai diễn tiến đó đều là những ví dụ mạnh mẽ về chính trị truyền cảm hứng. Kể từ thế kỷ 19, phe bảo thủ đã tự quảng bá họ với cử tri bằng lập luận chính sách của họ là cách tốt nhất để đạt tới sự giàu có và độc lập mà giai cấp lao động luôn mong mỏi.

Những người phản đối hành động khí hậu có cách tiếp cận tương tự với các nước thu nhập thấp và trung bình: Chủ nghĩa môi trường là âm mưu của phe bảo hộ để khiến các nước nghèo mãi nghèo. Chỉ nhiên liệu hóa thạch mới có thể dẫn tới tăng trưởng giúp đạt đến mức giàu có. Các nước giàu sẽ không bao giờ làm được đủ để trả lại món nợ carbon mà họ đã vay.

Lập luận đó mạnh mẽ vì có một phần sự thật trong đó. Hãy xem xét 86 quốc gia mà ngân hàng Thế giới coi là có “thu nhập cao.” Sau các cường quốc thuộc địa châu Âu, Nhật Bản, Bắc Mỹ và châu Đại Dương cùng láng giềng gần nhất của họ ở Caribe và Đông Âu, nhóm nước lớn nhất cũng có thu nhập cao đều là các nước xuất khẩu dầu mỏ.

Nhờ dầu mỏ, bán đảo A-rập - khu vực gần như không thể cai trị được suốt 13 thế kỷ kể từ khi nhà tiên tri Muhammad qua đời - hiện có sức ảnh hưởng chính trị lớn tới mức thành bại của chính sách khí hậu toàn cầu phụ thuộc vào họ. Với những nước vẫn đang leo lên trên bậc thang phát triển, tăng trưởng thần tốc ở Trung Quốc và Ấn Độ (hai nước này đang đốt 70% lượng than của thế giới) có vẻ là màn quảng cáo hấp dẫn cho con đường đốt nhiên liệu hóa thạch để trở nên giàu có.

Trong bối cảnh đó, các hội nghị thượng đỉnh toàn cầu, giống như các cuộc bầu cử dân chủ, cuối cùng sẽ phụ thuộc vào câu hỏi phe nào nhiều khả năng nhất làm giàu được cho những người đang dưới đáy xã hội, hay thế giới. Các nước giàu đã ý thức về khí hậu cần chấp nhận rằng họ đang thua cuộc tranh luận đấy.

Hãy xem xét cuộc mặc cả kỳ kèo nhằm nâng cấp khoản tài chính cho khí hậu 100 tỉ đô la mỗi năm như cam kết ở hội nghị Copenhagen 2009 lên mức 300 tỉ đô la mười năm sau đó. Con số này vẫn chỉ là số lẻ so với số tiền cần thiết, lên đến hàng ngàn tỉ đô la, nhất là khi nguồn tiền mới thực sự là rất ít ỏi, và phần rất lớn trong số tiền đó chỉ là những khoản cho vay bình thường. Hơn nữa, nó còn không thể cạnh tranh được với sức hấp dẫn tiền tươi thóc thật của tăng trưởng dựa trên nhiên liệu hóa thạch.

2.jpg

Gabon, nước Trung Phi là thành viên của tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), là ví dụ điển hình. Với 2,5 triệu dân, nước này thường xuyên nhận được đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngang với Cộng hòa dân chủ Congo, dân số 100 triệu. Hay Guyana chẳng hạn, họ đang là nước tăng trưởng nhanh nhất thế giới và năm ngoái nhận đầu tư FDI nhiều hơn Đài Loan hay Philippines, và gấp đôi cả vùng Caribe.

Trong 31,3 tỉ đô la FDI rót vào 45 nước kém phát triển nhất năm 2023, hơn 1/3 tập trung ở chỉ bảy nước: Chad, Mauritania, Mozambique, Senegal, Sudan, Uganda, và Tanzania, tất cả đều đang vận hành hay phát triển dự án xuất khẩu dầu mỏ.

Vậy các nước giàu có thể đề nghị giải pháp thay thế nào?

Lợi thế của dầu mỏ là các mỏ dầu và nơi trung chuyển đều vay tiền và kiếm được doanh thu nhờ xuất khẩu dưới dạng đô la Mỹ, giúp chúng miễn nhiễm với những cuộc khủng hoảng tiền tệ thường thấy ở các nước nghèo. Nếu dùng đô la Mỹ vào năm 2021 để đầu tư vào trang trại điện gió ở ngoại ô Cairo, năm nay dự án đã gặp rắc rối lớn khi đồng bảng Ai Cập giảm giá 1/3 so với khi đó. Khách hàng sẽ khó lòng trả tiền điện với giá đủ cao để dự án trả được dù chỉ là lãi suất tiền đô la thôi.

Câu trả lời tốt nhất cho các nước giàu nhận ra rằng biến đổi khí hậu thực sự là một cuộc khủng hoảng, và hành động tương ứng như vậy. Năm 2021, quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phát hành các quyền rút vốn đặc biệt (SDR, chứng từ có giá tương đương tiền tệ vốn chỉ quen thuộc với các ngân hàng trung ương) trị giá 650 tỉ đô la. Động thái này có vai trò quyết định, nhưng ít được biết tới, giúp các nước nghèo chống trả tác động của Covid-19. Khoảng 69 tỉ đô la trong số đó hiện được chuyển sang ngân quỹ khí hậu.

Nhưng chúng ta cần một chương trình rộng lớn hơn thế nhiều để các nước nghèo có thể mua số lượng cực lớn tấm pin mặt trời, pin điện và turbine gió mà thế giới có thể sản xuất ra. Nguồn tiền này có thể không mang lại lợi nhuận tốt theo nghĩa tài chính chặt chẽ. Tuy nhiên, lợi ích cả thế giới sẽ nhận được nếu mọi quốc gia đều có thể công nghiệp hóa và trở nên giàu có nhờ năng lượng tái tạo sẽ lớn vô cùng.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/nang-luong-sach-phai-tot-hon-de-danh-bai-nhien-lieu-hoa-thach-52663.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media