Giải pháp

Mục tiêu net zero và những chỉ tiêu có khả thi?

J.B. MacKinnon

J.B. MacKinnon

28/10/2024 17:09

Giảm phát thải toàn cầu là một mục tiêu khả thi về mặt chi phí, nhưng chỉ khi các quốc gia như Mỹ và những nền kinh tế phát triển khác sẵn sàng đầu tư nguồn lực tài chính thì mới có thể hiện thực hóa các mục tiêu trọng yếu

1-01(1).jpg
Minh họa: Rad Mora

Tác giả: J.B. MacKinnon

28 tháng 10, 2024 lúc 5:09 PM

Giảm phát thải toàn cầu là một mục tiêu khả thi về mặt chi phí, nhưng chỉ khi các quốc gia như Mỹ và những nền kinh tế phát triển khác sẵn sàng đầu tư nguồn lực tài chính thì mới có thể hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu trọng yếu.

Tại hội nghị Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu năm ngoái, gần 200 quốc gia đã cam kết chung tay hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050, nhằm loại bỏ hoặc cân bằng hoàn toàn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đáng chú ý, hơn một nửa các tập đoàn lớn trên thế giới cũng đưa ra cam kết tương tự. Đạt được mục tiêu này có nghĩa là nhân loại có thể hạn chế mức độ nóng lên toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C, mặc dù ngay cả kịch bản này cũng sẽ gây ra những tác động tiêu cực đáng kể và tiêu tốn nhiều nguồn lực.

Tính cấp thiết của mục tiêu net zero đã trở nên cực kỳ khó chấp nhận với nhân loại. Phải tới tận hội nghị Liên hiệp quốc năm ngoái, các nhà lãnh đạo thế giới mới lần đầu tiên thừa nhận bằng văn bản là để trái đất còn là nơi sống được sẽ cần một “công cuộc dịch chuyển khỏi nhiên liệu hóa thạch.” Giờ chúng ta đối mặt với thách thức tinh thần thứ hai cũng khó khăn không kém: Thừa nhận quy mô và mức độ cấp thiết của mục tiêu net zero. Chỉ như vậy thì chúng ta mới có cơ hội đạt được mục tiêu đó.

Khung thời gian để đạt mục tiêu net zero là cực kỳ ngắn ngủi—chỉ còn 26 năm. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã công bố các kịch bản chuyển đổi chi tiết, theo dõi hơn 550 công nghệ năng lượng sạch và 400 cột mốc cần đạt tới trên hành trình đó. Danh sách lĩnh vực cần thay đổi mang tính cách mạng bao gồm tăng hiệu quả năng lượng, hạ tầng điện mặt trời, lưu trữ năng lượng và rất nhiều điều khác nữa. Trong số đó, chỉ có rất ít lĩnh vực đang đi đúng hướng ở tốc độ cần thiết.

Có nhiều con đường tiềm năng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không, nhưng tất cả đều không dễ dàng. Ngoài thách thức công nghệ, quá trình dịch chuyển đòi hỏi rất nhiều tiền bạc. Các ước tính có khác nhau: Năm 2022, công ty tư vấn toàn cầu McKinsey thấy rằng doanh nghiệp, chính phủ và hộ gia đình trên toàn thế giới sẽ phải bỏ ra 275 ngàn tỉ đô la Mỹ từ giờ tới năm 2050, ở mức đỉnh trong ngắn hạn sẽ chiếm gần 8,8% GDP toàn cầu. (Để so sánh, đạo luật Giảm Lạm phát của chính quyền Biden—được nhất trí rộng rãi là động thái chính sách khí hậu quan trọng nhất tới nay—dự kiến sẽ chi tiêu cho khí hậu và năng lượng, ngay cả nếu tất cả chi tiêu dồn hết vào một năm, ước tính ở mức 2-4,5% GDP của Mỹ.) Báo cáo mới của nhóm nghiên cứu BNEF ước tính chi phí cho mục tiêu giảm phát thải ròng bằng không thấp hơn ước tính của McKinsey, dù vẫn là con số khổng lồ: 215 ngàn tỉ đô la.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhận ra là khoản chi tiêu khổng lồ này không chỉ đơn thuần là chi phí. Đó là khoản đầu tư cực lớn vào hệ thống năng lượng mới, để mở ra những ngành nhiều lợi nhuận, tạo ra công ăn việc làm và giảm chi phí năng lượng cho người tiêu dùng các hàng hóa như xe điện và bơm nhiệt. Ngoài ra, khoảng 2/3 số tiền đang được chi tiêu sẽ được điều hướng lại từ ngành nhiên liệu hóa thạch rồi sẽ suy giảm và chấm dứt, theo tính toán của McKinsey. Tuy nhiên, vẫn cần phải có khoản đầu tư mới lên đến 3,5 ngàn tỉ đô la hàng năm, tương đương gần một nửa tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp toàn cầu, hoặc khoảng 1/4 tổng thu nhập thuế của thế giới. Nhưng các xã hội giàu trước kia từng hoàn thành được những dự án khổng lồ tham vọng không kém. Mục tiêu net zero 2050 có vẻ không khả thi, nhưng xét thuần tuý về kinh tế học, thì không phải vậy, tức là vẫn còn hy vọng.

c1.jpg

Để hình dung được thách thức, có thể xem xét một số mục tiêu mà IEA cho rằng cần đạt được vào năm 2030—thời gian từ giờ tới đó chỉ bằng với từ đám cưới hoàng gia Harry-Meghan tới nay—để có hy vọng thực tế đạt tới net zero vào giữa thế kỷ này.

2-01(2).jpg
3-01(1).jpg
4-01(1).jpg
5-01(1).jpg
6-01(1).jpg

I. NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

Năng lượng tái tạo—đặc biệt là điện mặt trời và điện gió—hiện là ngôi sao của công cuộc chuyển đổi, nhưng những tiến bộ gần đây mới chỉ là khởi đầu. Để đạt được mục tiêu vào cuối thập kỷ này, sản lượng điện từ nguồn này cần tăng gấp ba lần. Năm ngoái, điện mặt trời đã chiếm 3/4 công suất năng lượng tái tạo được hòa vào lưới điện toàn cầu, nhưng theo IEA, tốc độ này cần được đẩy mạnh. Để dễ hình dung, mỗi ngày thế giới cần lắp đặt thêm một nhà máy điện mặt trời quy mô tương đương Bhadla Solar Park, một trong những nhà máy lớn nhất thế giới ở Ấn Độ, nơi có nhiều triệu tấm pin diện tích bằng cả khu Manhattan.

Tương tự, ngành điện gió cũng cần một sự phát triển thần tốc. Năm 2023 đã ghi nhận mức tăng 117 tỉ watt công suất từ các trang trại điện gió toàn cầu, tương đương lượng điện phục vụ cho 30 triệu hộ gia đình Mỹ. Để đáp ứng mục tiêu vào năm 2030, mức tăng này cần tăng gấp đôi. Chi phí cho sự phát triển này ước tính hơn một ngàn tỉ đô la mỗi năm.

II. ĐIỆN HÓA MỌI THỨ

Với hoạt động giao thông vận tải, hầu hết các mô hình net zero tiên đoán tình trạng phụ thuộc lớn vào xe hơi và xe tải điện, thay vì sử dụng nhiều hơn xe lửa, xe buýt và xe đạp. Cùng tấm pin mặt trời, xe điện thực ra là một điểm sáng trong công tác hạch toán net zero. Nếu kế hoạch hiện hữu nhằm tăng mạnh sản lượng xe điện không gặp trục trặc gì, và số trạm sạc có thể tăng từ ba triệu lên 17 triệu (cả hai đều không có gì chắc chắn), lĩnh vực này sẽ tiếp tục theo kịp mô hình net zero của IEA. Hãy hình dung thế giới 10 năm sau, mọi xe chở hành khách được bán ra đều là xe điện. Theo BNEF, thay đổi nhanh như vậy là khả dĩ, với chi phí trung bình là từ 2,6 ngàn tỉ đô la mỗi năm.

Khi chúng ta điện hóa các tiến trình hiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, bản thân nguồn cung điện cần tăng từ 1/5 nguồn năng lượng tiêu thụ hiện giờ lên gần 30% tới năm 2030. Điều này đồng nghĩa lưới truyền tải điện sẽ phải tăng thêm khoảng hai triệu km mỗi năm, dù dự án mở rộng hiện giờ thường phải mất năm tới 15 năm để lên kế hoạch, cấp phép và hoàn thành. IEA ước tính chi phí hàng năm để nâng cấp lưới điện là hơn 600 tỉ đô la cho tới cuối thập kỷ; BNEF, với một kịch bản net zero khác, dự báo mức chi phí này là 800 tỉ đô la.

III. TỐI ƯU HÓA SỬ DỤNG NĂNG LƯỢNG

Chúng ta còn cần phải giảm nhu cầu năng lượng nói chung nữa, ngay cả khi dân số và nền kinh tế thế giới tiếp tục tăng trưởng. Theo IEA, giải pháp ở đây là tăng mạnh hiệu quả sử dụng năng lượng. Năm 2022, mức cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng của thế giới đã tăng gấp đôi so với mức trung bình năm năm trước đó, đạt tới mốc ấn tượng là 2%.

Chỉ số này sẽ lại phải tăng hơn gấp đôi lần nữa, lên gần 5% vào năm 2030. Cơ quan này nói tới khi đó, chúng ta sẽ phải đầu tư 1,8 ngàn tỉ đô la mỗi năm vừa để tăng hiệu năng sử dụng, vừa chuyển đổi với thiết bị đầu cuối như triển khai xe điện và bơm nhiệt thay thế cho xe chạy xăng hay lò đốt dầu, cũng như điện hóa quy trình công nghiệp. Số tiền đó là lớn hơn GDP của Thụy Sĩ và hầu hết các quốc gia khác.

IV. GIẢM NHU CẦU

Còn một cách đơn giản là giảm lượng năng lượng mà chúng ta đang sử dụng. Về điểm này, kỳ vọng tương đối thấp. Mô hình của BNEF giả định rằng nhu cầu hàng hóa và dịch vụ nói chung, vốn đòi hỏi năng lượng để tạo ra, sẽ tiếp tục tăng không ngừng. IEA đặt trọng số lớn hơn với hành vi thay đổi như lái xe và đi máy bay ít hơn hay bật máy sưởi mát hơn, đồng thời lưu ý “đạt được mức giảm nhu cầu này là điều có thể diễn ra nhanh chóng và không tốn chi phí gì.” Dẫu vậy, kịch bản của cơ quan này dự báo chỉ 5% mức giảm khí phát thải sẽ là từ thay đổi về lối sống, chủ yếu ở các nước giàu.

Ở các nước nghèo hơn, vấn đề then chốt là hỗ trợ các hộ gia đình đang nấu ăn bằng gỗ và than đá tiếp cận năng lượng xanh hơn, như điện mặt trời hay khí gas. Hiện có thêm 600 triệu người “nấu ăn xanh” so với năm 2010. Dẫu vậy, vẫn cần 2,3 tỉ người nữa tham gia, hay khoảng một triệu người mỗi ngày cho tới năm 2030. Chi phí hàng năm cho cuộc dịch chuyển này ít ra tương đối thấp: Chỉ tám tỉ đô la. IEA chỉ ra rằng các chính phủ đã chi tiêu gấp 100 lần số đó để trợ giá tiêu dùng trong đợt tăng giá dầu mỏ và khí đốt năm 2022.

V. HÌNH DUNG LẠI HOẠT ĐỘNG SỬ DỤNG ĐẤT

Cách thức chúng ta đang sử dụng đất phải thay đổi sâu sắc. Đến năm 2030, tình trạng phá rừng dẫn tới mất đi cây cối hấp thu carbonic trên toàn cầu, cũng cần đạt mức net zero qua giảm khai thác gỗ và tăng trồng lại rừng, với chi phí hàng năm theo McKinsey là 40 tỉ đô la. IEA nói thêm rằng chúng ta phải trồng nhiều rừng cây thân gỗ phát triển nhanh, như bạch dương, liễu và bạch đàn, để làm nhiên liệu sinh học.

Diện tích trồng các loại cây này trên trái đất có thể cần mở rộng lên bằng với diện tích nước Pháp hay Tây Ban Nha. Tới lúc chúng ta đạt mục tiêu net zero 2050 trong kịch bản BNEF, thì diện tích trồng “cây nhiên liệu,” bao gồm đậu nành, mía và cải dầu, sẽ bao phủ một diện tích bằng với cả liên minh Châu Âu.

7-01(1).jpg
8-01.jpg

VI. TĂNG QUY MÔ NHIÊN LIỆU HYDROGEN

Riêng điện sẽ không đủ để cung cấp năng lượng cho tương lai—chúng ta vẫn cần nhiên liệu, và IEA coi hydro- gen là lựa chọn hứa hẹn. Lấy ví dụ, nhiên liệu hydrogen có thể đóng vai trò quan trọng trong ngành sản xuất sắt và thép, khiến quy trình sản xuất thải ra hơi nước thay vì carbon. Hiện chưa có nhà máy sắt hay thép chạy hydrogen nào, dù một số nhà máy đã được đề xuất. Cần phải nhanh chóng đưa chúng vào hoạt động, và hơn thế nữa: IEA nói họ hy vọng thấy nhu cầu nhiên liệu hydrogen sẽ tăng trung bình 80% mỗi năm cho tới năm 2030.

Cơ quan này thừa nhận điều đó sẽ đòi hỏi “tăng quy mô sản xuất ở mức độ cực lớn,” và đồng thời ngành hydrogen hiện thiếu trang thiết bị, kỹ thuật sản xuất và hạ tầng cần thiết, chưa nói tới thị trường. Mô hình của IEA đề xuất đầu tư vào nhiên liệu hydrogen phải tăng từ một tỉ đô la mỗi năm hiện giờ lên 150 tỉ đô la trong sáu năm nữa.

VII. THU GOM CARBON

Cuối cùng, chúng ta cần loại bỏ phát thải khí carbon, cả ở nguồn—như từ các nhà máy xi măng, sắt và thép, khí đốt và điện—hay trực tiếp trong bầu khí quyển. IEA đã hạ kỳ vọng trong lĩnh vực này vào năm ngoái, lưu ý rằng thành tích của ngành cho tới nay “chủ yếu là kỳ vọng không thành hiện thực.” Nhưng kịch bản của cơ quan này vẫn đề xuất chúng ta tăng năng lực thu gom carbon lên 2.200% tới năm 2030.

BNEF thậm chí còn lạc quan hơn, với mô hình tăng đến 7.700%. Nhóm nghiên cứu này dự báo mạng lưới thu gom và lưu trữ carbon trị giá 6,8 ngàn tỉ đô la chiếm tới 1/3 lượng giảm phát thải đạt được tới năm 2050. Còn nếu không, các công nghệ khác sẽ phải tăng tốc để bù đắp. Ngay cả những con số này vẫn còn thiếu nhiều chi phí quan trọng. Tới năm 2030, các nước trên thế giới cần chi ra khoảng 1,1 ngàn tỉ đô la mỗi năm để chuẩn bị cơ sở hạ tầng, các hệ thống nông nghiệp và nước cho một hành tinh nóng hơn, theo trung tâm Thích nghi Toàn cầu.

Chi phí do thiên tai liên quan tới biến đổi khí hậu mới đây ước tính là 143 tỉ đô la mỗi năm theo nghiên cứu của tổ chức Nature Communications, trong khi tình trạng ấm lên kéo dài trên toàn cầu sẽ khiến năng suất nông nghiệp thấp hơn, làm hư hại cơ sở hạ tầng và gây ra những tác động khác dẫn tới mức chi phí 38 ngàn tỉ đô la mỗi năm tính tới năm 2050 ngay cả nếu chúng ta đạt được mục tiêu net zero. Dẫu vậy, chi phí ở đây ít ra có thể được bù đắp một phần nhờ đầu tư: Theo cách tính GDP lạnh lùng và không cảm xúc, ngay cả hoạt động dọn dẹp sau những trận siêu bão cũng tạo ra hoạt động kinh tế tăng trưởng.

Tổng hợp lại, nhiều mục tiêu xa vời này đặt ra cùng một lúc và cần những khoản tiền lớn đến không hiểu nổi. Số tiền đó là đủ lớn để McKinsey cho rằng thách thức tài khóa này sẽ là bài thuốc thử cho chủ nghĩa tư bản kinh điển. “Ý tưởng đang thắng thế chỉ dựa trên lợi ích tự thân nhiều khả năng sẽ không đủ để giúp đạt được mục tiêu net zero,” bản báo cáo viết.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta chưa từng chi tiêu như vậy. Nỗ lực đưa người lên mặt trăng những năm 1960 của Mỹ và dự án Manhattan sản xuất ra quả bom nguyên tử đầu tiên thường được coi là cảm hứng cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhưng Daniel Gross, nhà kinh tế của trường Kinh doanh Fuqua, đại học Duke, sau khi xem xét các yếu tố lịch sử, cho rằng những ví dụ này quá hẹp về quy mô.

Gross nhìn nhận so sánh hữu ích hơn là chương trình rộng lớn hơn đã dẫn tới dự án Manhattan: Văn phòng nghiên cứu và phát triển khoa học Mỹ (OSRD). Cơ quan sau này được triệu tập vào năm 1940 để ứng dụng nghiên cứu khoa học vào các vấn đề quân sự của Thế chiến II. Trong vòng chưa đầy năm năm, nỗ lực của OSRD dẫn tới đột phá với hàng loạt công nghệ, bao gồm khoa học máy tính, động cơ phản lực, quang học, hóa học và nguyên tử. Cơ quan cũng có tầm nhìn xa trong lĩnh vực y khoa khi hỗ trợ phát triển vaccine, sản xuất penicillin hàng loạt và nhiều điều khác nữa. OSRD đã “theo đuổi nhiều mục tiêu khó khăn cùng một lúc,” Gross nói.

c2.jpg

Một điểm nhấn là quá trình phát triển radar. Khi chiến tranh nổ ra, Đức nhanh chóng xác lập quyền áp đảo trên không, và lực lượng Đồng minh tuyệt vọng tìm cách phát hiện vật thể bay ở khoảng cách xa, trong bóng tối hay mây mù. Trong vòng ba tháng, OSRD đã đầu tư cho phòng thí nghiệm nghiên cứu thuộc viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nơi thử nghiệm radar ngay trên nóc nhà. Công nghệ này đã thay đổi tiến trình cuộc chiến, khiến chiến thắng khả thi, giúp Đồng minh chiến đấu được trên không vào buổi tối và có vai trò quyết định khi chống tàu ngầm U-boat của Đức ở Đại Tây Dương. Vào năm 1946, khi MIT báo cáo về năm năm hoạt động đầu tiên của “Rad Lab,” họ nói công nghệ này đã tiến bộ 25 năm so với tốc độ phát triển khoa học thông thường.

Theo Gross, những bước nhảy này tương ứng với yêu cầu hiện giờ về công nghệ khí hậu từ phòng thí nghiệm chuyển ra đời sống. IEA ước tính 35% mức giảm khí thải để đạt được net zero phải tới từ những công nghệ hiện đang ở giai đoạn đầu phát triển. Thành tựu thời Thế chiến II làm cho những mục tiêu có vẻ khủng khiếp bớt mang tính hoang đường hơn.

Khác biệt là rõ ràng giữa giải quyết được thách thức về khí hậu và những mục tiêu lớn trước đó. Cuộc đua net zero 2050 là cuộc marathon 1/4 thế kỷ, trong khi OSRD là “chạy nước rút về khoa học,” theo lời Gross, vốn cũng chấm dứt sau chiến tranh. Dẫu vậy, tiếp nối Thế chiến II là cuộc chiến tranh lạnh kéo dài. Vào những năm đối đầu nóng nhất, từ 1954 tới 1969, chi tiêu quốc phòng của Mỹ trung bình là 10% GDP mỗi năm, cao hơn nhiều so với những giai đoạn tương đối hòa bình, trong khi chi tiêu của Anh và Pháp là khoảng 7% mỗi nước. Theo tiêu chuẩn đó, chi phí hiện giờ của quá trình chuyển đổi năng lượng có thể được coi là cuộc “chiến tranh lạnh” làm mát trái đất kéo dài của phe đồng minh toàn cầu. “Nếu chúng ta vượt qua chiến tranh lạnh và phương Tây vẫn thịnh vượng, thì chúng ta cũng có thể chiến đấu chống biến đổi khí hậu mà phương Tây vẫn thịnh vượng,” theo lời Mark Harrison, sử gia kinh tế quốc phòng và an ninh người Anh.

Nhưng nếu kinh tế học là hy vọng bất ngờ cho cuộc chuyển đổi năng lượng, thì hy vọng đó mới chỉ là điểm xuất phát. Câu hỏi về tốc độ hành động liên quan tới khí hậu, hay thậm chí là liệu chúng ta có cần hành động không, đã tỏ ra hết sức phân hóa về mặt chính trị. Và trong khi tác động của tình trạng trái đất ấm lên ngày càng rõ ràng, nguy cơ trong tương lai vẫn khá mơ hồ. Không giống một cuộc chiến tranh thực sự, những người thân yêu của chúng ta không chiến đấu và chết cho sứ mệnh đấy. “Lựa chọn hiện giờ là khẩn cấp,” Gross nói về cuộc khủng hoảng khí hậu, “nhưng hệ quả lại không khẩn cấp.”

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/muc-tieu-net-zero-va-nhung-chi-tieu-co-kha-thi-52511.html

#net zero
#giảm phát thải

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media