Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Công nghệ
Số vốn đầu tư cho doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực biến đổi khí hậu tại Việt Nam chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư mạo hiểm trong năm 2023, thấp hơn mức 10% trung bình của thế giới.
Tác giả: Giang Lê
26 tháng 11, 2024 lúc 9:30 AM
Trong giai đoạn 2015-2023, 49 doanh nghiệp climate tech (công nghệ khí hậu) tại Việt Nam đã nhận về 92,6 triệu đô la Mỹ từ các quỹ đầu tư. Đặc biệt trong giai đoạn 2021-2023, số tiền đổ vào ngành này đã tăng trưởng trung bình 365% mỗi năm, theo báo cáo Hệ sinh thái đầu tư vào công nghệ chống biến đổi khí hậu năm 2024 của Clickable Impact.
Tuy vậy nếu nhìn tổng thể, số vốn dành cho climate tech tại Việt Nam chỉ chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư mạo hiểm trong năm 2023. Đây là con số khiêm tốn so với mức trung bình 10% của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh phát triển xanh được xem là xu hướng lớn tiếp theo của kinh tế Việt Nam và toàn cầu. Nguyên nhân chính đến từ việc các khoản đầu tư thường liên quan đến công nghệ phức tạp và cần thời gian dài để mở rộng quy mô, và quan trọng hơn là nhu cầu dành cho các sản phẩm dịch vụ chống biến đổi khí hậu vẫn chưa đến giai đoạn bùng nổ.
Khoảng 85% quỹ đầu tư vào climate tech tại Việt Nam giai đoạn 2015-2023 đang sử dụng cách tiếp cận quen thuộc truyền thống của giới đầu tư: Lợi nhuận là yếu tố xem xét tiên quyết, sau đó mới là tác động môi trường và xã hội. Mặt khác, lĩnh vực climate tech thường yêu cầu sự đầu tư dài hạn. Đặc biệt một số mô hình liên quan đến deeptech (công nghệ sâu) hoặc sản xuất sẽ có chi phí ban đầu cao và cần thời gian dài để đạt quy mô lớn và tạo ra tác động. “Điều này có thể khiến nhiều nhà đầu tư truyền thống, vốn thường tìm kiếm lợi nhuận nhanh, cảm thấy thận trọng hơn khi đầu tư vào climate tech,” bà Ngô Thùy Ngọc Tú, giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone chỉ ra.
Quan trọng hơn, nhu cầu thị trường dành cho các giải pháp chống biến đổi khí hậu vẫn còn trong giai đoạn manh mún. “Đội ngũ nhân sự của chúng tôi chủ yếu hiện diện tại châu Âu, Nhật Bản, Mỹ... để hỗ trợ nhu cầu chuyển đổi xanh trực tiếp tại từng doanh nghiệp. Tại Việt Nam, nhu cầu thị trường sẽ cần thêm thời gian để rõ ràng hơn,” ông Phạm Tuân, giám đốc sản phẩm của dự án VertZéro trực thuộc FPT IS cho biết. Thành lập năm 2022 từ chính nhu cầu của tập đoàn mẹ FPT, VertZéro đang cung cấp sản phẩm và dịch vụ kế toán carbon cho doanh nghiệp, giúp họ theo dõi và báo cáo khí thải nhà kính một cách đơn giản và hiệu quả hơn.
Theo quan sát của ông Tuân, nhu cầu dành cho các giải pháp climate tech tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn nhen nhóm. Khách hàng tiềm năng nhất tại Việt Nam vẫn là các công ty đa quốc gia chịu ràng buộc từ tập đoàn mẹ, công ty niêm yết, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa đi thị trường nước ngoài. Còn nhóm các doanh nghiệp trong nước - vốn chiếm số đông trong nền kinh tế - đang trăn trở vì thiếu hụt đội ngũ chuyên gia hoặc vẫn đang giải bài toán cân bằng giữa lợi ích cổ đông và phát triển bền vững.
Đơn cử, ngân sách mà doanh nghiệp tại Việt Nam đang chi cho việc tuân thủ ESG nói chung hoặc nghiệp vụ đo đạc và báo cáo phát thải vẫn đang chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn trong cơ cấu doanh thu.
Mặt khác, số lượng chuyên gia cũng như giám đốc phát triển bền vững tại Việt Nam vẫn đang “đếm trên đầu ngón tay”, khiến phần lớn doanh nghiệp vẫn loay hoay với bài toán nên chi cho những gì và chi bao nhiêu cho hành trình phát triển bền vững.
Bức tranh kém sắc này sẽ không kéo dài lâu. Khi tần suất xuất hiện của thiên tai ngày càng nhiều gây đứt gãy chuỗi cung ứng, tất cả những bên tham gia thị trường sẽ nhận ra họ không thể cứ mãi theo đuổi tăng trưởng kinh tế. “Doanh nghiệp có sự chuẩn bị sớm sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh và tận dụng được sự đứt gãy chuỗi cung nói trên,” ông Tuân của VertZéro nhận định.
Việt Nam đang đứng trước sức ép chuyển đổi xanh ngày càng mạnh mẽ. Để đảm bảo miếng bánh thị phần tương lai, các doanh nghiệp Việt sẽ cần chứng minh họ có đủ năng lực tuân theo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Trước mắt, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) tại liên minh châu Âu có hiệu lực từ năm 2026, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải học cách tính toán và chi trả thêm cho thuế carbon nếu được yêu cầu. Mặt khác, Việt Nam cũng đang hướng tới mục tiêu vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2028. Hai cột mốc nói trên được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu thực dành cho các sản phẩm và dịch vụ climate tech, và đó cũng là lúc dòng vốn đầu tư thuận theo tự nhiên mà chảy về chỗ trũng.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/climate-tech-o-viet-nam-cho-song-len-52589.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media