Tài chính

Tốp cổ phiếu sinh lời cao ở Việt Nam nhưng khó sở hữu

BCB, PTG và FBC là ba mã cổ phiếu ghi nhận hiệu suất cao nhất thị trường với cổ tức vượt trội trong nửa đầu năm 2025, nhưng thiếu thanh khoản khiến nhà đầu tư khó tiếp cận.

Hình ảnh: Shutterstock

Hình ảnh: Shutterstock

Tác giả: Nga Lê

07 tháng 7, 2025 lúc 5:50 PM

BCB, PTG và FBC là ba trong số các cổ phiếu có mức sinh lời nổi bật nhất trong nửa đầu năm tính trên cả ba sàn, theo dữ liệu của Bloomberg. Điểm chung của các mã đều niêm yết trên sàn UPCOM này là vốn điều lệ nhỏ, kinh doanh ổn định, cổ tức tiền mặt vượt xa thị giá và gần như không có thanh khoản. Ngoài ra, do chỉ công bố báo cáo tài chính hằng năm theo quy định với doanh nghiệp quy mô nhỏ trên UPCoM, thông tin về các cổ phiếu này cũng rất hạn chế với nhà đầu tư phổ thông.

Dẫn đầu về hiệu suất sinh lời là BCB, cổ phiếu của công ty cổ phần 397, với mức tăng 2.492% kể từ đầu năm. Dù không có giao dịch nào trong suốt nửa đầu 2025, cổ đông vẫn thu được lợi nhuận lớn nhờ khoản cổ tức tiền mặt lên tới 2.810 đồng/cổ phiếu, trong khi thị giá duy trì cố định ở mức 700 đồng. Đây là cổ tức cho năm tài chính 2024, được chi trả vào tháng 6.2025. Những năm trước, BCB cũng đều đặn duy trì chính sách cổ tức cao so với thị giá.

BCB hoạt động trong lĩnh vực khai thác và thu gom than cứng, duy trì doanh thu hơn 1.000 tỉ đồng nhiều năm liền và lợi nhuận sau thuế quanh mốc 20 tỉ đồng. Với vốn điều lệ chỉ 57 tỉ đồng, ROE thường xuyên ở mức cao. Hơn 90% cổ phần nằm trong tay ba cổ đông lớn, trong đó tổng công ty Đông Bắc nắm 51%, khiến cổ phiếu này hoàn toàn không có thanh khoản trên thị trường.

Xếp thứ hai là PTG, cổ phiếu của công ty May xuất khẩu Phan Thiết, với hiệu suất sinh lời 1.865%. Cổ phiếu giữ nguyên thị giá ở mức 700 đồng trong nhiều tháng và chỉ có một phiên khớp lệnh duy nhất với 100 cổ phiếu vào ngày 27.5 ở mức giá 900 đồng. Điểm đáng chú ý là chính sách cổ tức cao, tạm ứng 50% cổ tức năm 2024 vào giữa năm 2024 và chi trả phần còn lại 100% vào tháng 6.2025, tương đương tỉ suất cổ tức 1.111%, mức cao nhất toàn thị trường trong nửa đầu năm. Với vốn điều lệ chỉ 50 tỉ đồng, PTG đạt lợi nhuận sau thuế 52 tỉ đồng trong năm 2024. Trên 60% cổ phần thuộc sở hữu cổ đông nội bộ, khiến cổ phiếu gần như không có thanh khoản.

Một cổ phiếu khác có hiệu suất sinh lời và tỉ suất cổ tức cùng ở mức cao là FBC, mã cổ phiếu của công ty Cơ khí Phổ Yên. Giá cổ phiếu “đóng băng” ở mức 3.700 đồng suốt ba năm, không có giao dịch nào từ đầu 2025, nhưng cổ tức tiền mặt vẫn đều đặn. Công ty đã chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt lên tới 20.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tỉ suất cổ tức 541% và tiếp tục thông qua kế hoạch chia cổ tức tiền mặt 10.000 đồng/cổ phiếu cho năm 2024. Với vốn điều lệ 37 tỉ đồng, FBC lãi gần 76 tỉ đồng trong năm 2024. 51% cổ phần do tổng công ty VEAM nắm giữ, phần còn lại thuộc về ban lãnh đạo và người lao động.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán nửa đầu năm 2025 có nhiều biến động, dòng tiền phân hóa và tâm lý đầu tư thận trọng, nhóm cổ phiếu như BCB, PTG hay FBC cho thấy một hướng đi khác biệt. Đó là không dựa vào kỳ vọng tăng giá mà nhà đầu tư chú trọng hiệu quả kinh doanh và nắm giữ để hưởng cổ tức.  Với thanh khoản gần như bằng không, đây không phải là lựa chọn dành cho số đông nhà đầu tư, mà chủ yếu mang lại giá trị gia tăng cho cổ đông hiện hữu có xu hướng nắm giữ dài hạn.

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/top-co-phieu-sinh-loi-cao-o-viet-nam-nhung-kho-so-huu-53683.html

#cổ phiếu
#cổ tức
#tỉ suất sinh lời

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media