Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Sau sáp nhập, tên gọi của các địa phương mới và những thay đổi địa giới hành chính ít nhiều gây khó khăn cho doanh nghiệp du lịch và du khách.
Phố cổ Hội An. Hình ảnh: James MacDonald/Bloomberg
Tác giả: Halley Dao
04 tháng 7, 2025 lúc 7:30 AM
Tóm tắt bài viết
Việc TP.HCM sáp nhập Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương năm 2025 tạo ra "siêu vùng kinh tế – du lịch", hứa hẹn trở thành trung tâm du lịch hàng đầu Đông Nam Á.
Đại diện Vietravel cho biết tên gọi hành chính mới gây khó khăn cho du khách, đặc biệt khách lớn tuổi, khi tìm kiếm tour du lịch quen thuộc như "Vũng Tàu" hay "Bình Dương".
Khách quốc tế cũng gặp vướng mắc do các nền tảng OTA như Booking, Google Travel chưa cập nhật tên gọi và bản đồ hành chính mới của khu vực sáp nhập.
Vietravel đang xây dựng "Bản đồ thích ứng hành chính du lịch", phân vùng sản phẩm theo cụm điểm đến thay vì ranh giới tỉnh, giúp du khách dễ hình dung hơn.
Các doanh nghiệp du lịch coi đây là cơ hội tái cấu trúc sản phẩm Đông Nam Bộ, mở rộng tour liên tỉnh ngắn ngày, đa dạng điểm đến và tăng kết nối vùng.
Tóm tắt bởi AI HAY
Việc TP.HCM sáp nhập Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương trong năm 2025 đã mở ra một “siêu vùng kinh tế – du lịch” mới, được kỳ vọng trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ và logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Thay đổi lớn về hành chính này mang đến những thuận lợi dài hạn cho ngành du lịch, nhưng cũng đồng thời đặt ra không ít thách thức, đặc biệt liên quan đến nhận diện điểm đến.
Những thách thức ban đầu
Đại diện Vietravel cho biết nhiều tên gọi hành chính chưa được phổ biến rộng rãi đến người dân, du khách và hệ thống truyền thông. Điều này khiến khách nội địa, nhất là nhóm lớn tuổi hoặc khách từ các tỉnh khác, gặp khó khăn khi tra cứu tour hay lịch trình nếu tên điểm đến không còn trùng với tên cũ quen thuộc như “Vũng Tàu” hay “Bình Dương”.
Đại diện Ảnh Việt – đơn vị vận hành xe buýt du lịch Hop on Hop off – cũng nhận xét dù các địa danh như Vũng Tàu hay Bình Dương vốn đã rất nổi tiếng, nhưng việc sáp nhập vẫn có thể khiến du khách ít nhiều bối rối ban đầu. Họ tin rằng sức hút của các điểm đến này sẽ không mất đi, song thừa nhận cần thời gian để du khách và hệ thống dịch vụ làm quen.
Không chỉ khách nội địa, nhóm khách quốc tế cũng gặp vướng mắc khi tiếp cận tên gọi mới. Vietravel cho biết nhiều du khách nước ngoài vẫn tìm kiếm thông tin tour qua các nền tảng OTA toàn cầu như Booking, Google Travel, TripAdvisor hay Expedia. Tuy nhiên, tại thời điểm này, hầu hết các nền tảng chưa kịp cập nhật tên gọi và bản đồ hành chính mới.
Điều này dẫn đến việc thông tin điểm đến bị lệch giữa website công ty du lịch và các công cụ tra cứu quốc tế. Thậm chí, một số du khách gặp rắc rối khi khai báo địa chỉ lưu trú trong tờ khai visa, khai báo xuất nhập cảnh hoặc khi làm thủ tục bảo hiểm du lịch do hệ thống chưa nhận diện tên hành chính mới. Ngoài ra, biển hiệu, thông tin công cộng và bản đồ địa phương vẫn chưa đồng bộ, tạo ra nhiều cách gọi khác nhau, khiến du khách lúng túng khi tìm điểm đón, hỏi đường hay liên hệ nhà hàng.
Vấn đề tên gọi mới cũng ảnh hưởng đến khâu vận hành tour tuyến. Vietravel cho biết các tuyến truyền thống như TP.HCM – Bình Dương – Hồ Cốc – Long Hải nay đều thuộc về một vùng đô thị mới, nhưng thủ tục điều hành tour, đăng ký tuyến vẫn bị phân tán theo cơ chế cũ. Do đó, việc xin giấy phép khai thác tuyến mới hoặc điều chỉnh hợp đồng dịch vụ với các đối tác địa phương đang mất thêm thời gian, vì các sở ngành vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp.
Song song đón, công ty phải rà soát toàn bộ tài liệu tour, brochure, nội dung web, ứng dụng và hệ thống CRM để đảm bảo đúng quy định hành chính mới nhưng vẫn dễ hiểu với khách hàng. Công ty cũng cần thêm thời gian để đào tạo lại đội ngũ bán hàng, hướng dẫn viên và các đối tác, nhằm đồng bộ cách gọi, tránh gây hiểu lầm trong giới thiệu điểm đến.
Với Ảnh Việt, khó khăn nằm ở khía cạnh thuyết minh điểm đến cho khách du lịch. Hệ thống thuyết minh đa ngôn ngữ trên xe hiện tại cần được cập nhật lại toàn bộ để phù hợp tên hành chính mới. Đây là công đoạn tốn kém và phức tạp, đòi hỏi thời gian và nguồn lực, bởi hệ thống thuyết minh của công ty phải đồng bộ cho nhiều ngôn ngữ khác nhau, phục vụ nhóm khách quốc tế đa dạng.
Chủ động tìm hướng thích nghi
Trước các thách thức này, Vietravel đang triển khai những giải pháp “thích ứng hành chính du lịch mới”. Một trong các bước đi là xây dựng “Bản đồ thích ứng hành chính du lịch”, phân vùng sản phẩm theo cụm điểm đến thay vì ranh giới tỉnh. Điều này giúp du khách dễ hình dung hơn, tránh nhầm lẫn giữa tên cũ và tên mới. Ngoài ra, trên kênh digital, Vietravel thiết lập hệ thống gợi ý thông minh: khi khách tra “Bình Dương”, hệ thống vẫn tự động hiểu và quy đổi sang tên mới theo quy hoạch hành chính.
Đồng thời, doanh nghiệp đẩy mạnh đào tạo hướng dẫn viên, nhân viên kinh doanh và truyền thông nội bộ, để mọi điểm chạm thông tin đến khách hàng đều thống nhất. Các doanh nghiệp ngành du lịch cũng coi đây là cơ hội để tái cấu trúc hệ sản phẩm Đông Nam Bộ, mở rộng tour liên tỉnh ngắn ngày, tour cuối tuần, đa dạng mạng lưới điểm đến ngách và tăng khả năng kết nối vùng.
Phía Ảnh Việt xác định sẽ tổ chức các buổi làm việc với các địa phương “về một nhà” để phối hợp khai thác nguồn khách. Mục tiêu là giúp khách tiếp cận các dịch vụ công, thế mạnh du lịch biển và các điểm đến mới thuộc TP.HCM mở rộng, đồng thời điều chỉnh các sản phẩm tour Hop on Hop off phù hợp thực tế địa giới hành chính mới.
Nhìn chung, doanh nghiệp lữ hành đều cho rằng việc hợp nhất TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương thành một “siêu vùng du lịch” là cơ hội lớn để phát triển sản phẩm du lịch theo không gian mở, liên kết vùng và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Tuy vậy, các doanh nghiệp cũng nhấn mạnh cần có bộ tiêu chuẩn vùng thống nhất về chất lượng dịch vụ, định vị điểm đến và cách gọi tên, để tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, gây khó cho hoạt động xin phép, truyền thông và điều hành tour. Trước mắt, bài toán tên gọi mới có thể còn nhiều xáo trộn nhưng họ kỳ vọng có thể biến giai đoạn “vướng tên” thành động lực để tái cấu trúc hệ sản phẩm, đón đầu thị trường và phục vụ khách tốt hơn trong một “siêu vùng du lịch” đầy tiềm năng.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/ten-goi-dia-phuong-moi-lam-kho-doanh-nghiep-du-lich-viet-53630.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media