Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Thuế mới từ 15% đến 20% của ông Trump khiến doanh nghiệp châu Á tính toán lại chuỗi cung ứng và lo ngại tăng trưởng suy yếu.
Donald Trump cùng Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại Washington, DC, ngày 22 tháng 7. Hình ảnh: Graeme Sloan/Bloomberg
Tác giả: Malcolm Scott và Katia Dmitrieva
23 tháng 07, 2025 lúc 2:00 PM
Tóm tắt bài viết
Tổng thống Donald Trump công bố thỏa thuận thuế quan mới, áp thuế 15% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, đặc biệt là ô tô, sau nhiều tháng bất ổn thương mại.
Philippines cũng đạt thỏa thuận riêng với mức thuế 19%, tương đương Indonesia và thấp hơn 1% so với Việt Nam, cho thấy khả năng áp thuế tương tự ở Đông Nam Á.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent sẽ gặp đại diện Trung Quốc tại Stockholm để đàm phán gia hạn thỏa thuận đình chiến thuế quan và mở rộng nội dung thảo luận.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 3,2%, dẫn đầu bởi cổ phiếu Toyota, phản ánh sự lạc quan của nhà đầu tư sau các động thái về thuế của Tổng thống Trump.
Các nhà phân tích tại Goldman Sachs dự báo thuế "đối ứng" cơ bản của Mỹ sẽ tăng từ 10% lên 15%, gây ra lạm phát và làm chậm tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Tóm tắt bởi AI HAY
Sau nhiều tháng bất ổn, loạt thỏa thuận thuế quan mới của Tổng thống Donald Trump đang mang lại cái nhìn rõ ràng hơn về trật tự thương mại mới tại khu vực sản xuất lớn nhất thế giới.
Hôm thứ Ba (22.7), ông Trump công bố một thỏa thuận với Nhật Bản và ấn định mức thuế 15% đối với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia này, bao gồm cả ô tô — mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong thâm hụt thương mại song phương.
Cùng ngày, một thỏa thuận riêng với Philippines cũng được công bố, áp dụng mức thuế 19%, ngang với Indonesia và chỉ thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mức cơ bản 20% của Việt Nam. Điều này cho thấy phần lớn các quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ chịu mức thuế tương tự.
“Nay 10% là mức thuế tối thiểu mới, nên 15% hay 20% cũng không quá tệ nếu ai cũng chịu mức thuế như nhau,” Trinh Nguyen, kinh tế trưởng khu vực châu Á mới nổi tại Natixis, nhận định. Bà cho rằng với mức thuế 15–20%, các công ty Mỹ vẫn có lợi nhuận khi nhập khẩu thay vì tự sản xuất trong nước.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết ông sẽ gặp đại diện Trung Quốc tại Stockholm vào tuần tới, trong khuôn khổ vòng đàm phán thứ ba nhằm gia hạn thỏa thuận đình chiến thuế quan và mở rộng nội dung thảo luận. Đây là dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang dần ổn định, sau khi Mỹ vừa nới lệnh hạn chế chip và Trung Quốc đồng ý nối lại xuất khẩu đất hiếm.
“Chúng tôi đang hợp tác rất tốt với Trung Quốc,” ông Trump phát biểu với báo chí hôm thứ Ba. “Quan hệ giữa hai bên rất tốt.”
Sau sáu tháng liên tục bị đe dọa áp thuế — có lúc mức thuế với Trung Quốc bị đẩy lên tới 145% và gần 50% với một số nước xuất khẩu nhỏ hơn ở châu Á — chính sách thương mại của Mỹ nay bắt đầu dễ đoán hơn. Nhà đầu tư hoan nghênh diễn biến này: cổ phiếu châu Á tăng mạnh nhất trong một tháng, hợp đồng tương lai S&P 500 tăng 0,2%. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 3,2%, dẫn đầu là cổ phiếu của Toyota và các hãng ô tô khác.
“Nếu nhìn vào phản ứng của thị trường chứng khoán thì có thể thấy các nhà đầu tư vẫn khá lạc quan,” Albert Park, kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television. “Tôi không chắc thị trường đã phản ánh đầy đủ các tác động tiêu cực từ việc gián đoạn thương mại do thuế quan.”
Hồi tháng 4, ông Trump từng tạm hoãn áp các mức thuế cao nhất sau khi thị trường chứng khoán, trái phiếu và USD cùng suy yếu — một phản ứng hiếm hoi cho thấy nhà đầu tư lo ngại về xu hướng chính sách bảo hộ thương mại. Sự trì hoãn này tạo điều kiện để các nhà đàm phán từ Nhật Bản, Indonesia, Philippines và các quốc gia khác đạt được một thỏa thuận hợp lý hơn.
Dù các thỏa thuận mới đã phần nào xoa dịu tâm lý thị trường, nhiều câu hỏi vẫn còn bị bỏ ngỏ. Chính quyền ông Trump đang xem xét áp thuế theo ngành đối với những mặt hàng trọng yếu như chip bán dẫn và dược phẩm — các lĩnh vực sống còn đối với những nền kinh tế như Ấn Độ và Đài Loan, vốn chưa đạt được thỏa thuận với Mỹ.
Hàn Quốc cũng là quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi thuế ngành. Tuy nhiên, thỏa thuận vừa ký với Nhật Bản có thể trở thành mô hình để Tổng thống mới Lee Jae Myung làm theo.
Khi ông Trump thúc đẩy đàm phán với các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ, ông cho biết có thể áp mức thuế chung 10–15% với khoảng 150 quốc gia nhỏ khác.
Giờ đây, khi chính sách thuế trở nên rõ ràng hơn, các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng phức tạp trải khắp châu Á và phụ thuộc vào người tiêu dùng Mỹ có thể bắt đầu tính toán lại cách điều chỉnh hoạt động để giảm thiểu tác động đến doanh thu.
Cũng như cuộc chiến thương mại năm 2018, loạt tuyên bố áp thuế mới lần này nhiều khả năng sẽ khiến doanh nghiệp tiếp tục rời khỏi Trung Quốc. Mức thuế trung bình với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện vẫn cao nhất khu vực, trong khi áp lực liên tục từ Nhà Trắng đối với công nghệ và tham vọng thương mại của Bắc Kinh đang buộc nhiều doanh nghiệp tìm kiếm sự ổn định ở nơi khác.
Nhiều doanh nghiệp và hiệp hội ngành đã cảnh báo suốt nhiều tháng rằng sự bất định còn gây hại hơn mức thuế khi đưa ra quyết định đầu tư. Theo dữ liệu PMI của S&P, ngành sản xuất tại ASEAN ghi nhận mức suy yếu rõ rệt nhất kể từ tháng 8.2021, do đơn hàng mới giảm mạnh, nhân sự bị cắt giảm và hoạt động mua sắm yếu đi.
Nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ trước khi mức thuế mới có hiệu lực cũng sẽ sớm hạ nhiệt. Dù thuế 15% với Nhật và 15–20% với Đông Nam Á thấp hơn nhiều so với mức mà ông Trump từng đe dọa, đây vẫn là mức cao hơn đáng kể so với thời điểm trước khi ông nhậm chức.
“Các thỏa thuận mới tiếp tục xu hướng đưa mức thuế chung tiến gần về mức 15–20%, đúng với mức mà Tổng thống Trump gần đây tuyên bố là mức chuẩn ưu tiên, thay vì mức 10% như hiện tại,” nhóm phân tích của Barclays do Brian Tan dẫn đầu viết trong một ghi chú. Theo họ, điều này làm gia tăng nguy cơ tăng trưởng GDP tại châu Á sẽ suy yếu.
Đối với người tiêu dùng Mỹ — những người cho đến nay vẫn chưa phải gánh chi phí từ thuế quan — các nhà kinh tế cảnh báo rằng giá hàng hóa sẽ tăng trong vài tháng tới. Các nhà phân tích tại Goldman Sachs dự báo mức thuế “đối ứng” cơ bản của Mỹ sẽ tăng từ 10% lên 15%, kéo theo lạm phát và làm chậm tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ông muốn chờ xem chính sách thuế cuối cùng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế trước khi quyết định giảm lãi suất — điều khiến ông Trump không hài lòng.
Hiện tại, Tổng thống Mỹ tuyên bố đây là thắng lợi về thương mại và giới đầu tư dường như cũng phần nào yên tâm hơn.
“Tôi vừa ký thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử, có lẽ là lớn nhất từ trước đến nay, với Nhật Bản,” ông Trump nói tại một sự kiện ở Nhà Trắng hôm thứ Ba, sau khi công bố thỏa thuận trên mạng xã hội. “Đây là thỏa thuận rất tốt cho tất cả mọi người.”
— Với sự hỗ trợ của Yoshiaki Nohara, Andreo Calonzo, Ramsey Al-Rikabi, Swati Pandey, và Claire Jiao
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/ong-trump-an-dinh-muc-thue-moi-thiet-lap-trat-tu-thuong-mai-chau-a-53892.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Gói đăng ký
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media