Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh doanh
Nissan mất lợi thế trên thị trường xe điện, thiếu hybrid và gặp khó trong tái cấp vốn. Bất ổn nội bộ kéo dài khiến hãng tụt hậu, đặt ra câu hỏi liệu Nissan có thể tự cứu hay cần một sự hợp nhất với Honda để tồn tại.
Chiếc xe điện thể thao đa dụng Honda 0 được trưng bày tại sự kiện CES 2025 ở Las Vegas, Nevada, Mỹ, vào thứ Tư, ngày 8 tháng 1 năm 2025. Hình ảnh: Bridget Bennett/Bloomberg.
Tác giả: Nicholas Takahashi
07 tháng 2, 2025 lúc 4:46 PM
Kể từ khi cựu tổng giám đốc điều hành Carlos Ghosn – biệt danh “sát thủ chi phí” – thất thế vào năm 2018, tập đoàn Nissan Motor của Nhật Bản lâm vào tình trạng suy thoái với doanh số yếu kém và danh mục sản phẩm lạc hậu.
Tháng 12 vừa qua, Honda Motor đã đưa ra một cứu cánh, đồng ý cân nhắc một thỏa thuận có thể đưa hai đối thủ truyền thống hợp nhất, tạo nên một trong những tập đoàn ô tô lớn nhất thế giới và đủ sức đối trọng với các thương hiệu xe điện (EV) đến từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, quá trình thương thảo không hề suôn sẻ khi Honda nhấn mạnh rằng Nissan cần tự chấn chỉnh trước khi tiến hành bất kỳ hợp tác nào. Đến đầu tháng 2, đàm phán rơi vào bế tắc do sự chênh lệch về vị thế giữa hai doanh nghiệp.
Với giá trị vốn hóa thị trường cao gấp bốn lần Nissan, Honda có thể mang lại lợi ích kinh tế quy mô đáng kể. Hai hãng hiện đã liên kết với Mitsubishi Motors trong phát triển phần mềm, pin và công nghệ EV. Nếu tiến xa hơn, việc hợp nhất nền tảng sản xuất, chuỗi cung ứng và nghiên cứu sẽ giúp họ nâng tầm cạnh tranh.
Tuy vậy, ngay cả sự hợp lực này vẫn chưa thể san lấp khoảng cách với các nhà sản xuất xe điện như BYD hay Tesla – những thương hiệu sở hữu công nghệ pin tối tân hơn và hệ sinh thái phần mềm vượt trội.
Thành lập gần một thế kỷ trước, Nissan đang vật lộn với thua lỗ nghiêm trọng. Lợi nhuận ròng trong sáu tháng kết thúc vào 30.9 sụt giảm 94% khi thị trường Mỹ và Trung Quốc suy yếu, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn cho lượng trái phiếu kỷ lục đáo hạn năm 2026.
Tháng 11, Nissan thông báo kế hoạch cắt giảm 9.000 nhân sự trong tổng số hơn 130.000 lao động, đồng thời thu hẹp 20% công suất sản xuất toàn cầu.
Doanh số Nissan suy giảm tại Nhật Bản, Trung Quốc và đặc biệt là Mỹ – thị trường trọng yếu. Hệ thống sản phẩm lạc hậu dẫn đến tồn kho lớn, buộc hãng phải hạ giá để kích cầu.
Từng tiên phong trong lĩnh vực EV với mẫu Leaf ra mắt hơn một thập niên trước, Nissan lại chậm chân trong việc nâng cấp công nghệ. Trong khi các hãng Trung Quốc liên tục cải tiến xe điện, thị trường Mỹ chuyển hướng sang hybrid – phân khúc mà Nissan không có sản phẩm cạnh tranh như Prius của Toyota.
Sự chậm trễ trong cập nhật mẫu xe mới cũng khiến đại lý buộc phải giảm giá để thu hút khách hàng. Đến năm 2025, Nissan vẫn thiếu các dòng EV và hybrid thế hệ mới đủ sức cạnh tranh tại Mỹ và Trung Quốc.
Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng cuối thập niên 1990, khi Renault can thiệp và cử Ghosn sang điều hành. Dưới sự lãnh đạo của ông, Nissan mở rộng thị phần toàn cầu nhưng hạn chế đầu tư đổi mới, khiến sản phẩm kém hấp dẫn so với đối thủ.
Ghosn đặt trọng tâm vào doanh số, dẫn đến việc tăng cường các chính sách ưu đãi giá và bán xe số lượng lớn cho các đơn vị cho thuê, làm giảm lợi nhuận.
Liên minh Nissan-Renault sau đó không đạt được hiệu quả tối đa do thiếu sự hợp tác chặt chẽ trong phát triển sản phẩm. Mối quan hệ sụp đổ năm 2018 khi Ghosn bị bắt giữ vì cáo buộc sai phạm tài chính, và từ đó, Nissan vẫn loay hoay với những hệ lụy để lại.
Leaf có tầm hoạt động hạn chế so với đối thủ, sử dụng cổng sạc CHAdeMO vốn không được các nhà sản xuất xe Mỹ chấp nhận. Trong khi đó, Tesla và BYD đã thiết lập tiêu chuẩn mới, đẩy Nissan vào thế bất lợi tại các thị trường trọng điểm.
Tại Trung Quốc, Nissan không thể theo kịp xu hướng khi các hãng xe nội địa liên tục tích hợp công nghệ cao cấp nhằm thu hút người tiêu dùng.
Nissan có văn hóa doanh nghiệp bảo thủ, cộng thêm sự xáo trộn nhân sự cấp cao trong nhiều năm qua, khiến chiến lược phát triển thiếu nhất quán.
Sau khi Ghosn bị phế truất, người kế nhiệm Hiroto Saikawa cũng phải từ chức năm 2019 vì bê bối liên quan đến chế độ thù lao. Tháng 12 vừa qua, Nissan tiếp tục thay đổi ban điều hành, với CEO Makoto Uchida giữ nguyên vị trí, trong khi Jeremie Papin được bổ nhiệm làm giám đốc tài chính.
Với những bất ổn nội bộ và những thách thức trên thị trường, Nissan đứng trước bài toán sinh tử: hoặc tìm được hướng đi mới, hoặc tiếp tục lao dốc trên hành trình tụt hậu.
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/nissan-co-the-ton-tai-ma-khong-can-honda-giup-do-52777.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media