Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Công nghệ
Nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh của Việt Nam, kết hợp cùng “nguồn cung” nhân lực công nghệ dồi dào và không quá đắt đỏ đang giúp quốc gia Đông Nam Á trở thành tụ điểm mới thu hút giới khởi nghiệp (startup). Tất nhiên, vẫn còn đó những thách thức đủ loại.
Vinnie Lauria chở con đi học bằng xe máy tại thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Maika Elan/Bloomberg
Tác giả: Nguyen Xuan Quynh, John Boudreau
07 tháng 6, 2024 lúc 4:20 PM
Một buổi sáng, Vinnie Lauria điều khiển xe máy luồn lách qua những con phố nhỏ hẹp đông đúc của thành phố Hồ Chí Minh để chở cậu con trai ba tuổi đến trường cho kịp giờ. Nếu đây là Thung lũng Silicon, thì hành trình di chuyển của anh ắt hẳn bớt “phiêu lưu” hơn, nhưng tại Việt Nam, anh chỉ mới bắt đầu một chuyến phiêu lưu khác cho mình.
Lauria là người Mỹ đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, kiêm đồng sáng lập của Golden Gate Ventures, chuyển đến sống tại thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2022 sau quá trình sống và làm việc tại Singapore và San Francisco. Bằng cách này, anh đã cùng nhiều người nước ngoài khác (và con số vẫn đang tăng lên) có mặt tại nơi được cho là “thánh địa” mới dành cho giới khởi nghiệp (startup).
“Đông Nam Á sẽ trở thành nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong vòng 10 năm tới, và Việt Nam sẽ nằm ở chính giữa nguồn lực đó,” Lauria cho biết trong bộ cánh giản dị của dân công nghệ gồm áo in họa tiết, quần lửng trắng, và để tóc đuôi gà.
Trong con mắt nhiều người phương Tây, hình ảnh cố hữu của Việt Nam vẫn là một quốc gia chậm phát triển, bị tàn phá bởi chiến tranh, nơi gia công giày dép cho hãng Nike. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, giới lập trình viên đang chuyển đến thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm tài chính của Việt Nam để thành lập các công ty khởi nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau từ điều trị chứng mất ngủ cho đến cho vay nhỏ lẻ.
Dẫu vậy, việc trở thành tụ điểm khởi nghiệp tiếp theo của châu Á sẽ đòi hỏi thành phố này phải xem xét lại nhiều quy định hiện hành, và năng lực điều hướng trước cơn “gió chướng” của một nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo của hãng kiểm toán KPMG International và ngân hàng HSBC Holdings, số lượng công ty khởi nghiệp tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi kể từ lúc đại dịch Covid-19 mới bắt đầu cho đến giữa năm 2022 vừa qua. Một số startup hứa hẹn tiềm năng phát triển nhất đang nhận được sự hỗ trợ từ những nhà đầu tư lớn nhất thế giới như Sequoia Capital, Warburg Pincus, và Alibaba Group Holding.
Cụ thể hơn, riêng trong năm 2021, Việt Nam thu hút được con số kỷ lục 2,6 tỉ đô la Mỹ thông qua 233 vụ đầu tư từ những quỹ tư nhân, tăng rất nhiều so với mức 700 triệu đô la Mỹ của 140 vụ của năm 2020, theo báo cáo của Google, Temasek Holdings Pte và Bain & Co. Theo số liệu của quỹ Do Ventures, tổng số vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam chiếm 13% tổng số vốn đầu tư mạo hiểm vào khu vực Đông Nam Á, đứng thứ ba sau Indonesia và Singapore.
Việt Nam: Thỏi nam châm hút vốn đầu tư mạo hiểm (VC)
Giới quan chức địa phương đang muốn nhiều hơn thế. Đến năm 2030, họ đặt mục tiêu biến thành phố Hồ Chí Minh thành “thỏi nam chân” thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, và hướng đến xây dựng nền kinh tế số chiếm 40% tổng sản phẩm quốc nội của thành phố này.
Vào tháng 1.2023, chính quyền đặt mục tiêu cho thành phố Hồ Chí Minh thu hút đầu tư nước ngoài vào những dự án công nghệ cao, đồng thời đưa ra nhiều chính sách ưu đãi khác để thu hút nhân tài toàn cầu, cùng những công ty quốc tế đến đây thành lập thêm nhiều trung tâm nghiên cứu đổi mới.
Bước đầu, sách lược này đã thu được một số kết quả. “Kỳ lân” đầu tiên của Việt Nam là VNG dự kiến sẽ theo đuổi kế hoạch IPO tại thị trường Mỹ trong những tháng tới. Một công ty chuyên về công nghệ thanh toán tiền lương cùng một startup nông nghiệp khác là những công ty mới nhất gần đây vừa nhận được hàng triệu đô la Mỹ trong những vòng gọi vốn. Nói cách khác, tiền đang đổ vào giới startup tại Việt Nam.
Người trong ngành nhận xét thành phố Hồ Chí Minh có những yếu tố tạo nên một Thung lũng Silicon tiếp theo: Hệ thống giáo dục nặng về các môn toán và khoa học, một ngành gia công phần mềm có thâm niên nhiều thập niên đã giúp tạo ra vô số kỹ sư tài năng có giá phải chăng, cùng những lợi ích đến từ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, vốn thuộc nhóm nhanh nhất châu Á trong năm vừa qua.
Vy Lê, đồng sáng lập Do Ventures, cho biết cách đây 10 năm, nhà đầu tư có thể mất sáu tháng để cân nhắc một khoản đầu tư. Còn bây giờ? “Nếu chúng tôi không đưa ra được quyết định trong vòng một hoặc hai tháng, các quỹ khác chắc chắn sẽ nhảy vào và đạt được thỏa thuận trước,” mỗi tháng, cô gặp gỡ trung bình mười quỹ đến từ nước ngoài.
Con đường phía trước còn nhiều chông gai và gập ghềnh. Trước tình cảnh suy thoái vốn đầu tư trên phạm vi toàn cầu, kết hợp với nền kinh tế địa phương bị đè nặng bởi khủng hoảng bất động sản, cùng đơn đặt hàng tại các nhà máy trong nước sụt giảm, tất cả làm tăng thêm nhiều thách thức cho ngành khởi nghiệp (startup) chỉ vừa mới chớm nở.
Bên cạnh đó còn tồn tại câu hỏi về một “hệ sinh thái” không mấy chắc chắn trong bối cảnh giới khởi nghiệp tại Việt Nam chỉ mới tồn tại khoảng một, hai thập kỷ, theo báo cáo của ngân hàng Phát triển châu Á ra mắt năm 2022. “Kết quả phân tích cho thấy một vài sự cải cách về mặt chính sách là cần thiết để tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc thành lập các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp công nghệ, và cải thiện năng lực tài chính,” báo cáo viết.
Cũng theo ngân hàng Phát triển châu Á, những chính sách có lợi được chính phủ ban hành, chẳng hạn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cũng sẽ đóng vai trò rất quan trọng.
Lĩnh vực khởi nghiệp non trẻ của Việt Nam đã được hình thành trong suốt nhiều năm qua. Năm 2013, sự ra mắt của trò chơi Flappy Bird được ca ngợi là một hiện tượng sẽ giúp thúc đẩy sức mạnh khởi nghiệp của Việt Nam. Tuy sau này đã bị gỡ bỏ, Flappy Bird đã mở đường cho một thế hệ những công ty mới hoạt động trong lĩnh vực công nghệ như công ty thanh toán di động VNPay, “kỳ lân” thứ hai của Việt Nam vào năm 2020 theo ADB.
Theo một số nhà sáng lập, lý do chưa có nhiều câu chuyện thành công hơn vì chính phủ vẫn chưa thiết lập một khuôn khổ phù hợp dành cho quyền chọn cổ phiếu. Những quy định rườm rà cũng đang cản trở khả năng ra mắt thị trường của nhiều công ty startup. Những tồn đọng về mặt quy định cũng làm chậm đơn xin thị thực cho người nước ngoài, và hiện Việt Nam vẫn đang hạn chế tỉ lệ sở hữu nước ngoài đối với các công ty ở mức tối đa 49% trong một số lĩnh vực.
Dẫu vậy, những điều này vẫn không làm chùn bước những người nước ngoài như Lauria, và quỹ của anh đã và đang hỗ trợ các công ty khởi nghiệp trong nước từ năm 2014, và đã mở văn phòng tại thành phố Hồ Chí Minh lẫn Hà Nội vào năm ngoái. Anh quyết định lao vào cuộc chơi sau khi chứng kiến tốc độ tăng trưởng bình quân đầu người phi thường của Việt Nam trong vòng 10 năm qua. Theo anh, chi tiêu trực tuyến có thể tăng gấp năm lần trong vòng sáu năm tới.
Các công ty khởi nghiệp cũng đang giúp gia tăng tốc độ cho nhiều người Việt Nam quay trở lại quê hương, theo nhận xét của Nguyễn An Nguyên, giám đốc điều hành một hãng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xếp hạng tín nhiệm được Sequoia đầu tư, chuyên hỗ trợ người thiếu lịch sử tín dụng vay được vốn.
“Đây là một sự trở về quê hương lớn, hay còn gọi là chảy máu chất xám ngược,” anh Nguyên, người trở về Việt Nam sau khi lấy bằng tiến sĩ ngành kinh tế tại Đại học Rice (Texas), nhận xét. Khoảng 2/3 nhân viên của anh tại Trusting Social, công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech có ít nhất một bằng thạc sĩ từ nước ngoài.
Lĩnh vực khởi nghiệp đã trải qua quá trình chuyển đổi “cả ngày lẫn đêm,” theo đồng sáng lập Lê Hồng Minh của VNG, doanh nghiệp có trụ sở nhìn ra sông Sài Gòn tại một khu vực từng nổi tiếng về dệt may, cho biết. Tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh và Internet cao, dân số trẻ đông đảo, và tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh là các nhân tố đang định hình lại đất nước Việt Nam.
"Một nước Việt Nam mới vượt xa những gì người nước ngoài có thể hiểu được," Bình Trần, đồng sáng lập Ascend Vietnam Ventures, người đã cùng gia đình rời khu Bay Area trở về Việt Nam vào năm 2020, cho biết. "Đây là một thị trường cực dễ tiếp cận, và ngôn ngữ thì không phải rào cản lớn… Bạn sẽ tìm được rất nhiều nhân tài trẻ trung và khao khát gia nhập công ty khởi nghiệp của bạn.”
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/nhan-tai-cong-nghe-giup-viet-nam-tro-thanh-cu-dia-cua-startup-50247.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media