Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Mark Zuckerberg chuẩn bị bắt đầu khai thác lợi nhuận từ khoản đầu tư khổng lồ vào phần mềm và nhân sự AI.
Mark Zuckerberg, giám đốc điều hành của Meta Platforms, đang thu hút những nhân tài hàng đầu trong lĩnh vực AI bằng sự kết hợp giữa tiền mặt và năng lực tính toán. Hình ảnh: David Paul Morris/Bloomberg
Tác giả: Parmy Olson
14 tháng 07, 2025 lúc 10:59 PM
Tóm tắt bài viết
Ông Mark Zuckerberg có thể sớm tìm cách kiếm tiền từ lĩnh vực AI sau khoản đầu tư 65 tỉ đô la, bắt đầu bằng việc từ bỏ dự án AI mã nguồn mở Llama từng gây bối rối cho Phố Wall.
Llama, mô hình AI chủ lực của Meta Platforms, được giới thiệu là "mã nguồn mở", cho phép bất kỳ ai sao chép và xây dựng dựa trên đó, thu hút hàng ngàn nhà phát triển đóng góp cải tiến mô hình.
Nhiều chuyên gia chỉ trích Meta "gắn mác mã nguồn mở" để đánh bóng tên tuổi và việc công khai mã nguồn có thể gây rủi ro bị lạm dụng, như việc các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc dùng Llama để xây dựng công cụ tình báo ChatBIT.
Ông Zuckerberg, người giàu thứ hai thế giới với tài sản 256,4 tỉ đô la Mỹ, đã được cảnh báo về rủi ro khi công khai rộng rãi các hệ thống AI có năng lực vượt qua con người.
Ông Zuckerberg nói sẽ không công khai các mô hình AI trong tương lai nếu chúng đạt đến ngưỡng "siêu trí tuệ" và việc chiêu mộ CEO của Scale AI, ông Alexandr Wang, cho thấy Meta đang tính thương mại hóa hệ sinh thái AI.
Tóm tắt bởi AI HAY
Như một nhà đầu tư giỏi, Mark Zuckerberg luôn hướng đến lợi nhuận, nhưng ông sẵn sàng chờ đợi. Phải mất một thập kỷ sau khi chi 19 tỉ đô la cho WhatsApp, ông mới bắt đầu đặt quảng cáo trên nền tảng nhắn tin này. Giờ đây, sau khi đã đầu tư 65 tỉ đô la trong năm nay để phát triển hạ tầng trí tuệ nhân tạo và cạnh tranh gay gắt để tuyển dụng nhân tài hàng đầu ngành, giới quan sát dự đoán ông cũng sẽ sớm tìm cách kiếm tiền từ lĩnh vực này — bắt đầu bằng việc từ bỏ dự án AI mã nguồn mở từng khiến Phố Wall bối rối suốt thời gian qua.
Llama là mô hình AI chủ lực do Meta Platforms phát triển để bắt kịp ChatGPT. Khác với mô hình của Alphabet hay OpenAI, Llama được giới thiệu là “mã nguồn mở”, tức công khai thiết kế để bất kỳ ai — kể cả đối thủ — cũng có thể sao chép và xây dựng dựa trên đó. Zuckerberg nói ông muốn AI trở nên dễ tiếp cận hơn, để “mọi người trên thế giới đều hưởng lợi” — một tuyên bố thật khó tin đến từ một người đã xây dựng đế chế công nghệ dựa trên việc thu thập dữ liệu người dùng để bán quảng cáo.
Một lý do khác khả dĩ hơn là Llama chỉ là bước đệm cho mục tiêu thương mại hóa lớn. Việc công khai mã nguồn đã giúp Meta thu hút được hàng ngàn nhà phát triển tự nguyện đóng góp để cải tiến mô hình, qua đó tiết kiệm chi phí nghiên cứu và phát triển. Đồng thời, nó giúp Meta trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà nghiên cứu tài năng, những người muốn công trình của mình tiếp cận được hàng triệu người dùng thay vì bị khóa trong một hệ sinh thái công nghệ khép kín. Ngoài ra, chiến lược này cũng góp phần cải thiện hình ảnh của Meta như một “chiến binh đứng về phe chính nghĩa” trong cuộc đua AI, dù điều khoản sử dụng của Llama mang tính hạn chế và không thực sự đúng với định nghĩa mã nguồn mở.
Nhiều chuyên gia và nhà phát triển đã chỉ trích Meta là đang “gắn mác mã nguồn mở” để đánh bóng tên tuổi. Họ có lý khi nghi ngờ chiến lược đó sẽ không kéo dài. Năm ngoái, Zuckerberg bắt đầu thay đổi quan điểm khi chia sẻ trong podcast của Dwarkesh Patel rằng việc quá cứng nhắc với phần mềm mã nguồn mở là sai lầm, và nếu việc chia sẻ AI trở nên không còn phù hợp nữa thì “chúng tôi sẽ dừng lại.”
Không có câu trả lời rõ ràng về việc AI mã nguồn mở là tốt hay xấu. Về mặt tích cực, nó giúp chống lại sự tập trung quyền lực vào tay một số ít công ty ở Thung lũng Silicon. Nhưng khi các mô hình miễn phí ngày càng lớn mạnh, nguy cơ bị lạm dụng cũng tăng theo. Ví dụ, các nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc đã dùng Llama để xây một công cụ tình báo có tên ChatBIT, phục vụ mục đích thu thập dữ liệu và ra quyết định tác chiến. Một nhóm khác đã tạo ra mô hình “BadLlama” không có bất kỳ cơ chế bảo vệ nào — điều họ không thể làm với các hệ thống đóng như ChatGPT.
Là người giàu thứ hai thế giới, chỉ sau Elon Musk, với khối tài sản trị giá 256,4 tỉ đô la Mỹ theo dữ liệu của Bloomberg, Zuckerberg chắc chắn đã được các cố vấn tại Washington và các nhà hoạch định chính sách quốc tế cảnh báo về rủi ro khi công khai rộng rãi các hệ thống AI có năng lực vượt qua con người.
Nếu ông quyết định dừng chia sẻ mã nguồn mở, ông cũng không phải là người đầu tiên. OpenAI ban đầu là một tổ chức phi lợi nhuận cam kết chia sẻ kết quả nghiên cứu cho công chúng, nhưng sau khi nhận hàng tỉ đô la từ Microsoft, công ty dần trở nên kín tiếng hơn. Việc phát hành sản phẩm miễn phí để chiếm lĩnh thị trường rồi sau đó thu tiền cũng là một chiến lược phổ biến trong ngành công nghệ.
Phố Wall đang muốn thấy lợi nhuận rõ ràng hơn từ khoản đầu tư khổng lồ mà Meta rót vào AI, và các dấu hiệu cho thấy Zuckerberg sẽ đáp ứng kỳ vọng đó. Cũng giống như việc OpenAI tuyển dụng Fidji Simo cho thấy công ty này chuẩn bị mở rộng mảng quảng cáo, việc Zuckerberg chiêu mộ CEO của Scale AI, Alexandr Wang, cho thấy ông đang tính thương mại hóa hệ sinh thái AI của mình.
Gần đây, Zuckerberg đã nói với các nhà nghiên cứu hàng đầu mà ông đang chiêu mộ từ OpenAI và Google rằng ông sẽ không công khai các mô hình AI trong tương lai nếu chúng đạt đến ngưỡng “siêu trí tuệ” — một khái niệm chưa được định nghĩa rõ ràng, nhưng thường được dùng để chỉ AI có khả năng vượt qua con người trong hầu hết tác vụ. Wang cũng chia sẻ điều tương tự với các nhà khoa học mà ông đang tiếp cận trong các buổi gặp riêng.
Vậy nên, đừng quá bất ngờ nếu trong vòng một năm tới, Zuckerberg đột nhiên công bố rằng các mô hình AI mới của Meta quá mạnh mẽ để được chia sẻ miễn phí. Chiến lược mã nguồn mở của Meta sẽ hoàn thành nhiệm vụ: thu hút nhân tài, tận dụng sức lao động “miễn phí” và xây dựng hình ảnh người hùng bất đắc dĩ của Zuckerberg trong kỷ nguyên AI. Nhưng khi hàng tỉ đô la đã được đổ vào và Phố Wall yêu cầu lợi nhuận, kỷ nguyên miễn phí này sẽ đi đến hồi kết.
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/meta-sap-ket-thuc-ky-nguyen-ma-nguon-mo-cong-nghe-ai-53775.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Gói đăng ký
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media