Kinh doanh

Giá khí đốt châu Âu tăng sau khi mất nguồn cung từ Nga qua Ukraine

Đường ống dẫn khí từ Nga qua Ukraine bị chặn khiến giá khí đốt châu Âu có thể sẽ tăng không ngừng trong mùa Đông năm nay.

Nhà máy điện nhiệt kết hợp sử dụng khí đốt Scharnhorststrasse phía sau khu nhà ở tại Berlin. Hình ảnh: Yến Dương/Bloomberg.

Nhà máy điện nhiệt kết hợp sử dụng khí đốt Scharnhorststrasse phía sau khu nhà ở tại Berlin. Hình ảnh: Yến Dương/Bloomberg.

Tác giả: Thuận Đặng

02 tháng 1, 2025 lúc 4:20 PM

Giá khí đốt châu Âu tăng trong ngày giao dịch đầu tiên của năm khi khu vực này chuẩn bị đối mặt với mùa đông giá rét mà không có nguồn cung quan trọng.

Giá chuẩn hợp đồng giao tháng tới tăng đến 4,3%, đạt 51 euro mỗi megawatt-giờ, mức cao nhất kể từ tháng 10.2023. Lượng khí đốt Nga qua Ukraine đã dừng lại vào ngày đầu năm mới khi hợp đồng trung chuyển giữa hai quốc gia có xung đột hết hạn mà không có thỏa thuận thay thế.

Các nhà giao dịch đang theo dõi xem liệu việc mất nguồn cung từ Nga – vốn là nguồn khí đốt quan trọng cho nhiều quốc gia Trung Âu – có làm gia tăng tốc độ rút khí từ các kho lưu trữ hay không. Trên khắp châu Âu, tồn kho khí đốt hiện đang giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2021, khi cuộc khủng hoảng khí đốt bắt đầu hình thành.

Dù châu Âu khó có khả năng thiếu khí trong mùa đông năm nay nhờ lượng dự trữ và nguồn cung từ các nhà cung cấp khác, nhưng việc bổ sung kho lưu trữ cho mùa sưởi ấm tiếp theo có thể sẽ trở nên khó khăn hơn. Giá khí đốt mùa hè gần đây đã tăng vượt mức giá mùa đông 2025-26, khiến chi phí tái bổ sung tồn kho cao hơn.

“Nguy cơ EU kết thúc mùa đông với mức tồn kho khí đốt thấp ngày càng tăng, khiến chi phí bổ sung trở nên đắt đỏ,” Arne Lohmann Rasmussen, chuyên gia phân tích trưởng tại Global Risk Management ở Copenhagen, cho biết.

Hiện tại, khí đốt từ Nga qua đường ống đến châu Âu chỉ còn một tuyến duy nhất – một đường ống qua Thổ Nhĩ Kỳ vận chuyển khí đến Hungary. Lượng khí vận chuyển qua tuyến này sẽ được giám sát chặt chẽ.

Việc mất nguồn cung qua Ukraine cũng đồng nghĩa châu Âu sẽ phải gia tăng sự phụ thuộc vào khí hóa lỏng (LNG), bao gồm cả từ Nga. Năm ngoái, Nga đã cung cấp lượng LNG kỷ lục cho khu vực này, trở thành nhà cung cấp lớn thứ hai sau Mỹ – quốc gia gần đây đã khởi động hai nhà máy xuất khẩu mới.

Tuy nhiên, với các quốc gia không giáp biển ở Trung và Đông Âu, chi phí vận chuyển LNG đến Đức, Ba Lan hoặc Hy Lạp, sau đó hóa khí và vận chuyển tiếp sẽ khiến đây trở thành lựa chọn đắt đỏ. Slovakia ước tính việc nhập khẩu khí đốt từ phía tây sẽ phát sinh chi phí bổ sung lên đến 177 triệu euro (183 triệu USD).

“Thị trường khí đốt ở châu Âu không thiếu hụt, nhưng việc vận chuyển khí từ Tây sang Đông bị hạn chế phần nào, dẫn đến mức giá tăng cho khu vực,” Walter Boltz, cựu điều phối viên năng lượng Áo và hiện là cố vấn cấp cao tại Baker & McKenzie LLP, nhận định.

Châu Âu sẽ cần cạnh tranh mạnh mẽ hơn để có LNG trong năm nay, đặc biệt vào mùa hè khi nhu cầu năng lượng cho điều hòa không khí tăng cao tại châu Á. Dù nhiều nhà máy LNG mới đang được xây dựng trên toàn cầu, nhưng các bổ sung đáng kể về công suất sẽ chưa thể sẵn sàng trong vài năm tới.

Hợp đồng khí đốt chuẩn giao tháng 2 tại Hà Lan tăng 3,1%, đạt 50,39 euro mỗi megawatt-giờ lúc 8:10 sáng tại Amsterdam. Trước đó, giá tương lai cũng vượt ngưỡng 50 euro vào ngày 31.12 trong kỳ vọng nguồn cung sẽ bị gián đoạn.

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/gia-khi-dot-chau-au-tang-sau-khi-mat-nguon-cung-tu-nga-qua-ukraine-52698.html

#Khí đốt
#Ukraine
#Nga
#Châu Âu
#EU
#Chiến tranh Ukraine
#Đường ống khí đốt

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media