Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Cuộc họp thượng đỉnh đang diễn ra tại Canada có thể sẽ là dịp hiếm hoi để tìm kiếm tiếng nói chung trong khối G-7, ngay cả khi chính diễn đàn này ngày càng bị xem là lỗi thời.
Hình ảnh: Gavin John/Bloomberg
Tác giả: Lionel Laurent
17 tháng 6, 2025 lúc 6:00 PM
Một thành viên trong chính quyền Biden từng mô tả nhóm bảy quốc gia công nghiệp phát triển (G-7) — gồm Mỹ, Canada, Ý, Pháp, Đức, Anh và Nhật Bản — là “ban chỉ đạo cho các nền dân chủ tiên tiến nhất thế giới.” Cuộc họp thượng đỉnh kéo dài ba ngày của các lãnh đạo G-7, bắt đầu tại Canada vào ngày 15.6, lại khó có khả năng đưa ra những tuyên bố táo bạo như vậy.
Thay vì mang không khí thân thiện, gần gũi như những cuộc họp gia đình các năm gần đây, hội nghị thượng đỉnh lần này mang dáng dấp của một nỗ lực cuối cùng nhằm tìm kiếm tiếng nói chung trong bối cảnh tổng thống Donald Trump liên tục gọi nước chủ nhà Canada là tiểu bang thứ 51 tiềm năng của Mỹ, còn phương Tây chiếm tỉ trọng ngày càng giảm trong nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời, giới doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư đang chờ đợi dấu hiệu chứng tỏ căng thẳng thương mại giữa Mỹ với liên minh châu Âu và Nhật Bản có thể hạ nhiệt. (Về phần mình, Anh vẫn đang chờ thỏa thuận thuế quan gần đây với Trump được triển khai trên thực tế.)
Không thể loại trừ nguy cơ rạn nứt giữa Mỹ và các thành viên còn lại của diễn đàn — tương tự như hội nghị thượng đỉnh năm 2018, với hình ảnh ôngTrump khoanh tay thách thức các nhà lãnh đạo khác đã trở thành biểu tượng. Mới tháng trước, khi chữ ký trên tuyên bố chung cam kết nhiều ổn định hơn, ít bất định hơn của các bộ trưởng tài chính G-7 còn chưa ráo mực, ông Trump đã đe dọa EU bằng mức thuế toàn diện lên tới 50%. Khúc mắc không chỉ là vấn đề thương mại. Theo Emma Ashford, nghiên cứu viên cao cấp tại trung tâm Stimson, viện nghiên cứu có trụ sở tại Washington, Mỹ đang bất đồng với các đối tác trong nhiều vấn đề khác, bao gồm nỗ lực của Washington nhằm đạt được một thỏa thuận với Nga, dù điều đó có thể đánh đổi bằng chủ quyền của Ukraine. Một điểm gây chia rẽ khác là phương cách đối phó với Trung Quốc.
Bất chấp — hoặc có lẽ chính vì — những căng thẳng này, G-7 năm nay vẫn mang cảm giác cần thiết, ngay cả khi sau 50 năm kể từ ngày thành lập, tuyên bố của câu lạc bộ này rằng họ đại diện cho phần lớn thế giới ngày càng trở nên thiếu thuyết phục. Khi được thành lập vào những năm 1970 như một kiểu câu lạc bộ cắm trại chung để giao lưu về địa chính trị, G-7 từng chiếm tới 2/3 nền kinh tế toàn cầu. Ngày nay, con số đó đã giảm xuống không đầy một nửa.
Diễn đàn này đã được một số người tham dự mô tả với tôi là tiền tuyến cuối cùng để “thực sự làm được việc” trong bối cảnh các thể chế đa phương lớn hơn, từ Liên hợp quốc đến tổ chức Thương mại Thế giới, đang suy yếu dưới sức ép của làn sóng giải toàn cầu hóa. G-7 có định dạng nhỏ hơn, ít chính thức và ít ràng buộc hơn. Nếu Trung Quốc hoặc Nga tham gia — và Nga từng là thành viên cho đến khi họ sáp nhập Crimea vào năm 2014 — thì có lẽ nhóm sẽ trở thành ban chỉ đạo tuyệt đối vô dụng.
Thủ tướng Mark Carney của Canada, đã thắng cử nhờ tập hợp cử tri chống lại sự bắt nạt của Trump, sẽ không dễ đóng vai trò chủ nhà hiếu khách lần này. Ông có thể được hỗ trợ phần nào bởi thực tế là khi không còn ở phòng Bầu dục, ông Trump sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nếu muốn bất ngờ công kích các vị khách vốn không được chuẩn bị ở chốn cách công khai và một cách gây sốc.
Canada cũng đang lựa chọn một bàn cờ địa kinh tế rộng hơn với danh sách khách mời năm nay: Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, thành viên then chốt của nhóm BRICS, vốn tự xem mình là cầu nối giữa phương Tây và các nước Nam bán cầu, đã được mời tham dự. Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum, trụ cột còn lại của hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) mà ông Trump đang muốn xé bỏ, cũng có mặt. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cũng sẽ tham dự và dự kiến sẽ tận dụng cơ hội này để một lần nữa thúc giục tổng thống Trump có lập trường cứng rắn hơn với tổng thống Nga Vladimir Putin, giống như ông từng làm khi hai người gặp nhau vào tháng 4 tại Rome bên lề tang lễ Giáo hoàng Francis, theo Nicoletta Perozzi thuộc viện nghiên cứu IAI (Ý).
Các quốc gia thành viên còn lại đang hy vọng rằng một tổng thống Trump thích có đi có lại sẽ tin ở những lợi ích của một hội nghị thượng đỉnh to lớn, đẹp đẽ khi cần đối phó với những mối lo hàng đầu như Trung Quốc. Trong khi G-7 chưa từng có lập trường nhất quán về Trung Quốc, hội nghị lần này tạo ra động lực để xây dựng một lập trường thống nhất với Mỹ nhằm đối phó với những mất cân đối kinh tế và thương mại, khi Trung Quốc đang tăng tốc xuất khẩu để bù đắp thiệt hại do thuế quan của Trump. Tuyên bố chung của các bộ trưởng tài chính G-7 đã đề cập đến vấn đề trợ cấp có hại và cạnh tranh không công bằng, cũng như dòng thác hàng hóa thương mại điện tử từ các nền tảng như Temu và Shein, vốn thường lọt lưới hải quan.
Trong một buổi họp báo tuần trước, thủ tướng mới của Đức, Friedrich Merz, đã cố gắng định hình tinh thần cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng: “Hãy ngừng nói về Donald Trump kèm theo cử chỉ coi khinh hay giận dữ. Bạn phải nói chuyện với ông ấy, chứ không phải nói về ông ấy.” Dẫu vậy, các thành viên châu Âu của diễn đàn sẽ phải nỗ lực rất nhiều để tìm được sự cân bằng giữa nhượng bộ những đòi hỏi của tổng thống Mỹ và bảo vệ lập trường của riêng họ, nhất là trong các lĩnh vực như hỗ trợ Ukraine, thương mại và xây dựng trí tuệ nhân tạo đáng tin cậy.
Những người am hiểu về quá trình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới cho biết các quốc gia thành viên đã đồng ý sẽ không cố gắng đạt được sự đồng thuận cho một tuyên bố chung như truyền thống — đồng nghĩa thừa nhận rõ ràng khoảng cách quan điểm ngày càng lớn giữa Mỹ và các thành viên còn lại trong các vấn đề như Ukraine, biến đổi khí hậu và nhiều lĩnh vực khác.
Dù điều gì xảy ra tại Canada, vẫn sẽ còn đó những câu hỏi dai dẳng về tương lai của G-7. Một câu hỏi như vậy là liệu diễn đàn này có thể tiếp tục tồn tại như một câu lạc bộ thảo luận khép kín hay không. Trong quá khứ, đã có không ít đề xuất từ các quan sát viên bên ngoài về việc nên mở rộng thành viên để phản ánh tốt hơn cục diện kinh tế toàn cầu. Có thể hình dung việc đề cử thêm các nền kinh tế như Úc hoặc Hàn Quốc, hai động lực tăng trưởng đáng kể đồng thời là những đồng minh đáng tin cậy của phương Tây; Úc từng là mục tiêu bị Trung Quốc chèn ép về kinh tế, còn Hàn Quốc đã gián tiếp cung cấp nhiều đạn pháo cho Ukraine hơn toàn bộ các quốc gia châu Âu cộng lại. “Sắp tới là lựa chọn mang tính chiến lược,” Paul Samson, giám đốc viện nghiên cứu CIGI của Canada, nhận định.
Một câu hỏi nữa là liệu chúng ta có đang bước vào một kỷ nguyên dài của các liên minh linh hoạt thay vì các liên minh chính thức hay không. Đàm phán thương mại gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc đang mang dáng dấp của một G-2; trong khi đó, liên minh tự nguyện của châu Âu trong vấn đề Ukraine lại cho thấy hiệu quả chính nhờ quy mô nhỏ hơn, có năng lực quốc phòng đáng tin cậy và linh hoạt hơn nhiều so với cơ chế hiện tại của EU.
Với G-7, rủi ro mang tính sống còn chính là tình trạng đặc quyền khiến tính tương quan suy yếu.
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/chinh-sach-cua-trump-cang-gay-han-hoi-nghi-g-7-cang-can-thiet-53483.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media