Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Tài chính
Nhà đầu tư đổ tiền vào thị trường Hàn Quốc khi tân tổng thống Lee Jae Myung có khả năng thực hiện các cải cách kinh tế được chờ đợi từ lâu.
Minh hoạ: Saratta Chuengsatiansup cho Bloomberg Businessweek
Tác giả: Youkyung Lee và Sangmi Cha
03 tháng 7, 2025 lúc 11:30 AM
Tóm tắt bài viết
Thị trường chứng khoán Hàn Quốc trở thành tâm điểm khi nhà đầu tư quốc tế rót gần 3 tỉ USD vào cổ phiếu, giúp chỉ số chuẩn tăng khoảng 28% trong nửa đầu năm.
Bất chấp biến động chính trị và kinh tế, nhà đầu tư tin rằng văn hóa kinh doanh Hàn Quốc đang chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt sau cuộc bầu cử Tổng thống Lee Jae Myung.
Các chaebol, những tập đoàn gia đình, bị chỉ trích vì quản trị yếu kém và trốn thuế, gây ra "chiết khấu Hàn Quốc" làm cổ phiếu bị định giá thấp so với các đối thủ.
Tổng thống Lee Jae Myung cam kết nâng chỉ số Kospi lên 5.000 điểm và thành lập ủy ban "Kospi 5000" để cải cách thị trường vốn, chỉ số Kospi đã đạt 3.000 vào ngày 20/6.
Ông Park Jinho từ NH-Amundi Asset Management đề xuất giảm thuế cổ tức hoặc thuế thừa kế để thuyết phục các chaebol chấp nhận cải cách và đa dạng hóa tài sản.
Tóm tắt bởi AI HAY
Ngay cả khi nhóm nhạc BTS kết thúc nghĩa vụ quân sự và lên kế hoạch tái xuất dưới ánh đèn sân khấu khắp thế giới, thị trường chứng khoán Hàn Quốc lại trở thành tâm điểm mới. Giới đầu tư quốc tế đã rót gần 3 tỉ USD vào cổ phiếu nước này trong tháng 5 và 6, giúp chỉ số chuẩn tăng khoảng 28% trong nửa đầu năm — chỉ thua chỉ số blue-chip của Slovenia, cổ phiếu Zambia và một nhóm gồm 20 mã cổ phiếu của Ba Lan.
Đây là cú lội ngược dòng ấn tượng đối với một thị trường vừa trải qua nhiều biến động chính trị và kinh tế nghiêm trọng: thiết quân luật được ban hành rồi rút lại chỉ sau vài giờ, tổng thống bị luận tội và phế truất, cùng việc mức thuế 10% của tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ tăng lên 25% vào ngày 9.7, đe dọa gây thiệt hại cho các tập đoàn xuất khẩu như Hyundai, LG và Samsung. Bất chấp những rủi ro này và tình hình bất ổn toàn cầu do xung đột ở Trung Đông và Ukraine, nhà đầu tư vẫn đổ tiền vào cổ phiếu Hàn Quốc vì tin rằng văn hóa kinh doanh tại đây đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ. “Khi xu hướng đã hình thành, nó không thể bị ngăn cản,” ông Kim Ki Baek, giám đốc danh mục tại Korea Investment Management, nói.
Trong nhiều thập niên, nền kinh tế Hàn Quốc luôn do các chaebol — những tập đoàn gia đình — chi phối. Những công ty này, từ các ông lớn đến doanh nghiệp ít tên tuổi trong các lĩnh vực từ sản xuất nhạc K-pop đến thép, từ lâu đã bị chỉ trích vì năng lực quản trị yếu kém, cạnh tranh không lành mạnh và trốn thuế thừa kế. Được hậu thuẫn bởi các chính quyền độc tài những năm 1960 và 1970, họ đã góp phần đưa Hàn Quốc thành một cường quốc kinh tế. Hiện bốn công ty lớn nhất nước này chiếm hơn một nửa giá trị vốn hóa trong chỉ số Kospi 200.
Tuy nhiên, cả cơ quan quản lý và giới đầu tư ngày càng coi các chaebol là gánh nặng. Họ là nguyên nhân khiến cổ phiếu Hàn Quốc bị định giá thấp hơn so với các đối thủ tại Đài Loan và Nhật Bản — hiện tượng được gọi là “chiết khấu Hàn Quốc.” Dù hiện tượng này thường được cho là do căng thẳng với Triều Tiên, nhiều người tin rằng nguyên nhân sâu xa nằm ở vấn đề quản trị doanh nghiệp trong các tập đoàn chaebol.
Cuộc khủng hoảng chính trị gần đây của Hàn Quốc đã tạo ra một hệ quả tích cực: kỳ vọng vào các đạo luật mới nhằm trấn an nhà đầu tư. Cử tri Hàn Quốc đã thay thế tổng thống Yoon Suk Yeol bằng ứng cử viên Lee Jae Myung thuộc đảng Dân chủ. Với việc đảng này kiểm soát Quốc hội, ông Lee có nhiều khả năng thông qua các dự luật liên quan đến thị trường vốn. Trọng tâm chương trình nghị sự là các biện pháp nhằm ngăn việc lợi dụng quỹ của công ty để ưu tiên gia đình sáng lập thay vì bảo vệ quyền lợi cổ đông nhỏ.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Lee nhiều lần cam kết sẽ nâng chỉ số Kospi lên mức 5.000 điểm, tức gấp đôi mức hiện tại, và đã thành lập một ủy ban đặc biệt tạm thời mang tên “Kospi 5000” để hiện thực hóa các cam kết cải cách thị trường vốn. Dù mục tiêu 5.000 còn xa, chỉ số Kospi đã đạt 3.000 vào ngày 20.6 — chỉ vài tuần sau cuộc bầu cử — và điều đó đã tiếp thêm sự lạc quan cho giới đầu tư.
“Tôi nghĩ mốc 4.000 không còn là điều bất khả thi,” bà Cha So-Yoon, giám đốc đầu tư cổ phiếu tại Taurus Asset Management ở Seoul, nhận xét. “Lần này, chúng tôi có sự hậu thuẫn vững chắc từ các doanh nghiệp.”
Người dân trong nước cũng được hưởng lợi trực tiếp từ kết quả của cuộc cải cách. Gần 30% người Hàn Quốc hiện sở hữu cổ phiếu, gấp hơn hai lần so với năm 2019, và họ đã trở thành một thế lực đáng kể. Năm ngoái, làn sóng phản đối từ các nhà đầu tư cá nhân đã khiến một thương vụ sáp nhập giữa hai công ty con độc lập của tập đoàn Doosan — nhà sản xuất thiết bị xây dựng lâu đời nhất Hàn Quốc — bị hủy bỏ. Cùng thời điểm đó, phản ứng từ giới đầu tư cá nhân cũng đã buộc các nhà lập pháp phải rút lại đề xuất đánh thuế lãi vốn đối với các khoản đầu tư nhỏ vào cổ phiếu nội địa.
Tuy nhiên, nhà đầu tư hiểu rằng việc thay đổi cấu trúc chaebol sẽ không hề dễ dàng. Năm 2015, quỹ Elliott Management từng thất bại khi cố ngăn vụ sáp nhập hai công ty con của Samsung vì cho rằng thương vụ này định giá thấp một công ty mà họ đang nắm cổ phần. Nhiều đời tổng thống trước cũng từng đề xuất cải cách nhưng đều vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ. Chẳng hạn, vị tổng thống bị phế truất trước đây đã hậu thuẫn các chính sách tăng lợi nhuận cho cổ đông, nhưng do không có tính ràng buộc pháp lý, n ênhội đồng quản trị chaebol hiếm khi thực hiện.
Ông Lee, người thường tự ví mình là “con kiến” — cách mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ gọi nhau để nhấn mạnh sức mạnh tập thể — đang thúc đẩy các cải cách mang tính bắt buộc. “Giờ đây đảng Dân chủ sẽ thuận lợi hơn nhiều,” ông Jon Withaar, giám đốc quỹ tại Pictet Asset Management ở Singapore, nhận xét và đánh giá cao vị tân tổng thống vì “rất quyết liệt trong nỗ lực xóa bỏ chiết khấu Hàn Quốc.”
Ông Park Jinho, giám đốc đầu tư cổ phiếu tại NH-Amundi Asset Management, cho rằng một cách để thuyết phục các chaebol chấp nhận cải cách là tránh những biện pháp bị họ xem là mang tính trừng phạt. Ông đề xuất giảm thuế cổ tức hoặc thuế thừa kế — vốn đang ở mức cao nhất thế giới — nhằm tạo điều kiện cho các gia đình tập đoàn đa dạng hóa tài sản. “Các tập đoàn đã đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Hàn Quốc,” ông Park nói. “Chính sách cần tạo cơ chế hợp lý và công bằng để họ tích lũy tài sản.”
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/lan-song-cai-to-cau-truc-chaebol-thoi-bung-chung-khoan-han-quoc-53625.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media