Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Starbucks, Kraft Heinz và những công ty khác đang chậm trễ trong giải vấn đề khí thải quá lớn trong chuỗi cung ứng của họ.
Hình ảnh: Delaney Allen/Bloomberg Businessweek
Tác giả: Ben Elgin, Olivia Raimonde, và Ilena Peng
19 tháng 6, 2025 lúc 9:30 AM
Tóm tắt bài viết
Bảy trong số 11 công ty thực phẩm lớn đã công bố dữ liệu phát thải methane từ ngành sữa, nhưng chỉ 3 công ty có kế hoạch hành động đáp ứng hướng dẫn của liên minh, và chỉ 1 công ty đặt mục tiêu cụ thể.
Khí methane giữ nhiệt gấp 80 lần CO₂ nhưng chỉ tồn tại 12 năm trong khí quyển. Gia súc là nguồn phát thải gần 1/3 lượng methane do con người gây ra, chủ yếu từ khí ợ và phân bò.
Các giải pháp giảm methane như Bovaer (75$/bò/năm), máy tách phân (hàng trăm nghìn $) và hệ thống tiêu hóa kỵ khí (hàng triệu $) tốn kém, khiến nông dân khó áp dụng nếu không được hỗ trợ.
Bel Group chi 20 triệu euro/năm và Arla Foods chi 337 triệu euro (2024) cho các chương trình khuyến khích nông dân giảm phát thải, nhưng vẫn rất khiêm tốn so với 1,54 nghìn tỉ $ cần thiết đến 2050.
Tại Mỹ, chính quyền Trump đã hủy bỏ khoản hỗ trợ 3,1 tỉ $ cho nông dân áp dụng biện pháp bền vững, trong khi các công ty như Starbucks chỉ chi 8,5 triệu $ (2024) cho dự án bền vững.
Tóm tắt bởi AI HAY
Vào tháng 12.2023, một số công ty thực phẩm lớn nhất thế giới đã đưa ra cam kết gây tiếng vang nhằm cắt giảm một trong những loại khí giữ nhiệt mạnh nhất của hành tinh. Thuộc liên minh hành động cắt giảm khí methane trong ngành sữa mới được thành lập, các công ty Bel Group, Danone, General Mills, Kraft Heinz, Lactalis USA và Nestlé — với Clover Sonoma và Starbucks tham gia ngay sau đó — đã cam kết giảm lượng khí methane phát sinh từ chuỗi cung ứng sữa rộng lớn của họ. Các công ty hứa sẽ công bố dữ liệu phát thải và kế hoạch hành động vào cuối năm 2024.
Cho đến nay, kết quả vẫn chưa mấy khả quan. Tính đến tháng 5.2025, bảy trong số các công ty đã công bố ít nhất một phần lượng khí methane từ ngành sữa của họ. Tuy nhiên, chỉ ba công ty đưa ra kế hoạch hành động đáp ứng các hướng dẫn của liên minh, và duy nhất một công ty đặt ra mục tiêu cụ thể nhằm giảm vết methane từ ngành sữa. Trong khi đó, thời hạn công bố số liệu phát thải và kế hoạch hành động đã bị lùi lại đến cuối năm nay.
Khởi đầu chậm chạp cho thấy tình trạng tiến bộ cầm chừng của các đại gia ngành thực phẩm trong cắt giảm loại khí nhà kính quan trọng nhất của họ, nhất là trong bối cảnh nhiều công ty ở các ngành khác đang rút lui khỏi các sáng kiến bền vững. “Tình hình giống như một cuộc đua ốc sên,” theo lời Nusa Urbancic, CEO của Changing Markets Foundation, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hà Lan chuyên gây áp lực buộc các công ty thực phẩm phải giảm lượng khí thải methane. Các nhà vận động cho rằng để ngành thực phẩm thực sự góp phần ngăn chặn thảm họa khí hậu, các công ty sẽ phải tăng mạnh chi tiêu và khẩn trương hơn nhiều trong hành động.
Cắt giảm khí methane có vai trò đặc biệt quan trọng để làm chậm lại biến đổi khí hậu. Methane giữ nhiệt gấp khoảng 80 lần so với cùng lượng carbon dioxide theo đo đạc hai thập kỷ qua. Nhưng methane chỉ tồn tại trong khí quyển khoảng 12 năm, so với hàng thế kỷ của CO₂. Điều đó có nghĩa ngay cả những mức cắt giảm khiêm tốn cũng có thể nhanh chóng làm giảm nồng độ methane trong khí quyển và góp phần hạ nhiệt toàn cầu. Đó là lý do khiến nhiều chuyên gia ví việc cắt giảm methane là phanh khẩn cấp cho hành tinh, giúp chúng ta có thêm thời gian xử lý lượng khí carbon dioxide nguy hiểm và dai dẳng hơn.
Khí methane từng duy trì ở mức khoảng 700 phân suất phần tỉ (ppb) trong nhiều thế kỷ, nhưng kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu, nồng độ khí này trong khí quyển đã tăng gần gấp ba lần. Nguyên nhân chính là do nhu cầu ngày càng tăng với thịt bò và các sản phẩm từ sữa, hoạt động khai thác dầu khí ngày càng mở rộng, các bãi rác và nhiều yếu tố khác. Gia súc là nguồn phát thải gần 1/3 lượng khí methane do con người gây ra, phần lớn xuất phát từ khí ợ và phân của bò thịt và bò sữa. Trong nhiều thập kỷ, hoạt động chọn lọc giống và cải thiện dinh dưỡng cho gia súc đã giúp ngành công nghiệp sữa trở nên hiệu quả hơn: sản lượng sữa toàn cầu từ bò tăng 33% trong hai thập kỷ qua, trong khi số lượng đàn bò chỉ tăng 9%, theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, do nhu cầu tiêu thụ sữa toàn cầu tăng hơn gấp đôi trong 50 năm qua, lượng khí methane phát thải từ ngành này vẫn tiếp tục tăng.
Đó là lý do tại sao các cam kết rộng rãi lại rất quan trọng, theo các nhà vận động vì khí hậu. Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF), tổ chức quản lý liên minh Hành động về khí methane trong ngành sữa, cho biết họ tập trung vào tiến bộ hơn là sự hoàn hảo tuyệt đối. “Mười tám tháng trước, chỉ có một công ty sữa lớn công bố lượng khí methane từ hoạt động của họ, giờ chúng tôi đã có bảy công ty,” bà Katie Anderson, giám đốc cấp cao tại EDF, cho biết. Với việc liên minh gần đây kết nạp thêm ba thành viên mới, hiện đã có 11 công ty thực phẩm và hãng chế biến sữa thực hiện các hành động cụ thể. “Tôi thực sự rất phấn khởi trước những gì chúng tôi đã đạt được trong khoảng thời gian như vậy,” bà Anderson chia sẻ.
Nhưng ngay cả với những công ty đã công bố kế hoạch và mục tiêu, thông tin họ cung cấp vẫn quá sơ sài để có thể đánh giá được tiến độ thực sự. Danone, vốn đã cam kết cắt giảm 30% lượng khí methane từ chuỗi cung ứng sữa vào năm 2030, cho biết họ đã giảm được 25% lượng khí thải trong bốn năm qua. Nhưng, công ty không nêu rõ các biện pháp cụ thể đã thực hiện và không cho biết sản lượng sữa của họ có giảm hay không. Nestlé thì tuyên bố đã cắt giảm 21% toàn bộ lượng khí methane kể từ năm 2018, nhưng lại không tuân thủ các hướng dẫn của liên minh khi từ chối cung cấp số liệu riêng biệt chỉ cho ngành sữa.
Một số công ty khác gần như không đạt được tiến triển nào. Starbucks, vốn đã cam kết cắt giảm một nửa tổng lượng khí thải gây biến đổi khí hậu vào năm 2030 (nhưng chưa đưa ra cam kết cụ thể với khí methane), cho biết lượng khí thải của họ đang đi sai hướng, khi lượng methane đã tăng 6% kể từ năm 2019.
Hiện đã có những phương pháp được chứng minh là hiệu quả giúp giảm khí methane trong ngành sữa, nhưng nhiều phương pháp tốn kém và khó áp dụng đồng loạt cho hàng trăm nghìn trang trại riêng lẻ mà các công ty thực phẩm toàn cầu thu mua sản phẩm. Bovaer, chất phụ gia thức ăn chăn nuôi phát triển bởi DSM-Firmenich, công ty châu Âu chuyên sản xuất sản phẩm dinh dưỡng và mỹ phẩm, có thể giảm khoảng 30% lượng khí methane do bò ợ ra và hiện đã được phê duyệt sử dụng tại hơn 65 quốc gia. Nhưng chi phí khoảng 75 đô la Mỹ cho mỗi con bò một năm là gánh nặng đáng kể với những nông dân có đàn bò lên đến hàng trăm hoặc hàng nghìn con. Máy tách phân, thiết bị lọc chất rắn từ phân bò để làm phân trộn hoặc các mục đích khác, có thể giúp giảm khoảng 25% khí methane phát sinh từ chất thải, nhưng chi phí lắp đặt có thể lên tới hàng trăm nghìn đô la. Còn các hệ thống tiêu hóa kỵ khí đặt tại trang trại giúp thu gom khí methane từ phân và chuyển đổi thành điện hoặc nhiên liệu có thể giảm mạnh lượng phát thải, nhưng có chi phí tới tiền triệu đô.
Rất ít trang trại sữa chịu đầu tư vào giải pháp giảm phát thải nếu không có hỗ trợ tài chính từ nhà nước hay khách hàng doanh nghiệp. Vì vậy, một số công ty đã xây dựng các chương trình khuyến khích để thúc đẩy nhà cung cấp áp dụng các phương pháp sản xuất bền vững hơn. Bel Group (Pháp), nhà sản xuất phô mai Laughing Cow và Boursin, trả thêm khoảng 2% cho các nhà sản xuất sữa tại một số khu vực ở châu Âu nếu họ sử dụng chất phụ gia Bovaer. Công ty ước tính hiện có khoảng 5% trong hơn 1.000 nông dân của họ sử dụng chất này. Tổng cộng, Bel Group cho biết khoảng 4% ngân sách dành cho thu mua sữa — tương đương khoảng 20 triệu euro (22,7 triệu đô la) mỗi năm — đang được sử dụng để chi trả cho chương trình này và các sáng kiến giảm phát thải khác dành cho nông dân.
Trong khi đó, hợp tác xã sữa Đan Mạch Arla Foods, nhà sản xuất bơ Lurpak, đã triển khai hệ thống điểm thưởng để khuyến khích nông dân áp dụng các phương pháp bền vững như sử dụng điện tái tạo và điều chỉnh khẩu phần ăn nhằm giảm cường độ phát thải methane của đàn bò sữa. Arla trả các khoản thưởng lên đến 8% cho nông dân, và trong năm 2024, đã chi khoảng 337 triệu euro cho các chương trình khuyến khích này.
Nhưng số tiền các công ty chi trả cho nông dân vẫn còn rất khiêm tốn so với mức cần thiết. Để giúp ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, thế giới cần chi tới 1,54 nghìn tỉ đô la vào năm 2050 cho các sáng kiến giảm khí methane trong hệ thống thực phẩm — phần lớn là ở các trang trại sữa, theo ClimateWorks Foundation, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại San Francisco. Trong khi các chính phủ dự kiến sẽ chi trả một phần, các công ty cũng cần đóng góp thêm.
“Đây là một phần rất quan trọng dẫn đến trái đất ấm lên, và [những khoản đầu tư] vẫn rất hạn chế,” theo lời Marcelo Mena, CEO của Global Methane Hub, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Chile chuyên nỗ lực giảm phát thải khí methane trên toàn thế giới. “Chúng ta cần phải làm nhiều hơn rất nhiều.”
Ở châu Âu, quy định nghiêm ngặt hơn về bền vững cùng nhu cầu ngày càng tăng từ người tiêu dùng và nhà bán lẻ có ý thức về khí hậu đang giúp thúc đẩy các công ty đi đúng hướng nhanh hơn so với các khu vực khác. Chuỗi siêu thị Pháp Carrefour yêu cầu 100 nhà cung cấp hàng đầu phải triển khai các kế hoạch cắt giảm phát thải sâu nếu không muốn sản phẩm của họ bị loại khỏi kệ hàng. “Các nhà bán lẻ châu Âu yêu cầu từ nhà cung cấp nhiều hơn rất nhiều so với Mỹ,” Simon Bonnet, giám đốc mua sữa bền vững của Bel Group, cho biết. “Khi khách hàng của bạn yêu cầu, bạn sẽ trở nên năng động hơn về vấn đề này.”
Tuy nhiên, nỗ lực của các công ty thực phẩm ở các khu vực khác dường như đang gặp khó khăn. Khi JBS, công ty chế biến thịt lớn nhất thế giới có trụ sở tại Brazil, gây nhiều chú ý với cam kết cách đây bốn năm rằng họ sẽ loại bỏ hoặc bù đắp toàn bộ lượng khí thải giữ nhiệt vào năm 2040, công ty đã nhanh chóng ký hợp đồng với DSM để sử dụng chất phụ gia Bovaer cho đàn gia súc. Chỉ trong hai năm, JBS đã lặng lẽ từ bỏ việc sử dụng chất phụ gia giảm methane này và từ chối thảo luận công khai về vấn đề đó.
Mỹ cũng có vẻ đang lùi bước. Trong thời Biden, Bộ Nông nghiệp đã cố gắng phân bổ 3,1 tỉ đô la cho nông dân nhằm triển khai các biện pháp bền vững, bao gồm hàng chục triệu đô la giúp nông dân ngành sữa giảm khí methane qua sử dụng chất phụ gia trong thức ăn và hệ thống quản lý phân. Tuy nhiên, chính quyền Trump gần đây đã hủy bỏ chương trình này, gọi nó là “quỹ hỗ trợ khí hậu mờ ám” và là “trò lừa đảo xanh mới.”
Động thái này khiến các chuyên gia chính sách bối rối, bởi họ hy vọng nguồn tài trợ liên bang sẽ giúp mở rộng việc sử dụng các sản phẩm mới như Bovaer. Theo Robert Bonnie, cựu thứ trưởng nông nghiệp Mỹ, “chính quyền có thể làm tốt việc giảm rủi ro cho một số công nghệ mới bằng cách hỗ trợ chi trả trong một hoặc hai năm đầu tiên.” Việc hủy bỏ chương trình sẽ khiến các nhà sản xuất Mỹ khó bán sản phẩm cho thị trường châu Âu và các nước khác, nơi coi trọng sản phẩm sữa có lượng carbon thấp. “Điều này chỉ làm tổn hại đến nông dân mà thôi,” ông Bonnie nói.
Khi Mỹ rút lại nguồn tài trợ liên bang, các công ty thực phẩm nước này cũng không cho thấy dấu hiệu sẽ bù đắp khoảng trống một cách đáng kể. Starbucks gần đây cho biết đã chi khoảng 8,5 triệu đô la trong năm 2024 để hỗ trợ các dự án bền vững tại 28 trang trại, tức chưa bằng lợi nhuận một ngày trong tổng lợi nhuận 3,8 tỉ đô la của công ty trong cùng năm. Starbucks từ chối trả lời phỏng vấn cho bài này.
Trong khi đó, tại Kraft Heinz, hai cựu nhân viên từng làm việc trong bộ phận chuỗi cung ứng cho biết công ty mới bắt đầu quan tâm đến vấn đề bền vững, bao gồm với các sản phẩm nổi tiếng có hàm lượng sữa cao như phô mai kem Philadelphia và mì phô mai Kraft. “Công ty chủ yếu tập trung vào việc ‘Làm sao để giảm chi phí?’” một cựu quản lý thu mua xin giấu tên chia sẻ. “Rất khó để cắt giảm khí thải từ ngành sữa mà không làm tăng chi phí.”
Kraft Heinz từ chối trả lời phỏng vấn, nhưng trong một tuyên bố, đã nói rằng “bền vững đã là một ưu tiên chiến lược tại Kraft Heinz trong nhiều năm qua, và hiện là nền tảng cho chiến lược tăng trưởng của công ty.” Công ty cho biết thêm họ đang tìm cách hỗ trợ nông dân giảm phát thải khí methane.
Một nỗ lực nhằm tăng nguồn tài trợ tại Mỹ đang được dẫn dắt bởi Athian, công ty chuyên kết nối nguồn vốn từ các công ty thực phẩm với nông dân chăn nuôi bò sữa để triển khai các cách làm thân thiện với khí hậu như cho bò ăn Bovaer hoặc lắp đặt thiết bị giảm khí methane từ phân. Trong ba năm qua, Athian cho biết họ đã hợp tác với 120 nông dân nuôi bò sữa, phân phối 5 triệu đô la cho các dự án giảm phát thải, cùng 10 triệu đô la nữa đang được lên kế hoạch. (Công ty từ chối tiết lộ những doanh nghiệp nào đã cung cấp số tiền này.)
Nhưng nếu các công ty thực phẩm thực sự muốn thực hiện được những cam kết đầy tham vọng của liên minh Hành động về khí methane trong ngành sữa và đạt được bước tiến nghiêm túc với các mục tiêu khí hậu, họ rõ ràng phải nhanh chóng chấm dứt chi tiêu nhỏ giọt và mạnh tay mở hầu bao. “Các công ty này đã đặt ra những mục tiêu bền vững rất quyết liệt,” theo Joseph McFadden, phó giáo sư khoa học vật nuôi tại đại học Cornell, người chuyên nghiên cứu giải pháp giảm khí methane trong chăn nuôi. “Sẽ rất khó để họ đạt được những mục tiêu đó nếu không có những khoản đầu tư đáng kể.”
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/cac-tap-doan-thuc-pham-toan-cau-kho-dat-muc-tieu-phat-thai-methane-53502.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media