Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Các đối tác thương mại của Mỹ đang né được thuế quan. Cây bút Wes Kosova lý giải tại sao tổng thống Trump liên tục ra đòn hụt.
Hình ảnh: Thea Traff/Bloomberg Businessweek
Tác giả: Wes Kosova
28 tháng 6, 2025 lúc 7:54 AM
Donald Trump có quan điểm rõ ràng, đơn giản về cách vận hành mọi thứ. Ông ra lệnh cho tất mọi người phải làm gì, và họ làm theo. Trong thế giới đó, các công ty luật ngừng đại diện cho những người tố cáo ông. Trường đại học trao lại quyền kiểm soát tuyển sinh và chương trình giảng dạy cho ông. Châu Âu và Trung Quốc phải ngậm đắng với thuế quan của ông. Các tập đoàn chuyển nhà máy về Mỹ. Ukraine đầu hàng Nga. Đan Mạch trao Greenland cho ông. Panama trao kênh đào cho ông.
Trong cơn thịnh nộ mỗi ngày của tổng thống, thế giới bên ngoài đầu óc ông không phải lúc nào cũng hợp tác với ông. Đại học Harvard kiên quyết chống lại nỗ lực của ông nhằm kiểm soát họ. Sau khi một số công ty luật lớn nhượng bộ trước những lời đe dọa từ ông, những công ty khác đang kháng cự. Ông Trump đã dao động giữa leo thang và rút lui về thuế quan khi các quốc gia khác từ chối tuân theo. Tổng thống Nga Vladimir Putin phớt lờ yêu cầu của ông muốn chấm dứt đổ máu ở Ukraine, và suốt nhiều tháng, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gần như im lặng với ông. Các nhân viên liên bang bị sa thải, những người nhập cư có nguy cơ bị trục xuất không qua quy trình hợp pháp và những người khác đã kiện để thách thức hành động của ông đang nhận được sự ủng hộ từ tòa án, bao gồm cả một số tòa do các thẩm phán được ông bổ nhiệm chủ trì.
“Ba vị thẩm phán này... từ đâu mà ra?” Trump hỏi trên Truth Social sau khi một tòa án thương mại liên bang tạm thời đình chỉ một số khoản thuế quan của ông. “Làm sao họ lại có quyền gây ra thiệt hại như vậy cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ? Có phải hoàn toàn là bởi sự ghét bỏ ‘TRUMP?’ Còn có thể là lý do nào khác nữa?”
Lý do có thể là sự phân chia quyền lực. Hoặc nền pháp trị. Nhưng cũng có một lý do ít cao siêu hơn dẫn đến những phản đối mạnh mẽ trong và ngoài nước với nhiều kế hoạch của Trump. Các mối đe dọa và hành vi cưỡng ép, những chiến thuật đàm phán mà Trump thường dùng, có thể dẫn đến kết quả tồi tệ hơn so với vận động chính trị theo hướng ít đối đầu hơn — hoặc thậm chí là không cần đạt tới thỏa thuận nào hết.
Điều này đặc biệt rõ ràng trong cuộc chiến thuế quan toàn cầu mà Trump đã khởi xướng sau khi trở lại Nhà Trắng. “Khi chúng ta cân nhắc mức độ sức mạnh vốn có của Hoa Kỳ, rõ ràng cách tiếp cận của chính quyền Trump không hiệu quả lắm,” theo Deepak Malhotra, giáo sư trường Kinh doanh Harvard, tác giả của cuốn Negotiating the Impossible: How to Break Deadlocks and Resolve Ugly Conflicts (Cuộc đàm phán bất khả: Làm sao để phá vỡ bế tắc và giải quyết những cuộc xung đột xấu xí). “Chúng ta đang chưa tận dụng hết sức mạnh của mình, ngay cả khi chúng ta đe dọa và nhượng bộ.”
Malhotra nói các chiến thuật gây áp lực đôi khi mang lại kết quả. “Không có nghĩa là hành vi ép buộc sẽ không bao giờ có vai trò gì trong đàm phán. Nhưng hành vi đó đã được sử dụng thiếu cân nhắc cẩn thận và tinh tế, do đó, nó gây ra những hậu quả tiêu cực lẽ ra có thể tránh được.” Xu hướng lãnh đạo bằng tâm trạng giận dữ và bất bình của Trump trong cả chính trị quốc nội và ngoại giao quốc tế có thể khơi dậy tâm lý oán giận, lòng tự tôn và kháng cự một cách không cần thiết, làm ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán và để lại dư vị ngờ vực lâu dài. Như lời Malhotra, “Nếu có người dở trò bắt nạt và được như ý, thì chúng ta có nên kết luận rằng hành vi bắt nạt là hiệu quả không? Hay chúng ta nên nói, ‘Khoan đã, liệu họ có làm tốt hơn nhờ bắt nạt so với khi không bắt nạt không?’”
Khi Trump công bố các mức thuế trừng phạt vào tháng Tư đối với các đối tác thương mại toàn thế giới, thị trường chứng khoán và trái phiếu sụt giảm — và ông đã nhanh chóng đảo ngược quyết định, tạm dừng các mức thuế trong 90 ngày. Nhà Trắng cố gắng tô vẽ quyết định lùi bước đó là một chiến thắng. “Mọi chuyện diễn ra chính xác như chúng tôi nghĩ trong một kịch bản áp đảo,” cố vấn thương mại của Trump, Peter Navarro, nói với chương trình Meet the Press của NBC. Chính quyền dự đoán các nước sẽ tranh nhau đưa ra nhượng bộ. “Chúng tôi có ngay 90 thỏa thuận trong 90 ngày đang chờ xử lý ở đây,” Navarro nói.
Nhưng điều đó đã không xảy ra. Nhiều đối tác thương mại đã làm ngược lại và kháng cự. Liên minh châu Âu thông qua thuế quan trả đũa với gia cầm, đậu nành, xe máy và các sản phẩm khác của Mỹ trị giá 24 tỉ USD đáp trả quyết định của Trump tăng gấp đôi thuế quan với nhôm và thép lên 50%. Các nước khác thì chờ xem sao trong khi tòa án Mỹ cân nhắc xem tổng thống có đang lạm quyền hay không. Cuộc đổ vỡ xôn xao với liên minh một thời của Trump với Elon Musk là lời nhắc nhở mới tinh cho các đối tác thương mại của Mỹ về tình trạng bấp bênh khi thỏa thuận với vị tổng thống bốc đồng. Thiện chí của ông chỉ là có đi có lại và phập phù, và mọi thỏa thuận với ông đều có thể bị đàm phán lại bất cứ lúc nào, và theo đòi hỏi của ông.
Ngoài một thỏa thuận thương mại sơ bộ, hạn chế với Anh, chính quyền Mỹ đã không thể buộc các nước nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán. Ông Tập lúc đầu đã từ chối cả những nỗ lực gây áp lực lẫn tâng bốc công khai từ Trump, và thong thả mới đồng ý một cuộc điện đàm. Tháng Sáu này, hai ngày đàm phán thương mại ở London kết thúc mà không có đột phá lớn nào. Thay vào đó, hai bên đồng ý một thỏa thuận đình chiến về cơ bản đã đưa mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung trở lại như trước khi Trump leo thang căng thẳng.
Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase, nói nhà lãnh đạo nền kinh tế số 2 thế giới khó thể nhượng bộ ý muốn của Trump. “Tôi vừa trở về từ Trung Quốc tuần trước,” ông nói với cử tọa tại diễn đàn Kinh tế Quốc gia Reagan ở California ngày 30.5. “Họ không sợ hãi, mọi người ạ. Tôi không tin chuyện họ sẽ khấu đầu với Mỹ đâu.”
Katherine Tai cũng nói lần này, Trung Quốc đã chuẩn bị tốt hơn cho Trump. Là Đại diện Thương mại Mỹ thời chính quyền Joe Biden, bà đã dẫn dắt các cuộc đàm phán với Trung Quốc và những nước khác. Bà cảnh báo ông Tập đã rút tỉa được kinh nghiệm từ cuộc chiến thương mại trong nhiệm kỳ đầu của Trump, khi Mỹ tăng thuế lên lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá hàng trăm tỉ đô la Mỹ. “Người Trung Quốc đang tích cực sử dụng kinh nghiệm của họ từ thời Trump 1.0 để định hình chiến lược của họ lần này,” bà nói.
Tai nói các quốc gia khác sẽ không vội vàng đặt lợi ích của Mỹ lên trên lợi ích của họ, dù họ có muốn bảo toàn quyền tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới đến đâu. “Những mức thuế này có thể tạo ra động lực thương lượng, và trong một số trường hợp có thể hiệu quả. Nhưng khi bạn đối đầu với nền chính trị nội bộ của ai đó, sẽ đến lúc xuất hiện một bức tường gạch mà bạn đã đẩy người ta tới tận đó, thì họ sẽ không nhúc nhích nữa.”
Các thỏa thuận thương mại bền vững thường mất nhiều năm đàm phán mệt mỏi. Chúng phức tạp một cách khó chịu, và tất cả các bên đều muốn ra về với cảm giác đã đạt được thỏa thuận tốt nhất có thể. Nếu Trump cuối cùng buộc một số quốc gia chấp nhận các điều khoản mà họ không thích, theo Tai, những thỏa thuận đó không nhất thiết sẽ lâu dài. “Khi họ không cảm thấy hài lòng về cách đi đến thỏa thuận, vì họ không cảm thấy mình được tôn trọng tại bàn đàm phán, xu hướng là cố gắng thoát khỏi thỏa thuận.”
Trong nhiệm kỳ đầu, Trump đã gây áp lực buộc Canada phải giảm rào cản với các sản phẩm sữa của Mỹ, động thái mà nông dân Canada kịch liệt phản đối. Năm năm sau, Mỹ nói Canada đã không tuân thủ đầy đủ thỏa thuận, bất chấp những phản đối chính thức. “Người Canada về mặt kỹ thuật đã đồng ý trên giấy tờ,” Tai nói. “Họ biết họ cần phải làm ra vẻ Mỹ sẽ có thêm quyền tiếp cận thị trường Canada, nhưng bằng chứng cho thấy họ chưa bao giờ coi đó là một cam kết thực sự.”
Điều tương tự xảy ra với cái gọi là thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” mà Washington và Bắc Kinh đạt được vào đầu năm 2020. Trung Quốc đồng ý mua thêm 200 tỉ đô la hàng hóa Mỹ, đổi lấy việc nới lỏng thuế quan của Trump với hàng xuất khẩu của họ. Chính quyền Trump ca ngợi thỏa thuận đó là “lịch sử” và “có thể thực thi.” Nhưng một phân tích của viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho thấy Trung Quốc đã không mua thêm bất kỳ hàng hóa xuất khẩu nào từ Mỹ như đã cam kết. Nhà Trắng đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Các nhà lãnh đạo cũng nhận ra thói quen của Trump là đưa ra đòi hỏi tối đa kèm những lời đe dọa, rồi lại nhượng bộ ngay khi có dấu hiệu phản đối đầu tiên. TACO — hay “Trump Always Chickens Out” (Trump luôn nhượng bộ) — giờ đã trở thành câu thần chú trong giới giao dịch chứng khoán cân nhắc mua bán theo thói ăn nói hùng hổ của Trump. “Tôi nghĩ tại thời điểm này không ai sẽ thực sự tin rằng nếu ông ấy nói điều gì đó thực sự cực đoan, ông ấy sẽ thực sự làm đúng như vậy nếu có bất kỳ sự kháng cự đáng kể nào,” Malhotra, vị giáo sư Harvard, nói. Như vậy với Trump có thể cũng chẳng sao, ông có năng lực vô song trong chuyện tuyên bố chiến thắng, ngay cả khi đã thua, rồi lại chuyển ngay sang vấn đề tiếp theo.
Malhotra nói cách đàm phán của tổng thống có thể được gọi là thành công — nếu mục tiêu là để thỏa mãn nhu cầu cá nhân của Trump là tỏ ra mạnh mẽ với những người ủng hộ. Nhưng không rõ nó giúp được nước Mỹ thế nào hoặc tăng cường được uy tín của quốc gia trước đồng minh và đối thủ ra sao. “Trong khi một quốc gia như Triều Tiên có thể hưởng lợi từ hành vi khó đoán, vì họ không có nhiều đòn bẩy nào khác ngoài sự khó đoán đấy, chúng ta không cần sử dụng chiến lược đó. Chúng ta là Hoa Kỳ, và khi chúng ta bắt đầu chơi trò đó, chúng ta thực ra đang phát đi tín hiệu thiếu tự tin và chiều sâu chiến lược, và chúng ta đang làm suy yếu đòn bẩy và thế mạnh của mình.”
Trump có vẻ vẫn bám chặt lấy cách làm đã thành thương hiệu của ông, ngay cả khi thế giới đã biết rõ ông. Ngày 11.6, tổng thống cảnh báo ông sẽ không chờ lâu hơn nữa để các nhà lãnh đạo khác đáp ứng yêu cầu thuế quan của ông. “Chúng ta sẽ gửi thư trong khoảng một tuần rưỡi, hai tuần tới, cho các nước, nói với họ thỏa thuận sẽ là gì,” ông nói với các phóng viên. “Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ chỉ gửi thư. Và tôi nghĩ quý vị hiểu rằng, giả sử thỏa thuận là như thế này, thì quý vị chỉ có thể chấp nhận hoặc từ chối.”
Nếu lý lẽ đó nghe có vẻ quen thuộc, thì có thể là vì vào tháng Năm, Trump từng đưa ra đe dọa tương tự, khi nói rằng ông sẽ bắt đầu áp thuế “trong hai đến ba tuần tới”. Hạn chót đã đến và đi, và chẳng có chuyện gì xảy ra.
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/mot-tong-thong-sang-nang-chieu-mua-53582.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media