Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Bắc Kinh soạn thảo kế hoạch sản xuất mới thay thế “Made in China 2025”, tập trung vào chip và công nghệ cao để đối phó với áp lực từ phía Mỹ.
Dây chuyền sản xuất ô tô tại nhà máy của Nio Inc. ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Hình ảnh: Nicholas Takahashi/Bloomberg
Tác giả: Bloomberg News
27 tháng 5, 2025 lúc 12:45 PM
Động thái này cho thấy Bắc Kinh muốn siết chặt kiểm soát lĩnh vực sản xuất trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực đưa các nhà máy và dây chuyền sản xuất trở lại Mỹ.
Theo các nguồn tin yêu cầu giấu tên, Trung Quốc đang soạn thảo phiên bản mới của chiến dịch “Made in China 2025” — chương trình công nghiệp trọng điểm dưới thời ông Tập Cận Bình. Một trong các nguồn tin cho biết kế hoạch mới sẽ ưu tiên các công nghệ như thiết bị sản xuất chip, nhưng có thể mang tên khác để tránh bị phương Tây chỉ trích.
Một nguồn tin khác cho biết các nhà hoạch định chính sách cũng đang chuẩn bị Kế hoạch 5 năm tiếp theo của Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2026, với mục tiêu giữ tỉ trọng ngành sản xuất trong GDP ở mức ổn định trong trung và dài hạn. Điều đó cho thấy Trung Quốc khó có khả năng đáp ứng kỳ vọng của Mỹ về việc chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng.
Trong quá trình thảo luận, các quan chức cũng cân nhắc việc đưa ra chỉ tiêu cụ thể cho tỉ trọng tiêu dùng trong GDP. Tuy nhiên, theo một nguồn tin, họ đang nghiêng về phương án không đặt mục tiêu này do chưa có công cụ đủ hiệu quả để thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình.
Nội dung của các kế hoạch vẫn đang được bàn thảo và có thể thay đổi đáng kể trước khi công bố. Theo một nguồn tin, Kế hoạch 5 năm sẽ được trình bày tại kỳ họp quốc hội thường niên vào tháng 3 năm 2026, trong khi kế hoạch sản xuất mới có thể được công bố bất cứ lúc nào, trước hoặc sau thời điểm đó.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) — cơ quan lập kế hoạch kinh tế hàng đầu của Trung Quốc — đã không phản hồi đề nghị bình luận từ Bloomberg về các kế hoạch trên.
Các cuộc thảo luận hiện nay cho thấy Trung Quốc vẫn muốn duy trì chiến lược phát triển từng bị Mỹ và châu Âu chỉ trích là gây mất cân bằng thương mại. Đây cũng là một điểm mấu chốt trong cuộc đàm phán với Mỹ, quốc gia đã nâng thuế đối với hàng Trung Quốc lên 145% hồi tháng 4, trước khi hạ mức trung bình xuống khoảng 40% sau vòng đàm phán gần đây tại Geneva.
Chính quyền ông Trump vừa kêu gọi Trung Quốc chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng, vừa áp thuế và kiểm soát xuất khẩu như một phần trong chiến lược “chia tách có chủ đích”. Mục tiêu là giúp Mỹ tự chủ trong các lĩnh vực như thép, dược phẩm và chất bán dẫn.
Việc Bắc Kinh phản đối các yêu cầu này — trong đó có việc tiếp tục kiểm soát nguồn cung đất hiếm — cho thấy Trung Quốc cũng lo ngại về an ninh quốc gia, đồng thời đáp trả các nỗ lực của Washington nhằm cản trở nước này tiếp cận sản phẩm chip tiên tiến và công nghệ cao.
“Nếu không tính đến các vật liệu chiến lược, về cơ bản, chúng ta vẫn có thể hợp tác,” Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nói trong cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 12 tháng 5. “Mỹ cần mở rộng sản xuất, Trung Quốc cần thúc đẩy tiêu dùng. Vẫn có khả năng tái cân bằng cán cân thương mại nếu cả hai bên thật sự sẵn sàng. Nhưng giờ chúng ta cần phải chờ xem liệu điều đó có thành hiện thực được hay không.”
Lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh cần thúc đẩy tiêu dùng trong nước để tránh rơi vào vòng xoáy giảm phát và bù đắp cho khả năng xuất khẩu suy giảm do các mức thuế mà ông Trump đặt ra.
Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 3, Thủ tướng Lý Cường tuyên bố “đẩy mạnh tiêu dùng” là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong năm nay, đồng thời kêu gọi các quan chức nỗ lực biến nhu cầu trong nước thành động lực tăng trưởng chính cho thị trường.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, chính phủ vẫn chưa đưa ra biện pháp cụ thể nào để kích thích tiêu dùng, vì còn chờ đánh giá liệu các gói chi tiêu hiện tại có đủ để đạt mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” trong năm nay hay không. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc vẫn coi ngành sản xuất là nền tảng cho an ninh quốc gia và tạo việc làm. Thành tựu gần đây của DeepSeek trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) càng củng cố niềm tin rằng chiến lược hiện tại đang đi đúng hướng.
“Chúng ta phải tiếp tục phát triển ngành sản xuất, kiên định với nguyên tắc tự lực và tự cường, đồng thời làm chủ các công nghệ cốt lõi quan trọng,” Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu ngày 19 tháng 5 trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất vòng bi tại tỉnh Hà Nam.
Hiện tiêu dùng chiếm khoảng 40% GDP của Trung Quốc, so với tỉ lệ 50% đến 70% tại các nền kinh tế phát triển hơn — mức chênh lệch này góp phần kéo dài tình trạng mất cân đối và căng thẳng thương mại. Tỉ trọng đầu tư trong nền kinh tế Trung Quốc hiện ở mức khoảng 40%, bao gồm cả đầu tư vào sản xuất — gần gấp đôi so với Mỹ và thuộc nhóm cao nhất thế giới trong các thống kê dài hạn.
Chính phủ của ông Tập Cận Bình công bố chương trình “Made in China 2025” vào năm 2015, với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành quốc gia dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực như xe điện, máy bay thương mại, chất bán dẫn và robot. Quốc vụ viện — tương đương nội các Trung Quốc — khi đó đặt mục tiêu đưa đất nước trở thành “cường quốc sản xuất tầm trung” vào năm 2035 và “cường quốc sản xuất hàng đầu” vào năm 2049, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Theo Bloomberg Economics và Bloomberg Intelligence, chương trình “Made in China 2025” nhìn chung đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Trong số 13 công nghệ cốt lõi được theo dõi, Trung Quốc hiện đang dẫn đầu toàn cầu ở 5 lĩnh vực và nhanh chóng bắt kịp các đối thủ hàng đầu ở 7 lĩnh vực khác.
Sau nhiều năm bị các lệnh hạn chế do Mỹ dẫn đầu, Bắc Kinh hiện tập trung vào phát triển thiết bị sản xuất chip. Các lệnh này đã cản trở Trung Quốc tiếp cận công nghệ chế tạo bán dẫn tiên tiến từ các nhà cung cấp như ASML của Hà Lan, Tokyo Electron của Nhật Bản và các công ty Mỹ như Applied Materials. Những thiết bị này — đặc biệt là máy quang khắc của ASML với giá mỗi chiếc lên tới hàng trăm triệu USD — đóng vai trò then chốt trong quy trình sản xuất chip hiện đại phục vụ phát triển AI.
Các công ty Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến bộ trong sản xuất chip bằng cách sử dụng thiết bị nhập khẩu từ trước khi các lệnh hạn chế được áp đặt bởi Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản. Tuy nhiên, việc không thể tiếp cận các công cụ tiên tiến nhất vẫn là rào cản lớn đối với phát triển công nghệ. Trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tìm cách siết chặt hơn nữa các quy định xuất khẩu, Bắc Kinh coi việc xây dựng ngành thiết bị sản xuất trong nước là ưu tiên hàng đầu.
Sáng kiến “Made in China” đặt mục tiêu nâng cấp ngành sản xuất và giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài trong dài hạn. Trong khi đó, các Kế hoạch 5 năm có phạm vi rộng hơn, định hướng cho sự phát triển tổng thể của quốc gia — từ hạ tầng, môi trường cho đến an sinh xã hội.
Sau khi vấp phải phản ứng gay gắt từ nước ngoài, “Made in China 2025” đã trở thành một chủ đề nhạy cảm. Những năm gần đây, Bắc Kinh thậm chí không còn nhắc đến tên chương trình này trong các văn bản chính thức.
Thay vào đó, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi thúc đẩy phát triển các “lực lượng sản xuất mới” như xe điện, pin và tấm pin mặt trời. Theo một bài báo do cơ quan trực thuộc NDRC đăng tải hồi tháng 3, đây là trọng tâm nghiên cứu của các đơn vị xây dựng Kế hoạch 5 năm tiếp theo.
Bài viết cho biết nghiên cứu hiện tập trung vào việc tháo gỡ các “nút thắt” đang kìm hãm tăng trưởng. Nhiều bộ ngành cũng nhấn mạnh cần đạt được đột phá trong các công nghệ cốt lõi như chất bán dẫn và vật liệu năng lượng mới. Ưu tiên tiếp theo là kích cầu tiêu dùng nội địa để củng cố vai trò của tiêu dùng trong tăng trưởng kinh tế.
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/trung-quoc-chuan-bi-ke-hoach-cong-nghiep-moi-thay-made-in-china-2025-53286.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media