Trái phiếu nội tệ châu Á hút vốn kỷ lục giữa rủi ro từ thuế quan Mỹ

Nhà đầu tư toàn cầu chuyển dòng tiền sang trái phiếu nội tệ châu Á để phòng ngừa biến động từ chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump và nguy cơ đồng USD suy yếu.

Hình ảnh: Paul Yeung/Bloomberg

Hình ảnh: Paul Yeung/Bloomberg

Tác giả: Finbarr Flynn

23 tháng 07, 2025 lúc 11:20 AM

Các chính sách khó đoán của ông Trump đang thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào trái phiếu châu Á phát hành bằng nội tệ, đồng thời tạo động lực mới cho thị trường khu vực.

Tính từ đầu năm đến nay, các công ty và tổ chức phi chính phủ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã phát hành khoảng 1.500 tỉ USD trái phiếu bằng nội tệ, tăng 6% so với cùng kỳ và là mức cao nhất lịch sử cho giai đoạn này, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Riêng trong quý II, lượng phát hành đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

“Chúng tôi ghi nhận số lượng nhà đầu tư mua trái phiếu nội tệ châu Á tăng đáng kể so với trước tháng 4,” Daniel Tan, giám đốc danh mục đầu tư tại Grasshopper Asset Management, cho biết. “Các quỹ hưu trí và quỹ tài sản quốc gia đang chuyển dòng tiền ra khỏi tài sản định giá bằng đồng USD để đa dạng hóa.”

Động lực tăng mạnh sau ngày 2.4, khi ông Trump bất ngờ công bố tăng thuế với cả đồng minh lẫn đối thủ thương mại, rồi rút lại chỉ vài ngày sau đó khi chứng khoán lao dốc và lợi suất trái phiếu tăng vọt. Dù các tài sản rủi ro đã phục hồi sau đó, nhà đầu tư trái phiếu vẫn bắt đầu chuyển vốn sang các khu vực ít chịu tác động hơn để phòng ngừa biến động liên quan đến thuế và nguy cơ đồng USD suy yếu.

c1_trai-phieu-noi-te-chau-a-hut-von-ky-luc-giua-rui-ro-tu-chinh-sach-my.jpg

Xu hướng này phản ánh rõ trong hiệu suất đầu tư. Chỉ số Bloomberg Asia Pacific Aggregate, chuyên theo dõi nhiều loại trái phiếu bằng nội tệ, đã tăng 3,9% từ đầu năm đến nay, vượt qua mức 3,5% của chỉ số tương đương tại Mỹ.

“Xu hướng đa dạng hóa vào thị trường trái phiếu nội tệ châu Á sẽ tiếp tục tăng mạnh,” Angus Hui, phó giám đốc đầu tư kiêm trưởng bộ phận thu nhập cố định tại Fullerton Fund Management ở Singapore, nhận định. Ông cho biết xu hướng phi USD hóa đang làm nổi bật trái phiếu nội tệ, đặc biệt tại những thị trường có xếp hạng tín nhiệm AAA như Úc và Singapore.

Từng là mảng thị trường ngách, trái phiếu châu Á hiện đang thu hút nhà đầu tư nhờ nền tảng kinh tế nội địa vững vàng hơn. Tại Ấn Độ, các doanh nghiệp đã huy động kỷ lục 6,6 ngàn tỉ rupee (76,4 tỉ USD) qua trái phiếu nội tệ trong nửa đầu năm 2025, tăng 29% so với cùng kỳ, theo dữ liệu Bloomberg.

Tại Trung Quốc, nơi lượng phát hành trái phiếu bằng nội tệ năm nay đã vượt 1.000 tỉ USD, chi phí vay giảm đang khuyến khích doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh huy động vốn.

“Đồng USD càng ít gắn với danh mục đầu tư và nghĩa vụ nợ thì việc cân nhắc rủi ro tỉ giá càng trở nên quan trọng,” Navin Saigal, trưởng bộ phận thu nhập cố định cơ bản khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại BlackRock, nhận định.

Ông Saigal cho rằng chính sách thuế đang làm gia tăng khoảng cách giữa Mỹ và khu vực châu Á, đồng thời phản ánh sự khác biệt trong chính sách tài khóa.

Úc là một ví dụ điển hình. Quốc gia này vẫn giữ được xếp hạng tín nhiệm AAA từ cả ba tổ chức S&P Global Ratings, Fitch Ratings và Moody’s Ratings. Trong khi đó, Mỹ đã mất xếp hạng cao nhất từ cả ba tổ chức này do chi phí trả nợ tăng mạnh.

“Không ai trên thế giới hiện nghi ngờ tính bền vững tài khóa của Úc,” Oliver Holt, trưởng bộ phận phát hành nợ và trái phiếu IG khu vực châu Á (trừ Nhật Bản) tại Nomura Holdings, phát biểu. Ông nói thêm rằng nếu giới đầu tư cho rằng USD sẽ suy yếu, thì việc phân bổ vốn sang các thị trường khác là điều hợp lý.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu USD tại châu Á đang phục hồi sau giai đoạn đình trệ do hàng loạt vụ vỡ nợ từ các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đang thúc đẩy hoạt động phát hành, một phần nhờ các thương vụ M&A, và trở thành nhóm phát hành tích cực nhất năm nay. Theo dữ liệu Bloomberg, lượng trái phiếu bằng USD phát hành từ khu vực APAC đã tăng khoảng một phần ba, lên hơn 215 tỉ USD tính đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn đáng kể so với các năm đỉnh cao trước đó.

Bất ngờ hơn, các nhà phát hành từ APAC đang huy động vốn tại thị trường nợ châu Âu với tốc độ chưa từng có trong năm 2025. Theo Bloomberg, lượng trái phiếu phát hành bằng euro đã vượt 49 tỉ euro (57,6 tỉ USD) từ đầu năm và đã vượt tổng lượng phát hành cả năm 2024.

“Điều đó không có nghĩa là mọi người đang bán trái phiếu doanh nghiệp hạng đầu tư định giá bằng USD tại Mỹ hay châu Á,” Owen Gallimore, trưởng bộ phận phân tích tín dụng khu vực APAC tại Deutsche Bank, nhận xét. Nhưng ông nói thêm: “Nhà đầu tư châu Á đang muốn các tổ chức phát hành quay lại thị trường thường xuyên hơn bằng euro, nhân dân tệ quốc tế hoặc các đồng tiền khác.”

Theo Bloomberg

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/trai-phieu-noi-te-chau-a-hut-von-ky-luc-giua-rui-ro-tu-thue-quan-my-53889.html

#trái phiếu châu Á
#thị trường khu vực
#nhà đầu tư
#phi đô la hóa
#Úc
#Singapore
#trái phiếu nội tệ
#doanh nghiệp
#chi phí vay
#Mỹ
#vỡ nợ
#Nhật Bản
#APAC
#xếp hạng
#xếp hạng tín dụng

BÀI LIÊN QUAN

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Gói đăng ký

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media