Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh tế
Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ đánh thuế nặng lên hàng loạt đối tác nếu không đạt thỏa thuận thương mại kịp thời trong 10 ngày tới.
Scott Bessent, Bộ trưởng Tài chính Mỹ (giữa), sau cuộc đàm phán thương mại tại Lancaster House ở London, Vương quốc Anh, vào ngày 9 tháng 6. Hình ảnh: Chris Ratcliffe/Bloomberg
Tác giả: Catherine Lucey và Jenny Leonard
30 tháng 6, 2025 lúc 9:30 AM
Tóm tắt bài viết
Chính phủ của Tổng thống Donald Trump vẫn chưa đạt được những cải cách toàn diện như đã cam kết dù thời hạn chót 9/7 đang đến gần, gây lo ngại về chính sách thương mại.
Giáo sư Tim Meyer nhận định các thỏa thuận có thể được công bố sẽ không đáp ứng định nghĩa thông thường, mà chỉ tập trung vào một số nội dung nhất định.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết khoảng 20 quốc gia không đạt được thỏa thuận trước thứ Tư tới vẫn có thể tiếp tục đàm phán, nhưng sẽ phải chịu mức thuế cao.
Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 25% và tuyên bố chấm dứt đàm phán với Canada do bất đồng về thuế dịch vụ kỹ thuật số, gây thêm căng thẳng.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết một số "thỏa thuận top 10" với các nền kinh tế lớn sẽ được hoàn tất trước tháng 7, nhưng nhiều vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ.
Tóm tắt bởi AI HAY
Chỉ còn 10 ngày trước khi các mức thuế riêng theo từng quốc gia của chính phủ Trump bắt đầu có hiệu lực trở lại, nhưng Nhà Trắng vẫn chưa đạt được những cải cách toàn diện như đã cam kết trong ba tháng tạm hoãn áp thuế vừa qua.
Các cố vấn hàng đầu của ông Trump cho biết Mỹ có thể hoàn tất thỏa thuận với khoảng 12 đối tác thương mại lớn trước hạn chót ngày 9.7. Tuy nhiên, nếu xét theo hai thỏa thuận đã ký với Trung Quốc và Anh, các hiệp định sắp tới nhiều khả năng sẽ không giải quyết được những vấn đề then chốt, mà chỉ tập trung vào một số nội dung nhất định, phần còn lại sẽ được đàm phán sau.
“Có thể Nhà Trắng sẽ công bố một số khung hợp tác mà họ gọi là thỏa thuận thương mại, nhưng chúng không đáp ứng định nghĩa thông thường của cụm từ đó,” giáo sư Tim Meyer, chuyên gia luật thương mại quốc tế tại Đại học Duke, nhận định.
Trong khi đó, hàng chục quốc gia vẫn chưa đạt được thỏa thuận — và đã bị áp thuế cao hơn kể từ ngày 2.4. Ông Trump đe dọa sẽ tiếp tục nâng mức thuế lên trên ngưỡng cơ bản 10%. Phần lớn trong số này là “các đối tác thương mại nhỏ hơn,” theo lời Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent phát biểu hôm thứ Sáu trên kênh CNBC.
Cùng lúc, ông Trump và các cố vấn liên tục đưa ra những tín hiệu mập mờ về việc nước nào sắp đạt được thỏa thuận và nước nào không, khiến giới đầu tư lo lắng trước thời hạn 9.7. Kết quả cuối cùng sẽ định hình tương lai của chương trình thương mại mà ông Trump coi là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử năm 2024, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế toàn cầu và quan hệ của Mỹ với cả đồng minh lẫn đối thủ.
Dù mức độ rủi ro là rất lớn, đến nay vẫn chưa rõ liệu chính quyền ông Trump sẽ giữ nguyên hạn chót cũ hay gia hạn thêm để tiếp tục đàm phán.
Hôm thứ Sáu, ông Bessent cho biết khoảng 20 quốc gia không đạt được thỏa thuận trước ngày thứ Tư tới vẫn có thể tiếp tục đàm phán, nhưng sẽ phải chịu mức thuế cao như mức ngày 2.4, hoặc giữ ở mức 10% nếu được đánh giá là đang “đàm phán có thiện chí.”
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, ông Trump lặp lại tuyên bố rằng ông có thể đơn phương quyết định mức thuế đối với các quốc gia, thậm chí trước ngày 9.7. Tổng thống cũng nói Mỹ sẽ không đàm phán riêng lẻ với hàng trăm quốc gia.
“Chúng tôi muốn làm gì cũng được,” ông Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. “Tôi chỉ muốn gửi thư đến tất cả: ‘Chúc mừng, các bạn sẽ chịu mức thuế 25%’.”
Ngay sau phát biểu đó, ông bất ngờ tuyên bố trên mạng xã hội rằng Mỹ sẽ chấm dứt đàm phán thương mại với Canada do bất đồng liên quan đến thuế dịch vụ kỹ thuật số, đồng thời đe dọa sẽ áp thuế mới trong vòng một tuần. Động thái này cũng được xem là lời cảnh báo gửi đến các nhà lãnh đạo mà ông Trump cho là đang không đi theo ý ông.
Hàng loạt tuyên bố dồn dập từ ông Trump tiếp tục nhắc nhở các chính phủ nước ngoài về mức độ khó lường trong chính sách của ông.
Những ngày cuối cùng trước hạn chót hoãn thuế diễn ra trong không khí căng thẳng, khi các nhà lãnh đạo nỗ lực vận động tổng thống, nhiều phái đoàn đến Washington, còn ông Trump và các cố vấn thì liên tục phát đi tín hiệu trái chiều.
Một số nguồn tin cho biết Mỹ đang tiến gần đến thỏa thuận với một số quốc gia, bao gồm Đài Loan và Indonesia. Các hiệp định với Việt Nam và Hàn Quốc cũng có khả năng được ký kết.
Tổng thống Trump nhiều lần úp mở về một thỏa thuận với Ấn Độ sau khi các đoàn đàm phán hai bên gặp nhau tại Washington tuần trước để tháo gỡ bế tắc. Mỹ và Liên minh châu Âu cũng ngày càng lạc quan hơn về khả năng đạt được thỏa thuận.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television hôm thứ Năm rằng một số “thỏa thuận thuộc top 10” với các nền kinh tế lớn sẽ được hoàn tất trước thời hạn tháng 7.
“Chúng tôi sẽ ký các thỏa thuận thuộc nhóm top 10, phân loại cho đúng, rồi các quốc gia khác sẽ lần lượt được xử lý sau,” Lutnick nói.
“Nhiều khả năng Nhà Trắng sẽ cho một số nước gia hạn nếu họ đang đàm phán có thiện chí hoặc thực sự nghiêm túc,” Clark Packard, chuyên gia nghiên cứu về thương mại tại Viện Cato, nhận định. “Tôi cho rằng một số thỏa thuận sẽ được ký, một số thì không. Và cũng sẽ có quốc gia tìm cách trả đũa.”
Dù cách tiếp cận của ông Trump có thể khiến các đối tác thương mại nhượng bộ phần nào, chiến lược thiếu ổn định của ông đã khiến thị trường tài chính bất an và gây lo ngại cho nhiều doanh nghiệp trong nước. Việc chưa làm rõ về thời hạn càng làm gia tăng căng thẳng.
Ngay từ khi nhậm chức, ông Trump đã cam kết sẽ giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và thúc đẩy sản xuất nội địa, với chính sách thuế quan làm trọng tâm trong nỗ lực tái định hình dòng chảy thương mại toàn cầu. Ông công bố mức thuế cao hơn vào tháng 4, nhưng nhanh chóng tạm hoãn chúng sau khi thị trường chao đảo do lo ngại nguy cơ suy thoái toàn cầu.
Trong nhiều tháng qua, ông Trump và các cố vấn liên tục khẳng định sẽ có nhiều thỏa thuận được ký kết — đặc biệt, cố vấn thương mại Peter Navarro từng tuyên bố vào tháng 4 rằng mục tiêu của Washington là “90 thỏa thuận trong 90 ngày.”
Tuy nhiên, con số đó không những không thể đạt được, mà các thỏa thuận đã ký còn trở thành lời cảnh báo cho các quốc gia đối tác khác đang trong quá trình đàm phán.
Anh bước vào khuôn khổ đàm phán với hy vọng Mỹ sẽ xóa bỏ thuế đối với việc nhập khẩu kim loại, nhưng kết quả là Washington vẫn giữ mức thuế 25% đối với thép và nhôm, và chỉ hứa sẽ đàm phán một hệ thống hạn ngạch trong tương lai. Trong một vòng đàm phán tại London, ông Trump nói rằng Trung Quốc đã đồng ý nối lại xuất khẩu đất hiếm, nhưng các lô hàng đó đến nay vẫn chưa đặt chân đến nước Mỹ.
Một số đối tác khác như Nhật Bản, Ấn Độ và EU đã từ chối ký thỏa thuận khi chưa rõ mức thuế riêng sẽ áp lên các mặt hàng xuất khẩu như chip, dược phẩm và máy bay thương mại. Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố kết quả điều tra về một số lĩnh vực này trong vài tuần tới, và điều đó có thể dẫn đến các mức thuế bổ sung.
Ngoài ra, vẫn còn tranh cãi pháp lý xoay quanh tính hợp pháp của các mức thuế, liên quan đến việc ông Trump sử dụng quyền hạn khẩn cấp để ban hành chúng. Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ hồi tháng 5 đã tuyên bố phần lớn các mức thuế là bất hợp pháp và ra lệnh đình chỉ thi hành, nhưng tòa phúc thẩm đã cho phép giữ nguyên cho đến phiên điều trần diễn ra vào cuối tháng 7.
Dù những lời đe dọa của ông Trump khiến thế giới bất an, việc ông thường xuyên tuyên bố áp thuế hàng loạt rồi rút lại đã khiến các lãnh đạo nước ngoài hiểu rằng chỉ cần nhượng bộ một phần nhỏ cũng có thể khiến ông Trump lùi bước. Giới đầu tư đã quá quen thuộc với mô hình này đến mức đặt cho nó biệt danh “TACO” — viết tắt của cụm “Trump Always Chickens Out.”
Với ông Trump, người từ lâu vẫn tự quảng bá bản thân là một “bậc thầy đàm phán,” việc ký được thỏa thuận thường quan trọng không kém — thậm chí quan trọng hơn — nội dung của thỏa thuận. Ông ưa thích những thỏa thuận nhanh và ngày càng tỏ ra thiếu kiên nhẫn với quá trình đàm phán kéo dài.
Tuy nhiên, cử tri lại không ủng hộ cách tiếp cận này. Một cuộc khảo sát của Đại học Quinnipiac, thực hiện từ ngày 5 đến 9.6, cho thấy 57% cử tri không đồng tình với cách ông Trump xử lý các chính sách thương mại.
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/thue-quan-cua-ong-trump-kho-dat-muc-tieu-cai-cach-thuong-mai-toan-dien-53594.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media