Một sản phẩm của BEACON MEDIA
FPT đang đối mặt với nhiều thách thức trong hành trình phát triển ra thế giới, từ sự cạnh tranh gay gắt cho đến các mức thuế mới của Mỹ.
Tác giả: John Boudreau và Nguyen Xuan Quynh
29 tháng 5, 2025 lúc 8:30 AM
Bốn mươi năm trước, ông Trương Gia Bình thành lập một công ty công nghệ. Chiếc máy tính duy nhất trong phòng lúc đó được bố vợ ông — Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người chỉ huy quân đội Việt Nam đánh bại quân Pháp và Mỹ — cho mượn.
Công ty đó tên là FPT và hiện là tập đoàn công nghệ có giá trị niêm yết lớn nhất Việt Nam. Tập đoàn này giữ vai trò then chốt trong chiến lược của chính phủ nhằm xây dựng một ngành công nghệ đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực, và thay thế mô hình kinh tế dựa vào gia công giày Nike và thiết bị Apple.
FPT đã đạt được nhiều thành công ở thị trường quốc tế khi trở thành đối tác của 130 công ty trong danh sách Fortune Global 500, bao gồm Airbus, Halliburton và Ford. Công ty cũng hợp tác với Nvidia để xây dựng trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam và Nhật Bản, đồng thời mở rộng sang lĩnh vực thiết kế chip bán dẫn.
Tuy nhiên, FPT vẫn phải đối mặt với không ít thách thức khi cạnh tranh với các đối thủ lâu đời hơn đến từ Ấn Độ và Malaysia. Bên cạnh đó, công ty cần thích nghi với môi trường thương mại mới do Tổng thống Donald Trump thiết lập, trong đó bao gồm các chính sách áp thuế mới.
“Chúng tôi làm việc ngày đêm,” ông Bình nói trong cuộc phỏng vấn với chương trình Latitude của Bloomberg Television của bà Haslinda Amin. Ông tin rằng trong dài hạn, FPT có thể duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm khoảng 20%.
Ông Nguyễn Lâm, giám đốc điều hành IDC Indochina, nhận định phát triển ngành công nghệ tiên tiến là "cách để Việt Nam thoát khỏi cái mác là trung tâm sản xuất giá rẻ." Chính phủ xem FPT là hình mẫu doanh nghiệp tiên phong trong quá trình chuyển đổi sang các ngành công nghệ cao, chẳng hạn như sản phẩm liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) — một thị trường toàn cầu có thể đạt quy mô 990 tỉ đô la Mỹ vào năm 2027, theo ước tính của Bain & Co.
Mặc dù không bị ảnh hưởng trực tiếp từ các mức thuế mới của Mỹ, FPT cho biết công ty có thể chịu “tác động gián tiếp vì nhiều khách hàng trên toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi các mức thuế này.”
FPT đang chuẩn bị đối phó với các biến động kinh tế toàn cầu, và có thể “điều chỉnh” kế hoạch kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 20% trong năm nay trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bất ổn, theo công ty chứng khoán DNSE. DNSE dẫn lời tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa tại cuộc họp cổ đông tháng 4, cho biết FPT sẽ cắt giảm 30% chi phí mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động chủ chốt của công ty.
FPT có thể sẽ phải thương lượng để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với lực lượng công an. Trước thông tin cho rằng Bộ Công an — cơ quan đã siết chặt kiểm soát Internet trong những năm gần đây — đang xem xét mua cổ phần tại FPT Telecom, công ty cho biết “chưa có thêm thông tin nào liên quan đến vấn đề này.”
Ông Bình hiện nắm gần 7% cổ phần FPT, trong khi nhà nước Việt Nam sở hữu 5,71%.
Làm theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Cuộc đời ông Trương Gia Bình gắn liền với lịch sử của lực lượng kháng chiến. Năm 1954, gia đình ông “đi theo” vị lãnh tụ cách mạng Hồ Chí Minh ra Hà Nội để tham gia công cuộc giành độc lập, theo lời kể của Chủ tịch FPT. Vì nhà quá nghèo, ông phải mặc lại quần áo cũ của chị gái và từng tận mắt chứng kiến bom Mỹ trút xuống thành phố.
“Tuổi thơ của tôi là những tháng ngày thiếu thốn gần như mọi thứ,” ông Bình, 69 tuổi, người từng hai lần gặp Bác Hồ, nói.
Khi còn là thiếu niên, ông được chính phủ chọn cử sang Liên Xô cũ du học. Sau khi trở về, ông cùng 12 người khác đã thành lập công ty, ban đầu có tên là Công ty Công nghệ Thực phẩm theo đề xuất của một bộ trưởng. Đến nay, FPT là công ty niêm yết lớn thứ bảy tại Việt Nam với vốn hóa thị trường đạt 6,8 tỉ USD. Công ty có hơn 80.000 nhân viên và hoạt động tại 30 quốc gia.
Năm 2024, FPT đạt doanh thu 62.850 tỉ đồng (2,4 tỉ USD), tăng 19% so với năm trước, nhờ đóng góp quan trọng từ mảng phần mềm FPT Software. Công ty đang mở rộng danh mục sản phẩm, từ giải pháp cho xe tự hành đến robot công nghiệp, nhằm tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.
Tháng 4, Sumitomo và SBI Holdings thông báo mỗi bên sẽ mua 20% cổ phần trong một đơn vị của FPT nhằm đẩy nhanh việc ứng dụng AI tại Nhật Bản.
Sự vươn lên của FPT “rất giống với hành trình phát triển của một số công ty công nghệ hàng đầu Ấn Độ,” ông H.R. Binod, cựu phó tổng giám đốc điều hành Infosys và hiện là thành viên độc lập trong hội đồng quản trị FPT, nhận xét.
Tuy nhiên, FPT đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ sự cạnh tranh toàn cầu đến các biện pháp thuế quan của Mỹ.
“Bạn có thể là một gã khổng lồ trên sân nhà,” ông Louis Nguyen, tổng giám đốc công ty đầu tư Saigon Asset Management có trụ sở tại TP.HCM, nơi từng sở hữu cổ phần FPT, nhận định. “Nhưng khi ra thế giới, sẽ có những kẻ còn khổng lồ hơn bạn.”
Ông Nguyễn Lâm nhận định FPT sẽ cần một thế hệ lãnh đạo mới, có kinh nghiệm trên thương trường quốc tế, để ứng phó với căng thẳng địa chính trị và các rào cản thương mại ngày càng phức tạp hơn.
Thất bại ở nước ngoài
Những lần mở rộng đầu tiên ra nước ngoài của FPT tại Thung lũng Silicon và Bangalore vào cuối thập niên 1990 đều thất bại, theo bà Chu Thị Thanh Hà, chủ tịch FPT Software.
Trong thời điểm mà bà mô tả là “nguy cấp sống còn,” FPT Software đã tìm được chỗ đứng tại Nhật Bản vào năm 2000 nhờ hợp đồng với Nippon Telegraph & Telephone. Hiện công ty có khoảng 4.500 nhân viên tại thị trường này và dự kiến sẽ tăng lên 5.000 trong năm nay. FPT đặt mục tiêu nâng doanh thu tại Nhật từ 500 triệu USD vào năm 2024 lên 1 tỉ USD vào năm 2027.
Trong nước, chính phủ đặt nhiều kỳ vọng vào FPT trong kế hoạch xây dựng ba trung tâm AI và ít nhất 100 công ty thiết kế chip tại Việt Nam trước năm 2030, đồng thời phát triển ngành bán dẫn với doanh thu hàng năm vượt mốc 100 tỉ USD vào năm 2050.
“FPT là một biểu tượng của quốc gia,” ông Vinnie Lauria, đồng sáng lập quỹ Golden Gate Ventures tại TP.HCM, nhận xét.
Để hiện thực hóa tham vọng đó, FPT — nơi các nhà sáng lập từng phải tự học kiến thức công nghệ qua sách vở mua từ Hồng Kông trong thời kỳ cấm vận — cho biết công ty đã đào tạo hàng ngàn kỹ sư tại năm trường đại học trên toàn quốc. Tập đoàn cũng xây dựng 16 cơ sở giáo dục từ cấp tiểu học đến trung học, nơi học sinh bắt đầu học lập trình ngay từ lớp Một.
“Đây chính là Việt Nam thời đại mới,” ông Bình nói.
— Với sự hỗ trợ của Nguyen Kieu Giang, Nguyen Dieu Tu Uyen, Alex Chandler, và Richard Frost
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/tham-vong-ai-cua-viet-nam-nam-tren-vai-cong-ty-cong-nghe-tri-gia-6-8-ti-do-cua-fpt-53300.html
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media