Giải pháp

Siêu đô thị bọt biển

Andrew Rosati và Laura Millan 15/08/2024 17:15

São Paulo đang trồng hàng trăm khu vườn thấm nước trong công viên và dọc các con đường để chuẩn bị cho một tương lai ẩm ướt, nóng hơn.

2000x-1.jpg
Khu vườn thấm nước ở trung tâm São Paulo nằm cạnh công trình kiến trúc địa phương, Cổng vòm Bixiga. Hình ảnh: Larissa Zaidan

Tác giả: Andrew Rosati và Laura Millan

15 tháng 8, 2024 lúc 5:15 PM

T

ay cầm clipboard, kiến trúc sư Lara Freitas đang khảo sát một dãy các hố lớn bằng cả chiếc xe hơi được đào trên một con đường ở phía Nam São Paulo. Mỗi tấc đất ở siêu đô thị đầy nhà chọc trời này đều là tấc vàng, nhưng Freitas không có kế hoạch xây thêm một tòa nhà bằng kính và thép khác, mà bà đào bê tông để tạo không gian cho cây cối – một hàng rào xanh bảo vệ thành phố chống lại tàn phá của biến đổi khí hậu.

“Những gì chúng tôi đang làm là tạo ra bọt biển cho khu phố này,” Freitas nói. Bà là ủy viên hội đồng của một trong 32 quận của thành phố. “Chúng tôi trả lại những không gian này cho mẹ thiên nhiên.”

“Bọt biển” bà đang nói là những vườn hấp thụ nước mưa, giúp làm giảm áp lực lên hệ thống cống thoát nước. Khi các đô thị tại Brazil và trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi những trận mưa lớn, gây ra cảnh ngập lụt thường xuyên hơn, vườn mưa trở thành một phần giải pháp cho một vấn đề đô thị ngày càng nhức nhối: Làm sao xử lý tất cả lượng nước này.

2000x-1-1-.jpg
Lara Freitas (thứ hai từ phải) cùng các tình nguyện viên lắp đặt một khu vườn thấm nước tại quận Vila Mariana. Hình ảnh: Larissa Zaidan

Tại São Paulo, một thành phố rộng gấp đôi thành phố New York, các khu vườn bên lề đường với các bụi cây xanh um đã được trồng trên các con phố nhỏ để ngăn nước đọng. Chúng được xây dọc theo các lối đi đông đúc, gồm cả đại lộ 23 tháng Năm, nơi dải phân cách giữa đường đã xuất hiện một khu vườn như vậy, cành lá vươn lên trên rào chắn. Người ta đang cải tạo lại các công viên hiện hành (vốn tọa lạc trên các sườn dốc và dưới chân đồi), bằng cách đào sâu hơn và trồng lại bằng những loại cây có thể hấp thụ nhiều nước hơn.

Những khu vườn như thế cũng được lèn vào cả nơi không gian chật hẹp, dễ ngập lụt, chẳng hạn các cầu thang bê tông, nơi chúng thường được xếp xen kẽ các bậc thang, hoặc được bố trí dưới dạng bãi đổ xe xanh, thường trồng một vài cây nhỏ hoặc bụi cây, cạnh các con đường đầy xe cộ.

2000x-1-2-.jpg
Một khu vườn thấm nước nhỏ trên phố Uvaias. Dù khiêm tốn, những mảnh đất này vẫn giúp hấp thụ nước mưa và phá vỡ sự đơn điệu của các bề mặt bê tông, nhựa đường.
2000x-1-3-.jpg
Những tảng đá được đào lên trong quá trình xây dựng khu vườn thấm nước. Sau đó, chúng được đưa trở lại khu đất để hỗ trợ việc thấm nước.

Trước khi trở thành thủ đô tài chính của Brazil, São Paulo từng được biết đến với tên gọi “terra da garoa” hay “vùng đất mưa phùn.” Sự bùng nổ bê tông và dân số trong nửa sau thế kỷ 20 (hiện là 12 triệu dân) đã gia tăng nhiệt độ đô thị. Khi khí hậu ấm lên cũng làm thay đổi khí hậu địa phương, vốn đặc trưng là những cơn mưa nhẹ: Tháng Ba năm nay và tháng 11 năm ngoái, nhiều cơn bão đã xé tan khu vực này, gây mưa lớn, mất điện và nhiều ca tử vong.

Số ngày có mưa ở São Paulo dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào cuối thế kỷ này, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 2°C hoặc hơn so với thời tiền công nghiệp. Lượng mưa khoảng 30mm trên mỗi mét vuông mỗi ngày có thể gây ngập lụt. Trước năm 1950, không có ghi nhận nào về lượng mưa 50mm hoặc hơn trong một ngày duy nhất (theo viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil), nhưng giờ điều này đang xảy ra từ hai đến năm lần một năm.

Còn cuộc đấu tranh để quản lý nguồn nước đã có từ khi thành phố này thành hình. Cắt ngang São Paulo là hàng trăm tuyến đường thủy từ những con sông lớn như Tietê và Pinheiros, cả hai đều đã được chuyển hướng để làm thủy điện sang những con kênh nhỏ hơn. Nhiều con kênh đã được san lấp, lát gạch để nhường chỗ cho cơ sở hạ tầng, còn các khu nhà ở cả chính thức lẫn không chính thức đã mọc lên trên các bãi bồi. 

Các nhà hoạt động dân sự đã bắt đầu lắp đặt những vườn mưa từ cách đây khoảng một thập niên, khi một đợt hạn hán ở Đông Nam Brazil khiến các hồ chứa lâm vào mức thấp một cách nghiêm trọng, dẫn đến việc hạn chế sử dụng nước. Khi các cơn bão mang theo mưa lớn, các kênh và đường thủy của São Paulo bị quá tải, dẫn đến tình huống mâu thuẫn: Người dân không có nước sinh hoạt để dùng trong khi nhà cửa lẫn đường phố bị ngập.

Lấy cảm hứng từ thành phố New York, nơi đã lắp đặt hàng ngàn vườn mưa, tòa thị chính São Paulo đã khởi động chương trình chính thức của riêng mình và tăng tốc nó. Từ chỉ 23 vườn vào năm 2017, hiện số lượng đã tăng lên 337 và dự kiến sẽ đạt 400 vườn vào cuối năm nay.

Các lô đất được đào sâu khoảng 1,2m dưới đường hoặc trên vỉa hè rồi được lấp lại bằng đá vụn và đất giàu phân hữu cơ, cùng cây cối nằm ngay bên dưới vỉa hè xung quanh. Những khu vườn “mini” này có thể giúp làm mát nhiệt độ không khí tại chỗ, còn lớp đất và đá xốp giúp chúng có khả năng hấp thụ nước cực cao. Giới quy hoạch đô thị trích dẫn các tác động tích cực khác, khó đo lường hơn mà mảng xanh có thể đem lại cho cộng đồng đô thị, chẳng hạn cải thiện sức khỏe tinh thần.

michael-deforgescreenshot-2024-11-29-at-17.41.16-standard-scale-2_00x.png
① Cây cối hấp thụ nước và khí CO2, đồng thời mang lại sắc xanh. ② Nước mưa tràn trên bề mặt cứng trước khi thấm xuống đất bên dưới vườn. ③ Đất và đá vụn giúp lọc nước thừa trước khi nó thấm xuống thành nước ngầm.

Vườn mưa tự thân khó hấp thụ toàn bộ lượng nước tạo bởi thời tiết cực đoan. Với ngập lụt lớn, “thực sự không có giải pháp nào hoàn hảo,” Thaddeus Pawlowski, giám đốc điều hành trung tâm Thành phố bền bỉ và cảnh quan tại đại học Columbia, cho biết. Nguy cơ mưa lớn trở nên nghiêm trọng vào cuối tháng Tư và tháng Năm, khi bang Rio Grande do Sul của Brazil hứng chịu lượng mưa kỷ lục, gây ngập lụt khiến hơn 170 người thiệt mạng và hơn nửa triệu người mất chỗ ở.

Thậm chí lụt lội ít nghiêm trọng cũng có thể khiến các con đường không thể đi được và đóng cửa các ga tàu điện ngầm, gây đảo lộn đời sống hằng ngày của hàng triệu người cũng như đe dọa nhà cửa của họ. Khi lụt lội ngày càng phổ biến, “vườn mưa là một phần của hệ thống tổng thể giúp thành phố tăng khả năng ứng phó,” Pawlowski nói.

Chi phí lắp đặt tùy vào địa điểm và kích thước, một vườn có kích thước 100 mét vuông có chi phí khoảng 16.500 đô la Mỹ để lắp đặt, theo Luiz Jamil Akel, kiến trúc sư tư vấn cho văn phòng thị trưởng về vườn mưa.

2000x-1-7-.jpg
Freitas

Đây là lý do sáng kiến vườn mưa phát triển nhanh chóng. Thành phố đang hợp tác với các nhà hoạt động và lãnh đạo địa phương như Freitas, người cũng đang giám sát một dự án lắp đặt các khu vườn trên khắp bảy dãy nhà thuộc khu Vila Mariana. Công tác triển khai không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Giống New York, một số cư dân phàn nàn các khu vườn là nam châm hút rác. Họ cũng nghi ngờ tính khả thi dài hạn của chúng giữa một thành phố đầy rẫy tội phạm, người vô gia cư và một “sớ” dài vô tận đủ loại vấn đề khác. Các quan chức thừa nhận theo kịp nhu cầu bảo trì cũng là thách thức. Tại Pinheiros, một quận giàu có ở phía Tây São Paulo, một trong những vườn mưa đầu tiên của thành phố, một trạm xăng đã biến thành quảng trường công cộng, giờ chứa đầy ly, chai nhựa. Dưới hàng cây cọ, các băng ghế bị vẽ bậy, các bụi cây không được chăm sóc. Gần đó trở thành cứ địa của người vô gia cư, điều khiến người dân địa phương sợ hãi. “Về cơ bản, nơi đó đã biến thành nhà vệ sinh công cộng,” Ivan de Abreu, người làm trong một hiệu sửa giày gần khu vườn, cho biết.

1280x-1.jpg
Ivan de Abreu

Dẫu vậy, vườn mưa vẫn đang phổ biến khắp Brazil. Belo Horizonte (thành phố lớn thứ ba cả nước) và Curitiba (thành phố thủ phủ bang Paraná) đang bắt đầu xây dựng các khu vườn.

Còn với người dân thành thị như Rosana Santos, chúng đem lại cảm giác thoải mái trước sự xâm lấn của sắc xám bê tông. “Mỗi ngày đều có thêm một tòa nhà mọc lên, còn lại gì cho chúng ta?” cô hỏi. “Ít nhất, điều này cũng là một làn gió mát lành.”

Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn

https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/sieu-do-thi-bot-bien-52632.html

Đăng ký nhận bản tin miễn phí

Liên hệ

Hợp tác quảng cáo

Chăm sóc khách hàng: (028) 888 90868

Email: cs@bloombergbusinessweek.vn

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh

Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (028) 8889.0868

Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn

© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media