Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh doanh
Ryan Reynolds, anh em nhà Trump và nhiều ngôi sao khác đang tận dụng danh tiếng của mình để gia nhập cuộc đua mở dịch vụ viễn thông di động.
Nam diễn viên Ryan Reynolds, ngôi sao của loạt phim Deadpool, đã mua lại và sau đó bán cổ phần sở hữu một phần trong thương hiệu viễn thông Mint Mobile. Hình ảnh: Jamie McCarthy/Getty Images
Tác giả: Kelcee Griffis
09 tháng 07, 2025 lúc 9:00 AM
Tóm tắt bài viết
Diễn viên Ryan Reynolds đã mở đầu xu hướng đầu tư vào lĩnh vực viễn thông khi mua cổ phần Mint Mobile, sau đó T-Mobile mua lại với giá 1,35 tỷ đô la Mỹ.
Các diễn viên Will Arnett, Jason Bateman và Sean Hayes ra mắt SmartLess Mobile, còn Ông Eric và Ông Don Jr. công bố dịch vụ Trump Mobile vào đầu tháng 6.
Các nhà mạng lớn như T-Mobile, Verizon và AT&T đầu tư mạnh vào 5G nhưng chưa thu hút đủ thuê bao, tạo cơ hội cho các nhà mạng ảo (MVNO).
Trump Mobile cung cấp gói không giới hạn với giá 47,45 đô la Mỹ mỗi tháng, còn Mint Mobile khoảng 30 đô la Mỹ, rẻ hơn so với các gói 130-180 đô la Mỹ của nhà mạng lớn.
T-Mobile hiện là nhà mạng cho thuê nổi bật nhất với hơn 200 thương hiệu sử dụng mạng lưới của họ, triển khai sáng kiến "Tên của bạn, mạng của chúng tôi".
Tóm tắt bởi AI HAY
Diễn viên kiêm nhà sản xuất Ryan Reynolds đã tạo nên một xu hướng đầu tư mới trong giới người nổi tiếng từ năm 2019, khi ông mua lại một phần cổ phần của thương hiệu viễn thông Mint Mobile và trở thành gương mặt đại diện của công ty. Thương vụ này thành công đến mức T-Mobile Mỹ đã mua lại Mint với giá 1,35 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái. Ngôi sao Deadpool đã mở đường cho nhiều ngôi sao hạng A khác tin rằng họ có thể tận dụng tên tuổi của mình để ký những hợp đồng béo bở trong ngành viễn thông mà không cần quá am hiểu về công nghệ mạng này.
“Nhiều người nổi tiếng nhìn vào những gì Ryan Reynolds đã làm với Mint Mobile và tự hỏi, ‘Chờ đã. Anh ta chỉ tiếp thị cho chính mình, bán sản phẩm này. Anh ta đâu có vận hành mạng di động, cũng không sở hữu cơ sở hạ tầng. Chuyện này có thể khó đến mức nào chứ?’” Michael Lazarus, thành viên điều hành tại hãng luật Telecommunications Law Professionals, chia sẻ.
Các diễn viên Will Arnett, Jason Bateman và Sean Hayes — đồng thời là người dẫn chương trình podcast SmartLess — đã làm điều tương tự vào đầu tháng 6 khi ra mắt thương hiệu SmartLess Mobile, sử dụng hạ tầng của T-Mobile. Vài ngày sau đó, hai người con trai của Tổng thống Donald Trump, Eric và Don Jr., cũng công bố dịch vụ Trump Mobile, cho phép người dùng lựa chọn mạng di động yêu thích, kèm tùy chọn mua điện thoại thông minh được mạ vàng.
Không chỉ những người nổi tiếng đang nhắm đến ngành này. Các tập đoàn truyền hình cáp như Comcast và Charter đã bổ sung các gói dịch vụ di động giá rẻ (thậm chí miễn phí) mang thương hiệu riêng vào bộ sản phẩm của họ. Dịch vụ Google Fi Wireless hiện cũng sử dụng mạng lưới của T-Mobile. Ngay cả nền tảng tài chính trực tuyến Klarna cũng đã triển khai dịch vụ di động.
Dưới đây là lý do vì sao các thương hiệu viễn thông mới đang trở thành xu hướng kinh doanh nổi bật:
Tại sao các thương vụ này diễn ra vào lúc này? Và người mới sẽ được lợi ích gì?
Ba nhà mạng lớn của Mỹ là T-Mobile, Verizon và AT&T đã chi hàng tỉ đô la trong những năm gần đây để mua quyền sử dụng băng tần vô tuyến và đầu tư hạ tầng, nhằm mang tốc độ và năng lực xử lý dữ liệu nhanh chóng của mạng 5G đến người dùng. Tuy nhiên, tốc độ mở rộng này đã vượt xa khả năng thu hút thuê bao mới, khiến các nhà mạng dư thừa dung lượng mạng.
Những nhà mạng lớn thường tiếp thị các gói cước mang tính “một kiểu cho tất cả”, mà không phải người dùng nào cũng thấy phù hợp hoặc có khả năng chi trả. Đó là lúc các nhà mạng ảo, hay còn gọi là MVNO (mobile virtual network operators), xuất hiện: các công ty như SmartLess Mobile thuê lại phần mạng dư thừa từ các nhà mạng lớn, sau đó chi thêm tiền để tiếp thị gói dịch vụ riêng cho từng nhóm khách hàng đặc thù.
Mô hình này giúp thương hiệu mới khai thác các phân khúc chưa được phục vụ trong thị trường viễn thông — từ người tiêu dùng siêu tiết kiệm đến khách hàng có nhu cầu chuyên biệt — và thậm chí có thể trở thành mục tiêu mua lại hấp dẫn trong tương lai.
Các thương vụ này cũng mang đến cho người nổi tiếng một cách mới để kết nối với người hâm mộ. Dù Mint đã được bán cho T-Mobile, Reynolds vẫn tiếp tục tham gia vào hoạt động của thương hiệu. Tháng trước, ông đăng tải một đoạn quảng cáo của Mint lên tài khoản Instagram với 52 triệu người theo dõi, thu hút gần 30.000 lượt thích.
MVNO thực ra là gì?
MVNO là mô hình mà doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với khách hàng nhưng vận hành dựa trên hạ tầng của một nhà mạng lớn. MVNO có thể tự quyết định giá bán và thiết kế gói dịch vụ để thu hút từng nhóm người dùng. Consumer Cellular, công ty chuyên phục vụ người cao tuổi, là một trong những cái tên nổi bật theo mô hình này.
Một dạng khác trong lĩnh vực này là các công ty hỗ trợ mạng ảo, gọi là MVNE (mobile virtual network enabler), hoạt động như một đơn vị trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ như thanh toán và tuân thủ quy định cho các MVNO. Nhờ sự hỗ trợ từ MVNE, một công ty mới có thể giảm đáng kể rủi ro và rút ngắn quá trình học hỏi khi tham gia một ngành chịu sự quản lý nghiêm ngặt và liên quan đến dữ liệu cá nhân. Nhờ đó, các đơn vị không có kinh nghiệm trong ngành viễn thông cũng có thể trở thành nhà cung cấp dịch vụ — giống như cách người nổi tiếng không cần sở hữu nhà máy chưng cất vẫn có thể tung ra thương hiệu rượu của riêng mình.
Nico Girard, nhà sáng lập OXIO — nền tảng cung cấp dịch vụ cho các đơn vị phân phối viễn thông — cho biết rào cản gia nhập ngành hiện rất thấp. “Viễn thông đang trở thành ngành tequila mới,” ông nói.
Những nhà mạng nào hoạt động tích cực nhất trong lĩnh vực này?
T-Mobile hiện là nhà mạng cho thuê nổi bật nhất, với thông tin công bố vào năm ngoái rằng hơn 200 thương hiệu đang sử dụng mạng lưới của họ và công ty vẫn tiếp tục tìm kiếm đối tác mới. Nhà mạng đã khởi động sáng kiến “Tên của bạn, mạng của chúng tôi” nhằm giúp các thương hiệu dễ dàng hợp tác trực tiếp với T-Mobile hơn.
Verizon và AT&T cũng hỗ trợ nhiều thương hiệu nổi bật từ bên ngoài ngành viễn thông. Ví dụ, dịch vụ Xfinity Mobile của Comcast và Spectrum Mobile của Charter đều hoạt động trên mạng lưới của Verizon. Dịch vụ di động mới của Klarna sẽ sử dụng hạ tầng của AT&T.
Các dịch vụ này cung cấp những gì?
Tất cả các dịch vụ di động nói trên đều cung cấp kết nối cuộc gọi và dữ liệu với mức giá hàng tháng thấp hơn nhiều so với hợp đồng với các nhà mạng lớn. Trump Mobile quảng bá gói dịch vụ gọi, nhắn tin và dữ liệu không giới hạn với giá 47,45 đô la mỗi tháng, trong khi gói không giới hạn của Mint có giá khoảng 30 đô la. Dịch vụ của Trump Mobile dựa trên thỏa thuận với Liberty Mobile Wireless, cho phép người dùng chọn một trong các nhà mạng lớn để truy cập. Xfinity quảng cáo gói hai số điện thoại với giá 40 đô la mỗi tháng. Trong khi đó, gói tương tự từ các nhà mạng lớn thường dao động từ 130 đến 180 đô la.
Một số dịch vụ còn đi kèm thêm các tiện ích. Trump Mobile cung cấp dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp trên đường và tư vấn y tế từ xa. Hãng di động của nhà sản xuất âm nhạc RoccStar, hoạt động trên nền tảng của T-Mobile, hứa hẹn mang đến “nội dung độc quyền, quyền tiếp cận đặc biệt và các phần quà hấp dẫn dành cho người hâm mộ.”
Tuy nhiên, các gói này thường bị giới hạn về dung lượng dữ liệu. Người dùng MVNO mặc định sẽ có ưu tiên xử lý dữ liệu thấp hơn và có thể gặp tình trạng tốc độ truy cập chậm hơn so với khách hàng trực tiếp của các nhà mạng lớn.
Khoảng cách giữa nhà mạng chính và MVNO cũng đang nhỏ dần, do các nhà mạng ngày càng tự phát triển các thương hiệu phụ của riêng mình — như Metro của T-Mobile, Visible và Straight Talk của Verizon — với các gói dịch vụ giới hạn nhưng có giá thấp hơn.
Các gói dịch vụ này có thực sự đáng tiền? Người dùng có thể giữ số điện thoại cũ không?
Giá trị của những gói cước phụ thuộc vào nhu cầu cụ thể của từng người dùng. Tuy nhiên, với những khách hàng có nhu cầu rõ ràng, MVNO có thể giúp họ tiết kiệm đáng kể chi phí. Người dùng thường có thể giữ lại số điện thoại cũ khi chuyển sang các nhà cung cấp này.
Tại sao các nhà mạng lại cho phép doanh nghiệp khác cạnh tranh theo cách này?
Các nhà mạng lớn hiện có quy mô quá lớn, khiến các MVNO khó trở thành mối đe dọa thực sự với họ. “Họ nhận ra rằng việc để cả hai mô hình cùng tồn tại không dẫn đến sự cạnh tranh nội bộ,” Ahmed Khattak, nhà sáng lập US Mobile — một MVNO cung cấp dịch vụ truy cập vào cả ba nhà mạng lớn — cho biết.
Các nhà mạng vẫn thu tiền từ dung lượng mà họ cho thuê lại cho mỗi người dùng của MVNO. Chiến lược này cho phép họ khai thác phần tài nguyên mạng chưa được sử dụng và tiếp cận nhóm khách hàng mà họ vốn khó tiếp cận.
Tuy nhiên, MVNO có thể đối mặt với rào cản tăng trưởng khi các nhà mạng lớn tiếp tục mở rộng số lượng thuê bao, và khi các ứng dụng tiêu tốn nhiều dữ liệu — như trí tuệ nhân tạo — chiếm nhiều tài nguyên mạng hơn, để lại ít không gian xoay xở cho các dịch vụ mạng mới.
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/san-choi-dau-tu-moi-cua-gioi-sao-hollywood-53699.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Gói đăng ký
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media