Một sản phẩm của BEACON MEDIA
Khám phá nhiều hơn với tài khoản
Đăng nhập để lưu trữ và dễ dàng truy cập những bài viết bạn yêu thích trên Bloomberg Businessweek Việt Nam.
Kinh doanh
Bộ Thương mại Mỹ muốn đàm phán lại thỏa thuận với các hãng bán dẫn nhằm buộc doanh nghiệp mở rộng sản xuất chip ngay tại Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick điều trần trong phiên họp của Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện tại Washington vào thứ Tư, ngày 4 tháng 6. Hình ảnh: Allison Robbert/Bloomberg
Tác giả: Alicia Diaz
05 tháng 6, 2025 lúc 1:30 PM
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đàm phán lại các thỏa thuận đã ký với các công ty bán dẫn trong khuôn khổ Đạo luật Chips 2022, nhằm đạt được các điều khoản có lợi hơn và thúc đẩy đầu tư trong nước.
“Tất nhiên là chúng tôi đang đàm phán lại, vì lợi ích của người nộp thuế Mỹ,” Lutnick phát biểu hôm thứ Tư tại phiên điều trần trước Ủy ban Chuẩn chi Thượng viện Hoa Kỳ. “Chúng tôi đang nhận được nhiều giá trị hơn với cùng một khoản ngân sách.”
Ông dẫn chứng quyết định của TSMC hồi tháng Ba, khi công ty cam kết bổ sung 100 tỉ USD vào khoản đầu tư tại Mỹ, nâng tổng vốn cam kết lên 165 tỉ USD mà không nhận thêm hỗ trợ từ chính phủ Mỹ. Trước đó, TSMC đã được cấp 6,6 tỉ USD từ Quỹ Chips.
Tổng thống Trump đã nhiều lần kêu gọi Quốc hội hủy bỏ Đạo luật Chips and Science năm 2022 — một nội dung trọng tâm trong chương trình nghị sự trong nước của Tổng thống tiền nhiệm Joe Biden. Tuy nhiên, các nghị sĩ cả hai đảng đều không mấy mặn mà với ý tưởng hủy bỏ một đạo luật lưỡng đảng có quy mô lên tới 52 tỉ USD. Lutnick từng nhiều lần tuyên bố rằng Bộ Thương mại có thể giữ lại các khoản cấp vốn để gây sức ép, buộc doanh nghiệp mở rộng dự án sản xuất chip trong nước giống như TSMC đã làm.
Trong phiên điều trần kéo dài gần hai giờ, Lutnick đề cập đến nhiều vấn đề then chốt của ngành bán dẫn, đặc biệt là các nỗ lực thúc đẩy đầu tư liên quan đến chip tại Mỹ. Ông cũng bảo vệ các thỏa thuận về trí tuệ nhân tạo (AI) ký với UAE — được công bố trong chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Trump hồi tháng trước — và nhấn mạnh rằng các thỏa thuận này nhằm tạo ra mức đầu tư tương ứng tại Mỹ.
Chính sách AI mới được triển khai sau khi chính quyền ông Trump hủy bỏ một quy định ban hành vào tuần cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden. Quy định này từng vấp phải sự phản đối mạnh từ các nước đồng minh của Mỹ và các tập đoàn lớn như Nvidia và Oracle. Quy tắc mang tên “AI diffusion rule” nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận chip AI tiên tiến thông qua bên thứ ba, chia các quốc gia thành ba nhóm ưu tiên và dự kiến có hiệu lực vào tháng trước. Lutnick chỉ trích quy tắc này là “phi logic”.
Thay vì tiếp tục quy tắc nói trên, chính quyền ông Trump đang chuyển sang đàm phán thỏa thuận riêng với từng quốc gia, đồng thời duy trì các biện pháp bảo mật để ngăn doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip AI.
“Chúng tôi cho phép các nước đồng minh mua chip AI, miễn là các con chip này được quản lý bởi nhà vận hành trung tâm dữ liệu Mỹ đã được phê duyệt, và hệ thống điện toán đám mây kết nối với trung tâm đó cũng phải đến từ nhà cung cấp Mỹ đã được chấp thuận,” Lutnick nói.
Căng thẳng quanh nỗ lực kiềm chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc đang khiến mâu thuẫn thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng nghiêm trọng. Hai bên liên tục cáo buộc nhau vi phạm tinh thần các cuộc đàm phán gần đây tại Geneva. Bắc Kinh phản đối các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip của Mỹ, trong khi Washington lo ngại việc Trung Quốc siết chặt hoạt động bán khoáng sản quan trọng.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang gây áp lực buộc các đồng minh không sử dụng chip Ascend mới của Huawei, với cảnh báo rằng việc sử dụng dòng chip này có thể vi phạm các quy định kiểm soát xuất khẩu của Washington. Bộ Thương mại Mỹ tháng trước đã phát hành tài liệu hướng dẫn, cảnh báo công chúng về “hậu quả tiềm ẩn nếu cho phép chip AI của Mỹ được sử dụng để huấn luyện và vận hành các mô hình trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc”.
Lutnick khẳng định Trung Quốc hiện vẫn chưa có khả năng sản xuất hàng loạt chip bán dẫn tiên tiến, cho thấy các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đã kìm hãm bước tiến công nghệ của Bắc Kinh. Ông ước tính Trung Quốc hiện có thể sản xuất khoảng 200.000 chip tiên tiến — loại chip dùng để huấn luyện AI hoặc vận hành điện thoại thông minh — một con số quá nhỏ so với nhu cầu thực tế.
“Họ nói là họ đang sản xuất, nhưng trên thực tế là không,” Lutnick khẳng định.
— Với sự hỗ trợ của Jamie Tarabay, Lynn Doan, Peter Elstrom, và Debby Wu
Theo Bloomberg
Theo phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn
https://phattrienxanh.baotainguyenmoitruong.vn/noi-cac-donald-trump-dang-dieu-chinh-lai-cac-tro-cap-danh-cho-nha-san-xuat-chip-ban-dan-53373.html
Tặng bài viết
Đối với thành viên đã trả phí, bạn có 5 bài viết mỗi tháng để gửi tặng. Người nhận quà tặng có thể đọc bài viết đầy đủ miễn phí và không cần đăng ký gói sản phẩm.
Bạn còn 5 bài viết có thể tặng
Liên kết quà tặng có giá trị trong vòng 7 ngày.
BÀI LIÊN QUAN
Truy cập nhanh
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 30/ GP-STTTT do Sở Thông Tin và Truyền Thông thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 24/12/2024
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Võ Quốc Khánh
Trụ sở: Lầu 12A, số 412 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bàn Cờ, Thành phố Hồ Chí Minh
Điện thoại: (028) 8889.0868
Email: bientap@bloombergbusinessweek.vn
© Copyright 2023-2025 Công ty Cổ phần Beacon Asia Media